thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM KHÍ [1]

 

(Hồi ức về những tháng năm buồn của tôi)

 

Ở đây âm khí nặng nề...
Nguyễn Du

 

1.

 

Tôi trở về làng cũ, một mình. Ở một nơi mà bom đạn thi nhau trút xuống ròng rã suốt hai mươi năm thì việc đem vợ con theo là cả một sự liều lĩnh. Có những người mẹ lần mò hái từng cọng rau ở bờ mương đã không thể quay về nhà để nấu cho các con một bát canh. Có những đứa trẻ chơi trò trốn tìm bên hàng dậu cũng không bao giờ tìm lại được. Ở những nơi như thế, thì dưới mỗi tấc đất đều ẩn giấu cái chết. Giữa yên lặng của đất trời, một hôm nào đó bỗng nghe ầm một tiếng, thế là có máu chảy, có thịt da bắn tung lên như xác pháo.

Nhưng biết làm sao được. Làng cũ, nếu không hồi cư thì phải đi kinh tế mới. Chẳng những đây là nơi tôi đã được sinh ra, chùm nhau mang từ bụng mẹ đã được chôn ở góc vườn, mà còn là ngôi nhà thân quen bà tôi thường kể chuyện trong những đêm trăng tỏ… Dù ngôi nhà đã cháy thì hãy còn lại nền với bực thềm bà thường ngồi chia lúa cho những người thợ gặt, những viên đá ong đặt bên thành giếng mẹ tôi thường đứng rửa chân. Nó là cội rễ đã cắm sâu vào lòng tôi, không dễ gì nhổ lên đem trồng ở núi rừng xa lạ mà có thể sống được.

Tôi phải trở về, đúng vậy, chỉ một tuần sau ngày 30 tháng tư. Không biết khi trở về làng cũ, Từ Thức ngơ ngác như thế nào, nhưng với tôi, tất cả đã xa lạ đến không ngờ. Nếu không còn cây vông bị cắt cụt ngọn ở đầu xóm, nếu không có cây cau xơ xác như cây chổi cùn quét lên nền trời xám đục, thì giữa đám cỏ cây dày kịt kia, tôi không cách nào nhận ra được làng, tìm được nhà.

 

Con đường vào nhà dễ chừng đã một trăm năm không có người đi. Bờ dậu được ông tôi cắt tỉa công phu, giờ loi choi, xồm xoàm, trông như râu tóc của một người rừng. Lại thêm cái bình phong bằng duối đứng lù lù trông cũng chẳng khác gì một con voi. Tất cả đã hóa thành rừng. Rừng của lối đi vào nhà. Rừng của sân phơi thóc. Rừng của vườn cau bà nội. Và, rừng ngay cả trên nền nhà nơi có bàn thờ với những hộp bài vị sơn màu đỏ.

Thì đúng là cả làng đã thành rừng, nhưng xem ra rừng ở quê cũ vẫn dễ nhìn hơn là những đống gạch đổ nát ở các con phố. Dẫu gì thì nó cũng hãy còn màu xanh. Khi có gió thổi nó vẫn biết thì thầm bên tai những tiếng xạc xào. Một mai đây khi khai hoang, tôi sẽ có khối cây để dựng nhà, có thừa củi để đun. Có vẻ như dưới mỗi gốc cây, mỗi bụi cỏ, đất vẫn không mất đi một hạt bụi nào.

Tôi không bày đặt cúi xuống hôn lên mảnh đất quê hương như các nhân vật tiểu thuyết, nhưng bảo rằng tôi nguội lạnh đến hững hờ thì cũng không đúng hẳn. Biết nói gì đây khi lòng tôi ngổn ngang bao nhiêu điều muốn nói. Ông tôi đã không còn, bà tôi cũng vừa mới mất, trong khi chính tôi cảm thấy mình hãy còn quá bé nhỏ như ngày nào.

