thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Và bún, và phở, và...

 

Mặt trận phở vẫn hoàn toàn yên tĩnh nhưng Sydney, những ngày qua, lại ồn ào sôi động mặt trận bún bò.

Mặt trận ở đây, tôi phải giải thích ngay, không phải là chuyện đấu tranh kháng chiến trường kỳ. Mặt trận phở chỉ là chuyện cạnh tranh trong làng phở ở đó thế chân vạc chia ba chia tư hay thế cát cứ mỗi vùng một sứ quân đã “tuyệt nhiên định phận” theo phán xét của khách hàng. Ở Melbourne cũng thế mà ở Sydney cũng thế. Cái thế cân bằng hình thành sau khi kẻ thắng “takes it all” và kẻ bại hoặc từ bỏ cuộc chơi hoặc khép nép “standing small.” “Takes it all”, kẻ thắng tự tin với tư thế bất khả cạnh tranh của mình và hắn đâm ra kiêu hãnh, cửa quyền.[1] Than vãn lên giá gì mà lên mãi thế ư? Hắn phớt tỉnh Ăng-lê: “Dễ thôi, cứ đi tìm chỗ rẻ!” Cằn nhằn cho sự lai tạp của hương vị Bắc Hà ư? Hắn ngang phè đế quốc thực dân: “Thì cứ về xứ Bắc.” Cứ thế, vân vân và vân vân. Hắn ngạo nghễ và cửa quyền trước những kẻ thua cuộc chỉ biết vênh váo trong lặng thầm bằng cái “tinh túy Bắc Hà” khư khư gìn giữ để may ra xả bớt chút sân hận theo phép thắng lợi tinh thần. Và như thế, tôi cứ tự hỏi mình là, liệu, mai này, cái mặt trận bún bò đang rậm rịch sự ăn thua đủ kia có phân định được một thế cân bằng ở đó kẻ thắng hiu hiu tự đắc với khả năng chiếm lĩnh thị trường còn kẻ bại thì chỉ biết kiêu hãnh trong lặng thầm khép nép với cái bản sắc hằng trường?

Tôi thoáng nghĩ đến điều đó khi nghe một chị bạn kể về cái cảm giác thất vọng trong một tiệm bún bò Huế ở miền Tây Sydney. Cũng như bao tiệm bún bò khác, tiệm mang tên một địa danh Huế. Tiệm khá là đắt khách nên, theo lẽ thường, phải đậm mùi hương Huế thế nhưng chị vẫn không tài nào cảm nhận được chút mùi hương Huế. “Tôi bỏ nhà đi năm mười chín tuổi / Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông” (Nhã Ca), chị chờ, thấp thỏm, nôn nao, cơ hồ một Nhã Ca nôn nao nằm đợi tiếng chuông Thiên Mụ trước ngày dời đổi quê hương, mà vẫn không tài nào nhận ra chút vị của quê hương. Hương vị Huế đã không hiện diện trong một tiệm ăn Huế, mang tên một địa danh Huế, chen chúc những thực khách chấp nhận tốn tiền để có vài khoảnh khắc sống lại cùng với Huế. Tên Huế thì có đó mà hồn Huế thì ở đâu rồi?

Ra đi ai cũng ít nhiều gói ghém bên mình những “tiếng chuông” như thế nhưng chỉ có Huế, cơ hồ chỉ có người Huế mới biết khai thác những cái tên quay quay quắt kỷ niệm đến là như thế. Dạ thưa phố Huế bây giờ / Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương (Bùi Giáng), Huế là thơ, là hoạ thế nhưng những “thơ hoạ” ấy đã bị chính người Huế đem ra mặc cả, giày vò. Từ Melbourne hay Sydney cho đến Santa Anna, San Jose hay Toronto, Vacouver, ở đâu cũng thấy hay cũng nghe những Sông Hương, Bến Ngự, Gia Hội, Đông Ba, Vỹ Dạ, Trường Tiền, Đồng Khánh, Cố Đô v.v... lổn nhổn xuất hiện và chan chát cạnh tranh theo bát bún bò. Cũng là “tiếng chuông” gói ghém mang theo nhưng những Sinh Từ, Hồ Tây, Trúc Bạch và Hồ Gươm quay quắt trong niềm nhớ của Mai Thảo hay Vũ Bằng đâu có chen nhau giành giật những cái bao tử thích tiêu hóa phở bò? Tại sao người Bắc có thể mang cả Hà Nội vào đến Hố Nai mà không thể mang những địa danh Hà Nội theo chân bát phở như là những cái tên Huế đã trở thành ngọn cờ hiệu trong cuộc chiến bún bò?

