thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Này, đây, một giấc mộng hoang đường!

 

Nhà số 10.

Nhà số 11.

Nhà số 12. Hai người đàn ông dừng lại. Gõ cửa.

Một tên cầm chiếc còng. Một tên nắm chặt những tờ báo cuộn tròn. Vừa đợi, họ vừa huýt sáo.

 

*

 

Trên phố là những con chuột bạch đánh vòng. Không hẳn là những con chuột bạch. Đó là những người lùn. Vì sao họ lùn? Chắc là vì một căn bệnh bí ẩn nào đó chứ không phải căn bệnh lùn tuyến yên. Họ nhỏ lại và họ bỗng thích đánh vòng. Yêu cầu của họ được đáp ứng. Những lồng sắt được thiết kế và xây dựng khắp nơi để họ thay nhau chui vào. Họ đi nhàn tản trong đó và lồng sắt xoay tròn...

Khắp nơi nơi. Khung cảnh thật ngoạn mục. Những âm thanh thật vui tai.

Có những người mang những cái thúng, vốc từng nắm ném vào bọn người lùn. Bọn người lùn đổ xô lại, rồi chia ra từng nhóm. Họ ăn.

“Họ ăn cái gì đó?” Một du khách tò mò hỏi.

“Hứa hẹn.” Ai đó trả lời.

“Thứ đó làm bằng cái gì?”

“Anh làm được đó chứ!”

“Tức là sao?”

“Vì đầu óc anh cũng có sẵn hai thứ: đơn giản và hũ nút!”

“Tôi không hũ nút đến thế! Tôi đã đoán ra những thứ còn lại. Cũng dễ thôi.”

“Kẻ ngoại quốc này, anh thông minh đấy!”

 

*

 

“Ý mày là sao?”

“Tôi phản đối A!”

“Vậy mày ủng hộ anti-A!”

“Tôi chỉ không ủng hộ A.”

“Vậy tức là mày không phản đối anti-A!”

...

“Tôi phản đối A mặc dù A, B, C, ... Z đã cử A ra đại diện. Tôi không ủng hộ A , tôi thuộc về B, C, D, ... Z.”

“Ở đây không như vậy. A là A, B, C, ... Z. Phản đối A là phản đối A, B, C, ... Z.”

“Ý anh là sao?”

“Tội danh thành lập!”

 

*

 

“Mày đã viết những bài này!” Hắn đưa ra những tờ báo.

“Nhưng chúng đã được cấp giấy phép...”

“Vẫn bị thu hồi.”

“Nhưng chúng được đăng tải ở những kênh chính thống...”

“Vẫn là bằng cớ khởi tố, chính thức.”

 

*

 

Anh được về.

Anh lững thững đi về phía căn hộ của mình. Những người quen gặp anh, họ ngỡ ngàng như nhìn kẻ lạ. Anh biết, có cái gì đó đã đổ vỡ. Anh và đời sống của anh, như hình nhân trong lễ hoả thiêu bị bỏ lại, không được đốt, nằm co ro rã xác dưới mưa.

Các khớp xương. Những nơi nhạy cảm với vuốt ve và tra tấn. Anh không nghĩ mình chịu đựng kém đến vậy. Anh rùng mình, không muốn nhớ nỗi đau thể xác và cả những đòn tra tấn tinh thần.

Cơ thể anh đang đau nhức. Vậy là anh còn sống!

Rau củ héo úa và thối rữa trong bếp. Con dao rỉ sét và dính máu. Những con cá trợn trắng mắt trong chảo dầu sôi. Con gà đã bị vặt lông cắt cổ nằm sõng sượt nhúng cái đầu vào thau nước. Chỗ bị cắt máu đang tan ra.

Anh không ăn được. Dạ dày anh cuồn cuộn quặn thắt. Anh muốn nôn thật dữ dội, ồng ộc vào bồn cầu. Nhưng anh chẳng có gì để nôn cả, ngoài con người thật của chính anh.

Bạo liệt như bức tranh của Goya, thần Saturn đang ăn thịt đứa con. Chỉ khác là anh, Cronus chiến bại nghe lệnh truyền tối thượng của Zeus vô hình, phải nôn ra chính bản thân mình, cái con người phản kháng lẽ ra phải tồn tại mà anh đã chiếm giữ chỗ của người ấy trong đời sống này. Ta nghe thấy tiếng những bao cơ bị rách, tiếng da bị nứt, tiếng gân bị đứt, tiếng nổ bụp hai nhãn cầu, đôi con mắt rớt ra treo lòng thòng trên hai hốc mắt. Máu trong người tuột xuống kéo bầu trời đổ sập trên vai gã Atlas, đổ sập và da thịt bong ra bay tứ tung. Tiếng dây vĩ cầm rên siết một linh hồn thống hối tìm đường thoát ra khỏi sự u ám đang bủa vây như trong một cao trào của bản giao hưởng. Đó, một linh hồn vất vưởng bay như bụi cuốn theo cơn bão loạn cuồng. Như đoàn tàu đang chạy với vận tốc nuốt chửng trọng lượng đột ngột dừng khẩn cấp! Mọi thứ bung vỡ và thế giới nát nhừ thành bụi, trước khi chúng ta kịp biết một điều gì đó...

