thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mất bối cảnh nổi loạn sáng tạo

 

Không vùng lãnh thổ nào may mắn văn chương thịnh ở mọi thời, các trung tâm văn học hình như luôn di chuyển để tránh già cỗi, Pháp là một ví dụ của thịnh - suy. Một xứ văn chương hẻo lánh là Việt Nam, dù luôn còn mặc cảm thân phận, cũng từng rộn ràng và đầy sinh khí, giờ như chỉ còn trong nuối tiếc. Sau gần ba mươi năm, văn xuôi Việt Nam vẫn cố thủ mãi mãi niềm lạc quan Đổi Mới: sau vài cái đinh mười Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, chỉ thấy những cái đinh nhỏ nhỏ, đóng lên cái cây văn xuôi tiếng Việt sớm cằn dù tuổi tác chưa bao lăm. Nhiều người viết tốt, nhiều cuốn sách đọc được, nhưng để thành “hiện tượng” đã gian nan hơn rất nhiều. Nỗ lực của Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà hình như cũng chưa khiến người ta phải nghĩ khác đi về văn xuôi. “Bóng đè” chỉ ầm ĩ khi rơi trúng vùng dịch sốt virus tình dục và anti-đạo đức. Thuận chỉ là của hiếm của bầu khí quyển văn xuôi Việt trong nước giai đoạn đang háo hức nhập khẩu thủ pháp và chưa nhấp nháy đèn đỏ báo nguy cơ bão hoà. Vài cú nhảy đứt-nối của Nguyễn Viện, Phạm Lưu Vũ. Vài tìm tòi lẻ về truyện ngắn không xuất hiện trên báo in. Một số nhà văn trẻ đang viết miệt mài và mảng văn xuôi giải trí của thị dân và tuổi chanh cốm dần hình thành với những cơn sốt thất thường và vài mẫu thời trang đỏng đảnh. Ít thấy mối liên hệ hay tranh luận giữa văn xuôi Nam - Bắc, trong - ngoài, cả trên sách phát hành được cấp phép [tôi không muốn tự tạo nếp quen dùng một từ thịnh hành và gợi nhiều thành kiến/mặc cảm không còn mấy cần thiết: xuất bản chính thống, phát hành chính thống] lẫn xuất bản mạng hay tự xuất bản. Văn xuôi, dù luôn mang “chủ tính”, phát hành rộn ràng... nhưng theo cảm nhận chủ quan, những vấn đề rối ren nhất, đáng bàn đi xới lại nhất, và bây giờ có lẽ vẫn cần khơi lại, nằm ở Thơ — tưởng phận lẽ mọn văn chương, lại từng gây nháo nhác [cả Nam & Bắc, trong & ngoài, già & trẻ]. Thơ nhiều phen đòi “đổi gác” (chữ dùng của nhà thơ Hoàng Hưng). Chôn Thơ Mới. Bài trừ thơ tuyên truyền. Chống thơ anh hùng áo vải. Phục hồi giá trị thơ cách tân âm thầm của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Kêu gọi cách tân thơ. Tiếng kèn xung trận của thơ nữ. Cuộc tranh luận tưng bừng về thơ cách mạng, thơ cách tân, thơ trẻ những năm 90 thế kỉ XX. Cuộc nhậu tàn phá thơ của Mở Miệng đầu thiên niên kỉ mới. Dăm bàn tiệc thơ cốt gặp mặt anh tài quậy chơi. Cuộc cách mạng Tân hình thức. Hậu hiện đại. Thơ dân tộc thiểu số. Thơ Miền Nam. Các vấn đề trong/ngoài lề, ngoại vi/trung tâm, v.v... Loanh quanh thế nào rồi cũng mỏi mệt dần, im chìm dần, để lại một con dấu hỏi to cho ngày hôm nay, cho những người đến sau, thế hệ lớn muộn, hoang mang giữa thành quả gây dựng của các cuộc nổi loạn/nổi bật của người trước và ngơ ngẩn tiếc mình không ra sớm hơn vài năm để kịp gia nhập các cuộc chơi tưng bừng. Đâu đó thấy kẻ tỏ ra tiếc mình sinh nhầm thời, khó làm một cuộc chơi lừng lẫy thiên hạ. Kẻ gắng vẫy vùng. Kẻ lên tiếng khước từ đám đông, thơ thẩn chơi một mình.

