thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gửi người yêu và tin [thư số 3]

 

Đã đăng:

 

Gửi em,

Hôm trước, khi anh đang đọc mail của em thì một đồng nghiệp đi qua. Máy tính của anh có màn hình rộng và anh để ở chế độ chữ cỡ lớn cho dễ đọc, vậy nên tình cờ đồng nghiệp ấy đọc được đoạn em nói về đàn ông và các vấn đề của xứ anh. Anh ấy phá ra cười và nói:

- Xin lỗi, tôi không cố tình nhưng màn hình của anh đập vào mắt tôi. Bạn anh rõ thật dở hơi mà đi phán xét chúng tôi. Mọi việc của chúng tôi đều đang rất ổn mà cô ấy cứ thích bé xé ra to. Một cọng rơm bén lửa mà cô cứ làm như là cháy nhà đến nơi. Cô không hiểu cung cách của người phương đông chúng tôi. Chúng tôi chẳng sợ gì. Cô có hiểu “nhục mà không nhục” có nghĩa là gì không? Cô cứ tưởng là chúng tôi đang bị láng giềng o ép, chúng tôi mất biển đảo, biên giới, tài nguyên khoáng sản về tay họ thì chúng tôi nhục ư? Chúng nó là nước lớn mà đi bắt nạt nước nhỏ chúng nó mới nhục, chứ chúng tôi thì nhục gì! Cô tưởng rằng đàn ông chúng tôi đánh phụ nữ hay nhìn phụ nữ bị đánh không làm gì là chúng tôi nhục ư? Chẳng qua là chúng tôi chỉ chờ xem sự việc nó đi đến đâu thôi, để cho bộ mặt thật của những thằng kia nó bộc lộ ra thôi. Mà mọi thứ ở chỗ chúng tôi đều có đảng và nhà nước lo rồi, đảng và nhà nước không nhục thì chúng tôi việc gì phải cảm thấy nhục? Cô chỉ nhìn thấy bề mặt sự việc mà không nhìn thấy cái gì ẩn sau đó. Anh bảo cô ấy cứ lo chuyện nhà cô đi đã, nhà cô cũng đầy vấn đề kia kìa.

Càng về cuối anh ấy càng cao giọng lên, anh phải tìm cách hạ hoả:

- Đây chỉ là chuyện giữa hai chúng tôi thôi mà. Đâu có liên quan gì đến anh.

Anh ta bỏ đi, ra đến cửa, dịu giọng xuống bảo anh:

- Ta về ta tắm ao ta thôi anh ạ. Cha ông đã nói rồi, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.

Anh ấy xuôi vai, phẩy tay, thành thật thông cảm với những rắc rối mà những kẻ có bạn gái người nước ngoài như anh gặp phải.

 

Anh đã đến khám theo lịch của bác sĩ, đúng hẹn. Anh ghi lại đây gần như chính xác cuộc trao đổi của ông ấy với anh. Ông có vẻ hài lòng vì anh có tiến triển. Ông nói:

- Anh đừng phàn nàn mãi chuyện phong bì nữa. Người ta sẽ khó chịu, rồi bực mình mà đâm ra ghét anh đấy. Nhận phong bì không phải là tham nhũng, không phải là vi phạm đạo đức. Đó là vấn đề tình cảm. Anh hiểu không. Người trao dùng nó để biểu lộ tình cảm của mình, người nhận không thể từ chối, bởi điều đó đồng nghĩa với việc từ chối tình cảm của người kia. Phong bì càng nhiều thì tình cảm càng sâu nặng. Tình cảm thời hiện đại có thể được lượng hoá như thế đấy. Anh hiểu không. Do đó thầy cô có thể đánh giá được tình cảm của phụ huynh và học sinh dành cho mình là ở mức nào. Sếp có thể lượng giá được tình cảm nhân viên dành cho mình ở mức nào.

- Một vật dùng để lượng giá tình cảm ư?

