thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhân vật trên cao

 

Ngày tháng tiêu-dao-du
Sẽ im lìm thức ơ hờ
(Thơ của Đăng)

 

Anh thuận tay lùa mấy sợi tóc trước trán cho gọn trở lại trên mái đầu vốn gọn gàng, từ tốn nói: “Tôi gọi nơi này là Thung Lũng Trầm Tư, một người bạn của tôi lại gọi là Trong Vườn Kỷ Niệm. Cái truyện ngắn người bạn ấy viết về nơi này có nhan đề như vậy.” Tôi biết người bạn của anh, anh chàng tên là Đăng, cái truyện ngắn của Đăng thì tôi không biết, nhưng Trong Vườn Kỷ Niệm là nhan đề một truyện ngắn của Nguyễn Nghiệp Nhượng, nhà văn tài danh của Sài Gòn những năm một chín sáu mươi, cũng là bạn của Đăng, hơn Đăng chừng vài ba tuổi. Tôi nói: “Ờ... ờ... tùy theo tâm trạng mà cảm giác khác nhau về cùng một nơi chốn nào đó.” Tôi đã đọc truyện ngắn Trong Vườn Kỷ Niệm của Nguyễn Nghiệp Nhượng từ quá lâu, chỉ nhớ đấy là một truyện ngắn rất hay, và truyện ngắn nào của Nguyễn Nghiệp Nhượng cũng có nhan đề rất hay như vậy: Dạ Khúc, Mưa Trong Vườn Nhà Cô Francoise, Nhân Vật, Căn Nhà Ở Đầu Dốc... “Đăng sống ở Sài Gòn mà.” “Tháng trước bạn ấy lên đây chơi hơn một tuần lễ. Cái truyện ngắn đó bạn ấy mới dự định viết, bạn ấy nói chuyện vậy thôi, nhưng tôi biết bạn ấy viết rất nhanh.” Tôi lại nói: “Ờ... ờ... tôi biết mà, Đăng viết truyện rất nhanh.” Tôi từng biết anh chàng Đăng vốn có dòng máu lính biệt kích báo đen gì đấy, một là bắn thật lẹ vào đối phương, hai là bị đối phương bắn chết tức thời. Tôi lại nhớ ông nhà văn Mỹ Jerome David Salinger, ông ấy bảo chỉ thích viết truyện ngắn, vì ông ấy là nhà vô địch chạy nước rút ở cự ly ngắn.

Chúng tôi ngồi uống rượu, khu vườn nhiều hoa phía trên thung lũng, chai rượu vang Chi-lê nhãn hiệu “Passion” đặt đứng giữa bãi cỏ trong khu vườn. “Nghe Đăng nói thuở anh là sinh viên tóc mây bềnh bồng và học rất giỏi, mà sinh viên thuở đó học không giỏi thì cũng khá ngoại ngữ. Về Đăng thì tôi biết, người cha của Đăng từng là thông ngôn trong quân đội Liên Hiệp Pháp, dạy anh em Đăng từ thuở nhỏ, nên Đăng rất khá tiếng Pháp. Tiếng Anh của Đăng thì tôi không rõ lắm, chắc cũng khá. Anh chàng nói chữ Passion, nhãn hiệu rượu vang này, ngoài nghĩa thông thường là sự say mê, còn có nghĩa trong Cơ đốc giáo là sự chịu khổ nạn của Chúa. Đăng bảo tôi khi nào gặp chữ ‘Passion Sunday’ thì phải hiểu là ‘Chủ Nhật Thọ Hình’, tức là ngày chủ nhật thứ năm trong mùa chay của giáo hội Cơ đốc.” Anh mỉm cười, nói: “Tôi biết. Ngay từ lần đầu mới gặp, bạn ấy đã nói về chuyện bạn ấy khá tiếng Pháp, người cha của bạn ấy tốt nghiệp Trường Thông Ngôn Đông Dương khoá cuối cùng. Bạn ấy có vẻ thích khoe cái này cái nọ, nhưng vẫn thấy dễ thương vì hồn nhiên, một sự khoe khoang hồn nhiên, khoe cho vui ấy mà. Sau lần gặp đầu tiên, về Sài Gòn bạn ấy gọi điện thoại tới tôi mỗi ngày, có ngày gọi mấy lần. Có hôm, ừ, hôm qua, bạn ấy điện thoại chỉ nói mỗi một câu: ‘Nhà cách mạng, đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học là ông cậu của tôi, tức là cậu ruột của mẹ tôi đấy!’ Nghe bạn ấy khoe mà thấy vui vui, chứ không thấy dễ ghét như những kẻ khoe khoang hợm hĩnh khác.” Tôi biết anh chàng Đăng rất có cảm tình với người bạn mới gặp, lần nào vừa thấy mặt Đăng cũng nghe anh chàng nói về “Nhân Vật Trên Cao” — Đăng gọi anh, người bạn mới ở Đà Lạt như vậy. Đăng nói nhiều bạn cho rằng anh là người làm chính trị, nhưng Đăng bảo họ đã ngộ nhận về anh, “Trước hết và sau cùng, Nhân Vật Trên Cao là một người văn nghệ. Anh ấy là nhà văn. Một nhà văn, từ hoàn cảnh đặc biệt của mình, công khai và triệt để bày tỏ những ý kiến bất đồng với thứ chính trị của nhà nước, cái thứ trùm phủ, áp đặt lên đời sống mọi người dân trong xứ sở. Chúng ta cũng cần nhớ rằng triết gia cổ đại Hy Lạp Aristoteles từng nói: Con người là một sinh vật chính trị

