thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
[Diễn từ Nobel Văn học 2010] CA NGỢI ĐỌC SÁCH VÀ HƯ CẤU

 

Bản dịch của Nguyễn Tiến Văn

 

MARIO VARGAS LLOSA

(1936~)

 

CA NGỢI ĐỌC SÁCH VÀ HƯ CẤU

 

Tôi học đọc lúc năm tuổi, trong lớp của sư huynh Justiniano ở trường trung học de La Salle tại Cochabamba, nước Bolivia. Đó là điều quan trọng nhất từ trước tới nay xảy ra cho tôi. Gần bảy mươi năm sau tôi còn nhớ rành mạch cái ma thuật của việc chuyển dịch những từ trong sách thành hình ảnh đã làm phong phú đời sống tôi, phá những rào cản về thời gian và không gian và cho phép tôi phiêu lưu cùng thuyền trưởng Nemo hai vạn dặm dưới biển sâu, chiến đấu với mấy chàng ngự lâm pháo thủ d’Artagnan, Athos, Porthos, và Aramis chống lại những âm mưu đe doạ Nữ hoàng trong thời của vị hồng y giáo chủ hoạt động bí mật Richelieu, hay vấp ngã qua những đường cống ngầm ở Paris, biến thành Jean Valjean cõng thân thể bất động của Marius trên lưng tôi.

Việc đọc sách biến giấc mơ thành đời sống và đời sống thành giấc mơ và đặt vũ trụ của văn học trong tầm tay với của cậu bé tôi từng là. Mẹ tôi kể cho tôi nghe rằng những cái đầu tiên tôi viết là những sự tiếp tục của những chuyện tôi đọc bởi nó làm tôi buồn khi chúng kết thúc hoặc bởi tôi muốn thay đổi các hồi chung cuộc. Và có lẽ đây là điều tôi đã trải đời ra làm mà không hay: kéo dài trong thời gian, khi tôi trưởng thành, già giặn, và tuổi tác, những câu chuyện đã đong đầy thời thơ ấu của tôi bằng những say mê và phiêu lưu.

Tôi ước gì mẹ tôi có mặt ở đây, bà luôn luôn xúc động đến rơi nước mắt khi đọc những bài thơ của Amado Nervo và Pablo Neruda; và cả ông tôi là Pedro nữa, với chiếc mũi bự và đầu sói bóng loáng, người đã chúc mừng những vần thơ của tôi, và cậu Lucho, người giục tôi mãnh liệt lao cả thân và hồn vào việc viết mặc dù văn chương, vào thời đó và nơi đó, tưởng thưởng cho những tín đồ của nó quá ư tồi tệ. Suốt đời tôi đã có những người như thế cạnh bên, những người yêu thương và khích lệ tôi và làm tôi lây nhiễm niềm tin của họ khi tôi còn hồ nghi. Nhờ họ và chắc chắn cũng nhờ sự bướng bỉnh và phần nào vận may của tôi, tôi đã có thể hiến phần lớn đời mình cho thú đam mê này, tật xấu này, và sự kì diệu này: viết, sáng tạo một đời sống song song nơi ta có thể an trú chống nghịch cảnh, và nó làm cái làm phi thường hoá tự nhiên, cái tự nhiên hoá phi thường, tiêu tán hỗn mang, làm đẹp cái xấu, làm khoảnh khắc thành vĩnh hằng, và biến cái chết thành một cảnh tượng thoáng qua.

Viết truyện không dễ. Khi chúng biến thành lời, những dự án héo khô trên giấy và những ý tưởng và hình ảnh thất bại. Làm sao cho chúng hồi sinh? May thay có những vị tôn sư ở đó, những bậc thầy để học hỏi và những thí dụ để noi theo. Flaubert dạy tôi rằng tài năng là một công phu bất khuất và một sự kiên trì dài lâu. Faulkner dạy rằng, dạng thức — văn viết và cấu trúc — là thứ nâng lên hoặc làm nghèo các đề tài. Martorell, Cervantes, Dickens, Balzac, Tolstoy, Conrad, Thomas Mann dạy rằng phạm vi và cao vọng cũng quan trọng trong một tiểu thuyết như kĩ xảo văn phong và chiến lược tự sự. Sartre dạy rằng từ ngữ là hành vi, rằng một tiểu thuyết, một kịch bản hoặc một luận văn dấn thân vào khoảnh khắc hiện tại và những lựa chọn tốt hơn, có thể thay đổi dòng lịch sử. Camus và Orwell dạy rằng văn học tước bỏ đạo đức là phi nhân; và Malraux dạy rằng chủ nghĩa anh hùng và sử thi là khả dĩ trong thời nay như trong thời Hi Lạp cổ đại của các thuỷ thủ trên chiếc thuyền Argo, thời của Odyssey, và Iliad.

Nếu trong bài nói chuyện này tôi viện dẫn mọi nhà văn mà tôi mắc nợ ít điều, thì bóng của họ sẽ tràn lấp chúng ta vào tối đen. Họ là vô số kể. Ngoài việc khơi mở những bí quyết của nghề kể chuyện, họ làm tôi có nghĩa vụ thăm dò những tầng sâu không đáy của tính người, thán phục những hành động anh hùng của nó, và cảm thấy kinh hoàng trước sự man rợ của nó. Họ là những người bạn tôi mang ơn nhất, những kẻ làm sống động tiếng kêu gọi cho tôi, và trong những sách của họ tôi khám phá ra rằng, có hi vọng ngay cả trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất, rằng sự sống là đáng cho chúng ta cố mà sống, dẫu chỉ vì không có đời sống chúng ta không thể nào đọc hoặc tưởng tượng ra những câu chuyện.

Đôi khi tôi tự hỏi phải chăng viết văn là một sự xa xỉ tự kỉ trong những xứ sở như của tôi, nơi không có bao nhiêu người đọc và quá nhiều người là người nghèo và mù chữ, có quá nhiều bất công, và ở đó văn hoá là một đặc quyền cho số ít. Tuy nhiên những hoài nghi này chẳng bao giờ làm tắt tiếng kêu gọi cho tôi, và tôi luôn luôn vẫn viết ngay cả trong những giai đoạn mà việc kiếm sống thu hút phần lớn thời gian của tôi. Tôi tin rằng tôi đã làm đúng, bởi vì nếu, để văn học nảy nở mà trước tiên cần một xã hội lên tới trình độ cao, tới tự do, tới thịnh vượng và công lí thì văn học đã chẳng hề tồn tại. Nhưng nhờ có văn học, nhờ những ý thức mà nó hình thành, những ham muốn và những mong mỏi mà nó gợi hứng và sự tỉnh mộng với thực tại khi chúng ta quay về từ cuộc du hành đến cõi hoang tưởng tuyệt vời, văn minh hiện nay đỡ tàn ác hơn là khi những người kể chuyện khởi sự làm cuộc sống mang tính người với những câu chuyện ngụ ngôn của họ. Chúng ta hẳn đã tồi tệ hơn hiện giờ nếu không có những cuốn sách hay mà chúng ta đã đọc; chúng ta hẳn đã tuân theo lề thói hơn, kém bồn chồn, kém bất khuất; và tinh thần phê phán vốn là đầu máy của tiến bộ thậm chí còn chẳng tồn tại nữa. Giống như việc viết, đọc là phản kháng lại những thiếu hụt của cuộc sống. Khi chúng ta nhìn vào hư cấu để tìm những gì là vắng bóng trong cuộc sống, chúng ta đang nói, mà chẳng cần lên tiếng hoặc thậm chí biết mơ rằng đời sống như đang có không thoả mãn sự khao khát của chúng ta về cái tuyệt đối — nền tảng của thân phận con người — và cuộc đời phải nên tốt đẹp hơn. Chúng ta sáng chế ra những hư cấu để sau đó có thể sống nhiều cuộc đời mà chúng ta muốn sống trong khi chúng ta chỉ có một cuộc đời trong tầm tay.