Nếu các cộng đồng văn chương đào, xới, bới, móc các vấn đề văn chương Việt Nam cho “ra ánh sáng” thì chắc hẳn không đến nỗi đất đai chốn nào cũng đang bị hoang hoá, khí nhạt bao trùm như vài năm nay. Không ai nhọc sức làm Hoài Thanh tổng kết một thời đại thi ca. Phê bình đổ tại sáng tác dở/khó hiểu, v.v..., sáng tác đổ tại phê bình hời hợt xoa bóp không đều, thiên kiến, v.v... rồi cũng đến lúc bắt tay làm hoà. Nhiệt tâm từ độc giả? Nhiều nhà văn nói Việt Nam trong nhiều năm qua chưa có độc giả công tâm, công bằng, chân thành, v.v... Cần phải thay độc giả? Hay là phải dẹp bớt [danh xưng tụng] nhà văn? Ai dẹp? Dẹp ai? Toàn những câu hỏi đặt ra đã hão huyền.

Phải chăng mất bối cảnh sáng tạo? Phải chăng không gì/ai/tiếng ếch nào... khuấy động cái ao tù? Thời thế không tạo anh hùng, mà anh hùng cũng không (có để) sinh thời thế chăng? Họa hoằn trời đất mới kết tụ kẻ thiên tài ngang dọc, nhưng vế thứ nhất có thể đáng quan tâm: Thời thế không tạo anh hùng. May hay không may? Hện tượng chỉ nổi lên khi gặp thời. Ý nghĩa của những “hiện tượng” “sự kiện” nhiều khi/thường khi không nằm ở giá trị còn lại của sự kiện ấy, mà cũng là ở khả năng tạo bối cảnh. Nhưng tôi cho rằng, thời thế không tạo anh hùng, chưa chắc là một sự không may/hay.

 

*

 

Nói thuận lý hơn, không phải mất bối cảnh sáng tạo mà là mất bối cảnh nổi loạn sáng tạo. Tôi/chúng ta ở vào khoảng những năm mà sự gắng sức bứt phá nếu kèm theo tham vọng nổi tiếng bỗng nhiên... hài hước. Cái ná thun đã quá sức đàn hồi. Sự phá phách trong văn chương vài ba năm gần đây không có, hay dẫu có, cũng khó gây choáng váng. Thế giới [văn chương] đã bớt nghiêm trọng và bớt quan trọng hơn, những từ “chắc chắn”, “xác tín”, “khẳng định”, “vĩnh cửu”, “cách mạng”... e làm đỏ mặt người phát ngôn. Chỉ sau Mở Miệng và đi kèm là nxb Giấy Vụn, những nxb tự mở, in photo [hoặc không-cần-photo] đã trở nên bình thường, không còn hẳn là nổi loạn, phản ứng mạnh. Xuất bản vui hơn. Thêm một cách khác để tác phẩm ra đời, chưa biết hay/dở. Sách xuất bản vỉa hè hồi đầu nhiều gây sự, giờ cũng nhẹ nhõm, hiền lành, làng nhàng cũng có, dù Giấy Vụn vẫn là một thương hiệu. Chẳng ai kiếm soát. Đôi khi đem lại ảo tưởng như trong một cơ chế dân chủ thực sự. Như thể trở lại thời kì tác giả tự xuất bản của Miền Nam thập niên 60 thế kỉ trước. Bây giờ, nếu bật ra một Nguyễn Thế Hoàng Linh mới với hàng nghìn bài thơ đưa lên mạng, ắt cũng không thêm “chuyện của thiên tài” rầm rộ. Vietimes gần đây có lẽ đã xuất phát từ ý tướng tích cực muốn tạo những cú huých thi ca; tuy nhiên, chẳng hạn, việc giới thiệu thần đồng thơ Chân Nhân — dù có/lại đi đem sánh với thần đồng Trần Đăng Khoa, thì gần như chỉ bón thêm chút chuyện tán gẫu. Những từ thần tượng, thần đồng và các loại thần... dần dần mất thiêng. Cũng chỉ sau hai, ba năm (sau 2005), những từ “đĩ ngựa”, “ngựa trời” đã trở thành những “tín hiệu thẩm mĩ”, gợi về một kí ức đẹp hơn là sự nổi loạn. Bao nhiêu từ ngữ hào hứng, bừng khí thế, e dè, ngỡ ngàng, thán phục, sợ hãi: “làn sóng thơ trẻ Sài Gòn”, “làn sóng thơ nữ @”, “trào lưu”, “hiện tượng”, “cách mạng thơ”... sau khi xối xả thành dòng, bỗng chốc muốn bốc hơi theo sự nóng của trái đất. Ngay cả các thủ pháp đắt giá (tên gọi chúng có thể đến từ các giới thuyết hậu hiện đại gieo trồng trên Việt, tienve.org và một số diễn đàn văn chương khác) từng làm chuyển động một lớp khí quyển nghĩ đang đặc sệt lại, ứ đọng bỗng báo hiệu thành hàng chợ: “cắt ghép”, “mảnh vỡ”, “phi trung tâm”, “giễu nhại”... Lẽ thường, sự say mê thủ pháp thường đến khi chưa (cần) hiểu nó là gì, nhưng thủ pháp chỉ không xơ mòn nếu bắt rễ sâu trong cảm thức cá nhân, nếu không sẽ chỉ là những công cụ vừa mới dùng đã quá date, các thủ pháp cũng nhấp nháy đèn đỏ rỗng nghĩa.

