thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Hoàng Ngọc Biên]
(phỏng vấn Hoàng Ngọc Biên)

 

 

Thưa ông, hiện ông đang sống ở đâu, việc chính hiện nay của ông là? Ông đã về Việt Nam vào khoảng thời gian nào? Xin ông cho biết tâm trạng của ông trong đêm trước lúc về Việt Nam và trong đêm trước lúc rời Việt Nam?

 

HNB: Tôi hiện sống ở San Jose, California, đã nghỉ hưu sau hơn 11 năm làm graphic artist cho tuần báo Salt Lake City Weekly. Việc chính của tôi ở tuổi này là mỗi ngày gắng đứng lên để nhìn bầu trời và ngồi xuống để đọc sách và bôi màu trên cái gì trắng, hoặc trên máy. Đứng lên ngồi xuống đều không dễ dàng. Tôi về lại Việt Nam có mỗi một lần duy nhất năm 1995, đêm trước khi về VN cũng như đêm trước khi rời VN như nhau: chuẩn bị lên đường thế thôi, vì có đi đâu cũng không nghĩ là sẽ đi luôn: xa thì quả là xa, quá xa, nhưng cũng chỉ như quanh quẩn trong nhà mình.

 

Tác phẩm văn học nào xuất bản trong nước, ông muốn đọc đầu tiên? Sau đó ông đã đọc…? Và ấn tượng nhất là?

 

HNB: Câu hỏi không phải khó trả lời, nhưng là khó trả lời mà có thể tin chắc trả lời đúng ý câu hỏi. Tác phẩm văn học nào xuất bản trong nước tôi cũng muốn đọc, không nhất thiết phải là đầu tiên – cho dù là người đọc đầu tiên, hay cuốn sách đầu tiên. Cái gì có trong tay tôi đều muốn đọc, nhưng thú thật, tôi không có trong tay nhiều. Cái này với tôi dễ hiểu: không đọc thì không biết. Ngày xưa tôi vẫn rất sợ nói chuyện với những người tiếp xúc sách vở chỉ qua những bài báo. (Xin mở ngoặc: ngày nay có thêm... internet, buồn cười, là được thông tin nhiều hơn, con người đâm dễ nói phét hơn!) Thời ấy các giáo sư đại học thường nói chuyện văn chương theo cách đó: tiếp xúc với văn chương, rồi đem rao giảng, nhất nhất đều không chịu khó đọc vào văn bản... Tôi cho rằng làm như thế, ngoài chuyện thiếu kiến thức, các vị còn thiếu cả lương thiện. Văn học khác gạo ít ra là ở một chỗ: gạo không ăn thì khó sống. Văn học, có thì tốt, không có thì ít tốt hơn, nhưng có thật ham mê hãy bước vào: có ai bắt buộc đâu... Kết quả là nhiều những người đi sau chỉ tiếp thu, chỉ gặt hái qua một thứ dụng cụ lọc thường khi thiếu... vệ sinh. Thế nên tôi thường thích tự mình tìm hiểu lấy mọi chuyện. Được bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Mất thì giờ, tất nhiên, và rất giới hạn. Ngày nay, đọc sách trong nước đã không được nhiều, mà cuốn nào đọc rồi cũng có khi không nhớ rõ. Còn ấn tượng thì do giới hạn số sách đọc được đã nói trên, chắc tôi phải xin thành thật trả lời chung chung: nhiều người đang muốn đi tìm cái mới, nhưng do chỉ gặp những cái cũ của thế giới mà vẫn nghĩ là cái mới của ta, nên cái lẩn quẩn cũ/mới tôi sợ sẽ cứ thế làm nhiều vòng quay trong nhiều chục năm nữa...

 

Sau thời gian ở Việt Nam, trước thực trạng mọi mặt của Việt Nam, giờ phút đẹp nhất và tồi tệ nhất của ông là?

 

HNB: Tôi không may mắn có được giờ phút đẹp nhất, cũng không thấy có gì phải gọi là tồi tệ. Lần về VN ấy, có một anh bạn trẻ khiêng một Thái Bá Vân bèo nhèo lên một cầu thang hẹp để tìm thăm tôi (hôm ấy có cả Dương Tường – Thái Bá Vân say khướt nói: “... tôi thỉnh thoảng vẫn đem cuốn Marcel Proust của ông ra đọc lui đọc tới...”); Trịnh Công Sơn rủ đến nhà ăn một bữa mắm Huế (“con lấy cái hũ mắm của cậu ấy, xong nhớ đậy nắp lại”...) để gặp Thái Bá Vân lần nữa; hẹn Dương Tường ở nhà lưu niệm BXP và tặng nhà thơ cuốn On Mozart của Anthony Burgess... Năm bảy cuộc gặp gỡ ấm áp ở nhà Đỗ Trung Quân nơi tôi đặt lưng ngày và đêm, và ở nhà anh Nguyễn Ngọc Lan là chỗ tôi thường xuyên lui tới; thăm và chuyện trò với Lữ Phương sau nửa khuya...: giờ phút đẹp có thể, nhưng như cả cuộc đời, tôi đã không gặp cái gì gọi là nhất.

