thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Em chã!

Qua hai bài viết về Trần Dần,[1] bạn Nguyễn Ly tỏ ra là một người đọc khó tính. Khó tính là một phẩm chất cần có, nhưng tiếc thay những đòi hỏi đó lại được trình bày một cách mâu thuẫn. Dưới đây, với tinh thần đầy thiện chí, tôi cố gắng tìm hiểu thực chất của vấn đề.

Đây là ý kiến của bạn Nguyễn Ly:

1. Cổng tỉnh không có một cách tân nào vì đó là «một tác phẩm không có gì phức tạp, có thể xếp vào dòng Hiện thực Xã hội chủ nghĩa».

2. Mùa sạch tuy có «sự rậm lời giống bút pháp thơ ca Mỹ Latin» nhưng nó không bao gồm những ý tưởng mới mẻ, những hình ảnh lạ lùng, những ẩn dụ mơ hồ mà chỉ là «sự vật tầm thường được đưa ra không theo một cấu trúc nào… gây cảm giác nhàm chán mệt mỏi».

3. Trần Dần tuy «tạo ra những chữ mới không có trong từ điển», «khu vực ngữ nghĩa hầu như ông không bén mảng» nhưng ông chỉ là «một người thợ thủ công» không có «tâm thế sáng tạo», không có «tâm hồn con người», chỉ «có cái vỏ tân kì».

4. Mùa sạch «dồn đống sự vật» như các tác phẩm của Nouveau Roman nhưng «đời sống con người bị tha hoá bởi đồ vật, bị thống trị bởi đồ vật là ý tưởng của A.Robbe-Grillet hay G.Perec chứ không phải của Trần Dần».

Còn đây là ý kiến của tôi:

1. Tôi ngờ bạn Nguyễn Ly chưa đọc Cổng tỉnh nên đã đưa ra những nhận định hoàn toàn ngược lại về tác phẩm này. Trước hết, nó không có gì chung với các sản phẩm của Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Năm 1959, các văn nghệ sĩ của miền Bắc phơi phới «lãng mạn cách mạng», cho ra đời một loạt «con người mới» giống nhau như những chiếc chậu thau. Không một cái «tôi» nào không bị trộn lẫn trong cái «chúng ta». Người viết bài này chưa bao giờ có dịp biết một tác phẩm nào có cái «tôi» con người hơn, thành thật hơn Cổng tỉnh của Trần Dần. Chính cô đơn, hoài nghi và tuyệt vọng được đề cập một cách trực tiếp và đa dạng trong tiểu thuyết thơ này là những đề tài cấm kị của Hiện thực xã hội chủ nghĩa mà vì không có khả năng hiểu, bạn Nguyễn Ly đã chụp mũ cho Cổng tỉnh.

                              Tôi còn một mình kháng cự với mênh mông (tr.17)

                              Thì đi thôi! Có phố nào xanh

                              Hoa lay hàng dậu tím

                              Có phố nào chờ tha thiết tự ngày xưa?

                              Để tôi khỏi phải bơ vơ

                              Bơ vơ? (tr.30)

                              Ai kẻ vỗ về trái đất bồ côi?

                              Để tôi đó? - Tôi cô đơn (tr.31)

Cô đơn được nhắc đến thường xuyên trong các tác phẩm của Thơ Mới, vẩn vơ theo kiểu Xuân Diệu: Hôm nay trời nhẹ lên cao / Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn. Cô đơn của Cổng tỉnh tầm cỡ hơn nhiều: nó bắt nguồn từ thái độ nghi vấn của tác giả về thời đại, về dân tộc. Ngay từ những dòng đầu tiên, Trần Dần đã viết:

                              Tôi kiểm thảo bản thân cùng một thời đại buồn rầu (tr.8)

Rồi trong chương 21 có tên là Mười bảy tuổi, nhìn về quá khứ ông lại tự hỏi:

                              Bóng hỡi! Đầu ơi!

