thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nguyễn Ngọc Tư và “Cánh đồng bất tận”

 

Nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn trẻ thuộc thế hệ hậu chiến (sinh năm 1976) tại tỉnh miền cuối nước Việt là Cà Mau, lớn lên ở đây, đi làm và viết văn cũng ở đây. Cô có sách được xuất bản rất sớm vì có tài viết truyện loại đồng quê cho nhi đồng và thiếu niên, và thường được coi như một thứ Hồ Biểu Chánh mới. Cô có tài viết văn ly kỳ và hấp dẫn, và mặc dù dùng nhiều tiếng “đặc sản của Nam kỳ khởi nghĩa”, vẫn được cả độc giả lẫn Đảng Cộng Sản thích nên đã được trao một số giải thưởng văn chương loại tuổi xanh tuổi hồng tuổi mực tím. Mọi sự đang tốt đẹp bỗng nhiên sóng gió nổi lên, ầm ĩ cả nước và hải ngoại cũng nghe thấy, chỉ vì tập truyện ngắn sau cùng, nhan đề Cánh đồng bất tận của cô do nhà Tuổi Trẻ xuất bản năm 2005 tại Sài gòn. Độc giả thì tìm đọc và thích thú, chính quyền ngược lại nhăn nhó, thậm chí có nguồn tin cho hay có cấp lãnh đạo tỉnh Cà Mau đòi trục xuất cô ra khỏi tỉnh (ngày xưa thời bao cấp biện pháp này có thể làm nhà văn khốn khổ vì đói, mất hộ khẩu, mất hoàn toàn quyền công dân…)

Nguyễn Ngọc Tư viết gì trong “Cánh đồng bất tận” để sóng gió nổi lên dữ dội vậy?

Để cho dễ hiểu, người viết bài này xin kể một sự việc mới xảy ra cho cô ca sĩ của lớp trẻ Mỹ là Britney Spear. Cô ca sĩ này thuộc độ tuổi dưới 20, ăn mặc hớ hênh hở bụng hở rốn vừa nhẩy vừa hát rất là vui vẻ, kiếm tiền như gió. Cho đến khi chiếc đồng hồ sinh học quay đến chỗ cô chợt nhận thấy mình là một đàn bà rồi, cô thôi không nhẩy như con choi choi nữa, mà như một người nữ đang thời xuân sắc. Khi cô đến trình diễn ở vùng Seattle, điệu nhảy của cô đã có những cử động mà mấy bà già trầu Mỹ viết báo chê là dâm tình. Nhưng các bà già trầu Mỹ biết thông cảm: Dĩ nhiên cô phải lớn lên thôi, nhưng giá cô báo trước kịp thời để chúng tôi để con nít ở nhà thì tốt hơn!… Trường hợp Nguyễn Ngọc Tư cũng có điểm tương tự như vậy: Cầm tập truyện ngắn mới xuất bản của cô lên đọc, suốt 13 truyện đầu, thấy cô vẫn dùng bút pháp cũ, vừa bổ vừa lành, già trẻ lớn bé kể cả các đảng viên Cộng Sản lẫn đoàn viên Thanh Niên Cộng Sản HCM, đều thoải mái đọc được. Nói theo ngôn ngữ xếp loại phim ảnh và TV Mỹ, thì thuộc loại mang chữ G (general audiences).

Đùng một cái đến truyện cuối cùng, “Cánh đồng bất tận”, cô chuyển bút pháp từ loại G sang loại R (restricted, giới hạn người được coi), hay M (mature, dành cho người trưởng thành). Nghĩa là nội dung truyện vừa có V (violence, bạo lực), vừa có N (nudity, khoả thân), có S (sex), có R (rape, hiếp dâm)... đủ mục mà các nhà thanh giáo và đảng viên Cộng Sản rất ghét. Trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, Đảng đã khai trừ hầu như toàn bộ văn chương đương đại Tây phương và văn học miền nam Việt Nam và hải ngoại, cũng chỉ vì chúng chứa chấp những yếu tố liệt kê trên. Nay “chúng” len lén chui vào ngay sân sau (Cà Mau), chịu gì nổi, phải trục xuất chúng ngay!

