thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thơ từ Người Hỷ Xả
 
Jean Baptiste Cassaigne Hỷ Xả, porte-cigarette Paris dài thẳng tới điếu thuốc Bastos, kéo lui dần điếu thuốc không cần đầu lọc từ thuở xuất xưởng tại Alger. Tôi ngắm Người Hỷ Xả, cùng lúc hút điếu thuốc Bastos ông mời, ở một quán cà phê cóc tại đường Nhà Chung, Đà Lạt. Buổi sáng trong xanh lúc tám giờ, ông nhà tu bước xuống từ chiếc Jeep nhà binh, khởi từ Di Linh lúc bảy giờ ba mươi phút mù sương. Người Hỷ Xả, xả tốc lực xe nhanh hơn chiếc Jeep trong phim chiến tranh. Ký ức tôi ghi một ngày đó của năm một ngàn chín trăm sáu mươi mấy đó, tôi từ một đồn binh trú tại Trạm Hành. Jean Baptiste Cassaigne mắt thẳm sâu, râu rậm dài, tôi còn nhớ. Tôi nói nhìn ông tôi liên tưởng tới điêu khắc gia Rodin thiên tài, ông nói liên tưởng cũng ngộ vậy, dù chúng tôi chỉ cùng gốc Pháp mà thôi. (Nói) rồi Jean Baptiste Cassaigne (cười) Hỷ Xả.
 
Gauguin: chúng ta từ đâu tới, chúng ta là ai, chúng ta đi về đâu? Tôi tự cho rằng đã trả lời được hai câu hỏi (lớn), đành rằng câu trả lời đơn giản nhất, cụ thể nhỏ nhoi trước mắt. Còn chúng-ta-đi-về-đâu thì lúc đó thật tình tôi chưa biết. Cuối cùng, hồi kết chuyện Người Hỷ Xả, chẳng về đâu nơi kinh thành tráng lệ Paris, chẳng về đâu mọi miền kỳ hoa dị thảo thơ mộng ngất trời vườn địa đàng trên mặt đất, chẳng về đâu ngoài khu đồi núi thung lũng suối thác rừng quen thuộc bình thường Di Linh. Bảo đảm mấy chục năm nữa, ai mà biết được, tôi sẽ về nơi đó gặp Người Hỷ Xả, ấm lòng giữa bao linh hồn quên đau đớn xác dưới mái nhà chung.
 
Tôi nhớ H để viết thơ từ Jean Baptiste Cassaigne Hỷ Xả (bức tượng chân dung ông trên đầu kệ sách cùng H trong buồng tim). Từ thư Người Hỷ Xả, từ ngọn nến hiu hắt Di Linh gửi tới ánh điện muôn màu Paris, thơ từ những dòng này, kế bên cuốn sách giáo lý dành cho những người dân tộc Koho, mà thân thể họ là những thây ma rã rục lần hồi. Sưng phù lên hoặc khô quắt lại. Mặt mũi lạ thường. Trái tai (cũng) sưng phù lên và chảy dài xuống. Lỗ mũi phình ra. Môi nở vều và mắt đỏ ngầu. Tay chân dị kỳ, rơi rụng từng lóng bỏ gân sầu co quắp. Tóm tắt, bệnh nhân tỉnh thức trước cái chết, nhìn thấy trước cái chết hôi tanh rữa nát dưới đáy mồ sâu lạnh.
 
Nơi H và tôi đã đi qua. Nơi H và tôi đã ngồi lại, buổi chiều mưa mù ngoài cửa sổ rộng, quán cà phê hiu hắt Di Linh, buổi chiều vĩnh viễn trong ký ức (ắt hẳn sẽ dần mòn trước) lúc xuống đáy mồ ở Oakland hay ở Sài Gòn. Buổi chiều mưa Di Linh, mưa luỹ thừa vô tận, mưa ngâu, H và tôi tủi hờn số phận Ngưu Lang Chức Nữ (sao một lần gặp nhau mà cũng chẳng khác một năm bằn bặt xa nhau). Tôi nói với H, còn giấc mộng Đông Quay, nơi chốn định mệnh xoay quanh mặt trời, ắt có và đủ cho Hướng Dương hoa man dại ấm nồng thân thể rực rỡ hân hoan.
 
H, hãy nguyện cầu giáo lý dành cho người Koho vinh hiển, cho thơ từ Jean Baptiste Cassaigne Hỷ Xả lên ngôi, cho buổi chiều mưa Di Linh thôi hiu hắt não nùng, cho dứt tủi hờn Ngưu Lang Chức Nữ, cho cơn mộng Đông Quay ắt có và đủ hiện hình.
 
SARA DIAT BAP IANG*
 
 
----------------
* Nhan đề cuốn sách Catéchisme Koho, Sara diat Bap Iang của linh mục Jean Baptiste Cassaigne (sau này trở thành giám mục, từ trần năm 1973), xuất bản tại Saigon, nhà in L’union, 57, Rue L. Mossard, 1938. [Phụ chú của Tiền Vệ]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021