thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
[THƠ CỦA CA/NHẠC SĨ] Thi sĩ
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
LÉO FERRÉ
(1916-1993)
 
Léo Ferré (1916-1993) là một trong ba chàng "ngự lâm" của ca khúc Pháp, được quần chúng âu yếm gọi là ca sĩ-thi sĩ hay thi sĩ-ca sĩ, cùng với Georges Brassens và Jacques Brel. Riêng tôi, tôi muốn thêm một người nữa: Charles Trenet.
 
Sinh tại Monaco ngày 24.8.1916, cha Léo Ferré làm giám đốc sòng bạc Casino nổi tiếng của hầu quốc này. Theo lời nhà văn Michel Tournier, thì: "Những năm đầu của thời thơ ấu anh là học sinh nội trú trung học Saint-Charles ở Bordighera do các linh mục trông nom. Bordighera là một tỉnh lẻ trên bờ biển Ý-đại-lợi cách hầu quốc Monaco hai mươi lăm cây số. Ở đấy anh bị húi tóc, bắt mặc đồng phục, đội mũ cát và đọc kinh sùng đạo nhiều giờ mỗi ngày. Và như vậy trong tám năm ròng." Nếu muốn áp dụng phân tâm học, ta có thể coi khoảng thời gian đó như là mầm mống của tinh thần bất khuất, nổi loạn, vô chính phủ, chống-thủ cựu, chống-tôn giáo cao độ và thường trực ở Léo Ferré. Nhưng tôi nghĩ tốt hơn ta không nên đặt tin tưởng quá nhiều vào các lý thuyết của Freud, để giải thích một cách quá suôn sẻ, dễ dàng mọi vấn đề tâm lý, mọi hành vi hay phẩm hạnh, rất phức tạp của một cá nhân. André Breton coi Léo Ferré là một trong số các nhà thơ lớn của thế kỷ 20. Benjamin Péret đã chọn một bài thơ của Ferré ("L'Amour") cho vào tuyển tập Anthologie de l'amour sublime [Tuyển tập tình yêu tuyệt vời (Albin Michel, 1956)] do ông biên soạn, đặt Léo Ferré ngang hàng với André Breton và Saint-John Perse, ba nhà thơ đương thời còn sống duy nhất có mặt trong tuyển tập này. Nhận định của Breton: "Ta cần viết lại văn học sử khác đi một tí, chỉ vì Léo Ferré."
 
Léo Ferré sáng tác không ngừng, sáng tác rất nhiều. Ông có một lượng tác phẩm mênh mông. Không chỉ hướng về ca khúc "nhạc nhẹ", mà gồm cả nhạc cổ điển, nhạc opera (La Vie d'artiste, 1954; L'Opéra du pauvre, 1956), nhạc oratorio (La chanson du mal-aimé, thơ Apollinaire, 1954, với dàn nhạc giao hưởng Monte-Carlo, nhờ sự mến mộ của Ông Hoàng Monaco), và điều khiển các dàn nhạc giao hưởng. Ngoài ra ông cũng có viết nhạc cho thơ Rutebeuf, Villon, Baudelaire, Verlaine, Aragon, Rimbaud (Le bateau ivre, 1982; Une saison en enfer, 1991), Apollinaire (Le pont Mirabeau). Như Georges Brassens, Léo Ferré thường làm thơ trước khi sử dụng thơ để làm ca từ. Ông sáng tác mọi thể thơ: cổ điển, tự do, văn xuôi, và ông có viết một cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều tự sự đời tư — Benoit Misère (Robert Laffont, 1970). Ông đã sống những ngày đen tối ở Saint-Germain-des-Prés trước khi nếm mùi vinh quang và trở thành huyền thoại — huyền thoại của ca nhạc Pháp và của khu phố nghệ sĩ sau thế chiến thứ hai, đã quá vãng.
 
Tất nhiên, ông tả khuynh, có liên hệ với Đảng Cộng Sản Pháp, có xuống đường trong tháng Năm 68, nhưng ông luôn luôn giữ được tinh thần độc lập. Tất nhiên thơ Léo đầy nhạc, và nhạc Ferré ngập thơ. Thơ, nhạc Léo Ferré vẫn nói về tình yêu, thời gian, sự sống, cái chết... những đề tài vĩnh hằng của thơ ca, nhưng với một cái nhìn hoàn toàn khác lạ, dù ông cũng thuộc nòi thi sĩ "đi trên trời xanh đầu bước trong thành phố, bước trong kinh hoàng đầu đi trên hoang đảo" đã tuyệt giống. Dòng Seine vẫn chảy trong thơ Léo Ferré, như nó đã chảy trong thơ Villon, Apollinaire, Aragon, Prévert, Francis Carco, Pierre Mac Orlan... nhưng Paris của ông không là một thành phố sến của "chuyến métro về Belleville", của "ga Lyon đèn vàng", của "Paris có gì lạ không em". Léo Ferré mất ngày14.7.1993, sau cơn bạo bịnh, thọ 77 tuổi.
 
