thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khóc nát lòng thơ dại

 

 

KHÓC NÁT LÒNG THƠ DẠI

 

Đứa bé mở mắt rồi trườn qua người bố nó và lăn xuống đất. Nó lấy tay giết những con kiến trên sàn nhà. Nó mang một bộ quần áo màu da cam và một chiếc tất màu trắng ở bên bàn chân trái. Bố mẹ nó đang ngủ trên giường. Thỉnh thoảng nó ngước lên nhìn vào mặt bố. Nó mỉm cười, nhưng không cười thành tiếng.

“Bố giống ai nhỉ?” Nó nhìn vào gương mặt mê ngủ của bố và nói.

“Bố chẳng giống ai cả.” Nó tự trả lời.

“Bố giống búp bê.” Nó nói và lại nhìn vào gương mặt của bố. Rồi nó bước đến vói lấy hộp đựng đồ chơi của nó trên bàn. Nó nhìn chằm chằm vào con búp bê màu xanh ấy. “Chẳng giống bố tí nào cả.” Nó nói. “Mày giống thằng hắc lào, thằng ghẻ lở.” Nó nói.

Trong khi đó, trên giường, bố mẹ nó vẫn đang ngủ say.

“Mày đừng có mà...” Bố nó đang mớ ngủ. Tay bố nó để trên hông mẹ nó. Nghe tiếng bố, đứa bé nhìn lên nhưng nó biết bố chưa dậy. Bố nó thường nói những điều vô cớ như thế trong lúc ông ngủ say. Bây giờ tay ông đã để lên trên ngực mẹ.

Tối qua mẹ nó đọc sách và bây giờ cuốn sách đang nằm dưới gối của bố.

“Tao phải chữa bệnh cho mày. Mày bị ốm đúng không. Da mày xanh lắm.” Đứa bé nhìn vào con búp bê và nói. Rồi nó thò tay vào trong hộp đựng đồ chơi của nó, lấy ra một ống tiêm bằng nhựa, một chiếc kéo nhỏ và một cái ống nghe cũng bằng nhựa. “Mày bệnh nặng lắm đấy. Da xanh hết cả rồi.” Nó nói rồi đặt ống nghe lên ngực con búp bê. “Trời, mày bị sốt.” Nó nói. “Xem này.” Nó nói.

“Mày đừng có mà...” Bố nó lại nói trong mơ. Thỉnh thoảng ông lại chép miệng.

“Đừng khóc, tôi là bác sĩ đây mà.” Đứa bé nói và làm những động tác vỗ về con búp bê màu xanh đó.

“Chẳng giống.” Bố nó nói.

Đứa bé đứng lên và vói tay lấy chiếc áo màu trắng của nó đang vắt trên ghế. Nó mang chiếc áo màu trắng vào người. Chiếc áo màu trắng kéo dài tới đầu gối của nó. Rồi nó lại ngồi xuống tiếp tục đặt ống nghe lên ngực con búp bê.

“Giống rồi chứ?” Nó nói.

“Mày ốm nặng lắm. Đã bảo là đừng chạy rong ngoài nắng. Mùa hè tới rồi đấy...” Nó nói với con búp bê.

“Chẳng giống.” Bố nói nói. Tất nhiên là ông vẫn còn ngủ.

“Giống ai?” Nó nói.

“Không phải như thế...” Bố nói rồi lại chép miệng. “Mày đừng có mà...” Có một dòng nước bọt chảy dài trên khoé miệng của bố.

Đứa bé chán nản. “Phải làm sao chứ, như thế nào mới được chứ? Sao lại không giống nhỉ?” Nó nói rồi đá con búp bê ra xa. Tự thân đứa bé cũng cảm thấy nó không giống bác sĩ. Con búp bê bây giờ đang nằm một bên khẩu súng nhựa màu đen của nó. Nó cảm thấy ghét cay ghét đắng cái con búp bê màu xanh bệnh hoạn ấy. Nó trườn về phía con búp bê và giẫm chân lên mặt nó.