                              Tôi một tên nô lệ vàng

                              Tôi lớn ở một đầu ô tím…

                              Tôi vẫn rong chơi bên mấy cột đèn mù (tr.101)

Ngay cả thơ, điều thiêng liêng nhất, cũng bị mang ra tra vấn:

                              Có gì an ủi được hơn thơ?

                              Có mộng tưởng? cho tôi một ngụm? (tr.103)

Có câu hỏi nào đau đớn hơn, kiêu hãnh hơn, phức tạp hơn? Nhà thơ của Cổng tỉnh tự đi tìm một giải thoát không thể:

                              Tốt nhất hãy cắn vào im lặng!

                              Bóng ơi! Ngoài mày tôi chẳng có ai yêu

                              Tôi có tôi làm gì? Tôi vỡ

                              Trên đời tôi chưa đánh vỡ gì cả

                              Tất cả đồng lòng đánh vỡ tôi đi (tr.104)

Nếu như Con người mới Xã hội chủ nghĩa là những con rối được các tác giả điều khiển bởi một nguyên tắc duy nhất là «tinh thần lạc quan cách mạng», thì nhân vật «tôi» của Cổng tỉnh được đặt trong muôn vàn mối quan hệ không đơn giản giữa cá nhân và dân tộc, giữa con người và thời đại, giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ thuật và chính trị, giữa thơ và người làm thơ… Nếu Hiện thực xã hội chủ nghĩa chật hẹp và hời hợt thì Cổng tỉnh vượt khỏi không gian và thời gian, mở ra rất nhiều cuộc «đi» chồng tréo, hữu hình và vô hình, không bao giờ chấm dứt. Người kể chuyện «đi» tìm quá khứ, tuổi thơ, bạn cũ, một hẻm phố. Thế hệ trẻ mà nhà thơ gọi là gái trai thành quách bàn cờ thì «đi» trong «phố hoang», «phố thắt cổ». Các nhân vật Lâm Què «đi» chân vấp cổng nhà pha, Lộc «đi» giữa đoàn tù, Đào Đình Bé «đi» giữa trời sao, chàng trai trẻ «đi»  tìm cô đơn qua các phố mê lộ, sân ga, quảng trường, bến tầu đen, ngã tư. Cổng tỉnh người đi lam nham. Một người không quen cõng mưa đi. Nhà thơ «đi» từ hy vọng đến tuyệt vọng, từ tuyệt vọng đến hoài nghi. Nhân vật «tôi» xách va li tim đi thui thủi địa cầu

Hãy đọc từng câu một của Cổng tỉnh, để thấy nhận định của bạn Nguyễn Ly là vô căn cứ. Tôi e rằng bạn chỉ chê bai văn học Hiện thực xã hội chủ nghĩa cho ra vẻ «đổi mới». Trên thực tế, nhu cầu thẩm mỹ của bạn rất gần với thứ văn chương bao cấp này.

2. Khát khao của bạn Nguyễn Ly là khát khao của một thứ thẩm mỹ thông thường. Hiển nhiên Mùa sạch, đi ngược lại những giá trị thông thường ấy, không bao giờ là thứ «thực phẩm văn học» cho «người đọc tầm thường» như chính bạn Nguyễn Ly tự nhận. Một số bài viết đăng trên Tiền Vệ là những nghiên cứu xứng đáng cho Mùa sạch. Tôi chỉ nói thêm ở đây, nếu muốn tìm kiếm những gì phức tạp, lạ lùng, mơ hồ, không gây cảm giác nhàm chán, mệt mỏi , … thì bạn Nguyễn Ly nên đọc thơ Tiền chiến, tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn (kiểu Hồn bướm mơ tiên), hay truyện vụ án trên An Ninh Thủ Đô, chứ đừng đọc Trần Dần. Tôi cho rằng chính để làm khác đi văn học truyền thống và đương thời mà Trần Dần đã bắt độc giả phải chịu cực hình khi đọc ông. Trong Sổ bụi 1988, ông ghi: «Một cái viết dãi ràu sinh ra một cái đọc dãi ràu». Ngay cả ngày nay, gần nửa thế kỉ sau khi Nouveau Roman ra đời, người ta không thể thưởng thức các tác giả của Tiểu Thuyết Mới mà không bị đau đầu, mệt mỏi. Cũng không ai đọc một mạch tiểu thuyết của Alain Robbe-Grillet như người ta thường đọc Alexandre Dumas.