- Phong bì là một vật kết nối đẹp đẽ, anh không nên ghét nó, anh không nên chối bỏ nó, và cũng đừng quên sử dụng nó. Nếu anh không dùng đến phong bì thì người ta sẽ không biết anh có tình cảm với người ta hay không. Các nhà văn hoá học đã gọi đó là văn hoá phong bì. Chẳng có cái gì xấu mà lại được gọi là văn hoá cả. Đã là văn hoá thì phải đẹp, chữ “văn” đó, anh thấy không. Phong bì là một nét đẹp của văn hoá hiện đại của chúng ta. Chỉ có những người bệnh mới bị ám ảnh rằng đó là một vấn nạn cần loại bỏ. Anh hiểu chưa. Nhưng anh cũng cẩn thận, nhiều người hô hào chống tham nhũng thế thôi, chứ trong thực tế thì vẫn coi phong bì là nét văn hoá không thể thiếu, vừa đẹp vừa hữu ích.

- Vậy sao?

- Anh cứ hỏi mấy vị giáo sư về văn hoá học hiện nay mà xem, các ông ấy mà không nhận phong bì thì tôi đi đầu xuống đất. Các ông ấy nhận, vì xem nó là một nét văn hoá. Nó cũng giống như việc điều 4 được coi là một nét đẹp trong hiến pháp hiện đại. Hiến pháp của chúng ta hiện nay là một hiện pháp hiện đại, nếu so với các hiến pháp cổ điển như là hiến pháp Mỹ hay hiến pháp Cộng hoà Pháp. Điều này không phải tôi nói à nha. Điều này được viết bởi một chuyên gia về luật hiến pháp giảng dạy tại Đại học Luật Quốc gia, một trong những người tham gia soạn thảo hiến pháp của nước ta. Ông ấy gọi hiến pháp của chúng ta và hiến pháp của Liên Xô cũ, cái thời chưa tan rã ấy, là hiến pháp hiện đại. Bài viết của ông ấy được lưu truyền khắp nơi, ai cũng đọc được. Đã là hiến pháp hiện đại thì phải hơn hiến pháp cổ điển. Hiện đại bao giờ chả hơn cổ điển. Cho nên hiến pháp hiện đại của chúng ta hơn đứt các loại hiến pháp cổ điển của bọn Pháp, Mỹ. Hàm ý của ông ấy như vậy chẳng phải là quá rõ ư?

- Tôi thấy thật khó mà có thể nghĩ như vậy.

- Hình như tôi hơi dài dòng và hơi lạc đề, nhưng để anh thấy là cái gì cũng có cái lý của nó, nhiều lý nữa là đằng khác, anh chỉ cần tìm ra cái lý thích hợp thì lương tâm anh sẽ được yên ổn. Quan trọng không phải là sự việc như thế nào, quan trọng là lương tâm anh được yên ổn. Sự việc thì nó là như thế, anh làm gì được nó? Vậy chỉ còn là làm sao để anh có thể sống với nó mà vẫn cảm thấy thoải mái. Vì thế mà cần tìm những cái lý khiến cho anh thấy thoải mái. Hơn thế, cũng phải biết cách tận dụng hoàn cảnh để làm lợi cho bản thân. Làm lợi cho bản thân thì không có gì sai đâu. Anh ra hiệu sách sẽ thấy nhan nhản sách dạy cách làm lợi cho bản thân. Phải biết yêu mình, phải biết quý trọng bản thân mình thì mới biết yêu và quý trọng người khác. Thực ra tôi không nói với anh điều gì xấu đâu, tôi chỉ toàn nói với anh những điều tử tế thôi mà. Tôi cũng nhận thấy là anh càng ngày càng tin tôi hơn. Bây giờ anh tin tôi hơn trước đây rất nhiều.

- Có lẽ vậy.

