thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“băng nào biết băng đó”
 
... lúc bấy giờ trời đã về chiều, ngọn gió hiu hiu của mùa thu góp một chút tàn lực của mình để làm cho cảnh quê thơ mộng thêm, và nắng cũng chiếu năm ba tia cuối cùng của ngày, lấp lánh vàng trên một bến sông vắng vẻ
 
khi lục vân tiên vai khoác cái túi vải nâu một mình đến đây, rõ ràng là chàng chưa hết quạu     bữa nhậu chia tay ở đô đô lữ quán bên hông đường xe lửa nhấp nhô xe cộ qua lại, khói bay mịt mù, tiếng trẻ con và bố mẹ bất đồng ý kiến thản nhiên nổ như bắp rang, tưởng là vui, hoá ra không hẳn thế      trước khi lên đường, chị của chàng là lục phương mai, người chị thường thức khuya để mở cửa cho chàng mỗi lúc chàng đi đêm về muộn, và thường xởi lởi mỉm cười nhìn thằng em cưng say xỉn nhưng vẫn còn tỉnh để loay hoay tìm một câu phân trần, như đổ thừa bị kẹt xe, lô cốt lô cốt nữa lô cốt mãi, mà cái mỗi lúc về muộn nói tới ấy có nghĩa là – trừ những đêm ngủ ở tỉnh, để cùng bạn bè chén anh chén tôi trong khi bàn bạc chuyện giúp các cháu nghèo vượt qua số phận – một tháng hai mươi tám đêm, còn lại hai đêm không phải là đêm nghỉ thuần tuý, mà là đêm nghỉ để lấy trớn, vâng, trước khi đi lục cô nương đã dặn những câu kiểu “năm điều bác dạy”, trong đó then chốt, là đừng nổi sùng bất tử     như mọi lần, lục vân tiên cười trong bụng nhưng vẫn thề thốt, ngoan ngoãn vâng dạ, tự kiểm soát mình, cho đến khi giữa tiệc chia tay, bất ngờ đổ quạu, trước mặt bạn bè thân sơ và người kẻ chợ đông đủ, kể luôn cả những gương mặt quen quen nhưng ăn mặc lạ hoắc, áo trắng cài nút đến tận cổ, nhét trong túi không những một cây bút mà tới hai ba cây bút, như là hoá trang, trước mấy lố chai ai nấy đã vô xong, chàng đập bàn quát “băng nào biết băng đó”
 
thời đại internet, sao lại có chuyện “băng nào biết băng đó”?
 
số là trên bàn tiệc lúc trưa, chẳng hiểu sao, có mặt một ông ăn mặc kiểu hoá trang như nói ở trên, tuổi khá cao, nhưng nghĩ cho cùng tuổi cao hơn họ lục thì cũng chưa phải là cao lắm      trời xui đất khiến làm sao chính cái ông hoá trang râu tóc ấy lại ngồi không phải bên cạnh, mà là ngay trước mặt chàng. và hơn thế, giữa mấy chầu bia, có thể vì nghèo tưởng tượng, lại luôn miệng lớn tiếng chê bai bọn cầm bút bên này biển, bảo chúng là những kẻ không đọc sách, hay không có sách đọc, và tới khi thấy ai nấy chỉ uống mà không nói nhăng nói cuội như mình, thì lão hứng khởi đột xuất, nói tràn qua đến đám cầm bút bên kia biển, bảo rằng “tôi sống ở bển hơn ba chục năm, tôi biết chúng nó quá – một lũ ngu dốt không chịu được...”
 
ai nấy ngồi tiếp tục uống, có thể là đã quen và sẵn sang tha cho lão ông cái kiểu làm quà trẻ con ấy, nhưng có một người có thể cũng đã quen, nhưng không tha, đấy là gã họ lục
 
quen? thì có thể nói là cũng quen quá đi chứ      buổi trưa, trước khi vào bàn tiệc, lão ông nọ đã chìa vào mặt chàng cái danh thiếp một mặt in tiếng anh, chữ to, một mặt in tiếng việt, cũng chữ to     lịch sự, là gia tài mẹ chàng để lại cho chàng, họ lục đã làm ra vẻ ngạc nhiên khi bắt chuyện: thưa tiên sanh, không biết kẻ hèn cục mịch này có nên vội vàng hân hạnh được mang cùng tên với tiên sanh hay không, bởi lẽ mặc dù chữ in không cho dấu, tiên sanh cũng tên là vân tiên?      lão ông trịnh trọng làm một cử chỉ kéo cổ áo lên cao hơn, nhưng thực tế là cổ cũng không cao lên hơn được, rồi cười: tôi biết anh là vân tiên, vì anh nổi tiếng, nhưng anh không biết tôi: tôi từ phương tây đến, ở bển (hơn ba mươi năm) trong những buổi lễ ra mắt sách việt ở các tiệm cà phê người ta vẫn thường kính cẩn gọi tôi là mister tien van, đảo ngược, không dấu, dựa vào cái danh thiếp (chúng tôi sống nhờ vào danh thiếp) ấn tượng mà anh đang hân hạnh cầm trong tay...      a, hoá ra cũng rứa, ông là tien van, còn tôi là vân tiên
 