 

Vấn đề bạo lực

“Cánh đồng bất tận” xoay quanh ba bố con chăn vịt, một con gái một con trai, chăn đàn vịt lưu động nhiều trăm con, một hình ảnh quen thuộc trên các đồng ruộng sông nước châu thổ Cửu Long. Ông bố và một đứa con đang lo cho đàn vịt tại một nơi nhiều nước và bùn, bỗng dưng được chứng kiến một màn bạo lực bạo hành một cô gái điếm, dữ dội đến độ chúa Jesus nếu có mặt cũng phải can thiệp, nữa là ba bố con ông chăn vịt:

Và những chân tóc trên đầu chị cũng đang tụ máu. Người ta đã lòn tay, ngoay chúng để kéo chị lê lết hết một quãng đường xóm, trước khi dừng chân một chút ở nhà máy chà gạo. Họ giằng ném, họ quăng quật chị trên cái nền vương vãi trấu. [...] Nhưng đám đông rạo rực chung quanh [...] họ dùng chân đá vào cái thân xác tả tơi kia bằng vẻ hằn học hả hê, quên phứt vụ lúa thất bát cháy khô trên đồng, quên nỗi lo đói no giữa mùa giáp hạt. Cuộc vui hẳn sẽ dài, nếu như không có một ý tưởng mới nảy ra trong cơn phấn khích. Họ dùng dao phay chặt mái tóc dày kia, dục dặc, hì hục như phạt một nắm cỏ cứng và khô. Khi đuôi tóc đứt lìa, được tự do, chị vùng dậy, lao nhanh xuống ghe chúng tôi như một tiếng thét, lăn qua chân tôi, đến chỗ cha, làm đổ những bao trấu cha vừa mới xếp.
 
Đám người ngơ ngác mấy giây để chấp nhận việc con mồi bỏ chạy. Tôi [cô chị] mất mấy giây để háo hức thấy mình nghĩa hiệp như Lục Vân Tiên, tôi lồm cồm xô ghe dạt khỏi bờ, sợ hãi và sung sướng, tôi cầm sào chống thục mạng ra giữa sông, mắt không rời đám người đang tràn ra mé bờ chực lao xuống, nhẩy nhót điên cuồng. [...] Khói trôi về phía sau chúng tôi, mờ nhoè những bóng người đang tuyệt vọng ngó theo, bàn tay nào đó cầm nắm tóc của chị vẫy lên phơ phất phơ phất. [...] Tôi vào trong ghe, lấy áo đắp lên người chị, sao cho che được đôi vú rách bươm và khoảng đùi rướm máu. Chị cười mếu máo, nói cám ơn bằng mắt và thiếp đi.

Người đàn bà bị đám đông đánh tàn nhẫn đến chết này là ai vậy, ai mà bị lynching ban ngày công khai mà không một chức quyền nào hiện diện, không sheriff không Công An, can thiệp vậy? Đó chỉ là một cô gái điếm lưu động vùng quê sông nước đồng lầy:

Cứ mỗi mùa gặt, họ lại dập dìu trên đê, lượn lờ quanh lều của những thợ gặt, những người đàn ông giữ lúa và bọn nuôi vịt chạy đồng. Họ cố làm ra vẻ trẻ trung, tươi tắn nhưng mặt và cổ đã nhão, nhìn kỹ phát ứa nước mắt. Đêm đến, sau các đụn lúa, họ thả tiếng cười chút chít, tiếng thở mơn man… lên trời, làm nhiều người đàn bà đang cắm cúi nấu cơm, cho con bú trong lều thắt lòng lại. [...]
 
Chị, cũng giống như họ, chớm tàn tạ, đói rã ruột ở thị thành mới chạy xuống quê, cất cái quán nhỏ, giả đò buôn bán bánh kẹo lặt vặt, thực chất là làm nghề [điếm].

 

S (sex) ở nông thôn

Từ khi xuất hiện loại truyện đồng quê, thấy truyện tình thì nhiều, truyện tình dục thì ít, còn truyện về sex hầu như không có. Tôi cho rằng tả như thế là thiếu sót, nhất là vì miền châu thổ Đồng Nai Cửu Long, vùng đất mới của Việt Nam, mới khai hoang hay mới lấn chiếm được, là những nơi mà đàn bà phải lao động nặng và chiến đấu cạnh người nam, do đó bình đẳng hơn, và thoải mái về sex hơn những miền đất cũ phương bắc. Ngay trong văn chương của cụ đồ tân học Hồ Biểu Chánh sex cũng đã hiện diện đàng hoàng, tuy sự mô tả chưa kỹ, chưa rõ như văn chương đời sau.

