thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những bài thơ về tình cha con của TANIKAWA Shuntaro
 
Ái Vân Quốc dịch và giới thiệu.
Bản dịch này để tặng cha tôi [Tokyo, 2.2007, avq][1]
 
 
 
Tanikawa tại nhà riêng trong một buổi mạn đàm với kí giả, năm 2005[2]
 
 
Mời bạn đọc xem phần giới thiệu về Tanikawa của Diễm Châu, đã đăng trên Tiền Vệ
[Diễm Châu là người đầu tiên dịch và giới thiệu Tanikawa tới bạn đọc tiếng Việt]
 
 
Mấy dòng tóm tắt tiểu sử mang tính quan phương mới nhất về Tanikawa: [3]
 
Tanikawa — nhà thơ, dịch giả, nhà viết kịch bản/kịch tác gia — là đại diện quan trọng nhất [đại sư huynh/đại tiền bối] của thơ hiện đại Nhật Bản.
 
Ông sinh năm 1931 tại thủ đô Tokyo. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học phổ thông [cấp 3] Toyotama, năm 1950, qua sự giới thiệu của Miyoshi Tatsuji [1900-1964, nhà thơ Nhật Bản] ông đã được đăng 5 bài (“Nero” và những bài khác) trên tạp chí Thế giới Văn học 文学界 [là một trong bốn tạp chí văn học nghệ thuật uy tín hàng đầu ở Nhật]; năm 1952, ông ra mắt với tập thơ đầu tay mang tựa đề Cô đơn hai tỉ năm ánh sáng 二十億光年の孤独. Năm 1962, ông nhận Giải thưởng Đĩa hát Nhật Bản [The Japan Record Award] về bộ môn Ca từ, với bài “Các thứ trong tuần”. Năm 1975, ông nhận Giải thưởng Văn hoá - Phiên dịch Nhật Bản [một giải thưởng hàng năm của Hiệp hội Dịch giả Nhật Bản] với bản dịch Mother Goose's Melodies [bản tiếng Nhật của Tanikawa mang tựa đề Bài hát của Mother Goose . Nguyên tác tiếng Pháp của Charles Perrault (1628-1703) là Contes du temps posse]. Ngoài ra, ông còn nổi tiếng với nhiều dịch phẩm khác, như bản dịch Peanuts [bộ truyện tranh nổi tiếng thế giới của họa sĩ Mĩ Charles Monroe Schulz (1922-2000); bản tiếng Nhật của Tanikawa là “Pi-natsu”].
 
Thơ của ông phanh mổ/khám phá cuộc sống thường nhật bằng ngôn ngữ dung dị/dễ hiểu, và với cái nhìn tươi mới/sinh động.[4] Ông có nhiều thơ được chọn dùng trong sách giáo khoa ở các trường tiểu học. Năm 2001, bộ CD-ROM Toàn thi tập Tanikawa Shuntaro 谷川俊太郎全詩集 (thu thập tất cả các tập thơ đã xuất bản cho đến năm 2001 vào CD-ROM) đã ra mắt bạn đọc.
 
Mấy dòng giới thiệu thêm của avq [tháng 2 năm 2007]: 
 
Trong dòng chảy của thơ ca Nhật Bản, Tanikawa được xếp cùng với những vị như SEKINE Hiroshi 関根弘, HASEGAWA Ryusei 長谷川龍生, OOKA Makoto 大岡信 trong chiếu “thơ sau chiến tranh/thơ hậu chiến”[AKIYAMA Ken, MIYOSHI Yukio 2000:207-208; UCHIDA Yasuo, ISHIZUKA Hideo 2000: 221]. Không thấy ai đề nghị nên xếp ông vào các trường phái hay chủ nghĩa nào trong bức tranh thơ ca Nhật Bản cận hiện đại, và, bản thân ông cũng tự nhận rằng không quan tâm nhiều đến các trường phái/chủ nghĩa.
 
Theo tự thuật, cứ đến dịp nghỉ hè của những năm đầu thời tiểu học, Tanikawa thường sống một mình tại Làng Đại học Hosei ở Kita-karuizawa [một trung tâm du lịch, nghỉ mát nổi tiếng của Nhật, về khí hậu và địa hình cũng như lịch sử hình thành, có nhiều nét làm liên tưởng đến Đà Lạt hoặc Sa Pa của Việt Nam], nên cậu thường bị chìm triền miên vào cảm giác cô đơn và nỗi sợ hãi vô hình. Năm cuối phổ thông trung học (cấp 3), cậu đã chán ngấy với việc đến trường, và cũng một phần do yếu về môn toán (mặc dù xuất sắc về môn quốc ngữ và môn tiếng Anh), nên một mực từ bỏ ý định học lên đại học.
 
