thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
30 tháng 4, nghĩ tản mạn về văn chương Kafka

 

1.

Tôi cho rằng bất kỳ ai thực sự yêu thích văn chương của Kafka thì không thể nào thoả hiệp với một chế độ độc tài, vì văn chương của Kafka là văn chương của một tâm hồn phản kháng. Tất nhiên sự phản kháng của Kafka đã không nhắm đến một chế độ độc tài cụ thể nào cả, nhưng những trang sách của ông lại mang tính tiên tri — ông qua đời gần 5 năm trước khi Stalin bắt đầu thẳng tay tàn sát, và gần 10 năm trước khi Hitler nắm chính quyền.

 

2.

Bạn liên tưởng đến điều gì khi đọc những đoạn văn sau đây, trích từ cuốn Vụ án (1914) của Kafka?

Chắc hẳn có người nào đó đã bịa đặt về Josef K, bởi vì chàng chẳng làm điều gì sai quấy, nhưng vào một sáng đẹp trời chàng đã bị bắt.
...
“Anh không được bước ra ngoài, anh bị bắt.”
“Có lẽ thế”, K nói. “Nhưng vì tội gì?” chàng hỏi thêm.
“Chúng tôi không được phép tiết lộ cho anh biết. Hãy đi vào phòng và chờ ở đó. Cáo trạng đã được lập ra để kết tội anh và anh sẽ được thông báo mọi sự việc vào thời điểm hợp lý. Tôi đang vượt khỏi giới hạn của những chỉ thị khi tôi nói chuyện thoải mái với anh như thế này.”
K chẳng chú ý đến lời khuyên ấy. Đối với chàng, điều quan trọng hơn là cần hiểu rõ cái trạng huống này. Những người này là ai? Họ đang nói về việc gì? Họ là đại diện cho thế lực nào? K sống trong một quốc gia có hiến pháp... Ai dám bắt chàng tại nơi cư trú của chính chàng?”

Tôi tin chắc rằng rất nhiều người Việt Nam đọc những đoạn văn trên đây đều có liên tưởng giống như tôi. Tôi không thể hình dung, từ ngày 30/4/1975 đến nay, đã có bao nhiêu người Việt Nam trải qua cái kinh nghiệm ấy của Josef K.

 

3.

Trong cuốn La Littérature et le Mal (1957), Georges Bataille nhận định rằng chủ nghĩa Cộng Sản là sự đối lập triệt để của tư tưởng Kafka. Theo Bataille, thái độ Kafka chống lại người cha độc đoán và khắc nghiệt của ông là biểu tượng cho sự phản kháng của Kafka đối với các cơ chế quyền lực độc tài.

Ta có thể diễn giải ý này một cách cụ thể và dễ hiểu như thế này: giới lãnh đạo độc tài bao giờ cũng tự xem chính mình là người cha toàn hảo của nhân dân, và nhân dân chỉ là một bầy con mãi mãi dại dột, cần được dạy bảo — bằng roi vọt, nếu cần — về mọi phương diện, và không một ai trong bầy con dại dột được phép có ý tưởng chống đối lại sự dạy bảo ấy. Vì thế, thái độ của Kafka không thể được các chế độ độc tài chấp nhận.

 

4.

Tất nhiên, chẳng phải chỉ Cộng Sản, mà trước đó, Nazi cũng không thể chấp nhận Kafka. Tháng Năm, 1933, công an Nazi đã làm một hàng rào quanh khoảng sân chính của trường Đại Học Humboldt ở Berlin, vất vào đó từng đống sách của hàng chục tác giả — trong đó có sách của Kafka — và đốt rụi. Lý do: đó là những cuốn sách “độc hại và vô ích”.

Nhà thơ Heinrich Heine nói một câu rất hay: “Nếu hôm nay bạn đốt sách, thì ngày mai bạn đốt người.”

Quả thế, sau này, ba người em gái của Kafka đều chết trong trại tập trung của Nazi, trong đó có một người em gái bị giết trong lò hơi ngạt ở Auschwitz. Tất nhiên họ bị giết không phải vì họ là em gái của nhà văn Kafka, mà vì họ là người Do-thái. Nếu Kafka không chết vì ho lao năm 1924, thì năm 1943 chắc chắn ông cũng bị giết trong lò hơi ngạt.

 

5.

Người Cộng Sản ở Pháp đã tận lực chống lại Nazi, nhưng ngay sau Thế Chiến thứ Hai, năm 1946, ban biên tập của tờ tuần báo Action — một tờ báo có liên hệ mật thiết với Đảng Cộng Sản Pháp — đã tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến độc giả với câu hỏi Nên đốt Kafka hay không? Cuộc thăm dò chẳng đưa đến một kết quả nào cả, vì chính cái câu hỏi ấy là một câu hỏi nhảm nhí.