Tôi tưởng chừng như ông tôi đang làm gì đó sau vườn, có thể là đang đốn một buồng chuối vừa chín bói, một con chim hay một con chuột tinh khôn đã nhanh hơn ông, khoét mất cái ruột ngon ngọt chỉ chừa lại cái vỏ rổng không màu vàng. Bà tôi đang đi chợ và thế nào trên đường về cũng ghé qua mộ cha tôi đứng tần ngần trong giây lát. Chỉ một chút nữa thôi, hai cái bánh ú thơm ngậy mùi đậu trộn mỡ, hay một đĩa bánh hỏi trắng tinh lốm đốm hẹ xanh được bày ra cho hai ông cháu cùng ăn quà sáng.

Nói những điều đó với hằng ngàn cây sầu đâu, cây táo nhơn, cây keo hay cây mắt mèo được sao? Ngay cả cây cau già còn sót lại đứng giữa vườn như một dấu chấm than kia cũng không thể nghe tôi nói được. Thì đành vậy, nói một mình. Ông ơi, bà ơi, cháu của ông bà đã về rồi đây. Cháu sẽ sửa lại vườn tược, sẽ đảo lại giếng, sẽ dựng lại nhà, rồi ông sẽ nằm trên võng đánh trống miệng thì thùng mà hát bội nghêu ngao, bà sẽ ngồi tướt tàu cau bó chổi, cháu sẽ đi đánh trổng, u mọi với bọn bạn trong xóm, như ngày xưa có khác gì đâu!

 

Nói là vậy, nhưng phải mất cả tháng tôi mới dọn dẹp xong khu vườn rộng hơn ba sào và dựng cho mình một cái chòi trên nền nhà hãy còn những cây cột kiềng kiềng cháy dở. Mỗi chiều tắt nắng trông chúng đứng buồn hiu như bóng hình của ông bà tôi trong những tháng ngày không con không cháu.

Tôi cũng một đôi lần đến thăm những nhà hàng xóm. Nhà ông hai Th, ông biện Q, bà câu Kh, ông hương bộ Ng. Tất cả đều đã chết, chỉ còn lại những đứa con đứa cháu ốm yếu ngặt nghẹo. Bọn chúng biết tôi, tôi cũng biết chúng, nhưng gặp nhau chỉ hỏi mỗi một câu, về rồi đấy à? Chỉ vậy thôi, chẳng ai muốn hỏi nói gì thêm. Vì mấy mươi năm bỏ làng mà đi, người nào cũng có cả một câu chuyện dài những khổ và đau. Ai cũng mang trong lòng những cái chết không trọn vẹn của người thân.

Bà H bị chết cháy thành than, bà hương bộ bị chết trong mương nước, khi tìm được xác thì hằng trăm con ốc bươu sau khi ăn hết thịt vẫn còn thòm thèm bám cứng lấy xương. Ông hai Th với cái bụng cổ trướng từ hồi chín năm, chết sau khi ỉa ra toàn phân lỏng đen như bùn. Và, ông tôi chết không kịp kêu một tiếng!

Sau khi nhà cháy ông đã xuống Qui Nhơn cùng với cô tôi. Nhưng rồi căn nhà quây bằng cót lợp tôn rộng chỉ 6 mét vuông trên cát, không thể nào giữ chân ông được. Ông lặng lẽ trở về. Cho dù làng bây giờ đã nằm trong vòng kiểm soát của Việt cọng, nghĩa là pháo cứ việc rót và máy bay cứ việc bắn thả cửa nếu thấy bên dưới có cái gì động đậy. Ông không quá thiệt thà để tin rằng một người hiền như ông thì chẳng ai nỡ bắn. Nhưng ông chân thật tin một điều, được chết ở quê nhà vẫn hơn là chết trong một xóm ngoại ô chật chội, bẩn thỉu.

Dĩ nhiên ông không buồn đến nỗi phải đi tìm cái chết. Ông hãy còn muốn sống để lại nhìn thấy đứa cháu nội. Nhà cháy thì ông cất lại nhà. Chính trong một buổi chiều cuối tháng ba, sau khi đã xếp những bó rạ thành hình một chiếc nấm, ông chỉ còn phải leo lên đội cho nó một cái ngù để khỏi dột thì một chiếc trực thăng bay qua, tên giữ súng không cần ngắm cũng bắn trúng ông. Những người du kích sau đó đốt đuốt tìm mãi mới thấy ông nằm co quắp dưới chân đống rạ.