Tác phẩm chính: Poète... vos papiers! [Thi sĩ... cho xem giấy tờ! (La Table ronde. 1956)]; Léo Ferré (Seghers, 1962); Testament phonographe [Chúc thư máy hát (Édition Poche 10/18, 2001)]; La Mauvaise Graine [Mầm mống xấu (Livre de Poche, 2000)]... Vài ca khúc bất hủ: Jolie môme, Paris canaille, Les poètes, Le piano du pauvre, Paname, Avec le temps, Merde à Vauban...
 
NĐT
 
 
Thi sĩ
 
Đó là những kẻ kỳ cục sống bằng ngòi bút
Mà cũng có khi không sống tuỳ lúc của mùa
Đó là những kẻ kỳ cục xuyên qua sương lạnh
Với những bước chân chim dưới cánh của ca thi
 
Linh hồn họ bỏ quên dưới những cầu sông Seine
Xu họ thì trong những cuốn sách chưa hề bán
Vợ họ đâu đó trong điệp khúc một bài ca
Nói với chúng ta về tình yêu và trái cấm
 
Họ thêm sắc màu vào cái xám của phố phường
Rồi cất bước và tưởng rằng mình đi trên biển
Họ cột ru băng quanh những chữ của tự mẫu
Và để chúng hứng gió dắt chữ nghĩa ra đường
 
Đôi khi họ nuôi chó làm bạn đường đói khổ
Cho chúng liếm bàn tay của bút mực thân tình
Nơi đầu mõm của chúng là ánh sáng thủy chung
Đưa họ bay tới những miền đất đai phi lý
 
Đó là những kẻ kỳ cục nhìn những bông hoa
Và thấy trong nếp hoa những nụ cười đàn bà
Đó là những kẻ kỳ cục ngâm nga về đau khổ
Trên những phím tim và vĩ cầm của linh hồn
 
Tay họ trụi lông nhưng chưa quên thời tung cánh
Mà mai sau văn học hẳn sẽ mắc thêm vào
Những bóng ma họ buốt giá trên những thùng rác
Nơi thơ lại chết bởi hậu quả của Nghệ Thuật
 
Họ đi trên trời xanh đầu bước trong thành phố
Nhưng cũng biết dừng chân ban phúc lành cho ngựa
Họ bước trong kinh hoàng đầu đi trên hoang đảo
Nơi hồn bọn đồ tể không thể để chân lên
 
Họ có những thiên đường bị bảo là nghệ tạo
Những khổ thơ mười xu của họ bị bỏ tù
Chẳng khác gì xích chân một ngôi nhà cao tầng
Chỉ tại bọn trưởng giả bê tha trong rãnh cống...
 
 
Nguyên tác:
Les poètes
 
Ce sont de drôl's de typ's qui vivent de leur plume
Ou qui ne vivent pas c'est selon la saison
Ce sont de drôl's de typ's qui traversent la brume
Avec des pas d'oiseaux sous les ailes des chansons
 
Leur âme est en carafe sous les ponts de la Seine
Leur sous dans les bouquins qu'ils n'ont jamais vendus
Leur femme est quelque part au bout d'une rengaine
Qui nous parle d'amour et de fruit défendu
 
Ils mettent des couleurs sur le gris des pavés
Quand ils marchent dessus ils se croient sur la mer
Ils mettent des rubans autour de l'alphabet
Et sortent dans la rue leurs mots pour prendre l'air
 
Ils ont des chiens parfois compagnons de misère
Et qui lèchent leurs mains de plume et d'amitié
Avec dans leus museau la fidèle lumière
Qui les conduit vers les pays de l'absurdité
 
Ce sont de drôl's de typ's qui regardent les fleurs
Et qui voient dans leurs plis des sourires de femme
Ce sont de drôl's de typ's qui chantent leur malheur
Sur les pianos du coeur et les violons se l'âme
 
Leurs bras tout déplumés se souviennent des ailes
Que la littérature accrochera plus tard
À leur spectre gelé au-dessus des poubelles
Où remourront leurs vers comme un effet de l'Art
 
Ils marchent dans l'azur la tête dans les villes
Et savent s'arrêter pour bénir les chevaux
Ils marchent dans l'horreur la tête dans les iles
Où n'abordent jamais les âmes des bourreaux
 
Ils ont des paradis que l'on dit d'artifice
Et l'on met en prison leurs quatrains de dix sous
Comme si l'on mettait aux fers un édifice
Sous prétexte que les bourgeois sont dans l'égout...
 