“Có nét rồi đấy.” Bố nó trở mình rồi nói trong mơ. Bây giờ bố nó đang nằm quay lưng về phía mẹ nó. Hai người vẫn ngủ rất say.

“Sao cơ?” Đứa trẻ nói.

Không nghe thấy tiếng bố, đứa trẻ lại nhìn con búp bê rồi tiếp tục lấy chân giẫm lên mặt nó.

“Chết đi.” Đứa bé nói.

“Giống rồi đấy.” Bố nó lại mê sảng.

Nó rất ghét những lời nói trong mê sảng của bố. Nó dí mặt con búp bê xuống đất rồi đứng lên dùng cả hai chân xéo lên người con búp bê.

“Giống lắm.” Bố nó nói.

“Giống ai?” Nó nói.

“Mày đừng có mà...” Bố nó nói.

Đứa bé không để ý đến câu nói vừa rồi của bố. Nó không dừng lại được cơn tức giận của mình. Bây giờ nó lấy chiếc kéo thọc sâu vào người của con búp bê mà không hề nghĩ ngợi gì. Những sợi vải bên trong mình con búp bê bung ra.

“Ruột.” Bố nó nói.

“Lòng, phổi, phèo...” Bố nó nói.

“Cắt nát đi.” Bố nói trong mê.

“Tiết canh.” Bố nó chép miệng.

Đứa bé dùng kéo cắt lấy cái đầu của con búp bê rồi ném vào góc tủ.

“Giống y chang.” Bố nó vẫn tiếp tục mê sảng. Rồi cả thân hình của con búp bê bị đứa trẻ cắt nát ra. Bây giờ con búp bê chỉ là một đống vải vụn trên sàn nhà.

“Tiếc là không có máu.” Bố nói rồi quay sang ôm lấy mẹ. Cả hai vẫn ngủ.

“Gì cơ?” Đứa bé nhìn vào lưng của bố và hỏi.

“Máu me.” Mẹ nó nói.

“Máu máu me me.” Mẹ nó nói.

“Giết đi, rồi sẽ nhận được khẩu phần.” Mẹ nó nói. Rõ ràng là mẹ nó đang đuổi theo một giấc mơ kỳ quái nào đấy.

Đứa bé chán nản nhìn vào hộp đựng trò chơi. Những con búp bê khác đang nhìn nó. Những con búp bê bằng vải đủ các loại màu sắc. Nó nhìn vào đống búp bê của nó. “Chúng mày giống ai?” Nó hỏi.

Những con búp bê không biết trả lời.

“Trả lời tao đi nào?” Nó nói. Những con búp bê vẫn không nói. “Tao hiểu rồi. Chúng mày bị câm. Những đứa trẻ câm điếc bị bắt cóc phải không?” Nó nói. “Tao sẽ bảo vệ chúng mày.” Đứa bé nói.

“Bắn đi.” Bố nó vẫn đang rượt theo một kẻ thù nào đấy trong mơ.

Đứa bé nhìn vào khẩu súng nhựa trên sàn nhà rồi liếc sang cái kéo nhỏ.

“Các cháu đừng sợ. Chú là công an. Chú sẽ ở bên các cháu. Bọn người xấu không có súng. Chú có súng. Nhìn xem này. Pằng pằng...” Đứa bé vừa nhìn vào lũ búp bê vừa giơ súng lên trời bắn chỉ thiên.

Bây giờ nó sắp đống búp bê thành một hàng dài. Một hàng dài búp bê đang kéo nhau chạy trốn. “Đừng sợ. Đã có chú là công an.” Đứa bé nói.

“Chẳng giống.” Bố nó nói.

“Giống ai?” Nó nói.

“Không phải như thế.” Bố nói.

“Không phải như thế, chẳng giống tẹo nào. Giày đinh... giày đinh...” Bố nói rồi lại chép miệng.