 

*

 

Tôi đi qua chốn này, ối a vui như ngày hội...

“Anh là người ngoại quốc, anh đâu biết xứ sở này là cường quốc của thi ca. Chúng tôi có vô thiên lủng các nhà thơ. Một xứ hạnh phúc có nhà thờ (tính luôn lăng miếu tượng đền) ngang bằng nhà thổ. Con người được cứu rỗi cả linh hồn và thể xác như các nhà thơ ngợi ca! Thánh nữ của chúng tôi đi khắp thế giới, dẹp yên phiền não chúng sinh.”

“Họ dẹp yên như thế nào?”

“Hai xị![1] Vào cái hẻm kia sẽ biết! Một xị, nếu vào hẻm kia nữa.”

“Họ đi khắp thế giới, họ sống bằng gì?”

“Cầu xin!”

“Với ai? Thượng Đế?”

“Cầu xin người đời.”

“Họ cầu xin điều gì?”

“Đừng đánh đập và bỏ đói họ.”

 

*

 

“Đây là đâu?”

“Một nấm mồ tập thể trong một nấm mồ tập thể. Cuộc sống là một nghĩa địa. Trái đất là nơi chôn cất. Những xương tàn cốt vụn hàng hàng thế hệ lớp lớp thời đại nằm lẫn lộn vào nhau. Không phải sao?”

“Tôi muốn hỏi thăm đường.”

“Nơi đây làm gì còn đường, từ khi những con đường rời đi...”

“Nhưng đây là một con đường...”

“...với đất đá đạn bom trộn lẫn thịt da xương máu mồ hôi nước mắt.”

“Con đường này đi về đâu?”

“Anh muốn đi về đâu? Đường này đi vào tuyệt lộ.”

“Nhưng họ nói nó dẫn về...” Hắn rụt rè nói lên địa chỉ.

“Nơi đó đã bị xoá tên khỏi bản đồ.” Họ ngừng lời, trầm ngâm, rồi tiếp: “Đơn giản là nơi anh nói đó đã không hề tồn tại.”

 

*

 

Hôm nay, anh đã gặp nó, gọi đúng tên nó, giữa phố đông. Nó là thứ anh và mọi người tránh né. Vì chỗ ngồi. Vì chỗ đứng. Vì một nơi trú ẩn. Vì bữa cơm. Vì giấc ngủ. Vì những bức rèm bị giật khỏi cửa sổ. Anh và đám đông sợ hãi rúm ró lại. Không nhìn vào mắt nhau. Hôm nay anh đã gọi tên nó. Trên phố, những con chuột đánh vòng. Nó là nỗi sợ. Sự sợ hãi. Nó là sự sợ hãi. Anh gọi to tên nó ra, và anh run rẩy. Anh muốn yên ổn. Và anh vội vã về xây bốn bức tường, không chừa cửa. Và anh xây bít bầu trời trên đầu lại. Và anh yên ổn. Trong nấm mồ của chính anh.

 

*

 

Nhà số 13.

Bà lão đang đọc sách Khải Huyền.

 

*

 

Nhà số 12.

Xác người đàn ông chết trong căn hộ được tìm thấy.

 

*

 

Nhà số 11.

Người đàn ông đọc Hamvas Béla.

“Trên núi, trong ngôi nhà trong rừng, tôi chuẩn bị để nhịn ăn và giữ im lặng. Buổi tối tám giờ tôi ăn một bữa tối nhẹ. Sự tiêu hoá kết thúc vào mười hai giờ đêm. Và bắt đầu thời gian nhịn ăn. Sẽ cả ngày hôm sau, đến bốn giờ chiều ngày thứ ba. Tổng cộng bốn mươi giờ đồng hồ.

