thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tác phẩm vĩ đại

 

Lưu Hồng Sơn dịch từ nguyên tác Trung văn

 

TÀN TUYẾT

(1953~)

 

Lời giới thiệu của người dịch:
 
Tàn Tuyết tên thật là Trịnh Tiểu Hoa. Người Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam, sinh ngày 30/5/1953 ở Trường Sa. Cùng thời với các nhà văn Mã Nguyên, Cách Phi, Mạc Ngôn, Tô Đồng, Dư Hoa... Cha Tàn Tuyết từng chủ nhiệm tờ Tân Hồ Nam, mẹ cô cũng từng làm báo và cả hai người đều là đảng viên Trung Cộng lâu năm. Năm 1957, khi Tàn Tuyết mới 4 tuổi, cha mẹ cô bị quy vào “hữu phái” phản đảng. Cha bị đưa đi lao động cải tạo, gia đình cô rơi vào cảnh cùng túng.
      Năm 1966, cuộc Cách Mạng Văn Hoá bắt đầu khi cô 13 tuổi, mang thân phận “con gái của phái hữu”, nên mặc dù chưa tốt nghiệp tiểu học, Tàn Tuyết cũng phải bỏ ngang bởi không chịu nổi sự khinh thị của mọi người. Cũng từ đó, cô trở nên trầm lặng, ít nói, tìm niềm an ủi trong các tác phẩm kinh điển trong nước, phương Tây, và bắt đầu viết nhật kí. Ngoài môi trường sách vở thì bà nội của Tàn Tuyết cũng là người góp phần quan trọng vào việc hình thành phong cách nghệ thuật đặc biệt của cô sau này. Bà thường kể cho Tàn Tuyết những gì do chính bà viết và những câu chuyện rực rỡ màu sắc kì lạ.
      Năm 17 tuổi, cô vào công xưởng học nghề tiện. Tám năm sau, Tàn Tuyết lập gia đình, hai người ra ở riêng, tự học may vá và trở thành thợ may nổi tiếng ở Trường Sa. Lúc rảnh rỗi, cô vẫn tập sáng tác tiểu thuyết, thơ ca. Năm 1983, Tàn Tuyết hoàn thành tác phẩm đầu tay “Chợ Hoàng Nê”, nhưng khi ấy, cô chưa dám công bố. Rồi hai năm sau, lần đầu tiên cô đăng truyện ngắn “Bọt xà phòng trên nước bẩn” trên tờ Tân Sáng Tác và Tàn Tuyết chính thức bước vào làng văn với truyện ngắn “Căn nhà nhỏ trên núi” năm 1985. Sau đó, hàng loạt tác phẩm của cô được đăng trên các tờ: Nhân dân văn học, Phù dung, Văn học nguyệt san, Trung Quốc... Và dần trở thành một tiểu thuyết gia hàng đầu trong “Tiên phong phái” của văn học Trung Quốc đương đại.
      Tàn Tuyết không chỉ gây ảnh hưởng trong nước, mà ngay từ cuối những năm 80, cái tên Tàn Tuyết đầy ấn tượng đã rất quen thuộc với nhiều nước trên thế giới, như: Đài Loan (1987), Mỹ (1989), Nhật (1991), Ý (1991), Đức (1996), Pháp (2000), Anh... Theo thống kê, cô là nhà văn nữ của Trung Quốc được dịch ở nước ngoài nhiều nhất.
      Cùng với hàng trăm tiểu thuyết (cả đoản thiên và trung thiên), Tàn Tuyết còn dành nhiều thời gian cho việc bình giải tác phẩm của các văn hào như: Lỗ Tấn, Franz Kafka, Dante, Borges, Goethe, Shakespeare... Và có lẽ, người có ảnh hưởng sâu sắc nhất, gần gũi nhất với cô là Kafka. Có người nói, muốn hiểu Tàn Tuyết, trước hết phải hiểu những nhà văn ấy, đặc biệt là Kafka.
      Hầu hết tác phẩm của Tàn Tuyết là cuộc thâm nhập, khám phá tự ngã, thế giới tâm linh, thế giới của những xung đột nội tâm, sự cô đơn, sự sợ hãi, dục vọng... trong cõi tiềm thức, vô thức của con người. Tức là những yếu tố cơ bản nhất trong sáng tác của Tàn Tuyết và cũng là những cái, mà theo cô, văn học truyền thống Trung Quốc còn khuyết thiếu. Tuy vậy, thế giới huyễn tưởng trong tác phẩm Tàn Tuyết không hề thoát ly khỏi thế giới hiện thực bên ngoài, mà nó lại tràn đầy hơi thở của cuộc sống. Trong tác phẩm của Tàn Tuyết không có anh hùng, thánh nhân; cũng không có kẻ “đại gian, đại ác”, mà thường là những con người cô đơn, bé nhỏ, bất hạnh. Thậm chí, cô còn nói, tác phẩm của mình là “hiện thực chủ nghĩa”. Có điều, sự sáng tạo, kết cấu, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm Tàn Tuyết không theo những quy tắc, khuôn mẫu thông thường, mà luôn luôn nỗ lực vượt lên để tạo ra sự đột biến nghệ thuật, làm cho những trường cảnh thường nhật trở nên kì lạ, hoang liêu, phi lí song lại có vẻ đẹp rực rỡ kì lạ, lay động tâm phách con người.
      Về góc độ ngôn từ, các tác phẩm của Tàn Tuyết có vẻ như bình-giản, rất cô đọng nhưng chúng lại có những kết cấu hết sức kì lạ, như những giấc mơ, ảo ảnh và trùng trùng điệp điệp các tầng nghĩa. Như Nam Hoa kinh, như Cỏ dại, như Lâu đài, như Thần khúc... Mỗi tác phẩm của Tàn Tuyết như một “công án” Thiền, một “mê hồn trận”, một “bát trận đồ”, mà người đọc rất khó “ngộ”, không tìm thấy “cửa sinh”, không tìm thấy lối ra nếu cứ lần theo sợi dây tư duy thông thường. Và do vậy, cũng dễ đi đến kết luận rằng tác giả của chúng là kẻ “nằm mơ giữa ban ngày”, “tâm lý bị biến thái”...; còn những tác phẩm của tác giả này là “thế giới ma huyễn”.

