thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trăng trên thung lũng Jerusalem [III]
Bản dịch Nguyễn Thu Hồng

 

SHMUEL YOSEF AGNON

(1888-1970)

 

 

TRĂNG TRÊN THUNG LŨNG JERUSALEM

 

 
 

III

 

Tôi vào mặc áo quần và trở ra với Gamzou. “Có phải anh đến lấy tiền lại không?” tôi hỏi anh ta. Anh nhìn tôi với cặp mắt buồn. Anh có vẻ bối rối và nói bằng giọng nghẹn ngào: “Xin anh cho tôi vào nhà.” Tôi dẫn anh vào và mời anh ngồi. Anh nhìn quanh, im lặng, và cuối cùng anh nói lắp bắp: “Vợ tôi.” Sau một hồi im lặng, anh nói thêm: “Tôi về nhà và không thấy vợ tôi nữa.” Tôi hỏi: “Anh định làm gì đây?” Anh trả lời: “Xin anh tha lỗi cho vì tôi vào nhà quá đột ngột như thế này. Anh có tưởng tượng được câu chuyện xẩy ra cho tôi như thế nào không? Tôi từ nhà nguyện ra, tôi đến đó để đọc hồi kinh chiều, tôi trở về nhà để săn sóc vợ tôi và tôi thấy giường nàng trống không. Tôi trở ra đường đi tìm nàng. Gió thổi mạnh về hướng Bắc, thổi mạnh về hướng Nam, xoay tròn, nó xoay, nó xoay, và thổi luân hồi như vậy. Bất ngờ tôi vào đến vùng này, vào nơi thung lũng này, mà tôi cũng không biết làm sao tôi vào đến đây được nữa. Tôi thấy một ngôi nhà và tim tôi bảo tôi vào. Tôi biết làm như vậy chẳng có nghĩa lý gì cả, nhưng tôi cũng cứ đi tới và tôi rất sung sướng được gặp anh ở đây. Anh cho phép tôi nghỉ một lát, rồi tôi sẽ đi.” Tôi nói với anh ta: “Xin lỗi anh, anh Gamzou ạ, tôi nghe nói vợ anh không hề rời khỏi giường chị ấy kia mà.” “Vợ tôi không bao rời khỏi giường,” Gamzou nói. “Trong trường hợp đó,” tôi bảo, “thì làm sao anh lại thấy cái giường trống không được. Nếu chị không xê dịch, thì làm sao chị có thể rời khỏi giường và làm sao chị ra đường được?” Anh nói giọng rên rỉ: “Nàng bị chứng mộng du.”

Sau một hồi im lặng, tôi lặp lại mấy chữ đó dưới hình thức một câu hỏi: Chị bị chứng mộng du?” Gamzou trả lời: “Nàng bị chứng mộng du.” Tôi nhìn anh ta như một người được nghe kể một câu chuyện gì ghê gớm lắm. Anh cảm thấy được điều đó nên anh nói: “Mỗi đêm, khi ánh trăng thật tỏ, vợ tôi rời khỏi giường ngủ và theo ánh trăng đi khắp nơi.” Tôi không khỏi cằn nhằn anh ta: “Thế mà anh không đóng cửa lại à?” Gamzou bật lên một tiếng cười khẩy tinh ranh: “Tôi có đóng cửa chứ,” anh nói. Tôi hỏi: “Nếu anh đóng cửa, làm sao chị ấy đi ra được?” Gamzou trả lời: “Cho dù tôi có treo lên cửa đến bảy cái ống khoá, có khoá lại bằng bảy chìa khoá khác nhau, và có ném mỗi chiếc xuống một trong bảy bờ biển của xứ Do thái, thì vợ tôi cũng sẽ tìm thấy được tất cả, nàng sẽ mở cửa và sẽ ra đi.”