Böhme nói: Adam sống trên thiên đường bốn mươi ngày. Izrael vất vưởng bốn mươi năm. Giê-su ở sa mạc bốn mươi ngày, đức Ki-tô nằm trong mộ bốn mươi giờ. Bởi vậy tôi chọn bốn mươi tiếng đồng hồ. Tôi không phải người theo đạo. Tôi cần cái toàn bộ. Nhưng tôi biết, con người làm đúng nếu nhìn nhận bằng tôn giáo, bởi giữa tất cả các tri thức của con người, phần lớn sự thông thái chân thực nằm trong tôn giáo.

Trong bốn mươi giờ, tôi sẽ không thốt lên đến nửa lời. Tôi dạo chơi thầm lặng, không làm công việc chân tay, đúng hơn tôi ngồi trong bóng râm và đọc, thiền, và nếu cảm thấy cần, tôi cầu nguyện. Chốc chốc cần làm dịu cơn đòi hỏi cồn cào của dạ dày bằng nước pha lẫn một chút chanh. Buổi sáng và buổi tối cần phải rửa ráy từ đầu tới chân. Cần tẩy rửa sạch hệ thống ruột trong một ngày của nó. Tất cả chỉ có vậy.” [2]

“Chúng ta là những tạo vật xấu xí vô thừa nhận.” Người đàn ông ngừng đọc, và nói vào sự im lặng.

 

*

 

Nhà số 12.

Chúng tôi dọn vào. Nàng và tôi. Hai kẻ trôi sông lạc chợ. Một kiểu nào đó theo cách nói này.

Mùi xú uế. Mùi lưu cữu. Mùi của sự cũ kỹ. Của sự dùng đi dùng lại. Nhưng dứt khoát không phải mùi vị của trường tồn. Nơi chúng tôi sẽ gặp rất nhiều người đã chết. Và thở trong bầu không khí có sự-tồn-tại-vắng-mặt của họ.

Nàng quét lớp bụi. Tôi bật công-tắc. Cái bóng đèn cũ kỹ loẹt xoẹt loẹt xoẹt như sắp nổ nhưng, không, nó còn sáng. Và hi vọng nó thắp sáng qua đêm nay. Dẫu gì thì cái thứ ánh sáng mờ mờ này vẫn hơn đêm tối. Hai hộp cơm trên bàn. Hai chai nước suối. Đấy, nguồn sống. Có khi, cuộc sống đơn giản và cay nghiệt đến lạnh người.

Tôi nằm xuống chiếc giường ẩm mốc, nghe tiếng nàng loay hoay trong nhà tắm. Tiếng xối nước. Tiếng giật bồn cầu. Mọi thứ trôi tuột xuống dưới.

Bên dưới chúng ta là cứt đái.

Bên ngoài, rác rưởi túa về, dồn đống lại. Sự sợ hãi loang ra loang ra từng đám sương mù đen. Lũ cây ậm ạch thở tức tưởi.

Bên trên, quyền lực đè võng mái nhà xuống.

Ở đây, tối ám mênh mông, có hai linh hồn lưu vong khốn khổ về cư ngụ.

Nàng vào giường, cùng tôi xem bộ phim AntiChrist của Lars von Trier.

“Chaos reigns.” Con cáo nói.

 

*

 

Nhà số 11. Bà lão đang đọc

Cain nói với Abel em nó: “Ta hãy ra đồng đi!” Và xảy ra là khi chúng ở ngoài đồng, thì Cain đã xông vào Abel em nó mà giết đi.

Yavê đã phán với Cain: “Abel, em ngươi đâu?” Nó thưa: “Tôi không biết! Tôi có phải là người canh giữ em tôi ư?” Người phán: “Ngươi đã làm gì? Tiếng máu của em ngươi từ đất kêu oán lên Ta. Bấy giờ, ngươi hãy là đồ chúc dữ và bật khỏi mặt đất màu mỡ đã há miệng hớp lấy từ tay ngươi máu em ngươi. Ngươi có canh tác đất đai, đất đai sẽ chẳng còn cho ngươi sức lực của nó. Ngươi sẽ vất vơ vất vưởng rong chạy trên đất.” [3]

...

Cain ở lại cùng với lời chúc dữ. Abel ra đi.

Một giọng não nề đang hát “... Bạn ơi, đó là người di tản buồn...”

 

*

 

Chúng tôi nằm bên nhau.

“Anh không còn thấy em đẹp.” Nàng buồn bã nói.

“Trí tưởng tượng của chúng đã chết.” Tôi rầu rĩ đáp. “Chúng ta bây giờ giống như hai món đồ vật. Không hơn không kém.”

Chúng tôi ngần ngại, tránh ném về nhau những cái nhìn thẳng thừng, tránh làm tổn thương nhau thêm nữa. Da thịt cả hai khô rạn như chiếc bình gốm cũ. Chúng tôi không muốn nhìn tường tận vào những kẽ nứt của nhau. Mỗi khi ở bên trong nàng, tôi tự hỏi chẳng lẽ chỉ còn là vấn đề xúc giác.