 

______________________________

 

TÁC PHẨM VĨ ĐẠI

 

Đối với tôi, những tác phẩm vĩ đại là những tác phẩm có tính vĩnh cửu. Tức là, những tác phẩm của những nhà văn mà dù trải qua bao nhiêu thế kỷ, cũng vẫn khơi gợi những điều mới mẻ cho người đọc ở các thế hệ sau. Những nhà văn như vậy thường có “linh tính”, gần giống với sự tiên tri.

Số lượng độc giả của những tác phẩm này không thể tính trong phạm vi thời gian của một giai đoạn, có khi thậm chí do điều kiện hạn chế, nên ban đầu bị vùi lấp không ai biết. Nhưng cuối cùng, số độc giả của họ sẽ vượt xa số độc giả của những nhà văn bình thường.

Nhân loại có một dòng sông lịch sử văn học bí ẩn, dòng sông ấy ở tận cùng mịt mù nhất và do những nhà văn miêu tả bản chất ấy khơi dòng. Nó là tấm gương cho bao nhiêu thế kỷ con người hướng đến thế giới tinh thần thuần tuý. Tôi không thích cái kiểu tâng bốc: “Tiểu thuyết Trung Quốc vĩ đại”, trong khi thực ra nội hàm của chúng chẳng có gì đáng nói. Nếu tác phẩm của nhà văn có thể phản ánh được những nơi sâu kín nhất, cái bản chất phổ biến nhất của con người (những thứ này giống như lương thực và không khí, lại cũng giống như nham thạch và biển lớn), thì dù người của dân tộc nào trên thế giới này cũng đều thừa nhận tác phẩm đó là vĩ đại. Đương nhiên sự thừa nhận này không phải lấy hiệu ứng trong một thời gian ngắn để đánh giá. Đối với tôi, tính địa vực hoàn toàn không quan trọng, có ai lại đi chú ý đến chất “Anh” của Shakespeare hay chất “Ý” của Dante bao giờ đâu?