Tôi ngồi im lặng một hồi, anh ta cũng thế. Rồi, tôi hỏi anh: “Anh biết chị bị chứng mộng du từ hồi nào vậy?” Anh đưa tay ôm trán, đặt hai ngón cái trên thái dương và nói: “Tôi biết từ lúc nào à? Từ ngày tôi quen nàng.” Tôi lại ngồi im, nhưng không lâu: “Và điều đó không ngăn cản anh cưới chị ấy à?” Anh ta bỏ nón xuống, lấy trong túi ra một cái mũ chỏm, đặt nó lên đầu và, sau một hồi, anh nói: “Anh hỏi gì nhỉ?” Tôi lặp lại câu hỏi. Anh mỉm cười và bảo: “À, không, điều đó không ngăn cản tôi cưới nàng. Trái lại, khi tôi gặp nàng lần đầu tiên, nàng đang đứng trên đỉnh một tảng đá tận chóp một ngọn núi không ai lên đến được. Mặt trăng toả ánh sáng xuống người nàng và nàng hát yedal yedal yedal va pa ma, tôi tự nhủ: nếu nàng không phải là một trong những thiên sứ giao cảm với những thiên thần của Chúa – xin ngợi ca Người – thì nàng cũng phải là một trong mười hai cung của hoàng giới và nàng là cung Trinh Nữ. Tôi đi tìm cha nàng và nói: ‘Tôi xin cưới con ông.’ Ông ta bảo: ‘Này con, con biết là Guemoula bệnh như thế và con vẫn cứ muốn cưới nó sao?’ Tôi trả lời ông: ‘Xin Chúa nhân từ ban phúc cho chúng con.’ Ông ngẩng mặt lên trời và nói: ‘Chúa của loài người, người này từ nơi xa xôi đến đã biết thương xót, huống hồ Chúa, vốn vẫn ở gần chúng con biết bao!’ Ngày hôm sau, ông gọi tôi đến: ‘Con hãy theo ta,’ ông bảo. Tôi đi theo ông và chúng tôi đến một ngọn núi cao, nằm trong một dãy núi cao vút tận trời. Chúng tôi leo lên núi, nhảy từ hòn đá này qua hòn đá khác, cho đến khi chúng tôi tới dưới chân một tảng đá dốc đứng. Ông đảo mắt nhìn quanh ông. Sau khi thấy không có ai, ông cúi người xuống, đào dưới tảng đá và giở một cục đá lên. Một cái hang hiện ra và ông ta chui vào đó. Khi ông trở ra ông cầm trên tay một cái bình bằng đất sét và nói: ‘Chúng ta đi về đi!’ Dọc đường, ông mở bình ra và cho tôi xem một gói lá khô. Trong đời tôi chưa bao giờ được thấy thứ lá kỳ lạ như vậy. Và trên những chiếc lá đó, có những nét chữ lạ lùng, viết đẹp, nét thật khác thường, mà tôi không hề biết. Cả cái màu sắc của những chữ đó, nghĩa là thứ mực được dùng, cũng không phải là màu mực mà ta thường thấy. Mới nhìn vào, tôi nghĩ người viết đã trộn màu vàng, màu xanh da trời và màu đỏ đậm với tất cả các màu của cầu vồng trước khi vẽ ra những chữ đó. Và trong lúc tôi nhìn, thì những chiếc lá ấy đổi màu và trở thành màu xanh của loài rong rêu mà người ta lấy lên từ dưới đáy biển, giống như những chiếc lá mà giáo sư Rachnitz đã đi tìm dưới biển Jaffa. Cũng có những chiếc lá trắng bạc như mặt trăng. Tôi nhìn những chiếc lá, tôi nhìn những hàng chữ và tôi nhìn cha Guemoula. Lúc đó ông có vẻ như một người bị đưa từ thế giới này qua một thế giới khác. Và những gì, lúc ban đầu, tôi ngỡ là tưởng tượng bắt đầu trở nên rõ ràng như là chính sự thật. Anh đừng hỏi tôi tất cả những thứ đó có nghĩa gì, tôi không thể trả lời anh được đâu. Tôi ngạc nhiên có thể thuật lại một câu chuyện như vậy. Tôi không đủ danh từ để nói. Dù sao chăng nữa, đối với tôi câu chuyện còn rõ hơn là khi người ta đem giải thích nó bằng cả một lô chữ. Tôi không còn nói được nữa và tôi cũng không còn sức để hỏi bất cứ một câu gì. Không phải những chiếc lá hay những chữ viết đã gây ra sự kiện đó, mà chính là cha của Guemoula. Còn về phần những chữ viết, chúng đã mất tất cả những màu sắc mà tôi đã để ý thấy lúc đầu và đã thay đổi hẳn. Tôi không biết chắc thế nào và từ bao giờ sự kiện đó đã xẩy ra. Trong lúc tôi đang đứng đó hết sức kinh ngạc, thì cha của Guemoula bỏ những chiếc lá vào bình lại và chỉ nói với tôi như thế này: ‘Đó là những cánh lá có quyền lực gây ảnh hưởng trên những thiên thể.’

