thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyện không thể khác!

 

 

CHUYỆN KHÔNG THỂ KHÁC!

 

Ngày tôi còn bé, mẹ tôi kể, mỗi lần bà cho cái gì, tôi nắm chặt trong tay không chịu buông, giữ cho đến khi vật đó có mùi chua lét. Khi đòi cái gì không được, tôi đập đầu vào tường khóc thét, giận hờn. Lớn lên, thời tuổi trẻ nồng nàn và đầy nhiệt huyết, tôi thường suy nghĩ tích cực và ít khi nào chịu đầu hàng số phận. Tôi đọc được một ý tưởng ở đâu đó rằng: “Nếu không ra khơi, làm sao bạn biết mình vững tay chèo?”. Thế là sóng gió cuộc đời tôi nổi lên từ đó. Sau này, sống nhiều hơn, sự tích cực trong tôi bị bào mòn và tôi bắt đầu biết chấp nhận những sự bất lực, nếu có, trước cuộc sống. Những tư tưởng như “It is what it is” hoặc “That‘s life” thường lảng vảng trong đầu tôi mỗi khi gặp chuyện không tìm ra phương giải quyết. Thái độ bằng lòng với hiện thực này, theo bản năng, làm tôi khó chịu, nhưng tôi nghĩ kỹ, tốt hơn nên học chịu đựng và neo con thuyền cảm xúc lòng mình vào một con vịnh bình yên. Bốn mùa, mưa bão, mặt trời lên, gió thổi, trăng tan hay những điểm lặp lại chán chường của thời gian có phủ lên, tôi vẫn thấy nhẹ nhàng, thanh thản hơn.

Nhận được tin anh Phùng Nguyễn ra đi, tôi và các bạn bè anh, ai cũng bàng hoàng xúc động, vì nó quá nhanh, quá đột ngột như một tích tắc. Tôi ngỡ ngàng, sửng sốt, (mới nói chuyện qua email cùng anh vài hôm trước thôi), làm việc quên trước, quên sau. Mùa đông gió chướng về, thổi đi nhiều linh hồn, ray rức kẻ ở lại biết bao nhiêu. Nhưng cuối cùng, tôi cũng chấp nhận sự việc một cách an nhiên, khi nhớ lại câu anh đã viết ngắn trong một trò chơi “Tại vì, chuyện không thể khác được”. Cuối cùng anh cũng phải lên đường như bao cuộc lên đường khác của kiếp con người. Cuộc ra đi nhanh như một mũi tên, nhưng đẹp, vì sống là một cử chỉ đẹp, chết cũng vậy. Tuy nhiên câu viết đùa như một triết lý sống ấy, ngày nào, còn gây ấn tượng mạnh trong tôi.

Câu trả lời “Tại vì, chuyện không thể khác được” của anh Phùng Nguyễn trong một trò chơi “Tại sao, tại vì”, do Nguyễn thị Thanh Bình bày ra hôm họp bạn tại nhà Lê Bi, sau một buổi hội thảo văn học, đã làm mọi người trong cuộc cười đau cả ruột. Người tham dự được chia làm hai nhóm viết vào những mảnh giấy gấp lại một câu ngắn gọn cho hai chủ đề phe của mình hoặc “Tại sao” hay “Tại Vì”. Trò chơi thú vị bỗng biến thành một cú “gậy ông đập lưng ông” cho Thanh Bình. Ông trọng tài tinh quái Hoàng Ngọc-Tuấn đã mở ra và chọn ra hai câu, hỏi và trả lời từ hai nhóm, tình cờ mà rất hợp tình, hợp lý. Câu hỏi nghịch ngợm “Tại sao anh không lên nổi?”của Thanh Bình, và câu trả lời rất ý nhị của Phùng Nguyễn:“Tại vì... chuyện không thể khác đi được!”đã thắng giải, và hai người thắng giải phải hôn nhau như lời đề nghị lúc ban đầu do Thanh Bình đưa ra khi cắt nghĩa về luật chơi.

