thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đêm trắng

 

Đêm trắng. Ông nhà thơ kiêu ngạo & háo thắng TTY đã vì có chuyện không vui với nhà phê bình văn học nọ, chửi đổng: “Idiot! ở Saint-Pétersbourg mới có đêm trắng, chớ Sài Gòn làm quái gì có đêm trắng, mà cũng cố đặt tên cho nhà xuất bản là Đêm Trắng!” Tôi chẳng bênh vực nhà phê bình nọ gì hết, nhưng idiot là tính từ dành cho nhà thơ đúng hơn. Đêm trắng là đêm thức trắng, tôi cóc ngủ được một miếng nào. Tôi muốn viết gửi H một vài trang chữ ý nghĩa nào đấy. Thức tỉnh ráo hoảnh mà mù mịt tâm trí, may mắn có những dòng thơ TTT trong trí nhớ, dù bài thơ mở đầu rằng hãy quên hết trí nhớ:

Hãy quên hết trí nhớ. Em sẽ gặp lại thời thơ ấu hay vĩnh viễn hay hãi hùng. Em sẽ nhìn người mình yêu là mặt cô đơn sau lúc chết, bóng trăng trên phông cảnh, tinh cầu bay thất lạc.

Hồn anh nghiêng xuống dưới chân em sầu.

Hãy tưởng tới vô vàn vi thể di động trong không gian. Và nụ cười như sóng truyền, mặt biển đón đưa lời nói vỏn vẹn là tiếng kêu lưu luyến.

Thử về sâu lòng địa ngục.

Đêm trắng không phải ở Sài Gòn như nhà xuất bản Đêm Trắng một thuở xưa của nhà phê bình nọ. Đêm tôi thức trắng cùng người bạn đồng ngũ một thời trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ở ngôi nhà cổ bên dòng sông nhìn sang ngôi chợ mang tên chợ Thạnh Trị của thành phố Mỹ Tho. Người bạn ngồi sững trên chiếc ghế bành cổ xưa, anh ngó một khoảng không gian trống rỗng nào đấy trong ngôi nhà. Còn tôi ngồi trên chiếc ghế không phải ghế bành, một chiếc ghế, vậy thôi, ngó trời đêm, nhớ H. H đang ngủ yên giấc hay thao thức, như H thường thao thức? Em thường khó ngủ, mãi 1-2 giờ khuya mới ngủ được, rồi ngủ vùi mê mệt tới 8-9 giờ sáng chưa muốn dậy.

Tiếng nói của người bạn trong ngôi nhà, anh vẫn ngồi trên chiếc ghế bành cổ xưa: “Bao nhiêu năm sống trong ngôi nhà rộng rãi êm ả như thế này, chắc có lúc tôi thắt cổ tự vẫn ở cái căn hộ chung cư tại Sài Gòn”. Tôi mường tượng ngày mà người bạn thắt cổ tự vẫn, người ta sẽ gỡ anh xuống từ chỗ sợi dây treo trên kèo cột của ngôi nhà cổ rộng rãi êm ả này.

Tôi ngồi nghe người bạn nói, hình dung cái chết của người bạn, hình dung khuôn mặt H lúc này, mí mắt còn màu xanh tô phớt nhẹ đó không? Tiếng nói của người bạn rơi rớt đâu đấy trong ngôi nhà, vọng ra: “Tôi treo mùng sẵn, lúc nào buồn ngủ thì vào ngủ nhé ông Đăng”. Suốt đêm, không lúc nào tôi vào nằm trên bộ ván ngựa có cái mùng người bạn treo sẵn để mà ngủ hết. Tôi ngồi mãi hoài ở góc khuất ánh sáng, dưới mái ngói hiên nhà. Phía ngoài, những khoảng ánh sáng chia cắt. Tiếng động các thứ thưa thớt, muốn chìm lặng hết thảy xuống dưới lòng sông. Gió sông lùa tới mỗi lúc mỗi thêm hiu hắt . Tiếng ì ầm xa xăm. Những con đom đóm là những đốm sáng thất lạc tứ tán.