“Một năm sau, trước ngày đám cưới của chúng tôi, ông bảo tôi: ‘Con còn nhớ chiếc lá mà ta đã đưa cho con xem trên núi chứ? Con có biết mấy cái đó là gì không?’ Ông cúi xuống và nói nhỏ vào tai tôi: ‘Một trong những chiếc lá đó, nhưng ta không nhớ là chiếc nào, gây được ảnh hưởng trên tầng không khí bao quanh mặt trăng và trên cả mặt trăng nữa. Ta cho con hết đấy. Con còn giữ được những chiếc lá đó lâu chừng nào, thì con còn có thể hướng bước chân của Guemoula để nó khỏi vấp ngã dọc đường. Cho đến ngày nay ta vẫn chưa đem chúng ra khỏi chỗ ta giấu. Con có biết tại sao không? Bởi vì ngày nào Guemoula còn chịu nằm yên, giữa sự thảnh thơi, thì nó không cần đến chúng. Nhưng vì tuổi yêu đương đã đến, nghĩa là lúc phải sống với người đàn ông và lấy sức mạnh nơi người đàn ông, nó phải chịu một thứ ảnh hưởng khác và bản chất con người nó phải thay đổi. Khi những đêm trăng tới, con hãy đem những cánh lá đó ra, để chúng trên cửa sổ, đối diện với cánh cửa lớn, lấy cái gì phủ lên để không ai thấy và ta bảo đảm với con là nếu Guemoula ra khỏi nhà, nó sẽ trở về với con trước khi trăng lặn.’”

Tôi nói tiếp với Gamzou: “Đêm nay có lẽ anh đã quên những lời dặn dò của ông nhạc anh rồi.” Gamzou nói: “Tôi không quên.” Tôi bảo: “Thế thì làm sao việc lại xẩy ra như thế này được?” Gamzou đưa hai bàn tay không ra và nói, như tự nhủ với mình: “Gavriel, lá bùa của mày đã đi mất rồi!” Tôi hỏi anh ta: “Lá bùa đã mất quyền lực rồi sao?” Anh trả lời tôi: “Quyền lực vẫn không rời khỏi chiếc lá, mà chính tôi đã đánh mất chiếc lá rồi.” Tôi hỏi anh: “Vợ anh xé nó à?” Anh bảo: “Vợ tôi không có xé nó; mà lỗi là tại tôi; tôi đã bán nó, bán vì một sự nhầm lẫn. Hôm đó có Đại hội các nhà Bác học. Rất nhiều nhà bác học tụ tập tại Jérusalem. Vài người trong số đã đến nhà tôi để mua sách và bản thảo. Cả một đám người đi lui đi tới không ngớt. Người thì lật qua những quyển sách mà tôi để ra một bên, kẻ thì giành lấy những quyển sách trên tay đồng nghiệp của họ và có lẽ vì thế mà cái gói lá của tôi vào trong đống bản thảo và tôi đã đem bán đi, nhưng tôi không còn nhớ đã bán cho ai. Tuy nhiên tôi cần phải nhớ cho ra, vì tôi vẫn luôn luôn biết tôi bán bản thảo cho ai. Số mười hai đồng tiền mà tôi đã thu được, tôi đã đem gửi anh để giữ một chỗ nằm trong bệnh viện dành cho những bệnh nhân nan y.” Gamzou lấy hai tay ôm trán và siết chặt hai thái dương. Rồi dùng một ngón tay, anh bắt đầu dụi con mắt mù của anh. (Gamzou bị chột một mắt và khi nào anh ta bị cảm xúc mạnh, thì anh dụi con mắt đó cho đến khi nó đỏ lên như một miếng thịt sống mới thôi). Sau đó, anh ta lau ngón tay và nhìn tôi, chắc hẳn anh chờ tôi nói điều gì. Nhưng tôi không nói gì cả, tôi vẫn im lặng. Chính anh ta lại mở lời: “Nhiều khi tôi có cảm tưởng như là Guemoula biết người nào mua. Có thể là cái ông haham[1] thành Jérusalem, là người đã sống cùng quê với Guemoula hồi tôi còn ở Vienne. Tôi có hai bằng chứng. Thứ nhất, là ngày hôm đó, nàng hát luôn miệng bài yedal yedal yedal; thứ hai, là nàng bắt đầu nói lại thứ tiếng của miền nàng, thứ tiếng mà nàng không dùng để nói kể từ khi nàng rời khỏi nhà cha. Có thể là chính cái ông khách hàng kia đã là nguyên nhân của việc này. Khi nàng thấy ông ta, nàng nhớ lại lúc ông ta đến thăm nhà hồi nàng còn sống ở quê hương. Lúc đó ông ta ăn mặc như là một ông haham ở Jérusalem; thành phố thánh đã che chở cho ông khỏi tay người ngoại đạo.”