Tôi đã đọc cuốn bút ký anh viết về cuộc hành trình bằng xe gắn máy, và cuốn nhật ký trong những ngày mất tự do của anh, tôi đã biết Thung Lũng Trầm Tư là tên anh đặt cho nơi anh cư ngụ. Hai cuốn này đều có chữ anh ghi tặng Đăng ở mép bìa. Đăng mang tới tiệm “photocopy” chụp ra thêm mấy cuốn nữa để tặng vài người bạn thân, dặn ở đấy khi dán mép bìa đừng che mất chữ ghi tặng của tác giả. Tôi biết Đăng rất quý mến anh, tỏ rõ tình cảm ấy với những người bạn, đặc biệt Đăng gửi cho H ở Mỹ, người phụ nữ mà Đăng gọi là “femme fatale,” bản chính cuốn bút ký anh tặng. Tôi kể anh nghe chuyện này, anh lại mỉm cười, vui vẻ nói: “Bữa ngồi đây uống rượu vang Chi-lê bạn ấy đem từ Sài Gòn lên, cũng nhãn hiệu ‘Passion’ như chai rượu vang này, bạn ấy gọi điện thoại cho nhân vật H của bạn ấy, có đưa điện thoại cho tôi nói chuyện với nhân vật H. Nghe bạn ấy nói H ở Mỹ đã đọc và rất thích cuốn truyện Nửa Đời Nhìn Lại của tôi, tôi hỏi thăm thì cô H bảo có thấy cuốn truyện ấy bao giờ đâu mà đọc. Thiệt đúng là tính cách của chàng biệt kích báo đen, cứ nói đại như lia một tràng đạn lên thinh không chơi vậy. Tôi nghe bạn ấy nói chuyện với nhân vật định mệnh của bạn ấy, mà giống y như những chàng lính vừa tác chiến ngoài mặt trận trở về thành phố, tán tỉnh cho đỡ buồn với các em trong quán ‘bar’, nghĩa là giọng điệu rất lính-mà-em, chẳng có vẻ gì của một người văn nghệ trí thức. Tất nhiên không phải vì vậy mà tôi không mến bạn ấy, hoàn toàn không phải, mà ngược lại là đằng khác. Chỉ là tôi ngạc nhiên về một người từng viết những truyện ngắn khá hay khá lạ, một người có đời sống nội tâm sâu sắc và cuộc sống đầy thăng trầm.” Tôi nói với anh rằng tôi cũng thấy Đăng như vậy, “Có lẽ anh chàng thể hiện triệt để một nhận xét của ông Gatby-Vĩ-Đại Scott Fitzgerald, để xác định mình: ‘Những người tự tin mới dám phát ngôn bừa bãi và phục sức lôi thôi’, và anh chàng làm đúng y như vậy.” Anh lại mỉm cười, tiếng nói dịu dàng: “Nhìn bề ngoài, phục sức của bạn ấy, người mới gặp sẽ cho rằng bạn ấy là một gã bụi đời, giang hồ khắp chốn. Có thể do một đoạn đời của bạn ấy từng lãng tử như vậy, và có lẽ bạn ấy cũng ưa thể hiện mình như vậy. Một lần chụp hình kỷ niệm trong khu vườn này, bạn ấy đứng tựa cây thang treo ngang căn nhà gỗ đó, tay khuỳnh khuỳnh, vẻ ngang tàng bụi bặm như James Dean, tài tử điện ảnh Mỹ những năm đầu thập niên năm mươi của thế kỷ trước. Bạn ấy khoe rằng thời tuổi trẻ của bạn ấy, nhiều người đã gọi bạn ấy là James Dean Việt Nam.”

