thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
30 NĂM… XÓM TÔI [5 - Chuyện nhà Bá Cò]

 

Xóm tôi là một liên kết các con ngõ nhỏ, chằng chéo xiên xẹo, đan vào nhau như mạng nhện. Nhà tôi nằm cuối một ngõ cụt. Có vẻ như nhà tôi nằm vào vị trí trung tâm. Bởi vậy, mọi sinh hoạt của cư dân trong xóm, tôi đều [nghe nhìn] thấy rất dễ dàng. Xóm tôi có nhiều chuyện vui.

Con đường chạy ngang mặt xóm tôi là một đường phố tĩnh lặng buồn tẻ. Dọc hai bên đường là những cây bàng già nua ốm yếu cũng buồn tẻ không kém con đường. Con đường chỉ xao động lên đôi chút khi trường tiểu học phóng thích chúng tôi. Và nó đáng được gọi là phố khi vào đầu tháng có bán cá biển ướp muối theo phiếu. Nhà ít nửa cân, nhà nhiều ba kí (tính theo nhân khẩu) hả hê tập trung ra cái máy nước công cộng băm băm chặt chặt, cãi nhau chí choé. Ruồi nhặng vi vu. Mùi cá bốc lên tanh khắm.

Ở đầu con ngõ cụt là cửa hiệu cắt tóc đồng thời là nhà ông Bá Cò. Ông Cò người thấp đậm chắc nịch tóc húi cua, trông rất hãi. Ông có hai vợ, bốn thằng con trai. Không hiểu vì lí do gì, cứ vào khoảng năm giờ sáng và sáu giờ chiều, mùa đông cũng như mùa hè, ông Bá Cò lại nghiêm trang chửi vợ chửi con. Nội dung câu chửi của ông cũng chưa bao giờ thay đổi. Ông chửi thế này: “Địt mẹ chúng m … ày …! Kh … ốn … ạn! Bú … c … ặ … c!”. Hai bà vợ của ông, to béo đẫy đà đỏ au núng nính, nhưng chưa bao giờ dám hó hé cãi trả một câu. Có thể ông Bá Cò oai như vậy vì ông kiếm nhiều tiền. Cửa hàng của ông rất đông khách. Thấy mọi người bảo ông cắt đẹp.

Sau 30 năm, con đường nhỏ buồn tẻ chạy qua xóm tôi, giờ đã thành một con đường đôi đẹp có tiếng của thành phố. Dọc hai bên đường, thay cho những cây bàng là hai hàng đèn cao áp thẳng tăm tắp. Nhà cửa đua nhau mọc lên, toàn hai ba tầng, san sát. Ở đầu phố, một khách sạn 30 tầng liên doanh với nước ngoài đứng lừng lững. Nhà ông Bá Cò cũng vậy, bây giờ nó là một “beauty salon” hoành tráng. Không khí ngột ngạt. Âm thanh xe cộ nhức nhối. Rất ra dáng. Rất hiện đại.

Thời gian trôi thật nhanh. Mới đấy mà đã ba mươi năm. Tôi còn nhớ như in cái buổi chiều ba mươi tháng tư năm bẩy lăm. Khoảng hai giờ chiều, đài tiếng nói Việt Nam đưa tin thắng trận, ca khúc bất hủ “Như có Bác trong ngày đại thắng” vang lang lảnh xen lẫn tiếng chửi từ nhà ông Bá Cò (trong xóm, chỉ nhà ông Bá Cò là có đài. Một chiếc “o-ri-ông-tông”).

Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng … Địt mẹ ch… úng …m…à…y! Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng … Kh… ốn … n …ạn! Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông … Bú … c… ặ … c

Đấy là lần duy nhất ông Bá Cò phá lệ. Ông đã chửi không đúng lịch. Tôi cũng không hiểu vì sao.

Tôi xa nhà đã lâu, nay trở về ngỡ ngàng. Khó khăn lắm tôi mới tìm được nhà mình.

Trời mùa đông, năm giờ sáng còn tối đen. Đang say sưa trong chăn ấm tôi chợt choàng tỉnh giấc. Giọng ông Bá Cò sang sảng cất lên: “Địt mẹ chúng m …à …y! Kh …ốn … n …ạn! Bú …c… ặ …c!”

Tôi bảo mẹ: “Ông Bá Cò năm nay dễ đã ngoài tám mươi, vậy mà giọng ông ấy còn khoẻ ghê!”. Mẹ tôi bảo: “Lão Bá Cò chết lâu rồi. Đấy là giọng thằng Cử. Thằng cả đấy. Nó cũng lấy hai vợ”

Trước cửa nhà tôi là một khoảng sân, rộng chừng gấp rưỡi chiếc chiếu đôi. Có lẽ đây là một khoảnh đất duy nhất còn sót lại của thành phố này chưa phủ bê tông. Buổi trưa hôm ấy, có mấy đứa trẻ tụ tập chơi bắn bi. Chúng chơi và cãi nhau nhí nhéo như mọi trẻ con khác. Có một thằng bé thấp đậm chắc nịch, tóc húi cua gây cho tôi sự chú ý, vì mỗi khi cãi nhau với đứa khác, nó đều kết bằng câu: “Địt mẹ mày! Khốn nạn! Bú cặc”.

Mẹ tôi bảo, đấy là con trai thằng Cử.

Đúng là trẻ con. Chỉ có trẻ con là hay phá lệ vô cớ

Đất nước độc lập thống nhất ba mươi năm. Đất nước tiến hành công cuộc đổi mới gần hai mươi năm. Xã hội vặn mình như rồng cuốn. Xóm tôi vươn vai như rồng leo. Cư dân xóm tôi cũng như người dân cả xứ sở này, thay đổi từng giờ từng phút. Vậy mà ba đời nhà ông Bá Cò vẫn: Địt mẹ! Khốn nạn! Bú cặc!

Đến lạ.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021