Không có những hư cấu chúng ta sẽ ít nhận thức về tầm quan trọng của tự do làm cho đời đáng sống, và về địa ngục mà đời sống trở thành khi tự do này bị giày đạp dưới chân bởi một bạo chúa, một hình thái ý thức, hoặc một tông giáo. Để những ai ngờ vực việc văn học không chỉ nhấn chìm chúng ta trong giấc mơ về cái đẹp và hạnh phúc mà còn cảnh giác chúng ta với mọi loại áp bức, hãy để họ tự hỏi vì sao mọi chế độ quyết tâm kiểm soát hành vi của các công dân từ trong nôi đến nấm mồ lại sợ hãi văn học nhiều tới nỗi chúng phải thiết lập những hệ thống kiểm duyệt để kiềm chế nó và giữ con mắt canh chừng đến điều với những nhà văn độc lập. Những chế độ này làm thế bởi vì chúng biết cả cơ nguy của việc để cho trí tưởng tượng lang thang tự do trong sách, biết những hư cấu trở nên phiến loạn xiết bao khi người đọc so sánh cái tự do khiến cho các hư cấu này có thể phiêu bồng và được thi triển trong đó với đường lối ngu dân và sự sợ hãi nằm chờ trong thế giới hiện thực dù cho họ muốn hay không, biết hay không. Khi sáng chế ra những câu chuyện, các nhà văn của truyện kể cũng phát tán sự bất mãn, chứng minh rằng thế giới được tạo ra một cách tồi tệ, rằng đời sống của tưởng tượng thì giàu có hơn lề thói thường ngày của chúng ta. Thực kiện này, nếu nó bám rễ trong cảm xúc và ý thức của họ, sẽ làm cho các công dân khó mà bị thao túng hơn, ít vui lòng chấp nhận những dối trá của bọn thẩm vấn và cai ngục, là những bọn muốn làm cho họ tin rằng đằng sau những chấn song của ngục tù, họ sẽ sống đời tốt đẹp và an toàn hơn.

Văn học tốt đẹp hơn dựng nên những cây cầu giữa các dân tộc khác nhau, và bằng cách làm chúng ta hưởng thụ, đau khổ hoặc ngạc nhiên, kết hợp chúng ta vượt qua những ngôn ngữ, tín ngưỡng, tập quán, và thành kiến chia rẽ chúng ta. Khi con cá voi trắng chôn thuyền trưởng Ahab trong lòng biển cả, trái tim người đọc cũng thắt lại giống nhau ở Tokyo, Lima, hoặc Timbuctu. Khi Emma Bovary uống thạch tín, Khi Anna Karenina gieo mình xuống đằng trước xe lửa. Và Julien Sorel leo lên đoạn đầu đài, và khi, trong tác phẩm El sur [Phương Nam, của Borges], viên bác sĩ thanh lịch Juan Dahlmann bước khỏi quán rượu trên dải đồng cỏ để giáp mặt với lưỡi dao của tên vô lại, hoặc khi chúng ta nhận thức rằng mọi người dân cư ngụ ở Comala, trong cái làng của truyện Pedro Páramo đều chết cả, sự rùng mình là giống hệt nhau nơi người đọc thờ phụng đức phật, Khổng Tử, Kitô, Allah, hoặc là một người theo thuyết bất khả tri, dù y mặc bộ áo khoác thắt dây cổ, áo jabala, áo kimono hoặc bombachas. Văn học sáng tạo một tình anh chị em bên trong sự đa phức của loài người và làm khuất đi những đường biên dựng lên giữa đàn ông và đàn bà bằng vô minh, những hình thái ý thức, các tông giáo, các ngôn ngữ, các sự ngu xuẩn.

Bởi mỗi giai đoạn đều có nỗi kinh hoàng của nó, nỗi kinh hoàng của thời chúng ta là những kẻ cuồng tín, của những tên khủng bố tự sát, là một chủng loại cổ xưa tin chắc rằng giết người là được lên thiên đàng, rằng máu của những kẻ vô tội rửa sạch những sỉ nhục tập thể, đính chính lại những bất công, và áp đặt chân lí lên những niềm tin sai trái. Mọi ngày, trên khắp thế giới, vô số nạn nhân bị hi sinh bởi những kẻ cảm thấy họ sở hữu những chân lí tuyệt đối. Với sự sụp đổ của những đế quốc toàn trị, chúng ta đã tin rằng việc sống chung, hoà bình, đa nguyên, và nhân quyền sẽ chiếm thượng phong và thế giới sẽ bỏ lại sau những lò thiêu, diệt chủng, xâm lăng, và chiến tranh trừ khử. Không điều nào trong đó đã xảy ra. Những dạng thức mới của man rợ nở rộ, kích động bằng cuồng tín, và với sự thịnh phát của các vũ khí huỷ hoại đại thể, chúng ta không thể làm ngơ trước sự kiện là bất cứ phe nhóm nhỏ bé gồm những tay cứu thế khùng điên nào cũng có thể một ngày kia kích động một chấn động hạt nhân. Chúng ta phải ngăn trở chúng, đối đầu với chúng, và đánh bại chúng. Chúng không có bao lăm, mặc dù sự náo loạn do những tội ác của chúng rền vang khắp hành tinh và những ác mộng chúng dấy lên làm chúng ta tràn ngập bàng hoàng. Chúng ta không được cho phép mình bị trấn áp bởi những kẻ muốn tước đoạt sự tự do mà chúng ta đã thủ đắc qua dòng dài và anh dũng của tiến trình văn minh. Chúng ta hãy bảo vệ nền dân chủ tự do vốn, với tất cả hạn chế của nó, tiếp tục làm sáng nghĩa cho đa nguyên chính trị, chung sống, khoan dung, nhân quyền, tôn trọng sự phê phán, pháp lí, bầu cử tự do, hoán chuyển quyền lực, mọi thứ đã từng đưa chúng ta ra khỏi đời sống man dã và mang chúng ta lại gần hơn — dù chẳng bao giờ đạt tới — với cuộc sống đẹp tươi, hoàn hảo mà văn học đặt ra, thứ chúng ta chỉ xứng đáng bằng cách phát minh, viết và đọc. Bằng cách đối đầu với những kẻ cuồng tín sát nhân chúng ta bảo vệ quyền chúng ta ước mơ và làm những giấc mơ của chúng ta thành hiện thực.

Trong thời thanh niên tôi, giống nhiều nhà văn cùng thế hệ, là một người theo chủ nghĩa Marx và tin rằng chủ nghĩa xã hội sẽ là liều thuốc cho sự bóc lột và những bất công xã hội đang trầm trọng hơn trong xứ sở của tôi, ở châu Mĩ Latinh, và ở phần còn lại của Thế giới thứ Ba. Việc tỉnh mộng của tôi đối với chủ nghĩa nhà nước và chủ nghĩa tập thể và sự chuyển biến thành người dân chủ và tự do như tôi ngày nay — mà tôi gắng sức làm — đã là dài lâu và khó khăn và diễn ra chậm chạp như là một hậu quả của những hồi đoạn, như là sự hoán cải của Cách mạng Cuba, mà thoạt đầu tôi hăng say, vào cái khuôn thẳng đứng, chuyên quyền của Liên xô; chứng từ của những người li khai đã tìm cách truyền lọt qua những hàng rào kẽm gai của quần đảo ngục tù Gulag; sự xâm lăng Tiệp khắc của những nước thuộc Hiệp ước Vácsava; và nhờ những nhà tư tưởng như Raymond Aron, Jean-Franscois Revel, Isaiah Berlin, và Karl Popper, nhờ họ tôi mới đánh giá lại được văn hoá dân chủ và những xã hội cởi mở. Những vị thầy đó là một gương mẫu về sáng suốt và can trường trong khi giới trí thức của Phương Tây, do phù phiếm hoặc chủ nghĩa cơ hội, dường như đã gục quỵ trước lá bùa của chủ nghĩa xã hội Xô viết, và tệ hơn nữa, trước lễ sabát của những phù thủy đẫm máu của cuộc Cách mạng Văn hoá Trung quốc.