- Anh cũng phải nghĩ rằng con người ai cũng có mặt tốt và mặt xấu. Không ai xấu hoàn toàn, cũng không ai tốt hoàn toàn. Vậy phải tìm mặt tốt của người ta mà chơi, mình chỉ chơi với mặt tốt ấy thôi, thì mình cũng tốt, mình đừng chơi với mặt xấu của họ thì mình không xấu. Sếp anh có tham nhũng ở đâu anh không biết, có liên kết lừa đảo ở đâu anh không biết, mà đã không biết thì không khẳng định được, không nói gì được. Nhưng nếu ông ấy tốt với anh, giải quyết công việc cho anh nhanh chóng, cho anh tham gia các đề tài, mời anh đi nhậu... thì anh phải biết thừa nhận lòng tốt của ông ấy. Thực ra sếp thì ít khi tỏ lòng tốt với nhân viên trước, trừ những sếp thực sự khôn ngoan. Tốt nhất là anh nên bày tỏ lòng tốt của anh, sự thiện chí của anh trước. Rồi thì anh sẽ nhận lại một cách xứng đáng.

- Vậy đó là một sự trao đổi?

- Trao đổi về tình cảm là một điều tốt. Đó là sự yêu mến lẫn nhau. Thiếu sự yêu mến lẫn nhau này thì xã hội không vận hành được. Thực ra anh đừng nhìn việc mua quan bán chức là mua quan bán chức. Anh phải nhìn đó như là một sự trao đổi tình cảm. Ai bộc lộ tình cảm dồi dào hơn, mãnh liệt hơn, thì người đó được tin tưởng hơn vì thế được giao cho vị trí lãnh đạo. Cái sự dồi dào, mãnh liệt của tình cảm thì, như tôi đã nói, cần phải được lượng hoá bằng phong bì. Nhưng bây giờ người ta đang lượng hoá nó bằng va li, thời buổi trượt giá như thế này, phong bì không đủ nữa, phải dùng đến vali thì mới chứa hết nguồn tình cảm dồi dào.

- Thật sao?

- Thật chứ. Mà thời của vali cũng sắp hết đát rồi, bây giờ đã có dấu hiệu về thời của villa. Có tình cảm nồng nàn với nhau thì phải tặng nhau nhà, căn hộ, biệt thực. Ừ, tôi nghĩ đấy đang là thước đo tình cảm lớn nhất hiện nay.

- Thật sao?

- Tuy nhiên cũng phải liệu cơm gắp mắm, không phải ai cũng có biệt thự để tặng. Vả chăng hai bên đều hiểu tình thế của nhau. Người nhận cũng lượng giá được khả năng tài chính của người trao để không đòi hỏi quá đáng, và để hiểu tấm lòng của người trao. Cái sự thấu hiểu này rất là quan trọng. Không có sự thấu hiểu này thì các mối quan hệ sẽ không thiết lập được. Các chuyên gia tâm lý đã nói nhiều, tôi không phải nhắc lại. Thế nên phương pháp tiếp cận, à không, phương pháp bày tỏ tình cảm nhiều khi khiến người ta phải đi cửa sau, qua con đường của các phu nhân, vì các phu nhân là những người có đủ khả năng để lượng giá tình cảm, đủ khả năng biết được tình cảm của ai chân thành tới mức nào, sâu sắc tới mức nào. Phụ nữ mà. Họ là các chuyên gia của trái tim. Họ có thể cân đo đong đếm xem tim ai nặng hơn tim ai nhẹ hơn.

- Như vậy tình cảm thay thế cho năng lực thực hiện công việc.

- Một người có tình cảm mới có năng lực thực hiện công việc, không có tình cảm thì vứt đi. Anh phải cố mà hiểu tầm quan trọng của tình cảm đối với một dân tộc có truyền thống duy tình như dân tộc ta. Anh sẽ cảm thấy ấm áp nếu nhìn mọi thứ từ góc độ tình cảm.

- Thế còn các dân tộc khác thì sao?

- Cái gì cơ?

- À, ý tôi là người nước khác có bộc lộ tình cảm với chúng ta bằng cách này không?