Nếu bạn đã có thể thưởng thức tác phẩm ở tầng sâu, thì hoàn toàn có thể không cần chú ý đến địa vực và chủng tộc. Nói cho cùng, văn học chẳng phải là hoạt động cao cấp mà con người làm ra để tiến tới sự tự nhận thức bản thân hay sao? Có thể có những nhà văn cất mình lên từ sự thể nghiệm địa lý (có lẽ không ai tránh khỏi việc phải làm như vậy), nhưng quyết không phải chỉ dừng lại ở trải nghiệm bên ngoài về địa vực như vậy. Những nhà văn có tham vọng phải hướng đến những điều sâu hơn, rộng hơn. Và việc chỉ dừng lại ở kinh nghiệm bề ngoài chính là căn bệnh trầm kha của các nhà văn Trung Quốc (và cũng là của các nhà văn Mỹ hiện nay).

Bởi quá đề cao và sùng bái truyền thống của dân tộc mình, cho nên họ đã không thấy được hoặc không có khả năng tiến sâu vào địa giới của tinh thần. Mà những tác phẩm này chỉ dừng lại cái gọi là “kinh nghiệm dân tộc”, “tả thực”. Và sức sống của chúng tất nhiên chỉ là sự ngắn ngủi và tạm bợ; cường độ phê bình về chúng cũng đáng ngờ. (Chỉ cần nhìn sự biến chất và thụt lùi phổ biến của những người làm công tác văn hoá ở Trung Quốc hiện nay, nhìn sự điên cuồng hiếu chiến của đa số dân Mỹ và sự cuồng nhiệt đối với chiến tranh từ xưa đến nay của con người thì có thể thấy được bằng chứng).

Những tác phẩm vĩ đại đều là những tác phẩm tự kiểm điểm, tự phê phán. Trong danh sách những vì sao sáng của tôi, có nhiều nhà văn như vậy, chẳng hạn: Homer, Dante, Milton, Shakespeare, Cervantes, Goethe, Kafka, Borges, Calvino, Antoine de Saint-Exupéry, Tolstoy, Gogol, Dostoievski... Trong danh sách này chủ yếu là các nhà văn phương Tây và có quan niệm phương Tây, bởi tôi cho rằng ngọn nguồn của văn học là ở phương Tây. Còn Trung Quốc, từ khởi thuỷ, văn học không được xem là sản phẩm tinh thần tồn tại độc lập. Văn học Trung Quốc từ xa xưa cho đến nay đều thiếu khuyết đặc trưng cơ bản nhất của văn học - đó là sự nhận thức tự giác về bản chất tự thân của chính con người. Có nghĩa là, văn học Trung Quốc hoàn toàn thiếu sự mâu thuẫn giữa chúng với nhau, nó biến các mâu thuẫn này thành tác dụng và kỹ xảo một cách triệt để. Văn học truyền thống xưa nay đều dựa vào đó và hướng ngoại (tức là dừng lại ở tầng cạn). Dù là trong số đó có tác phẩm vĩ đại như Hồng lâu mộng thì ngày nay nhìn lại cũng đã quá lỗi thời rồi, bởi nó không đủ sức khiến người ta phải suy ngẫm và phấn chấn, mà sự miêu tả tâm lý cũng quá nông cạn thiển cận, nó không nói tới mâu thuẫn nội tâm, và giống như văn học từ thời thơ ấu của loài người.