Khi là đứa bé con tôi đã mơ mộng một ngày kia tới được Paris bởi, choáng ngợp vì văn học Pháp, tôi đã tin rằng sống ở đó và hít thở làn không khí mà Balzac, Stendhal, Baudelaire, và Proust đã hít thở, sẽ giúp việc chuyển biến tôi thành một nhà văn thực sự, và nếu tôi không lìa xa Peru thì tôi chỉ là một nhà văn giả hiệu trong những ngày chủ nhật và ngày lễ. Và sự thật là tôi mắc nợ nước Pháp và văn hoá Pháp những bài học không thể nào quên, chẳng hạn như văn học vừa là một kêu gọi vừa là một giới luật, một việc làm nhà nghề, một sự ngoan cường. Tôi đã sống ở đó, khi Sartre và Camus còn sống và viết, trong những năm của Beckett, Bataille, Ionesco, và Cioran, sự khám phá kịch nghệ của Brecht và những phim của Ingmar Bergman, Théâtre national populaire (sân khấu quốc gia bình dân) của Jean Vilar, và nhà hát Odéon của Jean-Louis Barrault, la Nouvelle Vague (Đợt sóng mới) và le Nouveau Roman (Tiểu thuyết mới) và những diễn văn, những áng văn can trường của André Malraux, và cái có thể đã là cảnh tượng đóng tuồng nhất châu Âu suốt thời đó, tức là những cuộc họp báo và những lời tuyên bố sấm sét từ đỉnh Olympia của tướng de Gaulle. Nhưng có lẽ điều tôi chịu ơn nước Pháp nhất là đã làm tôi khám phá ra châu Mĩ Latinh. Chính ở đó mà tôi học được rằng Peru là thành phần của một cộng đồng rộng lớn kết hợp bằng lịch sử, địa lí, vấn nạn xã hội và chính trị, bởi một cách thế sống nhất định và cái ngôn ngữ ngọt dịu nó nói năng và viết lách. Và cộng đồng này sản sinh ra trong cùng những năm đó, một nền văn học đổi mới và phấn khởi. Chính ở đó mà tôi đã đọc Borges, Octavio Paz, Cortázar, García Márquez, Fuentes, Cabrera Infante, Rulfo, Onetti, Carpentier, Edwards, Donoso, và nhiều người khác nữa, mà những văn bản khi đó làm cách mạng trong văn viết tự sự bằng tiếng Tâybannha và nhờ những áng văn đó mà châu Âu và một phần lớn của thế giới khám phá ra rằng châu Mĩ Latinh, không phải chỉ là lục địa của những cuộc đảo chính, những thủ lãnh quân phiệt phường tuồng, những du kích quân râu rậm và những trái bầu khô rung theo điệu mambo hoặc cha-cha-cha, nhưng trên hết là lục địa của những tư tưởng, những dạng thức nghệ thuật và những huyễn tưởng văn học vượt ngoài tính tranh vẽ nên thơ để nói lên một ngôn ngữ đại đồng.

Từ thời kì đó đến mãi ngày nay, chẳng phải không có loạng choạng và lỡ bước, châu Mĩ Latinh đã tiến bộ nhưng, như César Vallejo đã nói trong câu thơ này: Hay, hemanos, muchisimo que hacer [Hỡi, anh em ơi, còn nhiều cái phải làm.] Chúng tôi ít còn phải chịu nạn độc tài như trước đây, ngoại trừ ở Cuba và Venezuela, là nước sẵn sàng kế vị, cũng như trong những nền dân chủ giả hiệu dân tuý và trò hề, giống như ở Bolivia và Nicaragua. Nhưng trong phần còn lại của lục địa này, dù nhiều dù ít, chế độ dân chủ đang hiện hành, dựa trên một sự đồng thuận rộng rãi của nhân dân, và lần đầu tiên trong lịch sử của chúng tôi, chúng tôi có một phái tả và một phái hữu cùng, giống như ở Brazil, Chile, Uruguay, Peru, Colombia, cộng hòa Dominican, Mexico và trong hầu hết Trung mĩ, đều tôn trọng pháp lí, quyền tự do phê phán, những cuộc bầu cử, và sự chuyển hoán quyền lực. Đó là con đường tốt đẹp, và nếu nó kiên trì theo đuổi, nếu nó chiến đấu với sự tham nhũng phản trắc và theo đuổi sự hội nhập với thế giới, châu Mĩ Latinh sẽ chấm dứt việc làm châu lục của tương lai để trở thành cái của hiện tại.

Tôi không bao giờ cảm thấy là một người xa lạ ở châu Âu, và nói cho ngay, cũng chẳng thấy như thế ở một nơi nào khác. Trong những miền đất tôi đã sống, ở Paris, London, Barcelona và Madrid, Berlin, Washington và New York, ở Brazil, hoặc ở cộng hòa Dominican, tôi cảm thấy như ở nhà mình. Tôi đã luôn luôn tìm ra được một mái ấm nơi tôi có thể sống an bình và làm việc, học hỏi các điều, nuôi dưỡng những ảo tưởng, gặp gỡ bạn bè thân quen, có sách hay để đọc, và tìm ra những chủ đề để viết. Dường như đối với tôi là việc trở thành một công dân của thế giới, dù không có chủ ý, chẳng hề làm yếu đi cái mà người ta gọi là “cội nguồn” là những nối kết của tôi với quê hương mình — chẳng phải là quan trọng gì cho lắm — bởi nếu không có như vậy, thì những kinh nghiệm ở Peru của tôi đã không tiếp tục nuôi dưỡng văn viết của tôi và đã không luôn luôn xuất hiện trong những truyện của tôi, ngay cả khi những thứ này dường như xảy ra rất xa vời với Peru. Tôi tin rằng sống bấy nhiêu thời gian ngoài xứ sở mà tôi sinh ra đúng hơn lại củng cố những mối liên hệ này, bằng cách nối thêm cho chúng một tầm nhìn xa sáng suốt hơn, và nỗi đau hoài hương, vốn biết cách làm phân biệt giữa cái thuộc tính và cái bản chất, và duy trì những kỉ niệm trong tất cả vầng hào quang của chúng. Tình yêu quê hương không phải là một nghĩa vụ, mà giống như tất cả tình yêu khác, phải là một vận động tự phát của con tim, giống như thứ kết hợp những người yêu nhau, cha mẹ với con cái, và bạn bè.