Để hiểu hết vấn đề thì có lẽ chúng ta phải nhìn lại ngọn ngành gốc rễ của vấn đề. Có đến với những quê hương mới thì bún hay phở, nói theo Võ Phiến, cũng đến sau những bất hạnh của quê hương. Phở ào ào Nam tiến sau Hiệp định Genève 1954. Bún bò Huế lục tục “hành phương Nam” sau một Mậu Thân tang tóc 1968 và một mùa hè chảy lửa gần bốn năm sau đó. Từ những đợt di cư đầu tiên cho đến cái lần cùng di cư sau hết, cái lần di cư thực sự đứt đoạn với quê hương vào năm 1975, giữa bún và phở đã có những khoảng cách khác nhau nên phải có những thế cách hòa nhập khác nhau.

Vấn đề, như thế, còn là sự tiếp nhận tại trạm dừng đầu và do đó chúng ta phải nghĩ đến những quy luật thị trường. Một người quen của tôi, sau bao năm lăn lộn trong nghề kinh doanh nhà hàng, đã rút ra một kết luận đầy tính địa phương chủ nghĩa về những thượng đế khách hàng. Nhiều nhất là giọng Nam. Thưa hơn là giọng Bắc, giọng Trung. Đặc biệt thưa là giọng nói nằng nặng khúc giữa miền Trung. Kể ra thì để đi đến một kết luận tử tế và thuyết phục về một đề tài tế nhị như thế chúng ta phải cầu viện đến những nhà thống kê và dân số học nhưng, dẫu sao, nhận xét kinh nghiệm chủ nghĩa này cũng có những nền tảng nào đó từ mối tương quan văn hoá giữa đất và người. Tính hào sảng của con người tỷ lệ thuận với sự hào sảng của thiên nhiên, và khi miền Nam là một miền đất trù phú thì con người cũng có khuynh hướng phóng khoáng theo cái sự trù phú đó. Đối diện với một thiên nhiên cam go và cay nghiệt thì người Bắc hay Trung cũng cam go cay nghiệt với cả chính mình. Người Nam xả láng, tới bến. Người Bắc và người Trung lo xa, dè đặt. Người Nam biết có hôm nay. Người Bắc và Trung lo toan cho ngày mai, thậm chí cả những ngày mai tiếp nối ngày mai, cái chuỗi dài lo toan kéo dài tưởng chừng tới bất tận. Khi mà cái lưỡi của tuyệt đại đa số khách hàng đều phát âm giọng Nam thì nghệ thuật ẩm thực ăn khách nhất phải là thứ nghệ thuật xem là được đối với những cái lưỡi quen uốn giọng Nam. Phở, như thế, ngay ở trạm dừng đầu, đã phụ tình hương vị Bắc Hà. Và phở phụ phàng cả những cái tên có thể nhớ quay nhớ quắt nhưng chẳng có nghĩa lý gì trong những cái lỗ tai mà mình phải xởi lởi chào hàng. Phở không quyến rũ tình nhân mới bằng điệu đàng cũ. Phở ngả ngớn sa cạ bằng Tàu Bay, bằng Xe Lửa, những cái tên mộc mạc bình dị theo lối sống thẳng thớn của cuộc đất Sài Gòn.