Câu hỏi ấy nhảm nhí, vì trước khi Kafka qua đời (năm 1924), chính ông đã yêu cầu Max Brod — một người bạn thân — đốt giùm ông tất cả các tác phẩm chưa xuất bản của ông. Đặc biệt, trước khi Kafka qua đời, ông không hề biểu lộ một sự nghi ngờ gì về Cộng Sản (lúc ấy Cộng Sản chưa có ở Tiệp, và Stalin cũng chưa tàn sát con người).

Câu hỏi ấy nhảm nhí, vì Nazi — tức là kẻ thù của Cộng Sản — đã công khai đốt sách Kafka từ năm 1933.

Câu hỏi ấy nhảm nhí, vì nó biểu lộ cái tâm lý paranoid của những kẻ có đầu óc độc tài. “Có tật, thì giật mình”. Họ giật mình vì nhìn thấy diện mạo của chính họ trong những trang sách Kafka nói về những quyền lực phi lý.

 

6.

Theodor Adorno mô tả văn chương Kafka như “một phản ứng đối với quyền lực vô hạn.” Đã đọc Kafka và đã biết thế nào là chế độ độc tài, tôi rất tâm đắc với cái ý này.

Tôi xin chia sẻ với độc giả vài ba ý nghĩ tầm thường nhưng cứ lởn vởn trong đầu tôi:

— Chế độ độc tài nào cũng có tham vọng về quyền lực vô hạn.

— Tham vọng ấy càng lớn chừng nào thì nó càng căm ghét những đầu óc phản kháng chừng ấy.

— Càng căm ghét chừng nào thì nó càng ra sức nghiền nát những đầu óc phản kháng chừng ấy.

— Thế nhưng, càng ra sức nghiền nát những đầu óc phản kháng, nó càng nhận thấy rằng việc tận diệt những đầu óc phản kháng chỉ là một ảo tưởng, vì sức ép càng lớn thì sức bật càng mạnh. Vì, nói như Kafka, “Man kann doch nicht nicht-leben” (Người ta không thể không-sống)!

— Cuối cùng, chế độ độc tài sẽ kiệt sức dần, và ngày đêm nó nơm nớp lo sợ rằng nó sẽ bị nghiền nát bởi những kẻ thù của nó...

 

7.

Từ năm 1946, khi Cộng Sản bắt đầu nắm chính quyền nước Tiệp, văn chương Kafka hoàn toàn bị cấm đoán. Năm 1989, ngay sau khi chế độ độc tài Cộng Sản ở Tiệp sụp đổ, một tổ chức mệnh danh là Hội Franz Kafka được thành lập để xiển dương di sản văn chương Kafka. Ngày 4 tháng 12 năm 2003, Hội này đã dựng một tượng đài tưởng niệm Franz Kafka tại thủ đô Prague. Tượng đài này cao 3 mét 7, mô tả hình một con người không đầu đang bước đi, và trên vai con người không đầu ấy có Franz Kafka đang ngồi ngạo nghễ.

Trong không khí lạnh giá của buổi chiều, một đám đông nhiều trăm người tụ tập để chứng kiến một trong những giây phút độc đáo của lịch sử nước Tiệp. Trong đám đông, có nhiều thanh niên mặc y phục giống như Kafka — đồ vest đen, cà-vạt đen và mũ đen. Thị trưởng của thành phố Prague, ông Pavel Bern, tuyên bố đầy xúc động:

“Đây là một ngày độc đáo dị thường cho cả Franz Kafka và thủ đô Prague. Hôm nay chúng ta trả lại một món nợ mà chúng ta đã mắc nợ đối với lịch sử và một trong những nhà văn lớn nhất của thế kỷ 20 — Franz Kafka.”

 

 

8.

Trước đây, đôi khi tôi cảm thấy hơi ngạc nhiên và thắc mắc tại sao có những nhà văn tận tuỵ phục vụ cho chế độ độc tài lại hay khoe khoang rằng mình yêu thích văn chương Kafka. Sau đó, tôi hết ngạc nhiên, hết thắc mắc, vì tôi nhận ra rằng chế độ độc tài chuyên đẻ ra những con kỳ nhông. Mà những con kỳ nhông thì có khả năng biến đổi màu sắc tuỳ nơi, tuỳ lúc...

 

30/4/2008

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021