Peru, tôi mang nó trong lòng mình bởi vì tôi được sinh ra ở đó, lớn lên ở đó và hình thành ở đó, và là nơi tôi đã sống những trải nghiệm thời thơ ấu và tuổi thanh xuân đã khuôn hình nhân cách của tôi hun đúc chí hướng của tôi, và bởi chính nơi đó tôi đã yêu, ghét, hưởng thụ, đau khổ, và mộng mơ. Những gì xảy ra ở đó tác động đến tôi hơn, làm tôi xúc động và làm tôi bực bội hơn là những gì xảy ra ở nơi khác. Tôi không tìm kiếm điều đó mà cũng chẳng áp đặt điều đó lên chính mình, nó chỉ đơn giản là như thế. Một số người đồng hương đã cáo buộc tôi là phản bội và tôi suýt nữa mất quyền công dân khi, trong chế độ độc tài mới rồi, tôi đã yêu cầu các chính phủ dân chủ của thế giới xử phạt chế độ ấy bằng những chế tài ngoại giao và kinh tế, như tôi đã luôn luôn làm với tất cả các chế độ độc tài, dù mang tính chất nào, chế độ của Pinochet và của Fidel Castro, chế độ của Taliban ở Afghanistan, chế độ của các giáo trưởng ở Iran, chế độ phân cách chủng tộc ở Nam phi, chế độ của các quan trấn thủ quân đội ở Miến điện (ngày nay gọi là Myanmar). Và tôi sẽ làm lại như thế vào ngày mai nếu — cầu cho số mệnh không muốn điều đó và nhân dân Peru không cho phép nó — Peru lại một lần nữa trở thành nạn nhân của một cuộc đảo chánh làm tiêu huỷ nền dân chủ mong manh của chúng tôi. Đó không phải là hành động xúc cảm, kết tụ của một con người phẫn hận, như vài người cạo giấy đã viết vì vốn có thói quen phán đoán người khác bằng sự ti tiểu của chính họ. Đó là một hành vi xứng hợp với sự đinh ninh của tôi rằng một chế độ độc tài đại diện cho cái ác tuyệt đối đối với một xứ sở, một cội nguồn của sự tàn bạo và tham nhũng, và của những vết thương sâu xa phải mất dài thời gian mới kín miệng, làm ung độc tương lai của xứ sở và tạo ra những thói quen và những lối hành xử không lành mạnh triền miên nhiều thế hệ và làm chậm trễ sự tái thiết dân chủ. Đó là lí do những chế độ độc tài phải bị đánh dẹp không dè dặt, bằng tất cả những phương tiện ở tầm tay chúng ta, gồm cả những chế tài về kinh tế. Thật đáng trách là những chính phủ dân chủ, thay vì làm gương mẫu bằng cách đoàn kết với những người, như những bà mang tang phục trắng ở Cuba, những người kháng chiến ở Venezuelan, hoặc Aung San Suu Kyi và Lưu Hiểuba, là những kẻ can đảm đối đầu với những chế độ độc tài mà họ phải gánh chịu, thì những chính phủ này thường khi lại tỏ ra hoan hỉ, không phải với những nạn nhân mà là với những đao phủ của họ. Những con người can đảm này, khi chiến đấu cho quyền tự do của họ, cũng tranh đấu cho quyền tự do của chúng ta.

Một trong những người đồng hương của tôi, là José Maria Arguedas, đã định phẩm cho Peru là xứ sở của “mọi dòng máu”. Tôi không tin rằng có một công thức nào hay hơn để định nghĩa đất nước này. Đó là cái chúng tôi là và có trong huyết quản của mình, tất cả những người dân Peru, dù chúng tôi có muốn hay không: một tổng thể các truyền thống, các chủng tộc, các tín ngưỡng, và các văn hoá đến từ bốn phương trời. Tôi hãnh diện cảm thấy mình là người thừa kế của những nền văn hoá tiền-Colombus [trước năm Colombus tới châu Mĩ, 1492] đã chế tạo những hàng dệt và những tấm áo khoác làm bằng lông chim của người Nazca và Paracas, và những đồ gốm của Mochica và Inca được trưng bày trong những viện bảo tàng hạng nhất của thế giới, những người xây dựng những công trình ở Machu Picchu, Gran Chimú, Chan Chan, Kuelap, Sipán, những nấm mộ của Pháp sư và Mặt trời và Mặt trăng; cũng hãnh diện về những người Tâybannha mang trong hành lí của họ, cùng với gươm và ngựa, đem tới Peru, các nền văn minh cổ đại Hilạp và Lamã, truyền thống Do thái-Kitô, Phục hưng, Cervantes, Quevedo, Góngora, và ngôn ngữ thô nhám của vùng Castile được rặng núi Andes làm dịu ngọt. Và cùng với Tâybannha là châu Phi, với sức mạnh của nó, âm nhạc của nó, và trí tưởng tượng sục sôi của nó, để làm giàu cho tính dị biệt Peru. Nếu chúng ta chỉ cần đào sâu một chút chúng ta khám phá ra rằng Peru, giống như khối cầu tinh thể của chữ cái Aleph của Borges, là một khuôn khổ tí hon của toàn thế giới. Thật là một đặc quyền phi thường cho một xứ sở không có bản sắc bởi vì nó có tất cả các bản sắc.

Sự chinh phục châu Mĩ là tàn ác và bạo động, giống như mọi cuộc chinh phục, dĩ nhiên, và chúng ta phải phê phán nó nhưng khi chúng ta làm điều đó không được quên rằng những kẻ đã phạm vào những sự cướp bóc và tội ác này, phần lớn, là những ông cố ông sơ của chúng ta, những người Tâybannha tới châu Mĩ và lai tạo ở đó, chứ không phải là những kẻ ở lại trong xứ sở của họ. Sự phê phán này, để công bình, phải là một sự tự phán. Bởi vì khi chúng ta trở nên độc lập với Tâybannha hai trăm năm trước đây, những kẻ nắm quyền ở những cựu thuộc địa, thay vì giải phóng những người Da đỏ và trả lại công lí cho họ bù đắp cho những sai trái tổn hại trước kia, thì lại tiếp tục bóc lột họ với sự tham lam và tàn ác như những kẻ chinh phục cũ và, trong vài xứ sở, còn tàn sát và tiêu diệt họ. Chúng ta hãy nói lên điều này với sự minh bạch tuyệt đối: từ hai thế kỉ nay, sự giải phóng những thổ dân là trách nhiệm chuyên biệt của chúng ta và chúng ta đã khiếm khuyết không hoàn thành nghĩa vụ. Vấn đề này vẫn còn treo đó chưa được giải quyết trong tất cả châu Mĩ Latinh. Không hề có một ngoại lệ đơn độc nào đối với sự ô nhục và xấu hổ này.

Tôi yêu Tâybannha cũng ngang bằng với Peru, và món nợ của tôi đối với Tâybannha cũng lớn như lòng biết ơn của tôi. Nếu không nhờ có Tâybannha, tôi hẳn không bao giờ có thể đạt tới diễn đàn này ngày hôm nay hoặc trở thành một nhà văn được người ta biết đến và có lẽ, giống như nhiều đồng nghiệp bất hạnh khác, tôi hẳn vẫn lang thang trong cõi lâm bô tối tăm của những nhà văn không gặp vận may, không nhà xuất bản, không phần thưởng, không người đọc, mà tài năng của họ — niềm an ủi buồn bã — đời sau một ngày nào đó có thể tìm ra. Tất cả sách của tôi đều đã được xuất bản ở Tâybannha, nơi tôi nhận được sự nhìn nhận cường điệu, và các bạn bè như Carlos Barral, Carmen Balcells, và bao nhiêu người khác nhiệt liệt ủng hộ truyện của tôi có được độc giả. Và Tâybannha đã ban cho tôi một quốc tịch thứ hai, khi tôi sắp mất quốc tịch bởi vì tôi luôn luôn cảm nhận rằng Tâybannhan và Peru là hai mặt của cùng một đồng tiền, không phải chỉ trong cá nhân bé bỏng của tôi mà trong những thực tại thiết yếu như là lịch sử, ngôn ngữ, và văn hoá.

