thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Từ truyền thuyết đến tín ngưỡng: tính nhân văn của ngày Tết ông Táo

 

 

Theo tín ngưỡng cổ truyền của người Việt, ngày 23 tháng Chạp (23/12 âm lịch) hàng năm được coi là ngày tết ông Táo (hay còn gọi là tết ông Công). Theo đó, ngày này là ngày Táo quân lên chầu Trời để báo cáo với Ngọc hoàng thượng đế những việc thiện ác, hay dở, tốt xấu đã thực “mục sở thị” trong một năm ở hạ giới. Việc thì nhiều lại không định kỳ 3 tháng hay 6 tháng sơ kết một lần mà “dồn toa” tất cả vào dịp cuối năm, nên bản tấu sớ của Táo quân ắt hẳn là phải... dài; chẳng thế, dân gian vẫn thường ví những bản báo cáo lê thê dây cà, dây muống là... dài như... sớ Táo quân! (kể cũng oan cho Táo quân, bởi những bản báo cáo đó tuy dài, nhưng cái điệp khúc “năm sau bao giờ cũng hơn năm trước” của bệnh sính thành tích cứ lặp đi, lặp lại một cách nhàm chán và đặc biệt là... rất ít thông tin!)

Vậy ông Táo với ông Công là một hay là hai người khác nhau? Là hai thì tết ông Công hay tết ông Táo? Là một thì trong những ngày từ 23 tháng Chạp đến giao thừa (7 ngày nếu tết năm đó thiếu và 8 ngày nếu tết năm đó đủ) — thời gian mà ông Công (hoặc ông Táo) lên chầu Trời — thì ai là người nắm quyền nhiếp chính để điều hành công việc ở hạ giới?

 

1. Từ một truyền thuyết dân gian...

Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa có hai vợ chồng nhà kia, chồng là Trọng Cao và vợ là Thị Nhi, nghèo khó, nhưng họ sống với nhau rất hoà thuận, hạnh phúc. Hiềm một nỗi lấy nhau đã lâu vẫn không có con, nên cả hai đều lấy làm buồn phiền và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những chuyện lục đục! Một lần, trong khi lời qua tiếng lại vì một chuyện không đâu, Trọng Cao có trót lỡ tay đánh vợ một cái! Giận chồng, Thị Nhi bỏ nhà ra đi, và trong khi lưu lạc nơi đất khách quê người, Thị Nhi đã gặp Phạm Lang. Thông cảm hoàn cảnh của nhau, hai người yêu thương nhau rồi thành vợ thành chồng.

... Sau khi Thị Nhi bỏ đi, Trọng Cao rất hối hận. Bán hết gia tư, điền sản lấy tiền làm lộ phí, Trọng Cao đã đi đến rất nhiều nơi, tìm hỏi rất nhiều người, cho đến khi tiền lưng đã cạn, phải lần hồi bằng nghề hành khất mà vẫn không thấy tăm hơi Thị Nhi đâu cả!

Cho đến một lần, Trọng Cao vào một nhà nọ xin ăn, không ngờ người mang cơm ra cho lại là Thị Nhi! Hai vợ chồng nhận ra nhau mừng mừng tủi tủi, nhưng cũng thật trớ trêu, bởi danh chính ngôn thuận lúc này Thị Nhi đã là vợ của Phạm Lang! Trong khi còn chưa biết khu xử làm sao cho vẹn cả đôi bề, lại sợ Phạm Lang về bắt gặp thì biết ăn nói làm sao, Thị Nhi liền bảo Trọng Cao tạm ẩn vào trong thùng rạ. Đi đường mệt mỏi, lại được bữa cơm no, rượu say, nên vừa đặt lưng xuống, Trọng Cao đã ngủ say như chết, chẳng còn biết trời đất gì nữa! Không may đêm đó có gió to, than lửa ở bếp bén vào thùng rạ thiêu trụi cả Trọng Cao và cái bếp! Khi nghe mọi người xung quanh hô hoán, Thị Nhi và Phạm Lang giật mình chạy ra thì chỉ còn biết đứng... nhìn! Nghĩ vì mình mà chồng cũ phải chết, trong cơn đau đớn, Thị Nhi bèn nhảy vào đống lửa chết theo! Thấy thế, Phạm Lang cũng nhảy vào để được cùng chết theo vợ...

Lại có những dị bản thuộc tình tiết ở phần cuối:

“... Một lần Trọng Cao vào một nhà nọ xin ăn, không ngờ lại đúng là nhà Thị Nhi. Hai vợ chồng nhận ra nhau mừng mừng tủi tủi, nghẹn ngào không nói lên lời. Sau một hồi hàn huyên, Thị Nhi bảo Trọng Cao đi nghỉ, còn mình thì lo làm cơm để thết Trọng Cao. Giữa lúc đó thì Phạm Lang về. Nghi ngờ vợ mình có tư tình với Trọng Cao, không để cho vợ kịp thanh minh, Phạm Lang đã nặng lời với Thị Nhi! Lời qua, tiếng lại chẳng ai để ý ở dưới bếp ngọn lửa lúc này đã lan đến thùng rạ! Khi nghe mọi người tri hô, cả hai giật mình nhìn ra thì... hỡi ôi, cả cái bếp chỉ còn là một cột lửa khổng lồ! Để bộc bạch lòng mình với hai người đàn ông, Thị Nhi đã chọn cái chết bằng cách nhảy vào đống lửa. Quá bất ngờ, Phạm Lang như sực tỉnh nhưng lúc này có hối thì đã muộn, liền nhảy vào đống lửa chết theo. Nghĩ mình là nguyên nhân gây ra cái chết của Thị Nhi, Trọng Cao cũng kết thúc đời mình bằng cách nhảy vào đống lửa để được cùng chết theo vợ.