Tập thơ đầu tay Cô đơn hai tỉ năm ánh sáng ra đời năm 21 tuổi, cất lên tiếng lòng trong trẻo/tinh khiết của một trang thanh niên đang chập chững bước vào đời [đầy cô đơn và hoang vắng, nhưng ở mặt khác, là tự do ngập tràn], đã được sự đón chào nồng nhiệt của bạn đọc, trong khung cảnh nước Nhật đang dần thoát ra khỏi vũng bùn bại trận để cất cánh, người bình dân như được sổ lồng sau nhiều năm è lưng è cổ trong cỗ máy cường quyền của thể chế nhà nước quân sự hoá.
 
Cha của Shuntaro là nhà triết học TANIKAWA Tetsuzo 谷川徹三 (1895-1989), từng giữ chức Hiệu trưởng Đại học Hosei 法政大学総長 (trong các năm 1963-65). Tetsuzo là dịch giả của các bản dịch [hết sức công phu] các trước tác của Immanuel Kant, Georg Simmel, nổi danh trong giới phê bình [trên nhiều lĩnh vực: văn nghệ, mĩ thuật, tôn giáo, tư tưởng]; đồng thời, còn viết thơ, tuy không trở thành thi nhân một cách chính thức như con trai. Ảnh hưởng của cha đến Shuntaro có thể nói là không nhỏ. Trong một số bài viết hay bài nói mang tính tự thuật về “con đường ươm thơ” của mình, Shuntaro cho biết: với những bài thơ đầu tiên, tập thơ đầu tay, cũng như các tập thơ sau này của mình, cha ông đều xem rất kĩ, rồi cẩn thận gạch bỏ hay thêm/sửa bằng bút đỏ; Shuntaro trưởng thành dần dưới sự biên tập đó của cha.
 
Những bài thơ giới thiệu ở dưới đây, có bài ông viết như với tư cách người con viết về cha, có bài ông viết với tư cách người cha viết cho con trai mình, và cũng là cho tất cả những người cha, những người con trên khắp địa cầu. [Một chút về gia thất riêng tư của Shuntaro: ông có ba đời vợ. Một người con trai của ông hiện tương đối nổi danh trong giới âm nhạc – nghệ sĩ TANIKAWA Kensaku 谷川賢作 (sinh năm 1960); từ năm 1995, hai cha con đi biểu diễn thơ – nhạc kết hợp ở nhiều nơi trên khắp nước Nhật, và ra nhiều tác phẩm chung].
 
Những bài giới thiệu ở dưới đây đều được viết bằng ngôn ngữ dung dị. Thơ của Shuntaro vẫn được tiếp tục yêu mến ở Nhật có lẽ chính bởi chất dung dị/hiền lành rất riêng này. Phải chăng cái chất đơn sơ/ít phức tạp/hiền lành như trong thơ ông cần thiết là đích hướng đến, là miền quê đã bị lãng quên nay cần tìm về của một xã hội hiện đại nhiều phen mấp mé ở bên bờ vực sâu thăm thẳm của sự khó hiểu/tối nghĩa/hũ nút/rối rắm đến cực độ, cả trong tư duy học thuật/nghệ thuật và trong lối sống thường nhật. Nhìn tổng thể, phải chăng có thể nói rằng, để tạo được độ dung dị như trong tiếng thơ của Shuntaro, nàng thơ Nhật Bản đã phải trải bao phen trầm mình, ngụp lặn thể nghiệm một cách thục mạng ở nhiều khúc quanh của các trường phái: lãng mạn, tượng trưng, duy mĩ, lí tưởng, modern/modernism.... với tinh thần:
 
                                    tiến đến việc xây bằng việc đập phá
                                    tiến đến việc đập phá chính bằng việc xây
                                                                        (trích bài “Con đập phá”)
 
Sau bộ CD-ROM Toàn thi tập Tanikawa Shuntaro 谷川俊太郎全詩集 ra mắt 2001, hiện nay Shuntaro vẫn đang tiếp tục cho in nhiều sáng tác mới, và năm 2005 đã cho xuất bản tuyển tập mới gồm 3 tập của thơ mình [TANIKAWA Shuntaro 2005 a, b, c].
 