Cô gái tên L, cháu của một người bạn học cùng lớp với tôi ở bậc trung học, hăm hở nói về người phụ nữ có tên là Th. Tôi sợ tiếng cú đêm báo tin dữ, ngăn cô gái nói, tôi bảo rằng, ai chứ cô Th thì tôi biết quá. Thật sự tôi không biết quá gì hết, ngoài một lần gặp Th trong quán cà phê Tùng ở Đà Lạt. Th đi với S, người bạn tôi kết giao ở Đà Lạt, lúc tôi bỏ học đi bụi đời. Tôi kết giao thân thiết ngay tắp lự, lý do của sự kết thân ngay tắp lự: S là võ sĩ quyền Anh tôi từng biết tiếng từ khuya rồi. S từng thắng điểm một ngàn lần ở những trận đấu tổ chức tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, cái rạp hát cải lương hay không cải lương tôi chẳng biết, chỉ biết là rạp hát thường xuyên tổ chức các trận đấu quyền Anh. Và S, tôi ngưỡng mộ ở chỗ anh dư sức tung cú knock-out, nhưng anh chẳng bao giờ tung cú knock-out đó cả, ít nhất một ngàn lần. S lại trí thức bỏ mẹ, điện ảnh bỏ mẹ, cứ như Roger Vadim vậy. S nói với tôi, nghĩa là giới thiệu về Th trước khi tôi gặp cô ta: “Nàng đúng là femme fatale của đời tôi”, tuy nhiên tôi tức cười bỏ mẹ, bởi tôi từng nghe ít nhất là một ngàn người nói cho tôi biết về một phụ nữ tên là Th, cô ta là femme fatale của bất cứ người đàn ông nào gặp gỡ kết thân (thể), trong đó có 3 đấng nam nhi tôi biết. Tân, học cùng lớp đệ nhất ban Văn Chương, trường Chu Văn An, tôi phát hiện và khởi xướng cho cả trường gọi anh ta là Warren Beatty Việt Nam, cái anh chàng tài tử điện ảnh Hoa Kỳ, có bộ mặt nhục cảm bỏ mẹ. Tân cặp bồ với Th để chuyến bay đầu tiên của mình rớt cánh tan tành trên trận địa thuộc vùng 1 chiến thuật (Thừa Thiên - Huế), dĩ nhiên bao gồm cả chàng phi công trong sự tan tành ấy. Nhà văn tập sự viết truyện ngắn trữ tình (sau thành danh vì những truyện ngắn truyện dài ký sự giang hồ), cái lúc tập sự ấy, nhà văn gặp Th, để sau đó hồn nhiên làm tên đạo chích, lấy cắp và bán đi tuốt luốt cả một tủ sách hàng ngàn cuốn của bạn thân. Người bạn buộc lòng phải thưa kiện trước pháp luật, và nhà văn vào tù với cái án tù 2 năm. Sau 2 năm ở tù, nhà văn nghe tin Th đang kết giao thân (thể) với S. Và S là người thứ 3, mất một cánh tay của người võ sĩ quyền Anh, trong một trận đánh với Việt Cộng ở vùng 2 chiến thuật. Dĩ nhiên lúc S giới thiệu Th với tôi ở quán cà phê Tùng, anh còn nguyên tứ chi, và tôi, lúc đó mà kể, thì chỉ kể được có 2 đấng nam nhi gặp “femme fatale” để nhận lãnh số phận đã được định sẵn bởi nương tử (gặp nương là chết).

Trung tá T hiện ra trước mắt của một ngàn chiếc lá dã quỳ Đà Lạt, ông nằm thở thoi thóp thóp bên vũng máu đào, sau khi ông tự tay gỡ rào kẽm gai vào trại binh của S, sĩ quan đệ tử ruột rà của ông. Phu nhân của trung tá T, tác giả cuốn hồi ký cao quý hiển nhiên với cái nhan đề “Cõi Đá Vàng” hiện ra, bà cười có ngụ ý một ẩn tình khuya khoắt với TXK, một nhà trí thức, một nhà thơ, một tu sĩ, tôi chẳng biết ông hẳn là nhà nào, hay cả 3 nhà cộng lại. Đồng hiện với TXK, thầy TS, có mấy ái nữ cao quý của nữ sĩ góa phụ, cứ liếc trôm nhà sư vướng lụy đa tình. Thầy TS khả kính mà tôi bình chọn là đạo sĩ lãng mạn ngây thơ nhất trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, chính thầy đính chính khi tôi cho rằng thầy là nhà sư chuyên nghiệp thất tình: “Anh Đăng lầm rồi, tôi không những chưa hề thất tình, mà ngược lại là đằng khác”.

Một bàn tay chạm mạnh nơi vai tôi, tiếng người bạn đồng ngũ của tôi trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: “Anh Đăng thức trắng đêm à?” Hóa ra tôi mơ ngủ trên chiếc ghế ở hiên ngôi nhà cổ. Cũng chẳng có gì lạ, bởi hồi xưa, tập lính trong quân trường, tôi từng ngủ đứng, ngủ trong khi đi, ngủ trong khi chạy. Hồi xưa, ở Đại Đội Hắc Báo, tôi ngủ giữa nước mưa úng nửa võng treo hai đầu cây rừng A Sầu - A Lưới…

Đêm trắng, có một dấu vết đen. Một dấu chấm than. Un grand sommeil noir / Tombe sur ma vie… thơ của nhà thơ Tây nào tôi quên mẹ nó tên rồi. Tôi đứng dậy, vươn vai vài cái xong, tôi lại nhớ H. Tôi tự nhủ, khi gặp H ở Sài Gòn, tôi sẽ đọc 2 dòng thơ TTY có ý nghĩa nhất đối với mối quan hệ giữa H & tôi: Sống lại từ đây, đằng sau nỗi chết / Vốn công phạt tình yêu, kết liễu kẻ cô đơn.

Còn bây giờ, bây giờ tôi phải vào nhà, vào ngay cái gọi là toa-lét, đi đái cái đã. Đêm trắng mà có một dấu chấm than, tức bọng đái bỏ mẹ.

 

Sài Gòn, 5/10/2005

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021