Bún bò Huế thì khác. Bún không di cư theo lịch trình nhất định của một hiệp định có chữ ký của mấy siêu cường mà rải rác lưa thưa theo nhịp độ chiến trường. Từ một muà xuân trắng khăn tang cho đến một mùa hè đỏ hực màu lửa và đen nhẻm màu than. Rồi từ cái mùa hè quằn quại lửa than ấy trở đi, hễ mặt trận càng ầm ì tiếng đạn bao nhiêu thì cái cố đô trầm buồn ấy càng co rút, càng thu mình vắng lặng bấy nhiêu. Từng đợt rồi từng đợt, hiu hắt và âm thầm, từng lớp người thầm lặng bỏ Huế ra đi rồi thầm lặng hòa mình vào cái náo nhiệt của những đô thị phía Nam như Đà Nẵng, Sài Gòn. Trong cái tâm trạng hắt hiu ngơ ngác giữa khung cảnh mới xô bồ sôi động thì, chợt, những không gian bỏ lại, những âm thanh và những hương vị bỏ lại bỗng tha thiết cồn cào, bỗng xốn xang trăn trở như một nhu cầu. Nhưng Đà Nẵng, Hội An thì nhỏ quá và gần Huế quá nên bún bò Huế không cần thiết phải mang tên Huế, chỉ cần trần trụi “bún bò giò heo” theo bản vị thành phần. Phải xa như Sài Gòn. Và phải lớn như Sài Gòn. Xa cho thấm độ hoài hương và lớn cho thấm thía cái sự hòa mình tan loãng thì con người mới thêm phần gắn bó với huyết thịt của cố hương. Bún bò Huế, như một cái tên, có ra đời, có lẽ, đã ra đời như thế. Và những không gian mang mùi hương và mang tên Huế, có được đặt tên cũng, có lẽ, đã được đặt tên như thế.

Nhưng đến lần di cư thứ hai, cái sự di cư thực sự đứt đoạn với quê hương, thì Huế không còn là của riêng Huế nữa. Huế, và những phần da thịt của Huế, những Sông Hương, Bến Ngự, Trường Tiền, v.v... đã trở thành một phần của quê hương đất nước như một thứ sở hữu chung. Cũng như Tàu Bay, Xe Lửa, Pasteur hay Hùng Vương, Hiền Vương đã trở thành một phần của Sài Gòn bỏ lại, trở thành những mảnh huyết thịt của quê hương bỏ lại nói chung. Và rồi tất cả, trong cái hoài niệm rất chung, đã dễ dàng trở thành những tín hiệu hẹn hò chung. Và phở. Và bún. Và những hương vị quê hương khác. Tất cả đã trở thành một thứ sở hữu chung và do đó phải thích nghi với cái chung. Và như thế những kẻ đau đáu trung thành với riêng một “tiếng chuông Thiên Mụ” phải thất vọng thở dài. Và như thế những kẻ khư khư giáo điều với riêng một mùi phở đã chuẩn hóa qua ngòi bút của Nguyễn Tuân cũng chỉ biết thở dài tiếc nuối cho chút hương xưa; tiếc như thể tiếc cho người tình cũ đã thất tiết, đã trao thân lang chạ với bao khách qua đường.[2]

Nhưng đâu chỉ riêng người Bắc hay Huế? Ra đi, người Nam cũng đau đáu trong lòng những “tiếng chuông” nôn nao chờ nghe trước lúc lên đường, thế nhưng chúng ta hiếm khi nghe họ đăm đăm khó chịu với cái sự hương vị cũ rơi rớt dọc đường. Người Bắc thì chát chúa chỉ trích và mát mẻ chua cay cho người tình phở không còn trọn vẹn thủy chung. Người Huế thì tỉ tê thương tiếc cho tô bún bò với mùi hương đã rè vỡ tiếng chuông. Nhưng người Nam thì không. Họ thản nhiên. Họ bàng quan, bình lặng. Họ chẳng đăm đăm bắt bẻ hay đăm đăm lớn chuyện như thể cái bản sắc trên đầu lưỡi chẳng phải chuyện đáng để bàn. Cơ hồ, với họ, cái hương cái vị là cảm nhận của hiện tại, những cảm nhận tự do và đầy tính chủ quan chứ không nhất thiết phải là cái khuôn đúc cảm giác theo những tiêu chí về nguồn.[3]

Khác biệt này chính là khác biệt giữa tính “trung tâm hoá” và “phi tâm hoá” ở mỗi vùng miền. Đất Bắc là đất lề quê thói và đất Huế là đất của những kiểu cách ăn nói và ứng xử trưởng giả và những đặc tính văn hóa này đã ảnh hưởng đến cái đầu lưỡi của con người ở mỗi vùng miền. Kiểu cách đó hoàn toàn xa lạ với đặc tính miền Nam, với nền văn minh đồng bằng sông Cửu Long, vùng văn hóa mà đặc điểm dễ nhận thấy nhất là tính phi tâm hóa.