Chúng tôi ngồi uống rượu. Chưa tới nửa phần ly rượu, anh lại đứng dậy, vào xem chừng người vợ đang yếu mệt nằm nghỉ trong căn phòng của ngôi nhà. Lúc tôi tới, anh vừa hoà xong chén thuốc cho người bệnh. Tôi từng thấy người vợ anh, Y., chị mảnh mai và khá cao, chỉ thấp hơn anh chút ít, mang kính cận, có thể đoán được ngay chị là cô giáo. Anh nói chuyện tưởng tượng, người ngoài đường khi thấy vợ chồng anh sánh đôi, đã hình dung “số mười một” đi dạo phố. Hai người con anh làm việc nơi xa, chỉ có vợ chồng anh sống ở đây, ngôi nhà và khu vườn càng rộng rinh, đủ thứ cỏ cây hoa lá sắc màu tươi dậy chung quanh nhà, không chừng đã tràn lan xuống Thung Lũng Trầm Tư mà tôi chưa đi nhìn ngắm. Tôi lấy máy ảnh định ghi lại Nhân Vật Trên Cao giữa khung cảnh mà chủ gia từng đặt tên là Động Hoa Vàng, anh bảo tôi chờ anh thay y phục khác. Rất nhặm lẹ, anh xuất hiện. Y phục của anh để ghi vào tấm ảnh cũng giống bất cứ lúc nào, như tôi đã thấy nhiều lần khi gặp anh ngoài phố, khu vực trung tâm Đà Lạt. Nghĩa là anh phục sức giản dị, không chú trọng bề ngoài, và càng không phải lối phục sức cẩu thả cố ý, cẩu-thả-có-chọn-lọc, anh cùng nhận xét với tôi về phục sức của Đăng như vậy.

Một lúc nào đấy, phải vào trong nhà có việc hơi lâu, anh đưa tôi đọc tập truyện ngắn của anh để tôi đỡ sốt ruột chờ đợi. Đây là nguyên bản quyển sách in tại Mỹ, có vài truyện anh đã in ra từ máy vi tính để gửi Đăng, tôi đã đọc. Tôi đọc thêm vài trang một truyện ngắn trong quyển sách, không thấy gì khác so với vài truyện đã đọc, vẫn là lối viết của anh, thích hợp với một bài luận giảng hơn một truyện ngắn. Tôi đã từng nói với Đăng, tôi ưa thích văn anh trong bút ký, nhật ký hơn trong truyện ngắn, Đăng không nói gì. Lúc đưa tôi đọc mấy truyện ngắn của anh, Đăng nói: “Bạn cần đọc kỹ từng dòng, đây là văn chương đích thực của một nhà văn đích thực.”

