thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lột xác ảo tưởng

 

Có vậy mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng hắn đặt ra câu hỏi hóc búa quá, làm sao tôi trả lời cho thật chính xác được. Hắn vừa nhấp ngụm cà-phê vừa nói: “Tao hỏi mày nhé. Khi nào thì một con điếm chịu bỏ nghề? Câu hỏi này thật sự không ai trả lời chắc chắn được, mà chỉ có thể suy đoán hoặc phán xét.”

Tôi ngồi chau mày một lúc. Tôi phải nghĩ ra một câu trả lời gì đó mà hắn không ngờ tới, để khỏi bị lôi vào cái thòng lọng mà hắn đang treo lơ lửng trên đầu.

Hắn nhìn tôi đầy vẻ căng thẳng. Hắn làm tôi bắt đầu cảm thấy sốt ruột. Tôi đoan chắc rằng hắn đã thủ sẵn hàng tá câu trả lời trong đầu. Hắn chỉ cần tôi nói ra, hắn sẽ quy chụp tôi ngay tức khắc.

Tôi im lặng. Thật ra là tôi chưa tìm thấy câu trả lời hợp lý để đối đáp với hắn. Bao nhiêu giả thuyết hiện lên rõ mồn một trong đầu.

Con điếm sẽ bỏ nghề khi nó lấy chồng. Ồ, chắc chắn rồi. Khi có một ai đó đủ bao dung và yêu thương chìa đôi tay cứu vớt một đứa làm cái nghề bị cho là mạt hạng nhất ấy, thì ngay lập tức con điếm sẽ bỏ nghề.

Hình như tôi đang cười một mình. Hắn nhìn tôi bằng ánh mắt xoáy sâu. Hắn hỏi: “Sao? Mày tìm ra câu trả lời rồi phải không? Nếu mày không nghĩ ra được thì tao nghĩ mày nên múc não của mày ra khỏi hộp sọ. Khi nó nhìn thấy thứ ánh sáng huyễn hoặc của cuộc đời này, tự khắc nó sẽ hằn thêm thêm nhiều nếp nhăn.” Hắn nói như hắn là thượng đế, là kẻ cầm quyền vậy. Hắn nói như hắn có thứ quyền uy vô hạn đối với tôi. Tôi rít một hơi thuốc. Đám khói bạc phả ra trước mặt hắn.

Tôi nhìn thẳng vào mắt hắn bằng cái nhìn của quỷ dữ. Tôi nghe giọng mình đặc quánh như những tảng đá sắp rơi: “Mày hỏi tao câu đơn giản quá mà làm ra vẻ cao siêu. Con điếm sẽ bỏ nghề khi nó lấy chồng. Đúng không nào? Khi nó có ai đó có thể che chở bảo vệ nó trước mọi thách thức của cuộc đời, nó sẽ bỏ nghề. Tao chắc chắn đến cả ngàn phần trăm.”

Hắn phì cười nhẹ nhõm. Hắn nói: “Mày hiểu ra vấn đề rồi đấy. Mày thông minh đấy. Đúng lắm.”

Tôi chẳng để ý gì đến những lời hắn vừa nói. Tôi đang nhớ cái câu hắn nói hôm qua với lũ bạn: “Khen cho chết mẹ nó đi.”

Lời nói đôi khi là một thứ vũ khí đáng sợ. Lời khen ở cái xã hội như miếng thịt ôi thiu nửa nạt nửa mỡ này thì càng cần phải cảnh giác. Nó thối thây lầy lợm đấy, nhưng nguời ta cứ khen lấy khen để. Người và người tự giết nhau bằng cái thế giới ảo tưởng của chính họ. Mà dường như hắn cũng đang trong thời kỳ lột xác khỏi những ảo tượng mà xã hội hắn đang sống đã mất công nhào nặn ra.

Tôi nhìn hắn, nhìn khuôn mặt đầy suy tư của hắn. Tôi hỏi: “Mày nói tao bắt đầu hiểu ra vấn đề. Thú vị đấy. Nào, nói cho tao xem: vấn đề ấy là gì nào?”