Bắt đầu từ những biểu tượng cụ thể cho từng miền đã thấy chênh lệch cái sự “tâm hóa” đó rồi. Chọn một biểu tượng mang tính trung tâm cho đất Bắc Hà chúng ta có khuynh hướng nghĩ đến Hà Nội để rồi cô đọng cái địa chỉ văn hiến ấy lại ở vài ba hình ảnh nào đó, như Văn Miếu, hay như Tháp Rùa, của Hồ Gươm, chẳng hạn. Để chọn một biểu tượng của miền Trung thì, xưa nay, chúng ta đã thoải mái cô đọng dải đất ấy ở một cố đô rồi tiếp tục cô đọng một lần nữa ở những biểu tượng như tháp chuông Thiên Mụ hay như Ngọ Môn, chẳng hạn. Nhưng nếu phải chọn một biểu tượng cho nền văn minh đồng bằng sông Cửu Long thì chúng ta biết chọn gì đây? Chọn cây dừa ư? Thì, ở dưới ấy, đi đâu mà không gặp dừa? Chọn một cây cầu khỉ ư? Thì cũng, ở dưới ấy, đi đâu mà không thấy cầu khỉ? Miền Nam là một vùng văn hóa đa tâm nên biết tìm đâu ra một biểu tượng trung tâm? Là một vùng văn hóa đa tâm nên, như một hệ quả, thẩm mỹ của cái lưỡi cũng là một thứ thẩm mỹ đa tâm. Nói đến bún, ở miền Trung, chúng ta nghĩ ngay đến bún bò Huế với mùi hương đã định chuẩn ở ngay thành phố Huế. Nói đến phở, chúng ta nghĩ đến một bát phở nghi ngút khói trong một đêm đông giá lạnh ở Hà Nội, trong một tiệm phở nào đó y hệt bát phở và những tiệm phở đã được Thạch Lam, Nguyễn Tuân hay Vũ Bằng khắc họa trong những trang tùy bút của mình. Còn hủ tíu của người Nam thì khác. Nếu Cần Thơ được xem là “Tây Đô”, là trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long thì “thủ đô” này đã không thể cai trị cái lưỡi của toàn vùng và có thế, đến đó, chúng ta mới nghe nói tới hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Sa Đéc và hàng chục biến tấu hủ tíu khác, rồi bún, như bún nước lèo Trà Vinh, chẳng hạn.[4]

Tính trung tâm hóa, ở một mức độ nào đó, có thể nói, là đặc tính của chủ nghĩa bảo thủ, của tinh thần chính thống và giáo điều. Và tính phi tâm hóa, ở những hoàn cảnh nào đó, lại chính là hệ quả của sự cởi mở và của tinh thần đa nguyên. Và như thế, phải chăng, khi đã khư khư bảo thủ ở những cảm nhận ở cái lưỡi thì người ta sẽ có khuynh hướng khư khư cố chấp vào những cảm nhận ở ngay trái tim và ở ngay bộ óc?