Nàng vuốt ve tôi, những nơi đã từng nhạy cảm mà nàng đã từng thuộc lòng.

“Cho tình yêu khốn khổ của chúng ta. Lại đây anh. Em sẽ dùng sự xấu xa của em dẹp yên phiền não!”

Và nàng chuyển động.

Sương mù đen loang ra. Chúng bò loanh quanh tìm kẽ hở chui vào ngôi nhà.

Họ đi giật những tấm rèm che đời sống.

Ngoài phố, lũ chuột bạch đánh vòng.

Cuối cùng, chúng tôi chạm tới đáy âm u. Bóng tối vô tận đã bao trùm, mọi thứ chết lịm. Một hoà âm cực cảm thê lương xuyên qua mọi thứ bị huỷ diệt này, một niềm khắc khoải không cùng tận. Tôi phóng vào trong nàng một dòng muội tro màu đen, tắt nguội.

Những đứa trẻ rơi xuống. Rơi mãi xuống.

Chúng không rơi vào cái chết. Cái chết đã được lấy đi. Lũ trẻ rơi, vướng vào từng đám sương mù đen, treo lơ lửng. Những hình thù đội tang đen gỡ chúng ra, mang chúng ném vào sự sợ hãi.

Ném chúng vào đời sống.

Những kêu khóc loang dài loang dài...

 

*

 

Hai bàn tay ốm đói của tôi, mười ngón tay chết cóng của tôi im lìm nằm bất lực như chó ốm trên lưng nàng, trên những đốt xương cột sống nổi gờ dưới da. Nàng vùi đầu vào ngực tôi. Nước mắt chảy lặng lẽ của nàng cùng với mồ hôi âm ỉ xoi mòn tim tôi.

...

“Em vẫn không muốn tin rằng chúng ta là những kẻ đã chết.”

 

*

 

Bên ngoài có tiếng chân. Hai người đàn ông dừng lại. Một tên cầm chiếc còng. Một tên nắm chặt những tờ báo cuộn tròn.

Rồi chần chừ giây lát, bọn họ bỏ qua nhà kế cận. Nhà số 11. Nơi gã đàn ông nổi loạn mới dọn tới. Trong nhà đó, hiu hắt ánh đèn và bóng tối, những tiếng nói vang ra:

“Con cái các ngươi sẽ chăn chiên nơi đồng vắng trong bốn mươi năm, ... cho đến chừng nào thây của các ngươi đã ngã rạp hết trong đồng vắng... thì các ngươi cũng sẽ mang hình phạt vì tội gian ác mình bấy nhiêu năm, nghĩa là bốn mươi năm, một năm đền cho một ngày...” [4]

 

*

 

Nàng pha cà-phê, và chúng tôi ngồi ăn bữa sáng. Có một thứ gì đó họ đang lắp đặt ngoài vườn. Tôi bước lại cửa sổ. Vén màn nhìn ra.

Đó là chiếc lồng của những con chuột bạch!

“Của chúng ta.” Nàng nói. “Em đặt họ làm.”

Nàng vuốt trán tôi như muốn xoá những vết hằn trên đó, và nàng hôn lên đó. “Đừng suy nghĩ, chàng ngốc của em. Họ rất căm ghét những người biết suy nghĩ.”

Tôi hiểu, vì cái lồng này, họ đã tạm tha cho chúng tôi.

“Chúng ta cao lớn bình thường. Chúng ta là những con chuột đánh vòng kì lạ trong những con chuột.” Nàng tếu táo. “Anh ra vườn thử xem vòng có xoay tốt không. Em phải dọn dẹp một chút.”

...

“Chúng ta hãy sống đến khi nào còn đủ sức”.

...

“Đêm qua em đã mơ về hạnh phúc như một thứ đã từng tồn tại. Nó đã từng tồn tại, ở đây, ở chốn này...”

“Phải không, anh?”

 

5.9.2015

 

_________________________

[1]2 xị: 200 ngàn VNĐ. 1 xị: 100 ngàn VNĐ.

[2]Hamvas Béla, “Một giọt từ sự đoạ đày”, trích từ tiểu luận triết học Silentium, người dịch: Nguyễn Hồng Nhung.

[3]Kinh Thánh Cựu Ước, sách Khởi Nguyên, chương 04, “Cain và Abel”.

[4]Kinh Thánh Cựu Ước, Dân Số Kí, chương 14.

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021