Hắn cười ha hả, hỏi tôi: “Này nhé, mày có thấy cái xứ này đang muốn chạy trốn không?” Rồi hắn nhăn mặt. “À. Không. Dùng từ gì cho đúng nhỉ? Tháo chạy hay chạy thoát? Ừ, tao nghĩ là chạy thoát đấy. Mày nghĩ ra chưa? Này nhé, nếu ví xứ này như một con điếm thì nó sẽ tự cởi trói đời nó khi nào? Đấy. Mày nói rồi đấy. Khi nó lấy chồng chứ gì nữa! Giờ thì mày đã hiểu ra chưa nào? Mày cười là mày hiểu rồi nhé. Đồ chậm tiêu.”

Hắn lại bập vào môi một điếu thuốc khác. Hắn bật hộp quẹt ga châm lửa. Hộp quẹt cháy lên. Tôi ngồi nhìn cái vẻ bất cần đời của hắn rồi suy nghĩ: Cái xứ này đã sống đời đĩ điếm không biết bao nhiêu lâu rồi? Cứ nghĩ rằng việc nhẹ lương cao. Cứ bán hết những thứ được coi là vốn tự có. Tất cả đã bán hết. Bán sạch sành sanh. Đến ngay cả đất đai mồ tổ cũng mang ra rao bán rồi chia chát. Thật sự có khác gì một con điếm ngã giá từng bộ phận rách nát, toang hoác, nhún nhão trên cơ thể mình?

Khi con điếm bắt đầu đủ dũng cảm nhìn thẳng vào chính mình và nhận ra trò đu dây không còn phát huy được tác dụng, thì nó cảm thấy trào dâng một khát khao cháy bỏng: khát khao thoát kiếp. Cái xứ này giờ đây cũng thế. Khi những trò láo lường không còn tác dụng của chúng, khi mọi thứ được bày vẽ ra trước mắt chỉ là những vỏ bọc ảo tưởng, khi người ta phát hiện ra rằng cuộc đời nằm ở ngoài kia chứ không phải trong những cái vỏ bọc này, thì người ta bắt đầu không tin vào bất cứ một điều gì nữa. Tất cả chỉ còn là những viên đạn bọc đường.

Người dân xứ này bắt đầu chộn rộn. Người ta lo nồi cơm đáng ra là của chính họ bỗng một hôm bị nguời khác giành mất. Người ta lo lắm. Lo đến mất ăn mất ngủ. Lo đến gầy rạc chỉ còn da bọc xương.

Con điếm chán cảnh bị giày vò, chán làm đời đi bợ đỡ cung phụng người khác. Nó nghĩ ngay tới việc lấy chồng. Nó nghĩ tới việc thay đổi. Thay đổi để thoát xác, để trở về một cuộc sống bình thường như vốn có.

“Đấy. Giờ thì mày tin chưa? Cái con điếm già này bắt đầu thay đổi tính nết rồi đấy. Mày có tin nó sẽ kiếm được thằng chồng không?” Hắn đứng dậy rời khỏi quán và hỏi tôi câu đấy. Ly cà-phê đã trơ ra đáy cốc từ bao giờ. Tôi cũng đứng dậy, và cái đầu u u mê mê cũng tự hỏi mình câu ấy, rằng: Liệu con điếm này có cưới được chồng?

Cứ hy vọng thôi. Đời cũng chỉ cho ta có chừng ấy.

 

 

-------------

Đã đăng:

Khi những con cừu tự cháy  (truyện / tuỳ bút) 
... Hắn viết: “Sự sợ hãi và đần độn nặn lên hình hài của những con cừu.” Ngoài đường, mặt trời vẫn hắt những chảo lửa từ trên cao, rải đều tay một cách thuần thục. Đâu đó trong thành phố, đâu đó ở những cánh rừng, lửa bắt đầu lan nhanh, lan nhanh... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021