Tôi không thể nào quên dáng vẻ lừng khừng, cái nhún vai tưng tửng rất gàn bướng của anh Phùng khi anh lập đi lập lại câu “Chuyện không thể khác đi được”, lúc Thanh Bình đến gần năn nỉ anh, cố gắng “chạy tội”, không cho anh hôn.

Ừ nhỉ, cũng dáng vẻ đó, đã đi, về, như con thoi Bakersfield, Little Sài Gòn, những cuối tuần, ngày xưa. Lúc vào chỗ này uống cà-phê, khi ghé chỗ kia tham dự các buổi họp mặt cùng chúng tôi. Anh luôn ít nói, mà khi nói, thì câu nào ra câu ấy. Nhất là khi đùa, mặt anh vẫn nghiêm trang, như chưa bao giờ anh từng biết đùa giỡn với cuộc đời.

Anh đã gia nhập nhóm chủ trương Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng từ những ngày đầu như Phó Biên Tập, với Phạm Chi Lan là người Biên tập và chủ trương tờ báo cùng Diễn Đàn Ô Thước. Tuy nhiên, lúc tôi vào nhóm, anh đã rời khỏi. Anh có thơ và truyện ngắn đăng trên Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng. Sau, tôi thường gặp anh ở nhà Nguyễn Hương, nơi chúng tôi hay tụ họp vào những dịp cuối tuần, khi có các bạn văn từ nơi xa đến. Ngày đó, thật vui. Ngày Hợp Lưu, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, Văn, Văn Học đang vào những thời kỳ cực thịnh. Gian phòng khách nhà Nguyễn Hương là nơi dừng chân của nhiều bạn hữu. Những Đặng Thơ Thơ, Lê Thị Thấm Vân, Ông Thuỵ Như Ngọc, Bùi Vĩnh Phúc, Cao Xuân Huy, Phùng Nguyễn, Tạ Chí Đại Trường, anh chị Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Y Thư, anh chị Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Hoàng Nam, Trần thị Ngh, v.v. Ấy là những lần kể chuyện văn thơ, chuyện đời thường, vui buồn, đàn hát. Khuya về, Thấm Vân nằm co trong chiếc sofa nghe ban tam ca Nguyễn Hương, Đặng Thơ Thơ, Trịnh Thanh Thủy đồng ca nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và cả Cải Lương theo ngẫu hứng. Tôi thì say mê nghe Thơ Thơ đàn và hát những ca khúc tuyệt vời mà Thơ Thơ mới sáng tác. Anh Phùng cũng mê hát nhạc Trịnh, nhưng ít khi thuộc bài nên luôn nhập bọn đồng ca, tùy bài, tùy khúc. Có lần chị Nguyệt Hồng bên Việt Nam qua rap thơ, nhạc, cho chúng tôi nghe, thật là thú vị.

Khi anh Phùng giã từ Hợp Lưu ra hợp tác cùng Thơ Thơ, Anh Đào, lập trang Da Màu (2006), nhịp sinh hoạt họp mặt bạn hữu ở nhà Nguyễn Hương vơi đi và rồi tắt hẳn vì những lý do riêng của Nguyễn Hương. Anh có trở lại với Diễn Đàn Ô Thước (được đổi tên là Cầu Khỉ) nhưng anh hoạt động thưa thớt vì bận rộn bên Da Màu. Tôi hỏi đùa anh “Người ta bảo, muốn hại người nào thì xúi người đó làm báo, sao anh từ giã Hợp Lưu lại vào làm Da Màu?” Vẫn cái nhún vai kiểu bất cần đời “Ừ, chẳng hiểu tại sao.” Có lẽ dòng máu văn nghệ trong người anh vẫn còn luân lưu như dòng nước nóng chảy ngầm trong đại dương nên anh không thể ngừng hoạt động. Trang mạng Da Màu ra đời như một cái cây mới trồng tươi non xanh tốt mà bài vở văn thơ hoạ là lá, thân cây lại chính là webmaster cột trụ. Một trang mạng mà không có một webmaster thì không thể thành hình. Ngược lại, một trang mạng văn học nghệ thuật mà không có nội dung của những người viết thì trang mạng chẳng có giá trị gì. Cái cây Da Màu ngày càng lớn mạnh trổ cành trổ lá xum xuê, nhưng công lao của người webmaster đứng sau hậu trường là anh Phùng, từ những ngày đầu, rất lớn. Sau này, nhờ Lê Đình Nhất Lang gia nhập, Ban Biên Tập Da Màu có thêm một người trợ giúp đỡ anh Phùng rất đắc lực trong phần kỹ thuật.