3. Thơ văn là chữ và nghĩa. Nếu cách tân của Trần Dần xảy ra trong cả hai khu vực chữ và nghĩa thì đó là cuộc cách tân toàn diện. So sánh Trần Dần với thợ thủ công là một so sánh vô cùng lệch lạc. Chính bạn Nguyễn Ly trong bài viết có thừa nhận rằng «ông (Trần Dần) cũng đã có được chữ ký của mình». Thợ thủ công làm sao có được chữ ký như một tác giả? Chỉ thợ thủ công mới có đủ nhẫn nại của một người chuyên đi bắt chước, cố làm sao để sản phẩm sau giữ nguyên chất lượng của sản phẩm trước, để làm vừa lòng càng nhiều người tiêu thụ càng tốt. Hướng về cái Mới, Trần Dần vừa kiên nhẫn vừa nóng ruột và luôn khó tính, nhưng ông đã chọn nó chứ không phải số đông «quần chúng bạn đọc». Trong bao nhiêu năm không một lần được tiếp xúc với công chúng, Trần Dần vẫn không ngừng sáng tạo, vẫn «tự xuất bản» theo cách nói của ông.

4.a. Bạn Nguyễn Ly nên xem lại kiến thức của mình về Nouveau Roman: rất sai lầm khi hiểu rằng ý tưởng của A. Robbe-Grillet là «đời sống con người bị tha hóa bởi đồ vật, bị thống trị bởi đồ vật».

Tôi xin được trình bầy đôi dòng về trường phái này. Đồ vật có mặt thường xuyên trong các tác phẩm của Robbe-Grillet nhưng nó không mang một ý nghĩa nào cả. Nếu các tác giả đi trước ông luôn tìm cách miêu tả «bóng gió» đồ vật, gán cho nó những tính chất gần với con người, trao cho nó vai trò này vai trò kia, thì Robbe-Grillet miêu tả đồ vật chi tiết nhưng chỉ coi đó là một thứ vô tri vô giác không hơn không kém, nó không bao giờ «tha hóa» hay «thống trị» đời sống con người như bạn Nguyễn Ly nhầm tưởng. Tôi e rằng sẽ còn người khác vạch ra những cái sai của bạn Nguyễn Ly, bởi vì chúng khá nhiều, rất cơ bản và khó có thể tha thứ. Chẳng hạn, tôi rất tiếc là phải nói thẳng ra điều này: ai chấp nhận nổi quan niệm «cách tân hình thức thơ» của bạn? Tôi sợ rằng có hôm nào đó người ta lại phải nghe bạn phát kiến về một «cách tân nội dung thơ» nào đó!