Anh ta lại dụi con mắt mù, con mắt có vẻ mỉm cười dưới mấy ngón tay của anh như để chế nhạo cái xui xẻo của anh, như để mỉa mai một kẻ đã đem bán đi những vật hết sức quí báu của đời mình và đời vợ mình. Về phần tôi, tôi không chế nhạo anh. Trái lại tôi tội nghiệp cho anh. Một ý nghĩ thoáng qua đầu tôi: “Phải chăng chính Giáo sư Guinath đã mua của Gamzou những chiếc lá mầu nhiệm kia? Greifenbach đã cho tôi biết là Guinath có một sưu tập nhiều bùa chú. Có lẽ ông ta đã cho Greifenbach bớt một lá, thứ mà ông có hai cái. Tôi hỏi Gamzou: “Những chữ mầu nhiệm được viết ở đâu, trên giấy thường, hay trên giấy thuộc?” Gamzou trả lời: “Không phải trên giấy thường, không phải trên giấy thuộc, cũng không phải trên da, mà, như tôi đã nói, trên những chiếc lá.”

Tôi tính toán rồi đi đến kết luận là không thể nào Guinath là người mua được, vì Đại hội các nhà Bác học chỉ được nhóm sau ngày kỷ niệm mười năm đám cưới của Greifenbach, và nếu có trước đi nữa, thì cũng không ai có thể có ý nghĩ rằng một người Âu châu như Guinath lại có thể ăn mặc như một vị haham của thành Jérusalem được và lại làm cho người khác tưởng như vậy thật.

Gamzou đọc nhiều, học nhiều, phụng sự cho nhiều nhà bác học, và anh đã đi khắp cả nửa trái đất. Không có một cộng đồng Do thái nào mà anh ta không đến viếng. Ngoài những bản thảo và những sách xưa, anh đã mang về từ khắp mọi nơi những truyện kể và những truyện thần thoại, những tục ngữ, những ẩn ngữ và những cuộc nói chuyện giữa anh và những du khách khác. Anh ta kể hết cuộc phiêu lưu này đến cuộc mạo hiểm nọ, nhiều đến độ chuyện sau cùng lúc nào cũng có vẻ phụ thuộc vào chuyện trước. Cũng có khi anh ngắt lời một người nào đó để bình giải những gì người kia vừa mới nói ra. Và rồi, quên mất nỗi buồn phiền về vụ những chiếc lá mầu nhiệm không cánh mà bay, anh bắt đầu nói về hiệu lực của những lá bùa. Anh tự tay vấn một điếu thuốc và nói về những đặc tính khác nhau của những lá bùa, theo ý anh còn hiệu lực hơn là đặc tính của những thứ thuốc chữa bệnh: phần lớn những thứ thuốc mà chúng ta tìm ra trong sách của các bậc tiền bối không còn giá trị gì nữa, vì những định luật trong bản chất của con người đã thay đổi. Cơ cấu thân thể người ta thay đổi, thì những thứ thuốc cũng thay đổi vậy. Nhưng những lá bùa thì lại không phải tuỳ thuộc vào sự thay đổi đó; những đặc tính và những hiệu lực của chúng vẫn bất biến, vì những thứ ấy được nối liền vào những vì tinh tú và những vì tinh tú luôn luôn vẫn y nguyên như vậy từ ngày được đặt nằm trên trời và người ta vẫn nhận ra được ảnh hưởng của chúng trên tất cả các tạo vật và đặc biệt là trên con người. Bản chất của con người và số mệnh của họ tuỳ thuộc ngôi sao dưới đó họ được sinh ra. Tất cả đều tuỳ thuộc những ngôi sao, kinh Talmud[2] nói như thế. Có những vì sao đem lại cho ta đạo lý và những vì sao khác cho ta sự giàu sang. Bệnh tật của con người cũng vậy, cũng phải chịu ảnh hưởng của những ngôi sao, bởi vì Chúa – xin ngợi ca Người – đã cho chúng ta quyền lực làm điều tốt và điều xấu trên trần gian này. Chính trái đất, trái đất cũng thay đổi tuỳ theo những ngôi sao. Cũng như Ibn Ezra đã nói trong bài bình luận của ông trong cuốn Exode,[3] những vùng khác nhau của trái đất thay đổi tuỳ theo ngôi sao nằm phía trên chúng và ông cũng viết là những nhà bác học thiên về khoa chiêm tinh đều sẽ hiểu được điều này. Tuy nhiên, không nên gán cho những ngôi sao cái quyền lực và ý chí riêng biệt; cả cái sức mạnh và ý chí của chúng, là của Đấng đã tạo ra chúng, nắn chúng thành hình và bắt chúng làm việc cũng như người ta giao việc cho những giáo sĩ vào những buổi tối Ngày Lễ Xá Tội[4] trong Đền Thánh, để họ khỏi buồn ngủ.