Đứa bé nhìn vào khẩu súng và chiếc kéo trên tay mình. Nó cởi chiếc áo màu trắng trên mình nó ra. Tự nó thấy nó cũng không giống công an. Nó đứng lên nhìn vào đống quần áo của nó. “Chẳng có áo công an.” Nó nói và bắt đầu cảm thấy bực bội. Nó ngồi xuống rồi ngẫm nghĩ hồi lâu. Sau đó nó quyết đinh cởi luôn bộ áo quần mà nó đang mang. Nó vất chiếc áo màu da cam lên trên chiếc áo màu trắng lúc trước. Nó vò chiếc quần lại và ném vào góc giường. Bây giờ thì nó trần như nhộng.

“Có nét rồi đấy.” Bố nói.

Nghe tiếng bố đứa bé quay lại trừng mắt nhìn vào gáy bố.

“Giống lắm.” Bố nói.

“Mày đừng có mà... giày đinh... giày đinh...” Bố vẫn mê sảng.

Đứa bé cảm thấy ghét bố vô cùng. Nó lại trừng mắt nhìn vào gáy bố. Nó ghét những câu nói tối nghĩa ấy của bố.

“Tuyệt. Giống lắm. Đôi mắt ấy.” Bố nó vẫn mê sảng.

Đứa bé vẫn trừng mắt nhìn vào ót bố.

“Vấn đề là ở đôi mắt... đôi mắt ấy... chính nó rồi đấy... giày đinh... giày đinh... ngọn cỏ... ngọn cỏ...” Bố vẫn mê sảng.

Tự dưng đứa bé thấy căm ghét mọi thứ. Nó nhìn vào bố rồi nhìn vào đống búp bê đang xếp hàng trên nền nhà. Nó dùng chân đá văng hàng búp bê của nó. Bây giờ hàng búp bê trở nên lộn xộn, vương vãi trên nền nhà.

“Chết hết đi. Tao giết chúng mày.” Nó nhìn đống búp bê rồi văng tục.

“Cứ giữ cái cách thức ấy. Có nét lắm.” Bố nó nói.

Nó không nghe thấy tiếng bố. Nó lấy chiếc kéo và cắt lìa tất cả đầu của những con búp bê ra khỏi thân hình của chúng. Những sợi vải lại bung ra. Có những sợi bay lên rồi rơi xuống trên những chiếc đầu nhỏ như những nắm đấm nằm lăn lóc trên sàn nhà.

“Tuyệt vời”. Bố nó nói. “Bắn đi.” Bố nó nói.

“Giày đinh... giày đinh...” Bố nó nói.

“Máu nữa.” Mẹ nó nói rồi đưa tay lên để trên tay bố. Tay bố đang nằm trên ngực mẹ.

“Thiếu máu.” Mẹ nói.

“Máu me.” Mẹ nó vẫn chưa dứt khỏi cơn ác mộng đó.

“Bắn đi, vào ót ấy... giày đinh... giày đinh...” Bố nói.

Đứa bé vẫn tiếp tục cắt nát thân hình của những con búp bê.

“Thật tuyệt. Giống quá trời.” Bố nó nói.

“Máu nữa.” Mẹ nói. Họ vẫn đang trong những cơn mê.

Bây giờ thì đứa bé bắt đầu cảm thấy mệt. Nó choài xuống trên đống vải vụn. Nó không biết điều gì đã xảy ra. Nó trần truồng nhìn vào những chiếc đầu đủ loại sắc màu của đống búp bê, nhìn vào bố mẹ, nhìn vào chiếc kéo và khẩu súng của nó.

Nó không biết điều gì đã xảy ra.

“Máu máu me me...” Mẹ nói.

“Nhắm vào gáy... giày đinh... giày đinh...” Bố nói.

Đứa bé thấy sợ hãi. Tim nó đập dồn lên. Nó lại nhìn vào mọi thứ, nhìn vào những cái đầu búp bê đang nằm vương vãi mọi nơi. Nó thấy lạnh và rát khi những tia nắng ban mai bắt đầu chui qua song cửa chiếu lên thân thể trần truồng của nó.

Nó trần truồng đứng nhìn đống đầu của đám búp bê, nhìn vào đống vải vụn. Rồi nước mắt nó tứa ra.

Và nó khóc.

Bây giờ thì nó khóc.

Khóc nát lòng thơ dại.

 

Minh hoạ: Không đề, tranh của Dạ Tuyết

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021