Lỗ Tấn từng viết một số tác phẩm vĩ đại (toàn bộ Dã thảo và một phần trong tác phẩm Cố sự tân biên), nhưng số lượng còn quá ít ỏi, sự áp bức về văn hoá đối với Lỗ Tấn khiến ông chưa kịp phát triển thiên tài của mình. Trong ý nghĩa này, văn học của đại lục đang đứng trong sự khủng hoảng, những tác phẩm khám phá nhân tính ở tầng sâu, nâng cao tính dân tộc, chưa thực sự trở thành một trào lưu.

Theo tôi, các nhà văn Trung Quốc nếu không thắng nổi tính tự tôn dân tộc của mình, thì không có cách nào vươn tới lý tưởng của văn học. Cho nên, trên văn đàn Trung Quốc, rất nhiều nhà văn mới 40 tuổi đã bắt đầu thoái hoá, hoặc không viết nổi nữa hoặc viết qua quýt lừa dối người đọc. Căn nguyên của hiện tượng này là do tâm lý tự cao tự đại dân tộc mà ra. Văn hoá của chúng ta đã phá huỷ và đầu độc các thiên tài của chúng ta. Sự khiếm khuyết về tinh thần trong văn hoá Trung Quốc đã khiến cho văn học đại lục ngày nay không thể sinh sôi và phát triển được, giống như một đứa bé mang bộ mặt già nua, mãi mãi là một ông già lõi đời, mãi mãi tự mãn, khéo léo như một người thợ giỏi nhất thế giới; nhưng chỉ có điều không biết tự kiểm, không biết tự phê. Tất cả những phương diện liên quan đến tự thân, thì đa số những nhà văn đại lục hoặc mỹ hoá những điều hão huyền, hoặc mượn chủ nghĩa hư vô của văn hoá cổ để giải hoá các mâu thuẫn.

Văn học mà không hướng đến tinh thần là nguỵ văn học, văn học chỉ miêu tả cái kinh nghiệm bên ngoài là văn học nông cạn. Sự phát triển của văn học hiện nay có lẽ là vấn đề mang tính thế giới. Sự phát triển nhanh chóng của thế giới vật chất khiến cho đại bộ phận các nhà văn càng ngày càng lười biếng, càng ngày càng bằng lòng với mớ kinh nghiệm bề mặt của mình; và những người đọc sách cũng ngày càng ít đi. Nghe nói, tiểu thuyết thực nghiệm ở Nhật Bản hiện nay đang rất khó khăn trong việc xuất bản, và sự kiện tự sát tập thể ở nước này ngày càng nhiều hơn. Lại nghe, ngay như nước Đức, đất nước của tư tưởng, người ta cũng không đọc tiểu thuyết thực nghiệm nữa. Sự ảo huyễn phiêu du trên thế giới như những bóng ma màu đen. Nhưng tôi vẫn tin rằng, dòng sông bí ẩn ấy sẽ không bao giờ ngừng chảy, bởi lẽ lịch sử có cao trào mà cũng có thoái trào. Thời đại nào cũng có một số người như vậy, sự lao động lặng lẽ của họ sẽ làm cho những dòng chủ lưu của con sông ấy thêm sức sống mới. Tiếp nối tư tưởng của mấy nghìn năm và sẽ còn tiếp tục mãi mãi. Nó chống lại thế giới của những nông nổi, hời hợt và ồn ào.