 
 
1. Bài hát của cha [5] (thơ lẻ)
 
 

Bài hát của cha

 
hãy đi thật xa nhé con trai ơi
hãy vượt qua cha mà đi về tít xa
hãy yêu chỉ người đàn bà mà con yêu
nhưng này, đánh cược cả sinh mệnh để yêu
chỉ một người
tựa như là cha đã yêu u con
 
hãy đi thật xa nhé con trai ơi
hãy vượt đất bằng mà đi về phía tít xa
hãy chỉ khai thác miền đất hoang có thể khai thác
nhưng này, đánh cược cả sinh mệnh để kiếm tìm
chỉ vẹn vẹn có một thôi
là cái gì nhỉ, rút cục cha không bắt được nó, mà nó thì đã tắt ngấm rồi
 
hãy đi thật xa nhé con trai ơi
hãy vượt thời gian để đi về phía tít xa
lúc có thể cười được thì hãy cười tướng lên
nhưng này, việc cố kìm nén nước mắt không cho tuôn ra
chỉ có bản thân mình thôi nhé
tựa như cha lúc nào cũng đã làm một mình như vậy
 
 
 
2. Bài hát của cha (chùm thơ)
(gồm 3 bài: “Con đập phá”, “Con ngủ”, “Người cha”)[6]
 
 

Con đập phá

 
chú mày đập phá
đập tan đồ chơi đã được nâng niu cẩn thận cho đến ngày hôm qua
đập bể cả chiếc đồng hồ duy nhất của tớ
 
chú mày đập phá
dồn hết sức bình sinh của cơ thể bé tẹo
đập bể ngay chính ngôi nhà của chúng ta
 
chú mày đập phá
chẳng chút ghê tay
đập bể luôn cả bản thân mình
 
tiến đến việc xây bằng việc đập phá
tiến đến việc đập phá chính bằng việc xây
 
với bàn tay để trần
 
 

Con ngủ

 
vào đúng cái đêm người cha ngủ
đứa con trai nhỏ cũng đang miên man ngủ
dang mở cánh tay ra như văn tự tượng hình
ngủ sâu đến mức không thấy tiếng khì khì thở
 
đứa con trai đang mơ thấy gì nhỉ
người cha hiện không thể nào biết được
nếu nói về việc người cha có thể làm
thì đó chỉ là : nhìn kĩ gương mặt đang say giấc của đứa con như một người mù
 
nhưng rồi tình yêu ấy nhất định sẽ nuôi nên giấc mơ của người con trai
giấc mơ của một mình lẻ loi
xây nên tương lai của vũ trụ với đầy ắp các túi thai
 
đêm sẽ tàn
một ngày lại bắt đầu
bằng chiếc lưỡi còn cứng đờ, con trai thốt lên: “Ohaiyo”*
 
 
-------
“Ohaiyo”: Xin chào buổi sáng / Good morning.
 

Người cha

 
đã có những lúc tớ muốn chết
thế rồi lại dắt chú mày ra phố
tớ đã từng có những khi muốn chết
tại sao nhỉ
ngay cả lí do đó, tớ cũng đâu có biết
 
cho dù kể từ giây phút đã được sinh ra
chú mày không còn là vật sở hữu của tớ nữa
cho dù ngay cả cái quyền được dẫn chú mày ra phố
tớ cũng không có
cho dù tớ chẳng có gì là bất hạnh
 
người cha đần ngu đến nhường ấy, mê lú đến nhường ấy
gàn dở đến nhường ấy, yếu đuối đến nhường ấy
việc tớ mạnh lên chính là do chú mày đó cu tí
đã và đang tin tớ
là do bao giờ chú mày cũng gọi tớ bằng tiếng thật dõng dạc
 
 
---------------------------------------
Tài liệu tham khảo/trích dẫn:
 
AKIYAMA Ken, MIYOSHI Yukio 秋山虔・三好行雄(編著)2000 『原色シグマ新日本文学史』文英堂
 
HUJITOMI Yasuo 藤富保男(編者) 1985『日本の詩 谷川俊太郎』ほるぷ出版
 
TANIKAWA Shuntaro 谷川俊太郎
    2005a 『谷川俊太郎詩選集 01』集英社
    2005b 『谷川俊太郎詩選集 02』集英社
    2005c 『谷川俊太郎詩選集 03』集英社
 
UCHIDA Yasuo, ISHIZUKA Hideo 内田保男・石塚秀雄(代表者)2000(1992、1996)『カラーワイド新国語要覧 増補第三版』 大修館書店
 
------------
Chú thích
 
[1] Bản dịch và giới thiệu này nằm trong khuôn khổ chùm thơ (sáng tác và dịch thuật) đang được thực hiện dần dần mang tựa đề “Đoạn Trường Vô Thanh: Đứt ruột không tiếng”, để tưởng niệm cha tôi.
 
[2] Ảnh mượn tạm từ website và blog của các fan thơ Tanikawa, lời chú thích của avq.
 
[3] Tiểu sử tóm tắt này in trên tờ rơi phát miễn phí cho khách tới tham dự buổi tọa đàm mang tựa đề “Tanikawa Shuntaro, đọc và tự thuật về thơ mình 「谷川俊太郎 詩を読み、語る」” nhân dip kỉ niệm Khoa Văn học thuộc Đại học Rikkyo tròn 100 tuổi 立教大学文学部創立百周年記念公開講演会 được tổ chức ngày 10 tháng 6 năm 2006, tại phân sở Ikebukuro của đại học, do Khoa Văn học và Hội Thi học Anh Mĩ hiện đại của Nhật Bản 日本現代英米詩学会 đồng tổ chức. Tanikawa được Ban Tổ chức mời với tư cách là diễn giả.
 