Mất bối cảnh nổi loạn sáng tạo, nghĩa là sẽ vô vọng nếu còn muốn đợi một trào lưu, một cuộc cách mạng, sẽ vô vọng nếu chờ đợi sự nhóm họp lại để chống cái rời rạc của các cá nhân, mọi nhóm họp đều báo hiệu thất bại hoặc chỉ bùng lên rồi thất vọng, hoặc gây nghi ngờ.

Đóng góp của kẻ nổi loạn đi trước (mà họ, bao giờ cũng xứng nhận vinh quang lẫn thiệt thòi) chính là tạo bối cảnh cho một bối cảnh khác. Họ đã được ở trong một bối cảnh mà bất cứ sự tìm kiếm khác biệt nào cũng có thể trở thành cú huých, thành “phản ứng”, điểm mốc... Điều này cũng đúng khi nhìn cuộc cách mạng văn xuôi của Tự Lực Văn đoàn hay cuộc cách mạng thơ của Thơ Mới, gắn với cơn lốc văn hoá Pháp đầu thế kỉ XX. Khi đã qua cao trào, mọi vấn đề sẽ được nhìn bình tĩnh và dò xét hơn, nảy sinh nghi vấn về giá trị, về các định danh. Ngày nay, Thơ Mới còn lọc được nhà thơ nào, bài thơ nào, kẻ nào kết thúc luôn vai trò, kẻ nào đi tiếp được cùng thời đại sau? Nghi vấn quá khứ là một ứng xử cần thiết để yên tâm đi tiếp mà không giẫm đạp lên những đường đã được mở. Đến lúc này, vai trò của những cú gây hấn, những sinh sự liệu đã được nhìn nhận lại để bắt đầu gối lên đó một bối cảnh khác? Những trào lưu đi trước cần được xác quyết. Thơ sau những năm ào ạt của 5 năm đầu thiên niên kỉ ắt không thiếu người viết tìm tòi, vẫn đôi ba ồn ào giải thưởng, nhưng không ai vồ vập cuồng nhiệt. Người chìm đi không dấu vết, người lặng lẽ hơn. Một bối cảnh khác cần khám phá và tạo dựng.

 

*

 

Bối cảnh khác chính là ngày hôm nay. Là những ngày mà hình như “everything is possible”. Là điểm bùng phát cùng với những công nghệ mới của thời đại thông tin và số hoá toàn cầu. Là những ngày mà những từ “trào lưu”, “hiện tượng”, “thiên tài”... chỉ đủ hút tai rao [tin] vặ/ịt của báo ngày. Có lúc, tôi cảm giác người làm nghệ thuật Việt Nam bây giờ gây scandal cũng chỉ đủ tạo ra bữa ăn nhanh chóng chán, tệ hơn, chỉ là trò “cố đấm ăn xôi”, “cố quá, quá cố”, nhất là với truyền thống cả thèm của người Việt, thêm nữa sự nổi tiếng nào không luôn đính kèm một dấu hỏi to đùng. Có lẽ thế?

[Xin mở ngoặc sự nổi tiếng — gắn với chữ Danh, không cần nhớ Luận ngữ hay trích các danh ngôn, dễ dàng được đồng thuận rằng ở mọi thời, nó chính đáng khi gắn với sự khẳng định bản thân và đóng góp vào xã hội như một bản năng duy trì đời sống cá nhân trong một bối cảnh, một không gian - nhân sinh cụ thể. Lạc quan hơn, ở những xã hội trọng người, sự “chính danh” sẽ tạo hiệu ứng tích cực, và do đó đóng góp khả dĩ hơn.(?)]