vân tiên ngồi đó chớ ra – đó là phận gái đây là phận trai... cái câu trích chỗ nhớ chỗ không, loạc choạc về ngữ cảnh quả là không phải chỗ, không đúng với chuyện xảy ra ở đô đô lữ quán: khi nghe lão ông râu tóc mặc áo cài nút từ dưới lên đến tận cổ kia nói về những người bên này biển và bên kia biển với một sự thiện cảm rất tối thiểu, lục vân tiên đứng dậy đưa tay phẩy cái vạt áo nhiều màu không cài nút nào của mình, xô ghế bước lại xin phép đổi chỗ với một cô nương mặt đầy son phấn, một nhà thơ có thân phận cấp quốc gia, đang ngồi bên cạnh ông ta, rồi xông xáo đề nghị “em xin kể hầu tiên sanh một chuyện có thật một trăm phần trăm”
 
tien van: kể chuyện?
 
vân tiên: dạ, kể chuyện thôi...
 
tien van: tự nhiên
 
vân tiên (giọng kể hơi lè nhè, không phải do bẩm sinh, vì họ lục hát khá ngon, nhất là khi tấn công vào nhạc bolero, mà là do lượng nước tích tụ trong cái ống quá nhỏ của cổ họng, chưa kịp rút) giọng em hơi lè nhè, nhưng em tỉnh táo lắm nhé tiên sanh: trong một lần qua sông, một ông lão đạo mạo, hay là làm ra vẻ đạo mạo, lên tiếng bắt chuyện với ông lái đó, mà lão nghĩ là mình đang ban ơn: này ông lái đò, ông có biết kafka chứ? ông lái đò thành thật (ông này quen thành thật): dạ không ạ, em không quen ai tên kafka      lão ông: thế thì bỏ mẹ rồi, ông kể như chưa sống (lão ông đưa tay kiểm soát các chiếc nút áo của mình, đi từ bụng dưới lên đến tận cổ): kafka thì làm sao ông quen được, ngay ta đây... ổng là một nhà văn gốc... viết bằng tiếng... tác giả nhiều... đốt hết...     ông lái đò nghe câu được câu mất, giọng đọc bài lao xao như tiếng ruồi bay quanh bãi cứt trâu      ông không nhớ gì, nhưng nghe theo lời vợ dặn, ông cũng muốn thân thiện với cái ông trọng tuổi này, kính lão đắc thọ, vợ ông bảo, nên ông vui vẻ: thế cụ có biết năm cam không?      năm cam? tên nghe quen quá nhưng ta không biết...      ông lái đò cắt nghĩa:
 
họ lục kể đến đây thì đổ quạu thật
 
(đừng quên là có thời để dạy lễ độ cho một anh làm thơ ở thành phố mang tên bác, trước toà soạn một nhật báo nọ, giữa trưa, thanh niên họ lục do nhỏ con, đã phải cưỡi lên người nhà thơ to con, đánh túi bụi... và đã chiến thắng)
 
chàng xắn cái tay áo nhiều màu bỏ ngoài quần mình, đập nắm tay xuống cái bàn vô tội của lữ quán nghe cái rầm, và hét to:
 
“băng nào biết băng đó, hiểu chưa?”
 
 
giờ này đứng ngẩn ngơ một mình đợi đò trên sông, lục vân tiên rõ ràng là chưa hết quạu      chàng ôm cái túi vải nâu, bàn tay nắm chắc, ngón cái bấu chặt vào bốn ngón còn lại, mà nghĩ đến sự vô dụng của chính cái nắm tay ấy những khi cần thiết      không biết trách ai, trách mình thì phiền quá chịu không nổi, vân tiên trách bà chị là lục mai nương, lúc nào cũng giương cao ngọn cờ một sự nhịn chín sự lành, chín bỏ làm mười vân vân
 
cái gì qua cho qua luôn – họ lục tự nói với mình, đang tìm cách dứt bỏ cái quạu trước khi qua sông, thì bỗng chàng thấy đâu từ xa, vừa đi vừa chạy đến chỗ mình một lão ông áo trắng cài nút đến tận cổ, nhét trong túi không những một cây bút mà tới hai ba cây bút, như là hoá trang...
 
lục vân tiên ngó lơ ra xa, chủ ý là để khỏi phải nói chuyện, vì giờ này bụng chàng đã thấy hơi cồn cào, chàng không muốn và không thể chịu đựng nổi một xúc động mới      mới? thật ra cũng sẽ không có gì mới: trước mặt chàng là bến sông, là nước chảy, là những gợn sóng nhấp nhô, là bờ bên kia, là mây trôi, là buổi chiều đang xô đi một ngày của chàng, sau lưng chàng là mơ hồ tiếng sột soạt những trang giấy của một cuốn sách có ai lật vội vã, có lẽ lật mà không đọc, và rõ ràng, cụ thể, sỗ sàng, vô giáo dục, là tiếng nói của một con người: ông có biết kafka ?
 
 
Đỗ Trung Quân
Ảnh: Điệp Giang – Saigon 4.2009
 
 
----------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021