Khó mà kết luận rằng đó là một mối quan hệ nhân quả và hữu cơ, nhưng càng lật lại những trang sử hiện đại thì chúng ta sẽ càng tìm thấy bao nhiêu là bằng chứng có thể làm sáng lên cái sự tương liên ngỡ như là rất hàm hồ. Cái bát phở hay tô bún cứng nhắc giáo điều kia vậy mà cũng dính dáng thế nào đó với những phát súng, những nhát chém và những chính sách thụt tới hay thụt lui mà hậu quả là biết bao cảnh đời cay đắng bẽ bàng. Nếu phở bò hay bún bò nhất định phải thế này thế kia như một thứ giá trị trung tâm thì những mệnh lệnh nhận vào và ban ra cũng khư khư một đường lối trung tâm như thế. Chỉ ở miền Bắc hay miền Trung là nơi mà cái mô hình kinh tế Stalinist mới được áp dụng một cách nhất quán, vẹn toàn. Cái lưỡi của người miền Nam không nhất thiết phải tiêu chí này kia thì, cơ hồ, cái mô hình kinh tế áp đặt đã không nhất thiết phải thế này thế kia. Chỉ từ ở miền Nam, chỉ từ những bước đi đột phá của một miền Nam đa tâm và cởi mở thì cái mô hình kinh tế trung tâm hóa sắt máu đó mới chịu chấp nhận đầu hàng, chấp nhận thụt lui để nhượng bộ với một mô thức kinh tế dơi chuột muộn màng. Và, trước đó rất lâu, những năm 52 năm 53 của thế kỷ 20, những bần cố nông miền Nam đâu có được cái cơ hội để hò hét và để thực tập những khẩu hiệu đấu tranh giai cấp cào bằng? Chỉ có những bần cố nông miền Trung, miền Bắc. Chỉ có những lãnh tụ cộng sản miền Trung, miền Bắc. Cái đất mà người ta khư khư với một vị phở hay một vị bún giáo điều, hóa ra, cũng là cái đất mà ở đó người ta khư khư bảo thủ hay nghiệt ngã cực đoan với những tim óc giáo điều.[5] Và, như thế, trong cái cảnh xác chết ngổn ngang sau những trận bắn giết nhau theo luật của chiến trường thì chỉ có Huế, chỉ riêng ở Huế mới có cảnh giết nhau bằng hầm hố đào ngay ở sân trường. Mà không chỉ là do những đảng viên hay những lãnh tụ buá liềm. Trong những xung đột tôn giáo đan xen chính trị sôi nổi của một thời thì chỉ ở Huế, chỉ có Huế mới hừng hực nóng, mới có cái sự hung hăng con bọ xít ở những giáo đồ tưởng là chỉ nhìn cõi trần này là tạm bợ với tâm nguyện hướng tới cõi phúc vĩnh hằng. Và đến tận hôm nay, rải rác đâu đó, Huế vẫn sục sôi hực lửa với những giáo đồ hung hăng con bọ xít cái sự hận thù trả miếng bất kể rằng niềm tin của họ lại là niềm tin hướng tới sự hỷ xả, khoan hồng.[6] Những con người như thế, liệu, có thản nhiên, có bình lặng chịu đựng một món ăn quê hương lạc vị, xem như một sự đánh đĩ bản lai căn gốc cội nguồn?

Nguyễn Tuân, trong Phở, bài tùy bút được xem một thứ tuyên ngôn về “đạo phở”, để phải đạo, đã phải ép lòng để thấy cho bằng được bao điều cho là lớn lao vĩ đại qua bát phở quốc túy quốc hồn. Để phải đạo, Nguyễn Tuân đã cố sắp đặt để phở hiện diện bên cạnh “lịch sử vinh quang”, cạnh “những công trình lao động thần thánh như chiến thắng Điện Biên” và cả những lãnh tụ được ca ngợi như thể thiên thần. Và để phải đạo, Nguyễn Tuân đã băn khoăn suy nghĩ về cảm xúc phở của “các bạn Liên Xô, bạn Ba Lan, Hung, Tiệp, Đức”, những bạn bè anh em đóng khung trong cái thế giới của sắc đỏ búa liềm.[7]

Ngày hôm nay phở đã đi xa, xa hơn cái thế giới bạn bè hạn hẹp đó rất nhiều. Và để đi xa như thế phở đã phải khiến cho những môn đệ của Nguyễn Tuân phải chạnh lòng, phải tiếc nuối bẽ bàng. Phở, thứ phở của Nguyễn Tuân, đã đến với bạn bè trong thế giới búa liềm như thế nào chẳng mấy ai biết được nhưng phở chỉ có thể mở rộng những bước chân toàn cầu sau khi cởi mở, sau khi trải lòng ra với muôn vạn nẻo đường.[8] Phở, như thế, đã rộng mở, đa nguyên. Đa nguyên như một thứ hủ tíu đa nguyên, cái món ăn của miền Nam rộng rãi và cởi mở, cái vùng đất mà, trong văn học, cứ tưởng là líu quýu đi sau mà thực ra là đi trước mở đường: mở đường với một nền báo chí tiền phong, với những bộ tiểu thuyết tiền phong, và hẳn nhiên, với con chữ mà chúng ta đang viết hay đang đọc cũng vào hạng mở đường, tiền phong…

 
Sydney 26.11.2006
 

_________________________

[1]The winner takes it all / The loser standing small, ca từ trong ca khúc "The Winner Takes It All" của Benny Andersson và Bjorn Ulvaeus.

