thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Giữa cửa lớn và cửa sổ | Để đoán
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
JEAN TARDIEU
(1903-1995)
 
 

Giữa cửa lớn và cửa sổ

 
Giữa cửa lớn và cửa sổ
chuyển động liên hồi
tôi không thấy yên ổn
Thế thì ai đang đến gần?
Ai đang đi xa?
 
Em cho dù là ai, người kín đáo
là bạn hay thù,
hãy xưng ngay tên họ,
như mặt trời kia
khi nó vẽ lên tường,
cho người không biết đọc,
sắc màu những tia nắng.
 
 
 

Để đoán

 
– Đó có phải là một sự vật?
– Phải và không phải.
 
– Đó có phải là một sinh vật?
– Có thể nói vậy.
 
– Đó có phải là một con người?
– Nó bắt đầu từ đấy.
 
– Ta có thể nhìn thấy nó?
– Có khi có, có khi không.
 
– Ta có thể nghe tiếng nó?
– Có khi có, có khi không.
 
– Nó có trọng lượng chăng?
– Nó có thể rât nặng hay vô cùng nhẹ.
 
– Đó có phải là một bình chứa, một đồ đựng?
– Nó có thể là bình chứa và đồ chứa trong bình.
 
– Nó có ý nghĩa gì chăng?
– Nhiều khi có, nhưng nó cũng có thể chẳng có ý nghĩa gì.
 
– Vậy ra nó là một thứ gì rất lạ lùng?
– Vâng, nó là đêm giữa ban ngày, là cái nhìn của người mù, là khúc nhạc của người điếc, cái điên của người khôn, trí tuệ của người khùng, nguy cơ của ngơi nghỉ, sự bất động và quay cuồng, là khoảng không khó hiểu và thời gian không kham nổi, là ẩn ngữ tự nghiền nát mình, là con chim hồi sinh từ tro cốt của nó, là thiên thần bị quật ngã, quỷ dữ được cứu rỗi, là hòn đá cất tiếng nói với chính mình, là tượng đài di động, là tiếng nổ và tiếng vọng quay quanh trái đất, là độc thoại của đám đông, tiếng thì thầm mơ hồ, tiếng thét của lạc thú và của sự khiếp đảm, là tiếng nổ treo trên đầu chúng ta, sự khởi đầu của chung cuộc, một thiên thu không có tương lai, là đời sống và buổi suy tàn của chúng ta, sự hồi sinh thường trực của chúng ta, nỗi dằn vặt, vinh quang của chúng ta, sự vắng bóng không gì phục hồi nổi của chúng ta, là tro than chúng ta rải bay theo gió…
 
– Thế nó có mang một tên gọi nào chăng?
– Có, là ngôn ngữ.
 
 
-----------------------
“Giữa cửa lớn và cửa sổ” và “Để đoán” dịch từ nguyên tác tiếng Pháp “Entre porte et fenêtre” và “A deviner” của Jean Tardieu trong Jean Tardieu, Margeries, poèmes inédits 1910-1985, 320 trang (Paris: Gallimard, 1986). Margeries – chữ do Tardieu phát minh – tập hợp (theo chủ đề) những bài thơ & văn xuôi tác giả viết từ thời trẻ tuổi cho đến 1985, được xem là những tác phẩm nằm “bên lề” số sách đã xuất bản của Jean Tardieu. Những bài viết được công bố chỉ mười năm trước khi ông qua đời ít nhiều đã biểu lộ những khía cạnh bất ngờ trong trò chơi ngôn ngữ rất quen thuộc của Tardieu. trong đó chữ viết và sự im lặng, đêm và ngày, mơ và thực cùng một lúc biểu hiện bi kịch của con người, nghĩa là của mỗi chúng ta...
 
Hình trên: Chân dung Jean Tardieu lúc mười chín tuổi (1922) do bạn ông là Albert Guiselin vẽ bằng chì than.
 
 
 
Đã đăng:
 
Con sông Seine  (thơ) 
Phía trên và bên mé trái của trang. / Một hình vuông đen và dày. Những bông lúa / ngẩng đầu. Sát cánh. / Đã một năm, có thể hai / năm tôi vật vã với cái / khoảng lớn tối tăm ấy. Vâng, ở / mé trái và ở phía trên của / trang giấy, có một đám đông không cử động, / hoàn toàn bất động, đang / nhìn và không nói. Họ đang / chờ đợi cái gì? Ấy là bờ / sông Seine... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Sự lễ độ vô ích  (kịch bản) 
... Từ những lời lẽ trịnh trọng kiểu Sartre (“Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản”) cộng với những nhận thức kiểu Descartes (ám chỉ đến sự hoài nghi) được Tardieu sử dụng vặn vẹo, bóp méo với chủ ý giễu nhại (Đây là bước đầu từ sự không vừa lòng đến tò mò, từ tò mò đến tìm hiểu, từ tìm hiểu đến thất vọng, từ thất vọng đến âu lo, và... từ lo âu đến tuyệt vọng) đến ba bốn cái tát nẩy lửa đột ngột của Người khách... — điểm nhấn từ chủ nghĩa mục đích, tiến bộ, ảo tưởng nhường chỗ cho những phương tiện, tiến trình “cái gì” rút lui trước “cái như thế nào” đối nghịch ấy, ở đây, rõ ràng tác giả đã dẫn dắt người đọc đến đúng cánh cửa hậu hiện đại... [Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu]
 