Ở bản dịch, những ghi chú thêm đặt bên trong móc vuông là của avq.
 
Nguyên văn của lời giới thiệu [những chỗ không chú tiếng Nhật trong lời dịch ở trên có thể thấy trong nguyên văn]:
谷川俊太郎氏は、現代日本詩の最先達。 1931年生れ。詩人・翻訳家・脚本家。東京都出身。豊多摩高校卒業。1950年に三好達治の紹介で『文学界』に「ネロ他五編」が紹介され、1952年に刊行された詩集『二十億光年の孤独』でデビュー。 1962年、「月火水木金土日の歌」でレコード大賞作詞賞受賞。1975年には、『マザー・グースのうた』で日本翻訳文化賞受賞。他にも、『ピーナッツ』の翻訳などで知られる。とてもわかりやすい言葉が、日常を新鮮な視点で切り取ってゆく。小学校の教科書に採用される詩も多い。2001年には、それまでに出版された全ての詩集をCD-ROMにおさめた『谷川俊太郎全詩集』が刊行された。
 
[4] Câu này, nếu dịch sát nguyên văn thì là: “Ngôn ngữ thơ cực kì dung dị/dễ hiểu của ông phanh mổ/khám phá cuộc sống thường nhật với cái nhìn tươi mới/sinh động”. Một lối diễn đạt đậm chất Nhật Bản, từ cảm thức tiếng Việt mà nhìn thì thấy có chút ngây ngô! Ở đây dịch thoát theo cảm thức của văn phong tiếng Việt.
 
[5] Bài lẻ “Bài ca/bài hát của cha” này nằm trong chùm bài “Bài hát/Bài ca 歌” gồm có 4 bài sau: “Chỉ có độc một đồng 10 xu” 十円玉がたったひとつ, “Lẻ loi một mình” ひとりぼっち, “Bài ca/bài hát của cha” 父の唄, “Ở bên cửa sổ” 窓のとなりに. Hiện chưa rõ về thời điểm sáng tác. Nguyên bản sử dụng cho bản dịch được lấy trong HUJITOMI Yasuo 1985 (pp.161-162):
 
父の唄
 
遠く行け息子よ
おれをこえて遠く行け
愛せるだけの女を愛せ
だが命かけて愛するのは
ただひとりだけ
おれがきみのおふくろを愛したように
 
遠く行け息子よ
地平こえて遠く行け
拓けるだけの荒野を拓け
だが命かけて求めるものは
ただひとつだけ
おれがついにつかめすに終わった何か
 
遠く行け息子よ
時をこえて遠く行け
だが涙流しこらえるのは
だが涙流しこらえるのは
ただ自分だけ
おれがいつもひとりでそうしたように
 
 
[6] Hiện chưa rõ thời điểm sáng tác. Nguyên bản sử dụng cho bản dịch được lấy trong HUJITOMI Yasuo 1985 (pp. 177-182):
 
1. 子どもはこわす
 
きみはこわす
昨日まで大事にしていた玩具をこわす
私のひとつしかない時計をこわす
 
きみはこわす
小さな体のありたけをこめて
私たちの家すらこわす
 
きみはこわす
恐れ気もなく
自分をこわす
 
こわすことでつくってゆく
つくることでこわしてゆく
きりもなく
 
素手で
 
 
2. 子どもは眠る
 
父親が眠るその同じ夜を
小さな息子も眠っている
象形文字のように腕をひろげ
寝息もたてず深く眠っている
 
息子がどんな夢を見ているか
父親はついに知り得ない
父親にできることといえば
めくらのように寝顔を見つめるだけ・・・・・
 
だがその愛がいつか息子の夢を育てるのだ
ひとりぼっちの夢
宇宙の胞衣いっぱいの未来を
 
夜が明ける
一日がはじまる
まわらぬ舌で息子は云う〈おはよう〉
 
 
3. 父親は
 
死にたいと思う時があった
きみを道連れにして
私は死にたいと思う時があった
なぜなのか
そのわけも知らずに
 
生れ出たその瞬間から
きみはもう私のものではなかったのに
きみを道連れにするどんな権利も
私にはなかったのに
私は不幸ですらなかったのに
 
父親はそれほど愚かでそれほど混乱し
それほど我ままでそれほど弱い
私が強くなれるのは幼いきみが
私を信じきっているからなのだ
きみが私をいつも大声で呼ぶからなのだ
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021