 

Nhớ về ông, tôi không quên được hai cái hòm nằm chồng lên nhau mà ông đã thuê thợ đóng sẵn sau khi cha tôi mất. Lúc ấy, tôi vừa được năm sáu tuổi gì đó, hai cái hòm gọi là thọ đường được kê cạnh bàn học và tôi đã không ngần ngại dùng mực tím vẽ nguệch ngoạc khiến bà tôi hốt hoảng phải la lên: hổng nên nghe chưa! Cái gì “hổng nên” có nghĩa là cấm, nhất là những cái có thể động đến cái chết. Như hổng nên tròng dây vào cổ (sợ ma thần vòng), hổng nên bước qua cây tre ngã (sợ ma bật), hổng nên tắm sông (sợ ma da), hổng nên đứng dưới bóng cây cao to (sợ quỷ), hổng nên gõ vào hòm (sợ thần chết tới).

Hai cái hòm ấy đương nhiên đã cháy cùng với ngôi nhà nhưng có vẻ như không cháy nổi trong lòng tôi. Nó vẫn nằm có đôi trong đó, gỗ bồ lời vẫn còn giữ được màu vàng và từng đêm vẫn tỏa ra mùi thơm. Bà tôi tuy có nhiều thứ bắt tôi “hổng nên”, nhưng gần tôi hơn mẹ, bà là chiếc nôi ru tôi suốt một thời bé dại với những câu chuyện thần tiên, ma quỷ, cọp voi…Nói chung là chuyện xưa chuyện nay, chuyện trên trời dưới đất, hễ qua cái miệng lúc nào cũng mỏm mẻm nhai trầu của bà, là y như rằng hay đến nỗi nghe mẩn nghe mê.

Bà chỉ hơn tôi đúng 40 tuổi nhưng từ khi lên năm, tôi đã thấy bà y như một bà nội. Nghĩa là lúc nào bà cũng móm mém, khuôn mặt đã bắt đầu nhăn nheo và chiếc khăn nâu quá nhỏ không đủ che hết cái đầu đã cạo trọc tự bao giờ. Bà có một chiếc hộp nhỏ tròn bằng thiết, đựng những chiếc răng đã rụng, một đôi lúc lén mở ra xem, thấy những cái chân răng dài và nhọn bám đầy vôi và nước bã trầu rất kỳ dị. Khác hẳn những chiếc răng be bé mà tôi thường ném lên mái nhà những khi thay răng, sau khi đọc một câu thần chú ngộ nghĩnh, bảo rằng, bớ chuột bớ mèo, răng cũ về mày răng mới về tao!

Dường như khi chưa lấy chồng, bà cũng là một cô hàng xén. Cô hàng ấy chắc đã làm nghiêng ngửa trái tim của một chàng trai là ông tôi. Lấy chồng rồi, cái gánh hàng cũ chỉ còn là một kỷ niệm. Bà treo nó lên xà nhà, một đôi lúc đem xuống để vá may. Đó là lúc tôi được nhờ xỏ kim và không quên thừa dịp để táy máy những thứ riêng tư nhất của bà. Ngoài cái hộp thiết đựng răng rụng, còn có mấy ống chỉ đen trắng dùng gần hết, vài cây kim sứt đít, một cái gương mờ đục, một cái lược dày chải chí hãy còn vướng vài sợi tóc, một cái vạch bằng xương bò để vạch trên vải, một cục sáp ong để vuốt chỉ và một hộp diêm không còn diêm có hình con két rất đẹp đựng những hạt nút bóp…

Vậy thôi, không phấn son, không chuỗi ngọc, nhưng nhìn bức hình còn lại trong thẻ căn cước, trông bà rất đôn hậu với đôi mắt hãy còn đen. Có lẽ nhờ vậy mà cô tôi, chỉ hơn tôi 10 tuổi, ngày còn trẻ phải nói là rất đẹp. Cô có một nét cười thắm đến nỗi tôi tin vì nó mà cuộc đời cô trở nên lận đận. Một thầy giáo ăn cơm tháng ở nhà cô đã âm thầm để lại cho cô một đứa con trong khi chồng cô đi tập kết. Cô bị chồng đay nghiến, dù dượng ấy vẫn có một người vợ Bắc, mà dượng bảo là cả chồng và con đều bị giặc Mỹ sát hại trong một cuộc ném bom.