Vậy trong một bối cảnh mà cái dạ dày khổng lồ của truyền thông luôn luôn hứng khoái lẫn khổ sở vì đói-thông-tin-văn-hoá và luôn luôn phải sản-sinh-văn-hoá, thì nếu không ăn theo để khai thác lợi tức, quy thuận, cười nói đề huề ở bàn tiệc đời sống chung với những món lẩu thập cẩm mà nỗ lực chống lại sức ép từ nó — như một phản ứng thường thấy ở những cá nhân lựa chọn làm nghệ thuật phi thương mại — có nghĩa không, và có nghĩa đến đâu? Cố bơi cản nước chảy xuôi sẽ đẩy họ đến chỗ vô nghĩa trong sự thiếu đối thoại. Nhưng phải chăng mọi nỗ lực, dù ảo tưởng, vẫn có nghĩa, ít nhất với chính kẻ đó. Một kẻ chẳng thay đổi được chính mình liệu sẽ góp phần thay đổi một bối cảnh lũ thác không hay sẽ bị cuốn theo? Người [muốn] làm nghệ thuật ứng xử sao với đời sống và sáng tạo? Không ai muốn đổ mồ hôi đào lạch một mình để bị cười nhạo như kẻ tìm đường bất đắc chí nhưng muốn độc lập, mà chỉ là nhôm, đồng, giữ được trong lửa bao lâu?

Đã từ lâu, người ta thỉnh thoảng lại thấy xướng lên một cuộc tìm kiếm/phát ngôn với danh nghĩa “thể nghiệm” hay “trò chơi”. “Chơi”, dù chơi là một công cuộc nhọc nhằn, dường như là cách, ít ra, làm nhẹ nhõm hơn tâm thế sáng tạo, làm nhẹ nhõm hơn những thất bại khó lường, làm như người sáng tạo nào cũng ung dung, bất cần, thanh thoát chốn văn chương. Tôi sẵn sàng chơi một mình. Có bạn chơi cùng thì vui, chẳng ham cầu gì ở đó: không cầu danh [cái danh bèo], không cầu lợi [nếu không, sao còn gửi tác phẩm tới damau, tienve, talawas — những diễn đàn nghệ thuật, tư tưởng phi lợi nhuận của hải ngoại nhưng tồn tại như một cầu nối người viết trong - ngoài nước]. Tâm thế sáng tác đã khác. Sự phân biệt trong - ngoài, Nam - Bắc, in giấy - đăng mạng, được cấp phép - tự xuất bản, ngầm được cởi bỏ, xoá bỏ, nhất là với những người không mang tham vọng làm thương mại trong văn chương, với người đọc thì chuyện không phân biệt càng dễ dàng, lại với đặc tính nước linh hoạt của người Việt, như các nhà văn hoá thường khái quát. Ngay ở trong nước, việc các tác giả gửi bài tới các web/blog cá nhân pageview cao của nhiều nhà văn chỉ với mục đích chia sẻ với một/nhóm/đông bạn đọc nào đó... cũng là chuyện thường thấy. Đó là một cách ứng xử để hiện diện mà nhàn thân/tâm trong văn chương? Tất nhiên, người ta cũng băn khoăn việc không xuất hiện trên các báo văn nghệ, không xuất bản kiểu in-ấn-được-cấp–phép và có nhuận bút làm người ta thiếu hết mình. Thực tế có thể ngược lại: kẻ nào toàn tâm và vô tư, kẻ đó quyết liệt hơn, nhất là khi không gian mạng thôi thúc người ta phải cập nhật và phải khác. Các cuộc chơi văn chương, dù vô tư nhất, cũng đều ngầm định luật. Liên tục, nó sản sinh tự do của/cho nó, ràng buộc nó, tạo quy luật và buộc phải phá vỡ quy luật, phá vỡ đường mòn khi nhiều người dẫm lên một lối đi.

Hết bối cảnh nổi loạn thì văn chương có chết không, có nhạt nhẽo đi không? Nhạt cũng là một thứ virus dễ lây, như virus tình dục hay đạo đức, hay chính trị. Sự lặng lẽ cũng có thể là dấu hiệu của cái nhạt nhưng cũng chưa biết chừng lại là khoảng ngưng tiếng để lao động. Đã phá [dù làm sao xong?]. Nhưng cũng đến lúc xây. Đến lúc vứt hết những làm dáng màu mè, để tìm một tiếng nói mạnh mẽ và thẳng thắn, thanh thoát dần, bằng cách của văn chương.