Trong tất cả những năm tôi đã sống trên mảnh đất Taybannha, tôi nhớ sáng chói nhất là năm năm tôi sống ở thành phố Barcelona thân thương đầu thập niên 1970. Chế độ độc tài của Franco vẫn còn đang nắm quyền và nổ súng, nhưng tới lúc đó nó đã là một vật hoá thạch te tua, và đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá, không còn khả năng duy trì những kiểm soát trước đó. Những vết rạn và kẽ hở đã nứt nẻ mà những phán quan kiểm duyệt không thể nào vá víu và qua những khe hở đó xã hội Tâybannha hấp thu những ý tưởng, sách báo, trào lưu tư tưởng, và những giá trị và dạng thức nghệ thuật tới lúc đó còn bị ngăn cấm vì có tính tạo phản. Không có thành phố nào lợi dụng được ngang bằng hoặc tốt hơn sự khởi đầu của việc khai mở này như là Barcelona hoặc trải nghiệm một sự phấn khởi sánh bằng như thế trong mọi lĩnh vực tư tưởng và sáng tạo. Nó trở thành thủ đô văn hóa của Tâybannha, nơi bạn phải sống ở đó để hít thở dự cảm về cái tự do sắp tới. Và, trong một nghĩa, nó cũng là thủ đô văn hoá của châu Mĩ Latinh nhờ số hoạ sĩ, nhà văn, nhà xuất bản, và nghệ sĩ từ những xứ sở của châu Mĩ Latinh hoặc là định cư ở đó hoặc đi và về Barcelona: đó là nơi bạn phải có mặt nếu bạn muốn là một nhà thơ, nhà tiểu thuyết, hoạ sĩ, hoặc nhà soạn nhạc đương thời của chúng ta. Đối với tôi, đó là những năm không thể nào quên được của tình đồng chí, tình bạn, mưu đồ, và công việc trí tuệ phì nhiêu. Hệt như Paris trước đây đã từng là, Barcelona đã là một ngọn tháp Babel, một thành phố quốc tế, đại đồng nơi sống và làm việc đầy kích thích và là nơi, lần đầu tiên kể từ thời Nội chiến [1936-1938], những nhà văn Tâybannha và châu Mĩ latinh hoà trộn và kết tình anh em, thừa nhận nhau như những kẻ sở hữu cùng chung một truyền thống và đồng minh trong một công cuộc chung; và cùng một xác tín: sự kết thúc của chế độ độc tài là cận kề và trong một đất nước Tâybannha dân chủ, văn hoá sẽ là kẻ đóng vai chủ chốt.

Mặc dù sự việc không sảy ra đúng như vậy, sự chuyển tiếp của Tâybannha từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ là một trong những câu chuyện tuyệt vời nhất của thời hiện đại, một gương mẫu về sự bằng cách nào, khi lương tri và lí trí ưu thắng và các đối thủ chính trị gạt sang một bên chủ nghĩa bè phái vì ích lợi chung, các biến cố có thể xảy ra kì diệu như các biến cố trong những cuốn tiểu thuyết của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Sự chuyển tiếp của Tâybannha từ sự chuyên quyền sang tự do, từ sự kém phát triển sang thịnh vượng, từ những đối nghịch và bất công kinh tế của thế giới thứ ba sang một xứ sở của những giai cấp trung lưu, sự hội nhập của nước này vào châu Âu và trong một vài năm sự chấp nhận của nước này vào một nền văn hoá dân chủ, đã làm kinh ngạc toàn thế giới và thúc đẩy sự canh tân của Tâybannha. Thật là xúc động và giáo huấn cho tôi khi trải nghiệm điều này ở kề cận, có những lúc từ bên trong. Tôi nồng nàn hi vọng rằng chủ nghĩa quốc gia, nạn dịch bất trị của thế giới hiện đại và của luôn cả Tâybannha, không tàn hại câu chuyện hạnh phúc này.

Tôi ghét mọi hình thức của chủ nghĩa quốc gia, là một hình thái í thức tỉnh lẻ — hoặc đúng hơn, là tín ngưỡng tỉnh lẻ — nó cận thị, chuyên biệt, nó cắt lìa chân trời trí tuệ và giấu trong lòng nó những thành kiến về sắc tộc và chủng tộc, vì nó biến cải cái hoàn cảnh ngẫu nhiên của nơi người ta sinh ra đời thành giá trị tối cao, thành một đặc quyền về đạo đức và bản thể. Cùng với tín ngưỡng, chủ nghĩa quốc gia đã là nguyên nhân của những vụ tàn sát tệ hại nhất trong lịch sử, giống như nguyên nhân của hai cuộc thế chiến và trong cuộc đổ máu hiện thời ở Trung đông. Không gì bằng chủ nghĩa quốc gia đã đóng góp nhiều như thế vào việc qua phân châu Mĩ Latinh và làm nơi này lấm máu trong những chiến đấu và tranh chấp vô nghĩa lí, hoang phí những tài nguyên như trời bể để mua sắm vũ khí thay vì xây dựng trường học, thư viện, và nhà thương.

Chúng ta không nên lầm lẫn chủ nghĩa quốc gia bị che kín hai bên mắt cùng với sự loại trừ “người khác” của nó, luôn luôn là mầm mống của bạo động, với lòng yêu nước, một tình tự lành mạnh và bao dung, tình thương yêu đối với quê hương là mảnh đất nơi chúng ta chào đời, nơi tổ tiên ta đã sống, nơi những giấc mơ đầu đời của ta thành hình, một cảnh sắc thân quen về địa lí, những người thân thương, và những biến cố hoá thành những dấu mốc của trí nhớ và những phòng ngự chống nỗi cô đơn. Quê hương không phải là những lá cờ, những bài quốc ca, hoặc những diễn văn giáo huấn về những anh hùng trên huy hiệu, mà chỉ là dăm ba nơi chốn và con người cư ngụ trong những kỉ niệm của chúng ta và làm chúng đượm buồn, cảm giác ấm áp là dù là chúng ta ở bất cứ nơi đâu, cũng có một mái nhà để chúng ta quay về.

Peru đối với tôi là Arequipa, nơi tôi được sinh ra nhưng chẳng hề sống ở đó, một thành phố mà mẹ tôi, ông bà ngoại, và các dì và các cậu dạy cho tôi biết qua những kỉ niệm và mong mỏi của họ, bởi vì toàn thể gia tộc tôi, được biết như là dân Arequipa {Arequepenos} có khuynh hường là luôn luôn mang theo Thành phố Trắng này trong cuộc sống lang thang của họ. Đó là Piura trong sa mạc, những cây xấu hổ và những con lừa thồ hàng chịu cực khổ mà người dân ở Piura thời niên thiếu của tôi gọi là “những chân của kẻ khác” — một tên gọi buồn bã, thanh nhã — nơi tôi khám phá ra rằng loài cò không mang những em bé sơ sinh vào thế gian này mà là những lứa đôi tạo ra chúng bằng cách làm những điều lố lăng vốn là một tội trọng. Peru là trường trung học San Miguel và Rạp hát Tạp kĩ nơi lần đầu tiên tôi thấy một vở kịch ngắn mà mình đã viết được diễn trên sân khấu. Đó là góc Diego Ferré và Colón, trong khu Miraflore của thủ đô Lima — chúng tôi gọi đó là Khu phố Hạnh phúc — nơi tôi đổi quần cộc để mặc quần dài, hút điếu thuốc lá đầu tiên, học khiêu vũ, vương vào tình ái, và mở lòng ra với các cô gái. Đó là cái văn phòng biên tập hối hả, đầy bụi của tờ báo La Crónica nơi, ở tuổi mười sáu tôi thử tay nghề đầu tiên làm phóng viên, một nghề mà, cùng với văn học, đã chiếm gần trọn đời tôi, và giống như việc viết sách, khiến tôi sống nhiều hơn, biết thế giới rành hơn, và chung đụng với những người đàn ông và đàn bà từ khắp mọi nơi và thuộc mọi giai cấp, những người tuyệt vời, tốt có, xấu có, và cả đê tiện. Đó là Học viện quân sự Leoncio Prado, nơi tôi học để biết được rằng Peru không phải là cái xó xỉnh nhỏ bé thuộc giai cấp trung lưu mà tôi đã sống cho đến lúc đó, khép kín và được bảo bọc, nhưng là một xứ sở lớn lao, cổ kính, hung bạo và bất bình đẳng, bị lay động bằng mọi loại dông bão xã hội. Đó là những tiểu tổ lậu ở Cahuide nơi, với vài người bạn cùng là sinh viên ở đại học San Marcos, chúng tôi chuẩn bị cuộc cách mạng thế giới. Và Peru, là bạn bè sau cùng của tôi trong Phong trào Tự do cùng với họ trong ba năm, giữa các trái bom, những vụ cắt điện, và những toan tính ám sát khủng bố, chúng tôi làm việc để bảo vệ dân chủ và vì văn hoá tự do.