Nguồn: Léo Ferré, La Mauvaise Graine: Textes, poèmes et chansons
(Paris: Livre de Poche, 2000)
 
---------------------------------
Chú thích của người dịch:
Tôi nghe "Les poètes" vào thời mới lớn, cuối thập niên 50, hay đầu thập niên 60. Thi sĩ cũng là một bài thơ sử dụng thể thơ cổ điển mười hai âm (alexandrin) với vần tréo ở cuối câu (abab), đã để lại ấn tượng mạnh ở tôi. Tôi không bao giờ dám nghĩ rằng mình có thể dịch nổi bài thơ này. Nhưng nó vẫn nằm đâu đó trong não, trong tim tôi từ ấy.
 
Thời gian gần đây, "đi tìm thời gian đã mất", tôi ráng đọc lại, nghe lại, xem lại những cái mình đã đọc-nghe-xem và từng ưa thích, hoặc đã muốn (đọc-nghe-xem) nhưng chưa gặp dịp hay chưa có phương tiện, tiếp cận chúng một lần cuối cùng, trước khi ra đi.
 
Hôm thứ Tư 8.3.06 vừa qua, bỗng dưng tôi lấy bài "Thi sĩ" ra đọc lại chơi. Rồi dịch thử. Câu đầu: "Ce sont de drôl's de typ's qui vivent de leur plume" đã đến với tôi một cách hết sức dễ dàng tự nhiên dưới dạng thơ mười chữ tiếng Việt: "Đó là những kẻ kỳ cục sống bằng ngòi bút". Sau đó, tôi cứ dịch tiếp bằng những câu tiếng Việt mười từ như vậy, độ nửa giờ sau là xong hết, gần như một cách hoàn chỉnh ngay, chỉ cần sửa đổi một vài chữ nhỏ. Sẵn hứng tôi dịch thêm vài bài nữa, cũng nhanh và dễ như vậy, và khá hài lòng.
 
Tôi không trân trọng những cái mình làm được, viết ra, nhưng lần này, nói thiệt, tôi thấy thích thích, nếu không muốn nói là "khoái lắm". Tôi nghĩ, Léo Ferré nếu sống lại (và đọc được tiếng Việt) chắc anh cũng không chê bản dịch của tôi. Tôi nghĩ, vẩn vơ, rằng có thể là vì tôi yêu ca khúc và ca từ của Ferré quá đỗi nên "hồn thiêng" của anh đã về phò hộ tôi chăng? Mà cũng rất có thể, tuy nhìn vào bản dịch nhưng mắt tôi vẫn chưa rời nguyên tác, tai tôi vẫn chưa hết nghe tiếng hát Léo, như một người si tình vẫn nhìn thấy hình ảnh người yêu cũ trong kẻ đã phản bội mình (bản dịch).
 
Rất mong bản dịch "Thi sĩ" đã/sẽ gây được vài cảm xúc nơi người đọc. Bạn nào chưa nghe nhạc Léo Ferré có thể vào "Amazone.fr" tìm nghe thử vài khổ nhạc mẫu. Nhưng làm vậy là với thiện chí của người mù xem voi, rất đáng được... ca ngợi. Cứ thử xem!
NĐT
 
 
Đã đăng:
Wassily Kandinsky (1866-1944), nhà danh hoạ của thế kỷ 20, không chỉ tập trung vào việc vẽ. Ông nói: "Marc và tôi đã ném chính mình vào hội hoạ, nhưng hội hoạ đơn thuần không làm chúng tôi thoả mãn..." Thế rồi, ông làm thơ... Mặt. / Xa. / Mây. / . . . . / . . . . / Một người đàn ông đứng đó với một cây kiếm dài. Cây kiếm dài và to bản. Rất to bản... | Ôi, hắn đi chậm làm sao. / Giá như ở đó có một người nào bảo hắn: Nhanh hơn, đi nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Paul Klee (1879-1940) luôn được thế giới tưởng nhớ như một thiên tài hội họa, nhưng... ông cũng làm thơ. Trong khi đang nhai một con người, / con sói giảng giải / cho bầy chó: // Nói cho tao biết... đâu... thế rồi... là... / nói cho tao biết... đâu? / thế rồi... là thượng đế của lũ con người?... | Tôi đứng trong bộ giáp trụ kín mít / Tôi không có ở đây / Tôi đứng trong những chiều sâu / Tôi đứng đằng xa... / Tôi đứng rất xa... / Tôi toả sáng cùng người thiên cổ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021