Trong thời kỳ quân đội Mỹ tham chiến ở miền Nam, có lúc Công binh của họ nhận sửa lại cho to rộng hơn quốc lộ 22 dẫn lên Đà lạt. Gái điếm Việt bám sát họ về nông thôn, lên đồi lên núi, mỗi cô thủ một áo mưa dù trời nắng chói chang, đứng ngay gần những lính da đen da trắng đương làm việc. Các sĩ quan có xua đuổi, họ chỉ lùi ra một chút, chỉ đợi một cậu lính nào nổi hứng lén sĩ quan lỉnh ra sau bờ bụi, là các cô theo liền, mang theo một chai nước. Có 5 đô thôi một blowjob, rẻ rề, mại dô. Dĩ nhiên vợ chồng người viết ngồi trên xe chứng kiến và nghe ông tài xế kể về các cô gái điếm này, thấy thật tội nghiệp, nhưng đầy thông cảm. Quì xuống bú một ông Mỹ đen mà có tiền về mua sữa cho con, mua ít gạo cho cả nhà ăn, ai đây là người có quyền phán xử mấy cô?

Nhưng đó là thời chiến tranh, còn bây giờ đất nước đã hoà bình và thống nhất được 30 năm hơn rồi… mà các cô gái điếm lưu động vẫn hiện diện nơi miền “cánh đồng bất tận” hay núi đèo, kể cả đèo Hải vân (cuối thập niên chót thế kỷ 20, khi vượt đèo này, còn thấy các cô gái điếm leo trèo như khỉ ở một điểm có nước, hỏi mới biết bị Công an bố ráp quá, mấy cô trôi dạt ra kiếm khách nơi đây).

Trước khi làm nghề chăn vịt lưu động cùng bố, hai chị em ở với mẹ trong một căn nhà nghèo nàn ven một con sông vùng này. Mẹ chúng đẹp nên, mặc dầu hai con, vẫn làm đông một khúc sông những người ngưỡng mộ. Thành công trong việc tán người đàn bà hai con này là ông bán vải có đầy một ghe vải nhiều mầu và một cái lưng có rất nhiều nốt ruồi. Một buổi trưa hai đứa trẻ ngủ quên trong kẹt bồ lúa, được chứng kiến cảnh: “Đứa mười tuổi quay lưng lại, đứa chín tuổi úp mặt vô áo chị nó, nhưng cả hai vẫn như thấy rõ ràng, trên chiếc giường tre quen thuộc, má nó oằn uốn người dưới tấm lưng chơm chởm những nốt ruồi. Họ cấu víu. Vật vã. Rên xiết”. Khi biết các con đã chứng kiến màn làm tình, người mẹ bỏ đi biệt tích. Ba bố con từ đó sống trên một chiếc thuyền nhỏ có gắn đuôi tôm, nay đây mai đó tuỳ theo đàn vịt.

Cay đắng vì bị vợ bỏ, ông bố có thân hình như anh Vọi trong Trống Mái của Khái Hưng, đi từ đàn bà này sang đàn bà khác nhưng chẳng yêu ai. Một thứ Casanova nông thôn. Ngay cả cô gái điếm con gái ông đã cứu cũng mê ông mà ông chỉ xài vài lần rồi bỏ rơi tại một bến sông. Đứa con trai bỏ đi theo “nàng” vì nàng đã thủ dâm cho “chàng” sướng đầu đời. Còn lại hai bố con tiếp tục kiếp du mục, với đứa con gái đã dậy thì, xinh đẹp như mẹ nó, trong một bầu khí, môi trường của bạo lực, mê tín và nghèo đói thường xuyên tại nông thôn của một đất nước chậm tiến, như biểu lộ trong lời kể của một phụ nữ sau:

Nhưng chẳng tin vào bùa thì còn biết làm gì nữa, chị cũng đã lặn lội tới nhà tình địch, đã xé quần áo của cô ta, xởn tóc, lôi xểnh ra biêu riếu giữa chợ rồi, chị kể. Bằng cái giọng rộn rã, giòn tan chỗ cao trào, rồi chị hết sức chậm rãi, tỉ mỉ, tả cái đoạn chị dùng dao rạch mặt cô ta và xát muối ớt vào (những người quê mình vẫn thường làm chuyện đó rất bình thường, sẽ buồn cười khi có ai đó nói làm vậy là vi phạm điều X chương Y luật hình sự, họ cãi ngay, "Ủa, nó cướp chồng tui thì tui phải đánh cho tởn chớ", với vẻ mặt tự hào ngút ngất, tỉnh bơ, ngây thơ, tựa như một người đi qua trận địa cũ và nói với ông bạn mình, hồi năm bảy hai tui bắn thằng lính cộng hòa ở chỗ này, óc nó nát như chao, con mắt văng ra xa cả thước. Ông bạn chẳng ớn, nói tôi cũng cắt cổ thằng Mỹ ở đây chớ đâu)

Đánh ghen kiểu đó thì dĩ nhiên ông chồng bỏ con bồ và, cũng sợ, bỏ con vợ luôn, chạy theo cô khác : “Ba mùa lúa rồi chị ra đồng một mình. Một mình nuôi con. Một mình nhìn gương, tự ve vuôt và yêu lấy mình...” Bởi thế buổi chiều tới “[...] cha ra đó tắm. Nước chảy re rắt trên khuôn mặt lạnh lùng, nước mỏng tang tràn qua các thớ thịt đỏ au của cha tôi. Chị chợt giật thót người, cài vội cái nút áo bung ra vì không chịu nổi đôi vú căng tức. Dĩ nhiên đến tình trạng đó rồi cái gì phải xẩy ra đã xẩy ra: thêm một người đàn bà trở thành tình nhân của ba tôi, và ba tôi lại mất công bỏ rơi một thời gian sau.

Ông bố nhiều người tình như vậy nên chuyện loạn luân đã không xẩy ra mặc dù con gái càng lớn càng giống mẹ. Còn hai chị em cũng không loạn luân dù ban đêm thường ôm nhau ngủ và cô chị thường mân mê dái tai đứa em trai đã 16 tuổi. Rồi dịch cúm gia cầm xẩy ra, khi

Gió chướng trở ngọn, trên những cánh đồng ủ ê tin buồn. [...] Người ta dùng ý tưởng của Tào Tháo thời Tam Quốc, “thà giết lầm còn hơn tha lầm”, dồn tất cả vịt trên cánh đồng lại và đào hố chôn. [...] Họ bắt đầu trùm kín mình bằng những bộ đồ đi mưa. Họ rải vôi trên những hố chôn lớn bằng mấy khẩu đìa cộng lại. Họ tọng những con vịt còn sống, còn giãy dụa, còn gào thét vào bao tải, buộc miệng và quăng xuống đó.
 
Đám nuôi vịt chạy đồng tụm lại ở một chỗ, cúi mặt vào lưng nhau. Họ xót của, tiếc tiền, họ cảm nhận được sự kiệt quệ, đói nghèo đang vây bủa.

Đứa em trai bỏ đi rồi, cô gái xinh đẹp mất đi một vệ sĩ tự nhiên, do dó bọn cướp đồng bắt đầu rình rập hai bố con. Lợi dụng một lúc ông bố đi trước, “Ba người họ ập tới từ phía sau, quây lấy tôi, quần áo vẫn đẫm bùn, mặt mũi sưng sỉa. [...] ròng rãi trên khoé miệng. [...] [Tôi] bị ghì ngửa trên mặt ruộng bì bõm nước. Tôi ngạc nhiên thấy bầu trời im sẫm. Mênh mông. [...] Ngoái nhìn về phía cha và thấy ông lầm lũi phía xa, tôi mong ông đừng quay lại. Sau đó thử chống cự một lần, rồi thôi, sự vùng vẫy chỉ kích thích lòng ham muốn. Tôi không muốn bị đè nghiến, bị vùi nghẽn trong bùn.”