Peru là Patricia, cô em họ của tôi với chiếc mũi hỉnh và tính khí bất khuất, người tôi khá may mắn được kết hôn bốn mươi lăm năm về trước và là người hiện vẫn còn phải chịu những thói hư tật xấu, những chứng thần kinh, và những phát tác đã giúp tôi viết lách. Không có nàng thì đời tôi hẳn đã tiêu tán từ lâu lắm rồi thành một cơn lốc quay cuồng, và hẳn đã không có sự chào đời của Alvaro, Gonzalo, Morgana và sáu đứa cháu đã kéo dài và làm vui cuộc sống của chúng tôi. Nàng làm mọi chuyện và làm mọi chuyện thật hay. Nàng giải quyết các vấn đề, lo liệu việc tài chính, áp đặt trật tự lên hỗn mang, ngăn chặn các nhà báo và các kẻ tò mò, che chở thời gian của tôi, quyết định những sự hẹn gặp và những chuyến đi, đóng gói và thảo dỡ hành lí, và bao dung đến nỗi rằng ngay cả khi nàng nghĩ đang rầy la tôi, nàng lại ngợi khen tôi hơn hết: “Mario, điều duy nhất anh giỏi là chỉ biết viết thôi.”

Chúng ta quay về với văn học thôi. Thiên đàng của tuổi thơ đối với tôi không phải là một chuyện thần thoại văn chương mà là một thực tế tôi đã sống và vui hưởng trong căn nhà lớn của gia tộc với ba cái sân ở Cochabamba nơi cùng với các anh chị em họ và bạn cùng học ở trường chúng tôi có thể tái tạo những câu chuyện về Tarzan và Salgari, và ở trong huyện Piura, nơi lũ dơi làm tổ dưới mái nhà, những bóng đen thầm lặng làm tràn ngập những đêm trời sao của miền đất nóng nực đó chứa chan huyền bí. Trong suốt những năm đó, việc viết là chơi một trò chơi mà đại gia đình tôi hoan nghênh, một điều gì dễ thương khiến người ta cổ vũ, đứa cháu ngoại, đứa cháu của các dì các cậu, đứa con trai không có ba vì cha tôi đã mất và đã lên thiên đàng. Ông là một người đàn ông bảnh bao, cao lớn, trong bộ đồng phục hải quân mà tấm ảnh chụp trang hoàng trước bàn ngủ của tôi, mà mỗi đêm tôi cầu nguyện và hôn trước khi đi ngủ. Một buổi sáng kia ở Piura — tôi không nghĩ là bây giờ tôi đã hồi phục từ đó — mẹ tôi bộc lộ rằng người đó, thực sự, còn đang sống. Và kể từ ngay ngày hôm đó chúng tôi sẽ đến sống cùng với ông ở thủ đô Lima. Lúc đó tôi mười một tuổi, và kể từ khoảnh khắc đó mọi sự đã biến đổi. Tôi đánh mất sự ngây thơ và tìm thấy nỗi cô đơn, quyền uy, đời sống trưởng thành, và niềm kinh sợ. Sự cứu rỗi của tôi là việc đọc, đọc những sách hay, an trú trong những thế giới mà đời sống là vinh quang, nồng nhiệt, hết phiêu lưu này tới phiêu lưu khác, nơi tôi có thể lại cảm thấy tự do và hạnh phúc. Và đó là việc viết, âm thầm, giống như một ai đó phó mình cho một tật xấu không thể tiết lộ, một ham mê bị cấm đoán. Văn học thôi không còn là một trò chơi. Nó đã trở thành một lối đề kháng nghịch cảnh, phán đối, nổi loạn, đào thoát cái không thể chịu nổi, thành lí do sống của tôi. Từ lúc đó cho đến bây giờ, trong mọi hoàn cảnh khi tôi cảm thấy ngã lòng hoặc bị vùi giập, bên bờ tuyệt vọng, lao cả thân thể và linh hồn vào công việc như một người kể chuyện đã là ánh sáng cuối đường hầm, là tấm ván đưa kẻ đắm tàu là tôi tới bến bờ.

Mặc dù nó rất lao khổ và buộc tôi phải rịn máu và, giống như mọi nhà văn, thỉnh thoảng cảm thấy sự đe doạ bị tê liệt, một mùa khô kiệt của trí tưởng tượng, không điều gì từng làm cho tôi vui hưởng cuộc sống như là trải nhiều tháng năm để xây dựng một câu chuyện từ sự khởi đầu bất trắc, cái hình tượng mà trí nhớ đã lưu trữ về một kinh nghiệm sống đã trở nên một háo hức, một thần hứng, một mộng mơ rồi ra mọc mầm thành một dự án và quyết tâm thử chuyển áng mây xôn xao của các bóng ma thành một câu chuyện. Flaubert nói: “Viết là một lối sống.” Phải, tuyệt đối đúng, một lối sống với ảo tưởng và niềm vui và một ngọn lửa phóng ra những tia sáng trong đầu bạn, vật lộn với những từ ngữ hóc búa đến khi bạn làm chủ được chúng, thăm dò thế giới bao la như một người thợ săn dõi theo con mồi mong ước để nuôi dưỡng một tiểu thuyết còn trong bào thai và làm khuây khoả nỗi thèm khát vô độ của mỗi câu chuyện, khi nó tăng trưởng, muốn ngấu nghiến mọi chuyện khác. Bắt đầu cảm thấy sự choáng ngợp của cuốn tiểu thuyết đang nẩy nở dẫn dắt chúng ta tới, khi nó tượng hình và dường như có đời sống riêng của chính nó, với những nhân vật cử động, hành sự, suy nghĩ, cảm xúc, và đòi hỏi kính trọng cùng cẩn thận, không thể độc đoán áp đặt lên hành vi của họ, hoặc tước đoạt ý chí tự do của họ mà không giết chết họ, mà không làm cho truyện mất đi sức thuyết phục — đây là một kinh nghiệm vẫn tiếp tục làm tôi mê luyến như lần đầu tiên, trọn vẹn và ngất ngây như làm tình với người đàn bà bạn thương yêu bao ngày, bao tuần, bao tháng, không ngừng.