Thế thì, xét cho cùng, tại sao Chúa – xin ngợi ca Người – cần đến những vì sao? Chúa đã tạo nên tất cả cho chính mình: cho vinh danh và cho sự ngợi khen của Chúa, như người ta đã viết: “Hãy cất cao giọng để cám ơn Ngài.” Và như vua David đã nói: “Thần thánh nói lên vinh danh của Chúa và thinh không ca ngợi công trình của bàn tay Chúa.” Tất cả những gì Chúa đã tạo, Chúa tạo ra cho Do thái để Do thái biết cách ngợi khen Chúa – xin ca ngợi Người – và ca ngợi vinh danh Chúa, hầu thực hiện được lời nói sau đây: “Ta đã tạo ra dân tộc này để làm sáng danh ta.” Những vì sao, cũng như các thiên thần, cũng nửa âm nửa dương. Trên trời, cũng như dưới đất. Chữ “thần thánh” có số chữ bằng với số chữ của các chữ “dương” và “âm.” Bởi thế cho nên các vì sao cảm thấy thu hút lẫn nhau, cũng như dưới đất, đàn ông và đàn bà vậy. Mỗi người đi theo vì sao của mình. Vậy chứ khi những người con trai của Benjamin[5] bắt cóc các cô gái ở Silo trong những vườn nho để cưới, thì họ tin vào đâu? Họ không sợ rằng những cô gái đó có thể không xứng đôi với họ sao? Nhưng họ đã biết rằng Đền Thánh sẽ được dựng lên trên đỉnh cao của lãnh thổ họ cho cả xứ Do thái. Và bởi vì cờ hiệu của Benjamin giống như những cờ hiệu của các bộ lạc khác, họ chắc chắn các cô gái bị bắt cóc đều đã được định mệnh chỉ định làm vợ họ.

 

[còn 4 chương]

 

_________________________

[1]Hay hakim, người khôn ngoan, hiền triết – chức vị dùng gọi những giáo sĩ và bác học. Số nhiều là hahamim.

[2]Pháp điển Do thái.

[3]Sách trong Cựu Ước nói về cuộc di cư của người Do thái ra khỏi Ai-cập.

[4]Yom-Hakippourim, hay Yom-Kippour.

[5]Con út trong 12 người con của Jacob trong Thánh Kinh.

 

-------------------------
“Trăng trên thung lũng Jerusalem” dịch từ bản Pháp ngữ của Rachel và Guy Casaril trong Les Contes de Jérusalem (Paris: Albin Michel, 1959). Tập truyện tiếng Pháp, theo bài tựa, là một tập tuyển những truyện ngắn và những đoạn trích văn rời rạc của Ch.-Y. Agnon do chính các dịch giả người Pháp chọn và sắp xếp. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Thu Hồng đã được in thành sách năm 1969 ở Saigon, do Nhà Trình bầy xuất bản, dưới cùng tên truyện, Trăng trên thung lũng Jerusalem, 176 trang, Diễm Châu giới thiệu, bìa & phụ bản Hoàng Ngọc Biên.
 

 

Đã đăng:

... Tất cả mọi ân sủng đều nằm trong cái im lặng tuyệt diệu của buổi ban đêm phía dưới những thung lũng của thành phố Jérusalem. Người ta tưởng những thung lũng đó tách biệt khỏi thế giới và đồng thời cả thế giới lại nằm trong những thung lũng đó... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... Tôi cầm tách trà trong tay; tim tôi bắt đầu đập và trong tiếng tim đập, tôi thấy được một thứ tiếng dội đang bắt đầu dồn dập. Điều này không làm cho tôi ngạc nhiên, vì từ khi tôi đọc những bài thánh ca Eynam, tôi đã nghe thấy tiếng dội của một bài hát cổ từ những thời đại đầu tiên của lịch sử và được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Cái vỏ cam (truyện / tuỳ bút)  - Agnon, Shmuel Yosef
Đây chỉ là câu chuyện một cái vỏ cam vứt giữa đường. Thật ra đây là một cái vỏ rất thường, người ta có thể tìm thấy hàng chục cái tương tự trên khắp các lề đường và dưới những đường mương, trên khắp các công trường và trong những sân nhà, nói vắn tắt là khắp mọi nơi trong Thành... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)

-----------

Mời độc giả xem bài nhận định "Đi tìm một ngôn ngữ đã mất: AGNON GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI" của Diễm Châu.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021