THƯ HÀ NỘI [II]  (truyện / tuỳ bút) 
... Ngày hôm sau, nếu là chủ nhật, tôi sẽ đi dạo một mình ở đồng quê, cùng với anh bạn thân trẻ tuổi hoạ sĩ Lê Phổ; chúng tôi sẽ cùng tìm những vẻ đẹp của đồng quê, không khí yên tĩnh hẻo lánh của một sân chùa cổ, tôi có thể thảo luận về những giá trị của bức tranh bạn tôi vừa mới vẽ, hãy còn hơi quá chịu ảnh hưởng Gauguin. Rồi chúng tôi sẽ để dành nhiều thời gian dài chuyện trò, ngồi trước một tách trà nhỏ xíu, trong căn phòng yên tĩnh nơi ngày xưa giữa những bình cổ Trung Hoa, cha ông của bạn tôi, những vị quan đại thần và cũng là “mạnh thường quân”, từng tiếp các hoạ sĩ và các nhà thơ... [Nguyễn Thu Hồng & Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ] (...)
 
THƯ HÀ NỘI [I] (truyện / tuỳ bút)
... Sau ba tháng sống ở đây, tôi tuyệt đối chưa biết gì về người xứ Bắc Kỳ, về cách họ phản ứng, điều họ nghĩ, những phong tục của họ... Và tôi đang sợ năm tới đây phải trở về mà sẽ chẳng biết gì hơn: tất cả những nỗ lực tôi đem ra thử nhằm làm cho mình nhã nhặn, nhân từ, tươi cười và nhằm gây tin cậy nơi những người An-nam tôi nói chuyện, đều sẽ không thể làm cho họ quên được tôi là kẻ tiếm quyền, là tên chinh phục, nhất là, than ôi, tôi đang mặc quân phục của tên lính đánh thuê thô bạo châu Âu!... [Nguyễn Thu Hồng & Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ] (...)
 
Trò chuyện (thơ)
Trái đất dạo này ra sao? / - Tốt, tốt thôi, tốt cả thôi. // Lũ chó con cũng khá chứ? / - Lạy Chúa, dạ, cảm ơn, cũng khá. // Còn những đám mây? / - Thì cũng bồng bềnh... [Bản dịch của Lê Liễu Chi]
 
Bạn hãy nín cười / trong buổi sáng sớm! // Nói gì, nghĩ gì? Ngày thì / do cứ nài nỉ để được xuất hiện, / ta hãy thú nhận đi, ta hãy thú nhận đi, / nó quấy rầy bạn thân thiết nhất của mình... | Trong cái đêm đen / mà Lịch sử tạo cho ta / tôi mò mẫm bước tới / lúc nào cũng kinh ngạc / lúc nào cũng sững sờ... | Nếu tôi biết viết tôi sẽ vẽ / Nếu tôi có một ly nước tôi sẽ làm nó đông lại và tôi sẽ cất giữ dưới kính / Nếu người ta cho tôi một thỏi bơ tôi sẽ đổ khuôn thành đồng... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Trên mặt đất mọi sự tốt đẹp chứ? / — Tốt đẹp tốt đẹp, tốt đẹp lắm. // Mấy con chó nhỏ phây phây chứ? / — Trời ơi vâng cám ơn lắm... | Từ sáng sớm tôi đã nhìn / tôi đã nhìn qua cửa sổ: / tôi thấy những đứa trẻ đi qua. // Một giờ sau, lại là những người lớn... | Bạn có hay tin chưa? / — Quả là chưa! / — Hình như là... / (nhưng bạn hãy can đảm, hãy chờ đợi cái xấu nhất!)... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Vở kịch này bắt đầu như một câu chuyện bình thường trong một siêu thị, và kết thúc một cách bi đát. Cô thiếu nữ rụt rè là nhân vật duy nhất trên sân khấu. Hỏi chuyện cô là một cái loa phóng thanh, chỉ là một tiếng nói không nhân dạng. Giọng hỏi [đàn ông] dần dần biến đổi và sau cùng trở thành giọng một người đàn bà thông báo cho cô thiếu nữ biết — bằng một bài thơ viết dưới dạng lãng mạn — là người ta sẽ dẫn cô ra sông để nhận chìm cô... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Họ thường tụ họp nhau, để chiến đấu / chống lại những kỷ niệm rất dai dẳng. / Mỗi người ngự trong một chiếc ghế bành / và ai nấy bắt đầu kể chuyện... | Những tiếng kêu răng rắc của bàn tủ không thể / đủ làm ông bận tâm suốt thời gian / (bởi lẽ từ lâu ông vẫn chờ đợi / cái không bao giờ có thể xuất hiện)... | Và trong lúc ấy mặt trời làm gì? / — Nó tiêu hết những của cải ta đã đem cho nó... | Con chim to tướng bay trên cánh đồng / giữ cùng nhịp với thung lũng và núi đồi, / chúng ta nhìn thấy chim bay rất lâu / trên bầu trời vô tận... | Những con người bị giấc mộng mình săn đuổi, / giữa giấc ngủ giữa lo sợ cùng tụ lại / trên một khoảng đất trống mở ra làn nước / cống, đen hơn cả đêm đen... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Socrate là bất tử: / thiên hạ vẫn còn nói về ông. / Mà Socrate là một người, / mà thiên hạ vẫn còn nói về người, / vậy thì, người là bất tử... | Tên này có một mình. / Hắn bước đi như một thằng điên / hắn nói với đá lát đường / cười với cửa sổ... | Cái gì đã bắt đầu / cái ấy tất phải kết thúc... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Kịch bản L'épouvantail — Monologue de plein air của Jean Tardieu (1903-1995) — nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia và là một trong những người viết về nghệ thuật độc đáo nhất của nước Pháp — do nhà văn Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021