Rút cục, không bao giờ mất bối cảnh sáng tạo. Chỉ mất người sáng tạo. Không bao giờ mất bối cảnh sáng tạo, dù có thể mất bối cảnh tạo trào lưu. Mà trào lưu cũng dễ xơ xác bởi luôn sản sinh vô tội vạ những kẻ ăn theo nhai bã mía và những con tắc kè hoa xảo quyệt biến hình chơi. Cho nên, trong chuyện MẤT lại là chuyện ĐƯỢC. Chỉ còn một vấn đề: sáng tạo được hay không, như thế nào, trong cái ĐƯỢC đó? Sự góp mặt lẳng lặng của tác phẩm cụ thể bây giờ hình như quý hơn trào lưu ồn ào bề mặt. Nếu văn chương lúc nào cũng cuồng lên, như ngựa hăng thuôn vó, như người tình lúc nào cũng bỏng cháy, thì e... chứng nguy tim của người viết/độc giả/xã hội cũng tăng cao.

Gần đây, những [ảo tưởng] cách tân và [ảo tưởng] cuộc phản kháng chính trị vẫn đôi lúc nổi cơn trong văn chương. Nhưng mất giá nhiều. Hình như từ “cách tân” đang bị lạm dụng ở Việt Nam: phải hậu hiện đại [dù mấy ai cảm biết nó là gì], phải nhét đầy thủ pháp,... Từ “phản kháng” và “dòng văn học phản kháng” hình như cũng bị hiểu lầm: văn học chống địa chủ, văn học chống đế quốc, văn học chống chiến tranh, văn học chống chế độ toàn trị. Văn học gánh vác được những nhiệm vụ lớn vậy không? Sự phản kháng trong văn học, hình như trước hết, và cần trước hết, chính là phản tư ở mỗi người viết, kẻ tự xem mình/muốn mình là kẻ sáng tạo, khi cái Đông Đúc đã mất dần quyền lực. Muốn tạo ra những kháng chất trong văn chương, có lẽ, trước hết, người viết phải đem mình ra làm thí nghiệm. Phản tư kiểu áo gấm đi đêm có thể cần thiết hơn chăng? Tôi luôn tin cuộc sống và con người, và một hiện thực đáng tìm kiếm luôn linh hoạt, sâu hơn và mềm hơn các hô hào, các định kiến, ngay ở một bối cảnh hời hợt nhất. Ý thức chính trị và văn hoá là riêng ở mỗi người, nhưng phải là một ý thức chân thật tự thân. Mỗi người một lựa chọn: người hét to lên, người chảy lặng lẽ, người sợ im tiếng, kẻ chán ồn ào. Câu trả lời với những người sáng tạo: chỉ kẻ làm việc/chơi quyết liệt đến cùng mới tự cảm nhận được phần thưởng của im lặng.

Gần đây, dễ quan sát thấy một nền văn chương Mĩ Latin đang trỗi dậy. Họ vốn không mang đặc quyền ngôn ngữ Anh hay Pháp thống lĩnh châu Âu. Họ vốn lép vế nhiều mặt so với Bắc Mĩ. Nhưng, trong văn chương, những tiếng nói độc lập cất lên. Những tiếng nói không hùa theo các vấn đề toàn cầu mà nói, như tôi cảm nhận, bằng miệng của đứa trẻ được nói, từ vị trí một hốc cây tối, một khe hẹp. Những tiếng nói văn chương từ châu Á nói chung, từ Việt Nam nói riêng, hình như chưa thuyết phục? Ở Việt Nam gần đây, nhiều thực hành nghệ thuật đương đại gắn ý nghĩa công việc của họ với ý thức về bối cảnh châu Á và Việt Nam, với các vấn đề về giới, về môi trường, về bản sắc... Đó có phải là một dấu hiệu không?

Mất bối cảnh nổi loạn sáng tạo, bởi cần chấm dứt huyền thoại về anh hùng, hiện tượng, trào lưu. Chấm dứt huyền thoại về các chức năng, phận sự. Về những lập ngôn chấn động. Để những gì đang mục ruỗng từ mầm non mỗi cá thể, như thân cây mục từ mỗi mạch gỗ, như một con vật ốm bị rữa thịt từ nội tạng hoàn tất sự phân hủy. Để bắt đầu khám phá và tạo dựng một bối cảnh mới, dung nhận, độc lập và đa phương. Một bối cảnh dân chủ đủ mạnh để dung chứa những tồn tại đa dạng của bản sắc, của những tiếng nói dù đơn lẻ nhất. Khi đó, có thể lạc quan về một nền thơ dân chủ, một nền nghệ thuật dân chủ đủ sức sống?

 

01.09 - 12.09

 

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021