Tôi đặt quyển truyện trên bãi cỏ, cạnh chai rượu vang nhãn hiệu “Passion”, nói với anh rằng Đăng rất trân trọng văn tài, trân trọng truyện ngắn của anh. Thật sự, tuy tôi không thấy đó là những truyện ngắn mà tôi mong đợi, nhưng tôi không ngượng ngập khi nhắc lời Đăng trân trọng yêu quý những truyện ngắn anh viết. Và một điều gì đấy nơi tác giả của nó, điều gì đấy từ con người anh, khiến tôi trân trọng những tác phẩm của anh. Tôi ngạc nhiên khi anh lại mỉm cười, âm giọng vẫn dịu dàng: “Bạn ấy nói vậy thôi, cũng như bạn ấy nói cô H từng rất thích cuốn truyện Nửa Đời Nhìn Lại của tôi.” Không biết có phải do ngấm say men rượu vang Chi-lê tuyệt vời của thế giới, tôi nhắc đi nhắc lại: “Đăng rất khó tính, rất chọn lọc khi đọc thơ đọc truyện. Đăng có vẻ lung tung beng thật đấy, nhưng dù sao anh chàng là một người có ‘background’, có kiến thức, sở học. Đăng rất thích truyện ngắn anh viết, bảo là dễ gì gặp được một người bạn có cùng một bản chất văn nghệ với mình.” “Bạn ấy nói vậy chứ không phải vậy đâu, tôi biết mà. Có lần tôi hỏi bạn ấy đã đọc truyện Hành Trình Trăm Năm của tôi chưa, bạn ấy nói bạn ấy đọc ngay cái mấy cái truyện của tôi rồi chứ, bạn ấy nói đặc biệt cái truyện Hành Trình Trăm Năm tôi viết hay lắm, lung linh lắm, bạn ấy rất thích. Rồi lần nói chuyện điện thoại sau đó, bạn ấy lại hỏi tôi: ‘Y. có đạo Thiên Chúa, còn anh có đạo gì không?’ Thế là tôi biết bạn ấy chưa hề đọc Hành Trình Trăm Năm, vì trong truyện đó tôi viết một đoạn khá dài về chuyện tôi không theo một tôn giáo nào hết.” Tôi không khỏi ngượng ngùng khi nghe anh nói vậy, và càng xác tín về anh chàng biệt kích báo đen chuyên phát ngôn bừa bãi, anh chàng đầy tự tin của Scott Fitzgerald.

Lúc rượu cạn kiệt, đặt cái vỏ chai nằm ngang trên mặt cỏ, tôi chợt nhớ mối quan hệ giữa Đăng và nhà văn tài danh một thời Nguyễn Nghiệp Nhượng. Tôi nghĩ Đăng rất thân thiết với nhà văn, yêu quý chữ nghĩa của nhà văn tới mức sẵn sàng mượn nhan đề truyện ngắn Trong Vườn Kỷ Niệm của ông ấy để đặt thêm tên tuổi cho Thung Lũng Trầm Tư, và làm nhan đề truyện ngắn dự định viết của mình. Hoá ra không phải. Đăng nói: “Chẳng có chuyện chia tay gì cả, chỉ là tôi ít gặp gỡ ông ấy mà thôi. Từ hồi nào tới giờ, tôi có quan hệ bạn bè thân thiết với ông ấy đâu. Tôi kết giao bằng hữu không phải vì liên tài, mà vì tâm thuật. Cái đức lý của tình bạn hoàn toàn đặt để ở tâm hồn.” Tôi chợt hiểu ra, khi Đăng nói mình và Nhân Vật Trên Cao có cùng một bản chất văn nghệ, hoàn toàn không phải Đăng nói bừa nói đại. Bản chất văn nghệ hẳn nhiên ở nơi sâu thẳm, hoà lẫn trong tâm thuật mỗi con người. Tình cảm của anh chàng Đăng tất nhiên cực đoan, thương ai thương cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng, hình như có câu ca dao của đất Việt như vậy. Có lẽ vì vậy mà anh chàng thích thú, ca ngợi tất cả những gì của người bạn ở thành phố trên cao đã viết ra.

Tôi đặt ly rượu cuối cùng xuống mặt bàn, cái mặt bàn là một viên gạch có hoa văn màu ấm nóng, bị sứt mẻ chút ít ở một góc, nhìn theo những bước chân sải dài của anh đang vội đi vào trong nhà, chuẩn bị bữa cơm gạo lức muối mè cho Y. Anh nói con số một ăn như vậy, và con số một song đôi cũng ăn như vậy. Tôi tin rằng, dù Đăng thấp người, chỉ có thể làm con số không bên cạnh con số một, nếu có mặt ở đây, anh chàng ưa ăn nhậu, không chừa bất cứ loại thịt động vật nào trừ thịt đồng loại, cũng hoan hỉ dùng những bữa chay tịnh, thanh đạm như Nhân Vật Trên Cao.

 

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021