Khi bàn về hư cấu, tôi đã nói nhiều về tiểu thuyết và rất ít về kịch nghệ, một trong những dạng thức kiệt xuất của hư cấu. Dĩ nhiên đó là một bất công lớn. Kịch nghệ là tình yêu đầu đời của tôi mãi mãi từ thưở đó, từ khi còn là thiếu niên, tôi xem vở Cái chết của người chào hàng (Death of a Salesman) của Arthur Miller ở Nhà hát Segura ở Lima, một buổi trình diễn khiến tôi sững sờ vì xúc động và thôi thúc tôi viết một vở kịch về người Da đỏ Incas. Nếu đã có một phong trào kịch nghệ ở Lima thời thập niên 1950, hẳn tôi đã làm một người viết kịch hơn là một người viết tiểu thuyết. Nó không có và điều đó hẳn đã phải xoay chuyển tôi ngày một hướng về thể loại tự sự. Nhưng tình yêu của tôi đối với kịch nghệ chẳng hề chấm dứt. Nó lim dim ngủ, cuộn tròn trong bóng những cuốn tiểu thuyết, giống như một cám dỗ về một nỗi đau hoài hương, trên hết mỗi khi tôi thấy một vở kịch lôi cuốn. Vào cuối thập niên 1970, nỗi nhớ dai dẳng về một bà cô trăm tuổi, Mamáe, trong những năm cuối đời lìa bỏ thực tại vây quanh để an trú trong kỉ niệm và hư cấu, đã gợi ra một câu chuyện. Và tôi cảm thấy, một cách tiên tri, rằng đó là một câu chuyện cho kịch nghệ, rằng chỉ trên sân khấu nó mới có được sức sinh động và vẻ huy hoàng của những hư cấu thành công. Tôi viết nó ra với sự hăng say hồ hởi của một kẻ bắt đầu và quá sung sướng thấy nó trên sân khấu với Norma Aleandro trong vai nữ chính đến nỗi kể từ đó, giữa hai tiểu thuyết và hai luận văn, tôi đã mấy lần sa vào việc viết kịch. Và tôi phải xin thêm, tôi chưa hề tưởng tượng ra rằng ở vào tuổi bảy mươi rôi lại có thể leo lên (đáng ra tôi phải nói, rơi vào) sàn diễn để đóng vai. Chuyến phiêu lưu bạt mạng đó, đã làm tôi lần đầu kinh qua bằng thịt da xương xảu cái phép lạ dành cho những ai đã bỏ cả đời viết hư cấu được thể nghiệm trong vài giờ một nhân vật của huyễn tưởng, để sống cái hư cấu trước mặt một lớp thính giả. Tôi không bao giờ có thể cám ơn đẩy đủ những người bạn thân của tôi, đạo diễn Joan Ollé và nữ diễn viên Aitana Sánchez Gijón, đã thúc đẩy tôi tham gia với họ trong kinh nghiệm huyễn hoặc này (mặc dù tất cả nỗi kinh hoàng làm theo với nó).

Văn học là một sự thay mặt giả dối cho đời sống, tuy thế nó làm ta hiểu đời sống rành hơn, để hướng chúng ta trong cái mê cung mà chúng ta đã sinh vào, băng qua, và chết đi. Nó bù đắp cho những sự đảo lộn và thất vọng mà đời sống có thực giáng xuống chúng ta, và nhờ nó chúng ta có thể giải mã, ít nhất phần nào, cái văn tự linh thiêng mà cuộc sinh tồn có khuynh hướng hiện ra cho đại đa số con người, chính yếu là những kẻ trong chúng ta sản sinh ra nhiều hoài nghi hơn là đinh ninh và bộc bạch sự bối rối hoang mang của chúng ta trước những chủ đề như là sự siêu thoát, định mệnh cá nhân và tập thể, linh hồn, ý nghĩa hoặc sự vô nghĩa lí của lịch sử, cái chao đảo của tri thức thuần lí.

Tôi đã luôn bị mê say tưởng tượng ra hoàn cảnh bất định trong đó tổ tiên chúng ta — hãy còn chẳng khác là bao nhiêu với loài thú, cái ngôn ngữ cho phép họ truyền thông với nhau vừa mới được nảy sinh — trong những hang động, quanh đám lửa, vào những đêm sục sôi vì đe doạ của chớp giật, sấm dồn, và tiếng tru của ác thú, bắt đầu bịa ra và kể chuyện. Đó là khoảnh khắc then chốt trong định mệnh của chúng ta, bởi vì trong những vòng con người sơ khai ấy được giữ bằng tiếng nói và hoang tưởng của người kể chuyện, văn minh đã bắt đầu, chuyến đi dài dần dà làm chúng ta thành người và dắt dẫn chúng ta đến sự phát minh ra cá nhân tự chủ, rồi tách lìa y ra khỏi bộ lạc, sáng kiến ra khoa học, các nghệ thuật, luật pháp, tự do, và thám sát những ngõ ngách thâm sâu nhất của cõi tự nhiên, thân thể con người, không gian, và du hành tới các vì sao. Những truyện kể, ngụ ngôn, huyền thoại, truyền kì ấy đã vang vọng thưở ban đầu giống như thứ âm nhạc mới mẻ trước người nghe xao xuyến vì những huyền bí và rủi ro của một thế giới nơi vạn vật chưa được biết và hiểm nghèo, hẳn phải là một cơn tắm mát, một hồ nước tĩnh lặng cho những tinh thần luôn luôn cảnh giác, đối với họ sinh tồn chỉ có nghĩa vỏn vẹn là ăn, trú ẩn khỏi đất nước gió lửa, giết chóc, và giao cấu. Từ lúc họ bắt đầu mơ mộng tập thể, san sẻ những giấc mơ, gây ra do người kể chuyện, họ thôi không còn bị cột chặt vào guồng quay của việc sống còn, cơn lốc xoáy của những lao lực làm u mê, và đời sống của họ trở thành mộng mơ, lạc thú, huyễn tưởng, và một kế hoạch cách mạng, phá vỡ sự tù túng và biến đổi và cải thiện, một cuộc tranh đấu để khuây khoả những mong muốn và cao vọng khuấy lên những cõi đời tưởng tượng trong họ, và sự tò mò muốn làm quang đãng những huyền bí chứa đầy cảnh quan của họ.

Tiến trình không hề ngắt ngang này được làm giàu khi chữ viết nảy sinh và những câu chuyện, ngoài việc được nghe, còn có thể được đọc, đạt tới sự trường tồn mà nền văn học ban cho chúng. Đó là lí do điều này phải được nhắc lại không ngừng nghỉ cho đến khi những thế hệ mới đinh ninh trong dạ: hư cấu còn hơn là giải trí, còn hơn là một sự thao diễn trí tuệ mài nhọn cảm quan của chúng ta và đánh thức một tinh thần phê phán. Nó là một sự cần thiết tuyệt đối để cho văn minh tiếp tục tồn tại, đổi mới và bảo tồn trong chúng ta phần tinh tuý nhất của những gì mang tính người. Để cho chúng ta không rút lui vào sự man rợ của cô độc và đời sống không bị giảm thiểu vào cái chủ nghĩa thực dụng của những nhà chuyên môn vốn nhìn sự vật một cách sâu sắc nhưng không biết những gì bao quanh, đi trước, và tiếp tục các sự việc ấy. Để cho chúng ta không di chuyển từ chỗ có những máy móc chúng ta phát minh để phục vụ chúng ta đến chỗ làm đầy tớ và nô lệ cho chúng. Và bởi vì một thế giới không có văn học sẽ là một thế giới không có những mong muốn hoặc những lí tưởng hoặc sự bất kính một thế giới của những bộ máy tự động khiếm khuyết những gì làm cho con người thực sự mang tính người: khả năng di động khỏi tự thân và nhập vào kẻ khác, vào những kẻ khác vốn được khuôn mẫu bằng thứ đất sét của những mộng mơ của chúng ta.