- Tôi nghĩ thể nào cũng có những trường hợp tương đồng. Người bạn láng giềng vĩ đại của chúng ta còn có truyền thống tình cảm kiểu này sâu đậm hơn nhiều. Cứ nhìn mức độ bang giao thắm thiết tình hữu nghị hiện nay, sự thâm nhâp sâu rộng về văn hoá và mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nền kinh tế thì cũng có thể tưởng tượng mức độ gắn bó về tình cảm giữa các lãnh đạo. Hơn nữa, tình cảm mênh mông đó còn được chính thức hoá bằng cái khẩu hiệu đã trở nên nổi tiếng đến mức không một người dân nào là không biết rằng đã là vàng thì phải tốt, đã là vàng thì phải đi với tốt. Ngạn ngữ ta có câu: lạt mềm buộc chặt, anh biết rồi đấy. Tình cảm còn mềm hơn lạt rất nhiều, đã bị buộc vào rồi thì gỡ ra không được.

- Sao không đòi tăng lương mà lại phải giải quyết thu nhập bằng phong bì?

- Lương là vấn đề vĩ mô, chỉ có nhà nước mới giải quyết được, nhà nước không giải quyết thì chịu. Mà sao anh lại hỏi vậy? Đầu óc anh đang ở đâu đâu, hình như anh không nghe tôi nói thì phải. Lương thì có ăn nhập gì vào câu chuyện tình cảm này. Tình cảm không phải là thu nhập. Người ta có thể sống thiếu lương, nhưng không thể sống thiếu tình cảm.

- Nếu tôi không thể hiểu được, không thể chấp nhận được tất cả những gì ông vừa nói thì sao?

- Vậy hãy cố mà tìm cách để vẫn có thể yêu mến và được yêu mến. Để tồn tại và nhất là để thành công anh phải được mọi người yêu mến, và muốn sống thanh thản anh phải yêu mến mọi người. Toàn bộ bí quyết là ở đấy. Anh có thế khác họ, nhưng anh cũng nên để cho họ khác anh. Đúng rồi, tôi tìm ra rồi, đó là QUYỀN ĐƯỢC KHÁC.

- Cái gì?

- Tham nhũng không phải là vấn đề pháp luật gì đâu, nó chỉ là một cách hành xử khác mà thôi, phải chấp nhận sự khác biệt trong lối sống và trong hành xử như vậy. Gạ tình lấy điểm hay gạ tiền lấy điểm, hay mua bán bằng dởm, hay mua quan bán chức, hay gì gì nữa trong giáo dục cũng chẳng phải là vấn đề đạo đức gì đâu, nó chỉ là những quan điểm khác nhau thôi. Anh coi phong bì là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, họ coi đó là chuyện bày tỏ tình cảm. Đó là các quan điểm khác nhau. Do đó, một giáo viên nhận phong bì cũng đáng trọng như là giáo viên không nhận phong bì. Thậm chí, đối với học sinh sinh viên thì loại giáo viên thứ nhất còn có thể được xem là giáo viên tốt, vì sau khi nhận phong bì, dĩ nhiên, họ sẽ cho điểm cao hơn, và họ sẽ không để cho học sinh sinh viên bị trượt. Học sinh sinh viên xem đó là lòng tốt và sẽ biết ơn họ. Còn giáo viên không nhận phong bì, cho điểm chính xác có khi lại bị xem là “ác”, bị sinh viên ghét. Vậy đó. Trong một xã hội đa nguyên như thế này, cần học cách chấp nhận và dung hoà các quan điểm khác nhau, để có thể yêu quý lẫn nhau.

- Quyền được khác ư?

- Phải. Nếu anh không chấp nhận sự khác biệt của họ thì anh khác nào một kẻ độc tài, phải vậy không? Nếu cách của họ không đúng với quan điểm của anh thì anh đừng làm giống họ, nhưng anh phải tôn trọng họ, đúng vậy không? Ngược lại, họ sẽ không làm giống anh, nhưng vẫn tôn trọng anh, anh thấy chưa?

- Vẫn có thể tôn trọng được trong những trường hợp như vậy ư?

- Được chứ! Anh có đọc Dostoievski không, có đọc cuốn “Anh em nhà Karamazov” không?

- Có, sao cơ?

- Anh còn nhớ nhân vật Aliosa chứ?

- Dĩ nhiên.