4.b. Tôi không dám khẳng định Trần Dần có đi theo Nouveau Roman không, nhưng ngay cả khi ông có ảnh hưởng thì chúng ta chẳng vì thế mà phủ nhận những tìm tòi của ông. Lịch sử văn học nghệ thuật cho thấy không có cuộc cách tân nào khởi đầu từ số không. Ở các tác phẩm của Picasso và Matisse, người ta nhận thấy hai tài năng hội họa rất khác nhau này đôi khi đi trùng đường của nhau. Nhưng cái gì thuộc về Matisse vẫn là của Matisse, cái gì thuộc về Picasso vẫn là của Picasso. Ngay cả những tư tưởng của nhóm Nouveau Roman, người ta đã thấy chúng thấp thoáng trong các tác giả Pháp đầu thế kỷ như Paul Valéry, André Breton hay Roger Caillois. Có thể trên hành trình sáng tạo, Trần Dần đã có lần gặp gỡ các tác giả của Nouveau Roman, nhưng ông tạo ra cái mới, cái riêng của ông. Nếu mục đích cách tân của A. Robbe-Grillet là loại bỏ tâm lý mà con người vẫn gán cho đồ vật và hiện tượng,[2] thì mục đích cách tân của Trần Dần chính là lột bỏ những ngữ nghĩa thường có của con chữ. Có thể coi đây là một ví dụ: Trong Les gommes, A. Robbe-Grillet đã miêu tả một phần tư quả cà chua tỉ mỉ theo cách của ông để nó không còn gợi lên một cảm giác nào cả (ngon hay chán), không còn ý nghĩa nào cả (mùa màng, địa điểm… thậm chí cả thực phẩm), không mang một biểu tượng nào cả (tâm hồn, dục vọng, sự tươi mát,…). Trần Dần, trong Jờ Joạcx, cho từ sẹo liên kết với vô số từ khác (sẹo mưa, sẹo hộ sinh, sẹo khóc ja ja, sẹo bàn-ghế-tủ. nam nữ. đồ đạcx, sẹo chữ, sẹo công viên, sẹo hội họa, sẹo lò so, sẹo tầu, sẹo đầu giêng, sẹo hài nhi, sẹo người đi, sẹo chim muông, sẹo đường đôi, sẹo tem thư, sẹo lay ơn, sẹo khói, sẹo trăng non, sẹo nữ, sẹo nách nữ, sẹo tắc xi, sẹo xếchx, sẹo bong bóng, sẹo nước, sẹo lưng trần…). Chính những tổ hợp chữ bất ngờ này khiến cho từ sẹo mất đi cái nghĩa sẹo thông thường.

Bạn Nguyễn Ly chỉ làm tôi nhớ đến nhân vật “Em chã trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Những thứ mà bạn Nguyễn Ly đòi hỏi đều dễ tìm, cần gì phải ra vẻ đỏng đảnh: «ứ ừ em chã thích cái này», «ứ ừ em chã thích cái kia», «ứ ừ em chã thích cách tân hình thức thơ», «ứ ừ phải chạm đến cốt tủy của thơ cơ»,…  Bạn Nguyễn Ly không hiểu một điều cơ bản rằng: trong nghệ thuật hình thức và nội dung gắn bó chặt chẽ, khi hình thức thay đổi, nội dung làm sao còn nguyên vẹn. Vì lẽ đó, những «ý tưởng» mà bạn Nguyễn Ly cho là «mới mẻ» không thể nào trở nên mới mẻ nếu chúng được bọc trong những «hình ảnh lạ lùng», những «ẩn dụ mơ hồ». Đơn giản vì đây là hình thức nghệ thuật quá cũ, được sử dụng tràn lan trong văn học quá khứ. Về điều này Trần Dần viết: «Thơ cổ lai đặt ở tứ lạ - lời hay - hình ảnh đẹp - âm điệu ru hồn? Tôi giản dị đồng nhất THƠ vào CHỮ» (Sổ bụi 1988).

_________________________

[1]Nguyễn Ly, "Trần Dần giữa giai thoại và văn bản", và "Lại chuyện giai thoại và văn bản", Tiền Vệ, phần "Chuyên đề về TRẦN DẦN", mục THẢO LUẬN, tháng 5 và 6, 2003.

[2]Alain Robbe-Grillet là tác giả của Les Gommes, La Jalousie, Dans le labyrinthe, Topologie d’une cité fantôme. Ông cũng viết kịch bản phim L’année dernière à Marienbad và đạo diễn hai phim: L’immortelGlissements progressifs du plaisir.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021