[2]Theo Nguyễn Tuân thì bát phở ngon phải đủ chín, bắp, nạm, mỡ gàu. “ ‘Tái’ là phần ‘phát sinh’ sau này nhưng có thể chấp nhận. Từng món thịt này phải được luộc riêng, thái lớn, nhưng phải mỏng. Nước luộc lắng lấy phần trong cho vào nồi xương. Xương ống trước khi cưa ra để lấy được tuỷ phải dùng bàn chải sắt đánh sạch phần thịt còn bám thì nước phở mới trong. Nồi xương phải đun nhỏ lửa ít nhất là trong 4 giờ, không được đậy nắp và hớt bọt liên tục. Gia vị phải có gừng nướng, hành nướng và hồi nướng, thêm chút quế. Khi nào gần ăn mới cho gia vị vào cùng với nước mắm sống. Rau trong bát phở chỉ là chút phụ gia điểm xuyết gồm hành chần và rau mùi (ngò ta). Nêm vào phở chỉ có thể là tương ớt và giấm, thêm chút nước mắm sống có tiêu. Cũng phải có tí chanh, nhưng vắt ngược phần vỏ để lấy chút hương vị tinh dầu. Bánh phở trước khi cho vào bát phải được dận trong nồi nước sôi riêng và chiếc bát trước đó phải được ngâm nóng. Đường và bột ngọt không thể chấp nhận.” Dẫn theo Nguyễn Duy,trong “Phở”, đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị, 03.11.2005.

[3]Để ý rằng chỉ có các tác giả miền Bắc hay miền Trung than thở, “tiếc” cho vị phở và vị bún bò Huế đã bị đánh mất. Số lượng người cầm bút miền Nam không hiếm, thế nhưng các bài viết về món ăn miền Nam, trong hay ngoài nước, hiếm thấy tác giả nào than tiếc cho hương vụ món ăn cũ!

[4]Danh sách này thật dài: hủ tíu mì, hủ tíu nui, hủ tíu hoành thánh, hủ tíu xào, hủ tíu xá xíu, hủ tíu thịt băm, hủ tíu sườn heo, hủ tíu lòng heo, hủ tíu cá, hủ tíu cua, hủ tíu tôm, hủ tíu gà ta, hủ tíu gà ác, hủ tíu bò kho, hủ tíu bò viên, hủ tíu bò tái, hủ túi bò sa tế, hủ tíu nai sa tế, hủ tíu vịt quay, hủ tíu nấm, hủ tíu măng, hủ tíu chay. Thế nhưng mỗi kiểu hủ tíu này lại chia ra 2 dòng là khô và nước, thành ra nhân lên sẽ có tới 50 kiểu hủ tíu. Ngoài ra còn kể các “biến tấu” khác như hủ tíu chuột, hủ tíu dơi, hủ tíu rắn, hủ tíu rùa...

[5]Bên cạnh những người miền Nam thì, từ thời chống Pháp hay chống Mỹ, những nhân vật lãnh đạo trong Trung ương Cục miền Nam đều là người miền Bắc hay miền Trung đưa vào như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ, v.v.. Tuy nhiên vấn đề là những nhân vật này đã lăn lộn hoạt động rất sớm ở miền Nam và hiểu rõ đặc tính của người miền Nam.

[6]Hãy xem các bài viết kích động hận thù giữa Phật giáo và Công giáo cũng như “âm mưu Vatican” nhan nhản trên mạng Internet.

[7]Dù cẩn thận phải đạo như vậy Nguyễn Tuân vẫn bị đánh, bị phê bình nên sau đó phải viết kiểm điểm, phải trăn trở lột xác. Bài tùy bút này được in trên một tạp chí văn học ở Hà Nội năm 1957, và đó là thời điểm mà không khí chính trị khá căng thẳng. Có thể đọc lại tùy bút này trong tuyển tập Những Áng Văn Ẩm Thực, NXBVHTT, Hà Nội, 2001, Thái Hà sưu tập.

[8]Chỉ điểm qua ba nơi là Hà Nội, Melbourne và Sydney thôi đã thấy khác ở ngay bề ngoài. Ở Hà Nội tôi thấy người ta ăn phở kèm với tỏi chua, ở Melbourne thì ăn phở kèm với hành tây chua, còn ở Sydney thì hoàn toàn không có thứ “phụ gia” này.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021