- Anh xem đấy, Aliosa, chàng trai trong trắng đó không hề phán xét ai cả, không hề quy kết bất kỳ ai, kể cả ông bố đồi trụy lẫn ông anh Dmit’ri rượu chè phóng đãng. Aliosa đâu có nhân danh đạo đức để phán xét người khác. Anh ấy chấp nhận mọi hình thái tồn tại, chấp nhận mọi người, mọi vật như vốn thế. Aliosa hiểu rằng ai cũng có quyền được khác. Aliosa hiểu rằng tội lỗi là thứ mà con người không thể tránh được, chàng ấy đau khổ, vậy thôi. Đau khổ và không phán xét. Đấy là căn bản của thái độ đa nguyên. Anh đồng ý không?

- Nhưng ông đang tìm cách để làm cho tôi không còn cảm thấy đau khổ.

- Bởi, suy cho cùng, anh có đau khổ cũng không giải quyết được vấn đề. Đau khổ dành cho mẫu người thế kỷ XIX như Aliosa. Còn chúng ta là những con người của thế kỷ XXI, anh nhớ chứ. Mục đích của tồn tại là phải đạt tới trạng thái “bien être”. Anh biết khái niệm này rõ hơn tôi mà. Phải sống một cách thoải mái, dễ chịu, vui hưởng cuộc sống. Đời chúng ta ngắn lắm, mà lại chỉ được sống có một lần thôi, bây giờ không hưởng thụ thì khi chết nằm xuống đất có mang theo được gì đâu. Xã hội vốn dĩ đã như thế rồi, chẳng ai làm được gì đâu. Chúng ta cố gắng sung sướng là để cho xã hội bớt đi được những người bất hạnh. Nếu không giúp được người khác bớt bất hạnh thì ít nhất chúng ta cũng tự làm cho mình hạnh phúc. Anh thử so sánh hai viễn cảnh này: một xã hội tất cả đều nghèo đói và khốn khổ, và một xã hội đa số nghèo đói và khốn khổ nhưng vẫn có một số ít sung sướng hạnh phúc. Giữa hai xã hội đó nên lựa chọn cái nào. Dĩ nhiên, có được một số ít sung sướng thì vẫn hơn là không có ai cả. Anh đồng ý không? Anh hãy giải thoát mình khỏi những cơn sầu muộn, hãy bắt nhịp cùng sự may mắn của một số ít. Để được như thế phải hoà đồng với mọi người, và được mọi người chấp nhận.

- Ông nghĩ rằng...

- Vì giúp anh nên tôi mới phải suy nghĩ nhiều thế chứ, nếu không tôi đâu có nghĩ ngợi gì. Tôi là một người bình thường, tôi nhìn mọi thứ bình thường, chẳng cần tìm lý do để biện minh. Có gì mà phải biện minh. Còn cần phải biện minh thì còn chưa vui được đâu bạn ơi. Hãy quẳng gánh lo đi mà vui sống.

Anh rời phòng khám với cảm giác là đầu óc nhẹ nhàng hơn, được khai quang hơn, thoáng đãng hơn.

Cách đây một thế kỷ, một người nông dân trong văn học nước anh đã chọn cái chết vì không có cách nào hoà nhập với cộng đồng. Người đó để lại một đứa con rơi. Có lẽ anh chính là hậu duệ của đứa con hoang đó, một thế kỷ sau lặp lại y chang bi kịch của dòng họ mình: đồng nhất giá trị của mình với sự thừa nhận của người khác. Đúng hơn, phải nói rằng, sự thừa nhận của người khác làm nên giá trị của mình. Đến mức giá trị thực không còn một chút ý nghĩa nào, nó trở nên mong manh và bị thu nhỏ, thu nhỏ mãi cho đến khi biến mất hẳn. Đến mức quên mất rằng lẽ ra cái giá trị thực ấy mới là điều quan trọng chứ không phải là thứ mà người đời gán cho mình. Than ôi, nhưng chẳng ai sống được nếu thiếu người đời. Chẳng làm được việc gì nếu thiếu đồng loại. Luẩn quẩn là luẩn quẩn ơi. Anh không phủ nhận được rằng anh cần được sống giữa mọi người, cần được mọi người chấp nhận và thừa nhận. Điều ấy mới thực sự quan trọng.