Cảm động trước cái chết của 3 người, Ngọc Hoàng thượng đế đã phong cho họ là Táo quân - vua Bếp”.

 

2. ... đến tín ngưỡng:

Tìm hiểu bài vị cũng như các bài văn khấn Táo quân (nôm cũng như tự), chúng ta thấy chúng gồm có 3 ngôi:

1 - Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân (tức Thổ công)
2 - Thổ địa long mạch tôn thần (tức Thổ địa)
3 - Ngũ phương, ngũ thổ phúc đức chính thần (tức Thổ kỳ)

Như vậy, Táo quân không phải là một danh từ riêng chỉ ai đó, mà là danh từ chung cho cả 3 ngôi: Thổ công, Thổ địa và Thổ kỳ. Khác với xã hội loài người: “một nước không thể có hai vua”, thế giới tâm linh có vẻ thoáng hơn trong việc chấp nhận mô hình “ba vua một bếp”. Về vị trí của mỗi ngôi, ở giữa là Vua bà, bên trái là Thổ công, bên phải là Thổ địa. Đó là lý do giải thích vì sao trong ba chiếc mũ đặt trên bàn thờ, chiếc mũ ở giữa không có cánh chuồn, không giống với hai chiếc kia.

Từ truyền thuyết đến tín ngưỡng, Phạm Lang là Thổ công, được giao nhiệm vụ trông coi việc bếp núc; Trọng Cao là Thổ địa trông coi việc trong nhà; Thị Nhi là Thổ kỳ trông coi việc chợ búa. Hẳn không phải là vô tình, sự sắp xếp đó cho thấy Thổ công (Phạm Lang) và Thổ kỳ (Thị Nhi) thường xuyên được gần gũi nhau (?) Phải chăng đây là cách lý giải cho việc Thị Nhi và Trọng Cao, trên thực tế, đã bỏ nhau và, danh chính ngôn thuận, Thị Nhi đã là vợ của Phạm Lang (?). Nhưng, nếu như chỉ dừng lại ở đấy thì chẳng lẽ trong cái quan hệ bộ ba (hai ông một bà) ấy, Trọng Cao hoá ra thừa (?!). Đó là chưa nói đến việc phong cho ba người chức Táo quân, để họ sống tiếp với nhau ở kiếp sống thứ hai như là sự vô tình; hơn nữa, như là sự bất nhẫn đối với Trọng Cao! Không! Ngọc hoàng thượng đế đã lường trước được điều đó và đã rất sáng suốt (nếu không nói là đã rất “người”) khi quyết định: hàng năm, cứ đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Thổ công (Phạm Lang) lên chầu Trời (cho nên có nơi gọi ngày này là tết ông Công). Như vậy, từ 23 tháng Chạp đến giao thừa là thời gian để Thổ địa (Trọng Cao) và Thổ Kỳ (Thị Nhi) được gần gũi nhau — một khoảng thời gian không phải là dài nhưng cũng không đến nỗi quá ngắn — nếu như có chuyện “trục trặc của phụ nữ” về phía Thị Nhi. Cũng thời gian này, Thổ địa (Trọng Cao) sẽ thay Thổ công (Phạm Lang) nhiếp chính. Những gì xảy ra (trong thời gian đó) sẽ nằm trong bản tấu sớ năm sau (tất nhiên!) và sẽ được Thổ địa bàn giao cho Thổ công vào lúc giao thừa...

 

 

-------------

Đã đăng:

“Nhuận bút” ngày xưa!  (tư liệu / biên khảo) 
Viết lách ngày xưa không có chế độ nhuận bút như bây giờ. Tác giả, tác phẩm nào may mắn được “con trời” (vua / Thiên tử) để mắt đến thì được thưởng (có trường hợp, không những không được thưởng mà lại còn bị phạt nữa); còn thưởng (hoặc phạt) nhiều hay ít thì... tuỳ hứng! Song, dù là chuyện “dăm thì mười hoạ”, quanh việc này cũng khối chuyện để nói: Vui có, buồn có, mà sau đây chỉ là vài chuyện điển hình... (...)
 
Ngày không nhập mộ  (đối thoại) 
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Đàn ông bảy vía / Đàn bà chín vía / Phương bùa trừ tà / Vỏ ốc bò xuôi. // ... Không trùng tang / Vẫn chưa nhập mộ! / Đất nước hơn ba mươi năm sau ngày thống nhất / Máu chảy ruột mềm / nhức nhối thiên di...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021