 

Sau thời gian về Việt Nam thơ/văn ông đã chuyển động ra sao ?

 

HNB: Không có gì chuyển động, hay nói đúng hơn, nó chuyển động bình thường. Nếu có chút thay đổi, phải nói là ở chỗ này: tôi muốn dành nhiều thì giờ hơn để làm năm ba chuyện có thể đem chia sẻ với anh em bên nhà...

 

Sau thời gian dài sống và viết ở hải ngoại, có nhiều người nay muốn quay về mái nhà “tinh thần lục bát / tinh thần văn kể” ông nghĩ sao?

 

HNB: Tôi nghĩ ai muốn sống sao thì cứ sống như mình muốn, ai muốn viết sao thì cứ viết như mình muốn viết. Tôi không ý kiến, không muốn can thiệp vào chuyện muốn của người khác. Tuy nhiên, nhiều khi đọc người này người kia, trong cũng như ngoài, giữa những cố gắng thay đổi dù sao cũng rất đáng khích lệ, tôi vẫn cảm nhận cuộc đời ngắn như thế, mà người ta đủng đỉnh rề rà đem kể lể những chuyện vô vị như thế, và thế là lấy làm buồn cười và tiếc.

 

Theo ông, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

HNB: Tôi nghĩ tôi đọc không nhiều đủ để phát biểu mà không rơi vào chỗ nói bậy, và tin rằng cái không nhiều đủ kia không phải lỗi ở tôi: tôi không có nhiều thì giờ. Do đó, với kinh nghiệm hạn chế, tôi xin trả lời là sự khác biệt nếu có là không đáng kể. Trong hay ngoài gì ngày nay cũng vẫn đang có hiện tượng sản xuất trước khi tiêu hóa, đại loại giống như năm bảy nơi tôi nhìn thấy được ở Saigon trước 75, trong khi cái viết như tôi được biết không ngừng buộc người viết phải viết cái gì mình sống, mà sống thì không chỉ bao gồm chuyện được, chuyện tròn, nó bao gồm cả chuyện mất, chuyện góc cạnh... Và trước tiên, nó buộc một sự lương thiện triệt để.

[Nói chuyện trong/ngoài nước, chúng ta thường hay nhắc đến chữ tự do. Thật là khỉ, khi nào nhắc đến chữ này, tôi cứ liên tưởng đến bình đẳng. Tôi nghĩ cứ nhìn vào cái viết của cả trong lẫn ngoài, chúng ta có thể thấy là dưới chế độ chuyên chính hay dưới áp lực của sáng kiến Patriot Act ở nước Mỹ, chúng ta vẫn có tự do đấy thôi – một kiểu tự do không bình đẳng, cheo leo, khập khiễng, không chắc ăn, làm nhục chúng ta. Đấy là chưa nói tới những người có tự do mà cứ tự ràng buộc...]

 

Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

HNB: Ngày xưa ta được nghe nói anh em như thể... Ngày nay không khác. Văn học trong và ngoài nước ngay nếu như có khác chút ít, thì tôi nghĩ cố cho nó nhập làm một, hay thống nhất... e không cần. Không thống nhất vẫn có chỗ để gặp nhau – nếu như muốn gặp. Tôi đang nghĩ đến một chuyện ngược lại.

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

HNB: Nền văn học bằng tiếng Việt như đã thưa, không cần cuộc thống nhất ấy. Trong ngoài gì cũng nên có đóng góp – bằng những cái viết ra.

 

Bao giờ ông trở lại Việt Nam? Ngày ấy trên trán ông và trong túi ông điều quí nhất là?

 

HNB: Bao giờ sức khỏe cho phép. Trên trán tôi ngày ấy không có gì khác hơn là những nếp nhăn xấu xí, trong túi quần sau nếu lắng tai sẽ nghe rủng rỉnh một chút tiền còm để được sống ngày hai bữa, nhưng do bị thấp khớp, tay chân nhúc nhích khó khăn, mỗi lần có chuyện cần xài, e phải nhờ bạn bè moi mấy xu kia ra giùm. Trên trán, trong túi, cả hai nơi đều chẳng có gì quí...

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021