Nhưng ông bố nghe tiếng vật lộn, quay lại, lao vào đám cướp đồng, nhưng không địch lại số đông. Ông cũng đấm trúng mặt một tên… Tên này trả đũa bằng cách đè cứng ông xuống bùn, chỉ để nhô ra đôi mắt chứng kiến con gái bị hiếp như thế. Mới đầu cô khá bình thản vì quá biết cái gì phải xẩy ra, nhưng là con gái còn trinh, thì phải đau thôi:

Đầu tiên là sự xé toạc, và từ rách nát, đau đớn như lũ kiến cánh được được giải thoát, chúng bò rân khắp thân thể, tôi thấy mình đang chết. Rồi ký ức ùa về kinh hãi, vẻ mặt má tôi cái hôm bị người bán vải đo lên người hình như không phải là khoái lạc thăng hoa, nó giống như tôi bây giờ, đau ràn rụa, nhói tận chân tóc. Trời ơi, tại sao không nhận ra điều đó, ngay lúc ấy... Mặt trời le lói ánh sáng trở lại khi trên đồng chỉ còn hai thân thể nhàu nhừ. [...] Người cha cởi áo trên người để đắp lên đứa con gái. Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì để có thể che cơ thể nó dưới mặt trời. Dường như đứa con gái đang chết, chỉ đôi mắt là rưng rưng chớp mở không thôi.

Đến đây “Cánh đồng bất tận” có vẻ như một thảm kịch hẳn hoi. Nhưng nếu nghĩ như vậy thì bi quan quá. Cô gái Ý mười lăm tuổi bị một toán lính Maroc đè ra hiếp trong một nhà thờ bỏ hoang, bà mẹ sợ con bị sốc nặng, kêu khóc ầm ĩ um sùm trong phim The two women, do Sophia Loren đóng vai người mẹ, quay theo một truyện của Alberto Moravia. Đến chiều thì bà mẹ bớt lo lắng khi rình thấy con gái ngồi xoạc hai chân trên dòng suối, thản nhiên té nước lên rửa chỗ đó của mình. Hậu quả của vụ hiếp dâm tập thể chỉ làm cô gái về sau thích ngủ với nhiều đàn ông một lúc. Bà cô Tâm của nhân vật nữ trong Thiên đường mù của Dương Thu Hương, chính cái bà khi cô cháu đi du học Liên Xô về đến thăm, đã giơ tay xoa hai vú cháu rồi kêu lên: “Đi du học mà mất cả vú vê như thế này, làm sao lấy chồng!” Bà cô già không chồng nuôi cháu thay con này đã có lúc tâm sự: Nếu đêm bị đè ra hiếp giữa đồng, cô đừng kháng cự thì bây giờ đã có con để nuôi không… Vậy cô gái chăn vịt trong “Cánh đồng bất tận” sau khi bị hiếp, câu đầu tiên thốt ra là hỏi bố :”Không biết con bị có con không, hả cha?”, cũng không có gì để ngạc nhiên nhiều.

Đoạn chót của truyện mang vẻ “lạc quan cách mạng”, như một một thoáng nắng chiếu xuống đầm lầy, như sau: “Đứa con gái thoáng nghĩ, rớt nước mắt, trời ơi, có thể mình sẽ sinh con.Nhưng nó chấp nhận việc ấy, dù phũ phàng (với nó, chấp nhận cũng là một thói quen). [...] Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”.

“Là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”, một tư tưởng nhân từ và nhân bản của Nguyễn Ngọc Tự cũng như nhiều nhà văn khác, nhưng đối với các cán bộ của Đảng Cộng Sản, nghĩ như vậy là sai bài bổn của vô sản chuyên chính, là “nhân đạo chung chung”, không thể chấp nhận được. Theo đúng bài bản của Đảng, nông thôn bây giờ phải hoàn toàn thanh bình, ai ai đều được ăn ngon mặc đẹp, tất cả trẻ con đều được cắp sách đến trường… Chỉ có nông thôn của chế độ “nguỵ”, của các nước tư bản Tây phương, nghĩa là tất cả các nước trên thế giới ngoại trừ ba nước Bắc Hàn, Lào và Cuba, mới tệ hại như Nguyễn Ngọc Tư đã mô tả. Duy trì một lập trường như thế nên Đảng Uỷ tỉnh Cà Mau mới phản ứng mạnh với “Cánh đồng bất tận”.