Con người yếu đuối lắm, em đừng phán xét anh chi cho tội nghiệp.

 

Ngày đầu tiên của đợt trị liệu thứ hai

 

 

---------------

Đã đăng:

... Anh làm ơn giải thích điều này: theo miêu tả của bác sĩ thì có vẻ như trong xã hội của anh, mọi người đều yêu mến nhau, nhân viên yêu mến sếp, đồng nghiệp yêu quý nhau, và suy rộng ra thì nhân dân yêu lãnh tụ, công dân yêu nhà nước, học sinh yêu quý thầy cô... Nhưng tại sao đọc báo hầu như chỉ thấy tin cướp, giết, hiếp, bạo lực học đường, giáo dục xuống cấp, văn hóa suy đồi, tham nhũng, lừa đảo, bắt bớ, đàn áp, bỏ tù...? Em không thể hình dung một xã hội như thế lại là kết quả của tình yêu mến... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 2]  (truyện / tuỳ bút) 
... Đàn ông ở đây không coi phụ nữ là danh dự của mình, và còn lâu mới có bình đẳng thực sự. Thiếu gì đàn ông sẵn sàng dâng vợ hay em gái cho sếp hay cho đối tác để làm bàn đạp thăng tiến hoặc thủ lợi. Vợ họ, em họ còn bị đối xử như thế thì họ sá gì việc con em người khác có đi làm nô lệ tình dục ở đâu. Gần đây thôi, một phụ nữ trí thức mỏng manh đã bị một đám đàn ông trí thức đánh tan nát trên hàng đống tờ báo. Đọc những bài đánh cô ấy mặt anh cứ đỏ rực, đỏ rực vì xấu hổ, thằng đàn ông trong anh xấu hổ, hoá ra anh còn biết xấu hổ. Và cô ấy lại bị một đám đàn ông trí thức khác cho thôi việc. Và những đàn ông trí thức còn lại đồng loạt im lặng... (...)
 
... Suy nghĩ tiếp những gì anh viết trong thư, em thấy rằng ở xứ anh, người ta sẽ lần lượt đi trên một chu trình, em nghĩ là khép kín, có sự chuyển hoá từ giai đoạn này qua giai đoạn kia, nhưng là một chu trình khép kín: bị lừa dối – tự lừa dối – lừa dối người khác. Trong chu trình này sẽ có một pha lúc người ta tự nguyện bị lừa dối. Nhưng nói chung thì em nghĩ cái pha tự nguyện bị lừa dối này là một trạng thái triền miên. Cho đến lúc nào họ không còn cảm thấy mình bị lừa nữa. Em nghĩ, để cho bộ máy xã hội có thể vận hành như hiện nay, cần nhất là mọi người tham gia trong đó phải tự nguyện bị lừa... (...)
 
Gửi người yêu và tin  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh sống trong một xã hội được cấu tạo trên nền tảng của sự dối trá, có lẽ vì vậy anh đặc biệt nhạy cảm và đặc biệt muốn tự bảo vệ mình trước sự dối trá. Em hình dung được không? Ở đây trẻ con từ khi đi học mẫu giáo đã được dạy cho cách để trở thành những kẻ nói dối. Các em được dạy hát về giấc mơ mà các em không có. Các em hát về giấc mơ trong đó các em gặp và yêu quý một người xa lạ. Nhưng các em không hề có giấc mơ đó, thậm chí còn chưa biết người đó là ai, ở cái tuổi lên ba lên bốn... (...)
 
Tình yêu  (truyện / tuỳ bút) 
... Con: Mẹ nhìn đi. Mẹ còn nhận ra cha trong quan tài này không? Còn gì của cha trong cái đống ghê tởm này? / Mẹ: Con bất hiếu! Sao dám nói cha ghê tởm! Con không thấy cha đẹp đến não lòng ư? / Con: Con không thở được nữa. Mẹ nhìn xung quanh xem. Giòi bọ nhung nhúc khắp nơi. Cả đống ở trên tay mẹ kia. / Mẹ: Cha đấy con ạ. Cha đang hạnh phúc vì được ở gần mẹ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021