Những tác phẩm vĩ đại đều là sự cá nhân hoá một cách triệt để, bởi vì con người chỉ có thể đạt được sự tự do trong sáng tác cá nhân hoá thực sự. Người sáng tác không nhanh chóng quăng tất cả những thứ vật chất lỉnh kỉnh, không vạch rõ được ranh giới với vật chất, thì linh cảm không thể nào thăng hoa được. Và cái mà hoạt động này cố gắng đạt tới chính là sự độc lập nhân cách của cá nhân. Yêu cầu sáng tác này có lẽ là việc hết sức khó khăn, rất cần sự can đảm của các nhà văn đại lục Trung Quốc. Thực tiễn văn học chính là thao trường rèn luyện như vậy. Cũng giống các nhà văn phương Tây như Dante, Goethe đã tự cứu vãn chính bản thân mình bằng nhận thức, ở đại lục thiếu vô cùng những người lấy điều đó làm mục tiêu tối cao. Mà hễ nói đến văn học, thì điều mà người ta đương nhiên công nhận chỉ là kinh nghiệm bề ngoài, có liên quan đến hiện thực của “cộng đồng”; vấn đề tiếp theo là làm thế nào để hoàn thiện các “kỹ xảo”, xếp từ chỉnh điệu ra sao để cho ra những vấn đề “mới mẻ” mà thôi. Trên văn đàn có một số nhà lý luận lớn lối, kêu gọi quét sạch ảnh hưởng của văn học thuần tuý, ra sức đề cao cái gọi là “quan tâm hiện thực”. Hãy khoan nói đến định nghĩa “văn học thuần tuý” một cách lơ mơ và khôi hài của họ, cái gọi là “quan tâm hiện thực” cũ rích này chúng ta nghe từ mấy chục năm nay rồi, bây giờ thì nó đã không còn quan hệ gì với văn học chân chính nữa. Chỉ có cá biệt nhà văn chú ý đến cái bên ngoài thế giới kinh nghiệm của chúng ta, vẫn còn một thế giới mênh mông rộng lớn đang chờ chúng ta tìm tòi, khai thác. Chúng ta không khai thác, thì thế giới rộng lớn mênh mông ấy sẽ không thuộc về chúng ta.

Một nhà văn, dù anh ta dùng phương pháp sáng tác nào đi nữa, chỉ cần có lòng hiếu kỳ nhận thức tự ngã, có lòng hăng hái tìm hiểu tự ngã, có tấm lòng rộng mở, thì nhất định sẽ tiến vào địa giới sâu xa trong việc khám phá nhân tính, mang những mâu thuẫn xa xưa đó mà diễn thành những điều chưa từng có trong lịch sử của chúng ta. Đồng thời nó sẽ ảnh hưởng đến người đọc, cải tạo tính dân tộc.

Văn học vĩ đại hoàn toàn không phải là cái gì đó cao xa khó với tới, nó thuộc về những nhà văn thực sự biết hướng đến nó, hạt nhân của nó chính là bản chất của con người. Những nhà văn mà trong quá trình sáng tác văn học, ra sức phát dương lý tưởng của mình thì trong khoảnh khắc cũng đều trở thành nhà văn vĩ đại, những tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh đó sẽ là những tác phẩm vĩ đại. Đương nhiên mỗi người có một thiên bẩm nhiều ít không giống nhau.

Có trở thành một ngôi sao sáng hay không cũng không quan trọng lắm, chỉ cần hướng đến những điều vĩ đại để hoàn thiện chính mình, thì đó đã là một hạnh phúc lớn nhất rồi. Tôi muốn mượn một câu nói của Shakespeare để kết thúc bài viết này: “Thượng đế tạo ra chúng ta, cho chúng ta bao nhiêu trí tuệ, để chúng ta nhìn về phía trước, trông lại phía sau; tuyệt nhiên không hề muốn chúng ta biến những trí tuệ ấy, diệu tính ấy trở thành những thứ thối rữa và vô dụng”.

 

 

----------------
Tiểu luận “Tác phẩm vĩ đại” dịch từ nguyên tác 我心目中的偉大作品 (Ngã tâm mục trung đích vĩ đại tác phẩm) [http://news.xinhuanet.com/book/2005-05/18/content_2971612.htm]

 

 

-----------

Các tác phẩm của Tàn Tuyết đã được giới thiệu trên Tiền Vệ:

Đứa bé nuôi rắn độc  (truyện / tuỳ bút) 
... “Cháu không cần tìm chỗ nuôi rắn nữa rồi,” Sa Nguyên trả lời tôi, “chúng ở ngay trong bụng của cháu, đương nhiên không phải là lúc nào cũng nằm im trong đó, mà khi cháu muốn là chúng sẽ đến, nhất là con rắn hoa nhỏ mà cháu thích.” ... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Hẹn  (truyện / tuỳ bút) 
Hôm nay tôi và anh ta có hẹn. Anh ta là một người cùng kiểu như tôi, loại người đó do tôi tưởng tượng ra. Mấy năm gần đây, tôi hẹn hò với đủ loại người, họ đều là loại người do tôi tưởng tượng ra cả. Trong số các cuộc hẹn ấy, thì có hơn một nửa, tôi không đến, tôi chỉ gặp họ trong đầu... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Bọt xà phòng trên nước bẩn  (truyện / tuỳ bút) 
Mẹ tôi đã biến thành một chậu nước xà phòng. Không ai biết việc này. Nếu có người nào đó biết chuyện nhà tôi, hẳn họ sẽ chửi tôi là đồ súc sinh, là kẻ mưu sát hiểm độc và ti tiện. Sáng nay, bà liên hồi la gọi tôi trong bếp, đến nỗi màng tang tôi rát lên... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Tai hoạ của đời tôi  (truyện / tuỳ bút) 
Cuối cùng thì tôi cũng tống khứ được con mèo của mình. Tôi nghĩ điều này sẽ có thể giúp tôi bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi ngồi bên bàn, mắt nhắm nghiền, suy nghĩ mông lung. Tôi cố gắng định hình lại những cảm xúc rối bời, hỗn loạn của mình. Nhưng đó là ước muốn viển vông: con mèo lại trở về... [Bản dịch của Hải Ngọc] (...)
 
Chôn giấu  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi nghe thím nói, mấy năm gần đây, ông bỗng sinh ra một cái thú kì lạ, là đem những thứ nho nhỏ trong nhà mang đi cho người ta. Nhưng cho ai? Không ai biết... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Đảo Rắn  (truyện / tuỳ bút) 
Có thể nói, chú Ba là người thân duy nhất của tôi trên thế giới này. Mỗi khi nhớ đến cái xóm nhỏ ở nơi làng xưa quê cũ âm ám xa xôi ấy thì tôi không khỏi ớn lạnh xương sống. Cái làng nhỏ được gọi là “Đảo Rắn” ấy nằm trên một dải gò đồi... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Tựa “TÀN TUYẾT TỰ TUYỂN TẬP”  (tiểu luận / nhận định) 
... Có lẽ, cái loại “thuần văn học” mà tôi theo đuổi chính là thứ làm cho con người không ngừng đổi thay, không ngừng phủ định những quy định của bản thân. Ví dụ, ngay cả trong nhận thức của bản thân tôi, dù đọc hay viết, đều là sự sáng tạo, loại văn học này không tuân theo những qui luật đã có, bạn chỉ có thể huy động năng lượng bên trong của bạn và quy luật được hình thành hoặc “phát hiện” từ trong quá trình ra sức “làm việc” thuộc về bạn... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Sương mù  (truyện ngắn)
Từ khi sương mù rơi đến bây giờ, mọi thứ chung quanh đều mọc ra bao nhiêu là lông lá lượt thượt và chúng không ngừng nhảy múa. Muốn nhìn một cái gì đó cho rõ, tôi phải căng mắt cả ngày... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Đào nguyên ngoài cõi thế  (truyện ngắn)
Câu chuyện Đào nguyên trong truyền thuyết xa xưa lưu truyền khắp làng. Nhưng trong làng, ai cũng mù mờ, thậm chí là mù tịt về nó. Trong chuyện này, chỉ có ông Tư Tề là người có uy tín nhất. Ông Tư Tề giờ đã hơn 90 tuổi, thân thể già nua co rút lại chỉ còn chừng hơn mét, nhưng ông lại để bộ râu dài cả thước và trắng như tuyết... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021