 

Nói tới dượng là tôi lại nhớ đến nỗi ấm ức của mẹ tôi. Dưới mắt mẹ, thì cái cảnh bà mẹ chồng ngồi lựa từng hạt gạo trên sàng để nấu cơm cho con rể ăn là coi không được. Nhưng tôi tin không phải vì quá yêu chàng rể mà bà làm vậy. Với tôi, khi đi học xa trở về nếu mang theo một người bạn, thì bà cũng tỉ mẳn ngồi lựa từng hạt nếp hạt đậu như thế. Tôi cho rằng đó là đức tính của một người biết trọng mình và cũng trọng người khác.

Tuy không nói ra, nhưng những việc làm của dượng tôi thực không hợp ý với bà chút nào. Cái cách dượng bỏ cả mẹ già và vợ con để đi theo đảng khiến bà khó chịu. Bà cũng thấy chướng tai với những cái tên Chiến, Thắng, của các cháu ngoại. Dù rất yêu cô tôi, bà cũng không đồng tình với cái cách cô có con với một người không phải là dượng. Bà coi như không hề có nó trên cõi đời này và cô tôi cũng giả như chưa hề sinh ra nó bao giờ. Nó là đứa cháu tội nghiệp không hề biết còn có một bà ngoại. Nó chỉ biết có mỗi một bà nội của các anh chị không cùng một cha. Đó là một bà già hiền đến nỗi yêu cả đứa con ngoại hôn của cô con dâu, đứa nhỏ mà con trai bà căm thù còn hơn giặc Mỹ.

Bà tôi sống lặng lẽ với nỗi mất con. Rồi mất nhà, mất chồng. Khi theo con dâu tản cư lên chợ Gò Chàm, nỗi nhớ ruộng nhớ vườn khiến bà teo tóp như một trái cây thiếu nước. Cứ mỗi lần trông thấy những đám mây vàng rực màu lúa chín thì bà lại nhớ tới đồng lúa. Bà không cấy gặt nhưng cây lúa hạt gạo đối với bà lúc nào cũng gần gụi và thân thiết như con cháu.

Giờ đây, tôi một thân một mình, xa cách vợ con mới thấy thấm thía những tháng ngày trơ trọi bên hông chợ của bà. Tôi còn có cả đống công việc để làm, chứ bà hết nằm lại ngồi, hết ra lại vào, hết nhìn trời lại ngó đất, muốn nhìn cây chuối trổ buồng cũng không biết nhìn ở đâu, thì buồn biết chừng nào.

Cái chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị” không những chỉ giết hại và làm bị thương hàng triệu người, mà còn làm què quặt khô cạn, cả những người đang sống sót như bà tôi. Họ bị bứt ra khỏi làng mạc ruộng đồng như nhổ một bụi lúa rồi ném lên mặt đường nhựa. Bảo cứ thế mà sống đi thì sống làm sao được. Nhưng giá như bà sống đến cái ngày gọi là hòa bình này, giữa khu vườn lạnh tanh và ruộng đồng hoang hóa, không một cọng rau, không một bụi lúa chắc gì bà đã vui!

Ai cũng cầu mong cho người chết được yên nghỉ, tôi cũng vậy. Nhưng với một người không có hòm mà chôn dù đã sắm sẵn từ trước, một người khô hết máu như ngọn đèn cạn dầu, chết thảm như thế chắc là không thể nào yên nghỉ được. Thấp thoáng đâu đó, ở cuối vườn kia hay đầu ngõ nọ, hình bóng của hai ông bà vẫn còn đổ dài xuống đời tôi.

Nghĩ sâu hơn một chút, tôi đâu có sống một mình.

 

[còn tiếp]

 

 

---------------------------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021