Từ hang động đến toà nhà chọc trời, từ cây chày gỗ đến những vũ khí huỷ hoại đại thể, từ cuộc sống trùng lặp của bộ lạc tới kỉ nguyên toàn cầu hóa, những hư cấu của văn học đã nhân gấp bội những kinh nghiệm của con người, ngăn ngừa chúng ta khỏi suy sụp vào sự ù lì, sự tự chỉ biết có mình, sự an phận. Không gì đã gieo trồng nhiều bất an như thế, đã xoáy động trí tưởng tượng và những dục vọng của chúng ta đến thế như là đời sống của những dối trá mà chúng ta thêm, nhờ văn học, vào đới sống mà chúng ta có, để chúng ta có thể thủ những vai trong những cuộc phiêu lưu lớn, những đam mê lớn mà đời sống thực không bao giờ cho chúng ta. Những dối trá của văn học trở thành những sự thật qua chúng ta, người đọc được chuyển hoá, bị lây nhiễm với những khát khao, và qua lỗi của hư cấu, thường xuyên chất vấn một thực tại tầm thường. Thuật phù thuỷ, khi văn học cung ứng cho chúng ta niềm hi vọng có được những gì chúng ta không có, là được những gì chúng ta không là, đạt tới được cuộc sinh tồn bất khả nơi giống như những thần linh bên lương chúng ta cảm thấy đồng thời vừa phù du vừa bất tử, nó đưa vào tâm linh chúng ta sự không thuận tùng và sự nổi dậy, vốn nằm sau tất cả những việc làm anh hùng đã đóng góp vào việc làm giảm thiểu sự bạo động trong những mối quan hệ của con người, giảm thiểu bạo động, chứ không phải chấm dứt nó. Bởi vì câu chuyện của chúng ta, may thay, sẽ luôn luôn là một câu chuyện không kết liễu. Đó là lí do chúng ta phải tiếp tục mộng mơ, đọc và viết, là cách hiệu quả nhất chúng ta đã tìm ra để làm nhẹ cái thân phận tử vong của chúng ta, để đánh bại sự ruỗng mòn của thời gian, và để chuyển hoá cái không thể thành có thể.

 

Stockholm, 7/12/2010
Mario Vargas Llosa

 

 

---------------------
Bản dịch tiếng Việt: Nguyễn Tiến Văn, 3/1/2011, Sài Gòn, Việt nam, dựa vào bản tiếng Anh của Edith Grossmanbản tiếng Pháp của Albert Bensoussan trên trang nobelprize.org.

 

 

------------

Đã đăng:

[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Khi còn trẻ, tôi rất mê đọc Sartre. Tôi cũng đọc các tiểu thuyết gia người Mỹ, đặc biệt của thế hệ lạc loài — như Faulkner, Hemingway, Fitzgerald, Dos Passos — nhất là Faulkner. Trong số các tác giả tôi đọc khi tôi còn trẻ, Faulkner là một trong số ít những người vẫn còn có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Tôi chẳng bao giờ thất vọng khi đọc lại ông, như cái cách mà tôi vẫn thỉnh thoảng cảm thấy khi đọc lại Hemingway, chẳng hạn. Tôi cũng sẽ không đọc lại Sartre vào lúc này. So với mọi thứ tôi đã đọc từ thuở đó đến nay, thì tác phẩm hư cấu của Sartre có vẻ đã lỗi thời và đã mất đi phần lớn giá trị của nó... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi chưa bao giờ có cảm giác rằng tôi đã quyết định một cách duy lý, một cách lạnh lùng, để viết một cái truyện. Trái lại, những sự kiện hoặc những con người nào đó, đôi lúc những giấc mơ hay những gì đọc được trong sách vở, bất ngờ bám lấy tôi và đòi hỏi sự lưu tâm. Đó là lý do tại sao tôi nói rất nhiều về tầm quan trọng của những yếu tố hoàn toàn phi lý của công việc sáng tạo văn chương. Tôi tin rằng sự phi lý này cũng phải được chuyển tải đến người đọc. Tôi muốn những cuốn tiểu thuyết của tôi được đọc như cách tôi đọc những cuốn tiểu thuyết mà tôi yêu thích... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi không bao giờ biết khi nào thì tôi sẽ kết thúc một câu chuyện. Một mẩu chuyện tôi tưởng chỉ mất vài tháng đôi khi có thể mất vài năm để hoàn thành. Đối với tôi một cuốn tiểu thuyết dường như chỉ hoàn thành khi tôi cảm thấy rằng nếu tôi không kết thúc nó sớm, nó sẽ vượt qua khỏi tôi. Khi đã đạt đến độ bão hoà, khi tôi thấy đã đủ, khi tôi không còn chịu đựng được nữa, thì câu chuyện kết thúc... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Lúc đầu có điều gì đó rất mơ hồ, một trạng thái cảnh giác, một điềm báo, một điều gây thắc mắc. Một cái gì đó tôi nhận ra trong cõi mù mịt và chập chờn quanh tôi khiến tôi chú ý, tò mò, và phấn khích, và rồi tự nó biến thành công việc, những thẻ ghi chú, bản tóm tắt cốt truyện. Rồi đến khi tôi có cái sườn truyện và bắt đầu sắp đặt mọi sự việc theo trật tự, thì một điều gì đó rất tản mạn, rất mơ hồ vẫn còn lởn vởn. Giây phút “bừng sáng” chỉ xảy ra trong khi làm việc... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Một số người xem văn chương như là một sinh hoạt bổ sung hoặc trang trí cho một cuộc đời vốn dành để theo đuổi những thứ khác hay thậm chí như một cách để đạt được thanh thế và quyền lực. Trong những trường hợp đó, có một sự tắc nghẽn, đó chính là văn chương đang trả thù chính nó, nó không cho phép bạn viết với một chút tự do, táo bạo hay độc đáo nào cả. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng việc dấn thân hoàn toàn vào văn chương là điều rất quan trọng... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi nghĩ tiểu thuyết, như một thể loại, thiên về sự thái quá. Nó có khuynh hướng tăng trưởng nhanh chóng, cốt truyện phát triển như một căn bệnh ung thư. Nếu tác giả theo đuổi mọi đầu mối của cuốn tiểu thuyết, nó sẽ trở thành một khu rừng rậm. Tham vọng kể toàn bộ câu chuyện là đặc tính cố hữu của thể loại này. Mặc dù tôi luôn cảm thấy đến một thời khắc nào đó bạn phải giết chết câu chuyện để nó không kéo dài vô tận, tôi cũng tin rằng việc kể chuyện là một nỗ lực để đạt tới cái lý tưởng của cuốn tiểu thuyết “trọn vẹn” ấy... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Để hư cấu, tôi luôn phải bắt đầu từ một hiện thực cụ thể. Tôi không biết điều đó có đúng với tất cả các tiểu thuyết gia khác hay không, nhưng tôi luôn cần một bệ nhún của hiện thực. Đó là lý do tại sao tôi phải nghiên cứu và tham quan những nơi chốn xảy ra sự kiện, chứ không phải vì tôi chỉ muốn tái tạo hiện thực. Tôi biết điều đó là bất khả. Ngay cả khi tôi muốn tái tạo hiện thực thì kết quả cũng chẳng hay ho chút nào, nó sẽ là một điều gì hoàn toàn khác... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi nghĩ điều quan trọng là các nhà văn tham dự, đưa ra những phán đoán, và can thiệp, nhưng đồng thời không để chính trị xâm nhập và phá hoại lĩnh vực văn học, địa hạt sáng tạo của nhà văn. Khi điều đó xảy ra, nó giết chết nhà văn, làm cho anh ta chỉ còn là một kẻ tuyên truyền. Do đó điều cần thiết là anh ta phải đặt giới hạn cho những hoạt động chính trị mà không từ bỏ hoặc tự tước đi nhiệm vụ phát biểu ý kiến của mình... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021