Đối với tôi, anh luôn là một người anh vô cùng dễ thương, hoà đồng cùng bạn bè, cùng mọi người, và được nhiều người thương mến. Anh thường giúp đỡ tôi chuyển và đăng bài viết cho Da Màu. Một lần anh Phùng và Nhất Lang đã thức khuya cùng anh Hoàng Ngọc-Tuấn và Hoàng Ngọc Diêu chỉnh sửa trang Da MàuDa Màu bị hacked. Trong lúc Da Màu đăng một bài viết của tôi, anh Hoàng Ngọc-Tuấn vào đọc và tình cờ phát giác ra trang Da Màu bị hacked, thế là chúng tôi cùng nhau hội luận để tìm phương giải quyết. Nhờ những webmasters bên Tiền Vệ như Hoàng Ngọc Diêu và bên Da Màu như anh Phùng và Nhất Lang, hai trang mạng vẫn sống khoẻ, sống hùng cho đến ngày nay. Chưa bao giờ tình thân giữa hai trang mạng Tiền VệDa Màu lại gắn bó đến thế. Trong lúc hoạn nạn, hai bàn tay từ Hoa Kỳ và Úc vươn ra, bắt lấy nhau chặt hơn bao giờ. Hai trang mạng còn có mặt trong các buổi hội thảo ở Hoa Kỳ, như buổi hội thảo về “Thực trạng và xu hướng của văn học Việt Nam hiện nay" do các diễn giả: Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn đại diện cho Tiền Vệ, và Phùng Nguyễn đại diện cho Da Màu vào ngày 11 tháng 12 năm 2010, tại Hội trường Việt Báo, Nam Cali. Mới đây cũng ở Hoa Kỳ, trong hai ngày 6 và 7 tháng 12 năm 2014, cuộc “Hội Thảo 20 Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975” do hai trang mạng chủ trương cùng hai nhật báo Người ViệtViệt Báo tổ chức đã diễn ra hết sức thành công.

Kỷ niệm tôi có cùng anh Phùng tuy nho nhỏ, mà đối với tôi nó tròn và đầy. Tôi biết cuộc hành trình văn chương của anh dự tính rất dài. Những con đường anh từng rong ruổi đã ám ảnh anh và thể hiện bàng bạc trong chủ đề những tác phẩm đã viết. Nào là: “Đường đến Ducor”, “Bùa phép ở đường Bourbon”, “Da Màu: một chặng đường, phía bên kia đường”, “Nửa đường”, “Cuối đường”, “Văn học miền Nam 1954-1975: đường về gian nan”.

Hơn ai hết, có lẽ anh biết sự quan trọng của một con đường, vì không có con đường sẽ không có gì để dẫn dắt, hay làm mốc một nơi chốn sẽ đến. Với con đường văn chương, anh chưa đến đích; với cuộc sống, anh chọn Maryland làm chỗ dừng chân và cũng là vùng đất định mệnh cuối cùng anh đã rong chơi. Cuối cùng thật không may, anh đã gục ngã giữa đường. Anh nằm đó bất động, thật yên lặng, nhưng thật bình yên. Giấc ngủ yên ấy thật an lành trên những cụm mây trắng xám mùa đông của mẹ đất. Tôi thấy được nụ cười trên bờ môi trễ muộn của anh trong câu nói “Chuyện không thể khác” ngày nào.

 

Tháng 11, năm 2015
Trịnh Thanh Thủy

 

 

------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021