Người viết bài này đang định cư ở Mỹ, ngoài tầm tác động của Đảng Cộng Sản và guồng máy Công An ghê gớm của họ, viết gì cũng dễ dàng, nhưng với tư cách người ngoài cuộc, đứng bên lề. Vậy xin nhường lời cho một phụ nữ cư ngụ tại Cần Thơ, không xa Cà Mau, lên tiếng bênh vực Nguyễn Ngọc Tư, hùng hồn hơn, đạt hơn, tới hơn:

Muốn gọi đó là “Vũng lầy bất tận”cũng được thôi, không hề gì, nhưng điều quan trọng là phải nhận ra đó là sự thực chứ không hoàn toàn hư cấu như truyện Liêu Trai. Hiện thực Việt Nam còn mãnh liệt, đầy đau đớn bi thảm hơn cả truyện Liêu Trai.
 
[Cán bộ] Lực đã thấm đẫm các huyền thoại, tượng đài, ông muốn các nhà văn cúi mặt xuống thì kính ngưỡng quá khứ, trỗi dậy thì hoan hô nhà nước hiện hành! Đó là việc của ông làm tuyên truyền lãnh lương. Ông cứ làm phần việc của ông. Còn nhà văn có thiên chức khác…
 
Ông Lực nhìn đời bằng lý trí, Ngọc Tư nhìn đời bằng cảm thức tâm hồn. Khung trời của ông Lực là khung trời ảo trong thau nước lạnh. Không một người dân nào chạm được tới bầu trời trong trong lặng lẽ êm đềm đó và chính ông cũng không. Ông hài lòng sống trong ưu ái của Đảng để làm công việc biện hộ, che chắn. Khung trời Ngọc Tư là khung trời có thật, có mưa tuôn nắng cháy, vùng trời hoang vắng nơi con người bị nuốt chửng và du dần vào hoang dại bởi thiếu hoàn toàn sự chăm lo của xã hội và quá nặng nợ áo cơm…
 
Nguyễn Ngọc Tư đã làm đúng thiên chức nhà văn. Các nhà xã hội các nhà quản lý nhà nước cần làm công việc tiếp theo cho các mảnh đời tương tự đi chứ! Đừng nói nữa, đừng chống đối nhà văn nữa, mà làm đi [...] để xứng đáng tiếp nối các huyền thoại cánh đồng cách mạng của các ông đi.
 
(Trần thị Hồng Sương, “Lấy tên "Vũng lầy bất tận" hay “Cánh đồng bất tận” đều được!”, báo điện tử Cánh Én)

 

----------------------------------------------

Chú giải của người viết Thế Uyên:

1. Chế độ nhất tịch : không công nhận một quốc tịch thứ hai nào cả của Việt kiều. Sinh ra làm người Việt đã mang quốc tịch Việt, thì mang quốc tịch Việt đến tận đời con đời cháu chắt. Bộ luật quốc tịch hiện hành đã qui định như vậy. Mọi passport do nước ngoài cấp phát chỉ được coi như một ID, một thông hành, laissez-passez.
2. Việt kiều hay Người Việt định cư các nước ngoài (tên gọi mới), hay Người Việt xa quê hương, đọc bài văn trên, muốn đi thăm “Cánh đồng bất tận”, chỉ việc rời khách sạn máy lạnh trong các thành phố đầy cao ốc mới xây, đi khỏi khoảng 1 km thôi, là thấy vũng lầy bất tận của Việt Nam. Đảng cầm quyền mới chỉ giải quyết được một cách tương đối nạn đói trong các thành phố thôi. Ai đi du lịch xanh rồi mà vẫn không thấy “cánh đồng bất tận” đâu, người viết xin đề nghị chuyến về kế tiếp hãy đi cùng ông Phó Tế cựu nhạc sĩ tình ca nổi danh trước 75 là Vũ Thành An. Ông đang quyên góp mỗi người chỉ $2.00 US để mua gạo cứu đói cho các cụ già neo đơn cùng cực ở “Cánh đồng bất tận”.
3. Lynching: tụ họp đám đông treo cổ người da đen nào tình nghi là có tội, không cần toà án xét xử. Thường kèm thêm những màn đấm đá và đôi khi cắt chim nếu phạm tội về sex, xẩy ra tại đồng quê miền Nam nước Mỹ trước đây. Gọi theo tên một ông điền chủ tên Lynch nào đó.

 

 

Độc giả có thể đọc trọn vẹn truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” ở trang:

http://www.viet-studies.org/NNTu/NNTu_CanhDongBatTan.htm


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021