thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nỗi niềm hậu hiện đại — Thay lời kết

 

1 & 5.

Nếu không kể “40 km/h với Vũ Thành Sơn”, Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại được viết tròm trèm trong 1 tháng. 1 tháng của Tết Kỉ Sửu. Bài đầu tiên về Đinh Linh 5-1-2009 và bài tổng luận 2-2-2009. 1 tháng viết, sau 5 năm thu thập tư liệu và đọc.

 

Yêu.

Tôi yêu tiếng Việt, yêu các thi sĩ mà tôi nghĩ họ đang sáng tạo. Hết mình và sẵn sàng trả giá cho sáng tạo. Các nỗ lực đó nếu không được ghi nhận thì đáng buồn biết bao. Dù nhà thơ có vẻ đang mất thế giá trong xã hội, hay cho dù văn chương chẳng là cái đinh gì cả giữa vũ trụ vô cùng, thiên địa du du. Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại làm cái chuyện không là gì cả nhưng cần thiết đó.

 

Lập biên bản.

Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại là một tiến trình. Tiến trình đó được ghi nhận bằng phương pháp phê bình tôi tạm gọi là phê bình lập biên bản. Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì, giữ nguyên hiện trường, tìm hiểu triết lí trên đó thơ nảy sinh... Diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn nhất có thể các quan điểm sáng tác qua đối chứng với chính sáng tác phẩm của họ đặt trong tiến trình phát triển thơ Việt trong thời đại toàn cầu hóa. Nghĩa là phê bình không định kiến, không nhân danh, không từ hệ mĩ học này phê phán sáng tác thuộc hệ mĩ học khác.

 

18 & không hơn nữa.

18 khuôn mặt thơ mà tôi nghĩ họ đại diện cho tiến trình. Không phải họ hay hơn mà là họ tiêu biểu hơn. Nhiều nhà thơ khác nổi tiếng, sáng giá nữa, nhưng đã không nằm trong hệ thống, nên tạm vắng mặt. Cũng không ít nhà thơ trong con số 18 sáng tác nhiều loại thơ khác nhau bằng nhiều thủ pháp khác nhau, tôi không đề cập hết mà chỉ cắt lát để phụng sự cho chủ đề chuyên luận.

Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại không phân biệt tuổi tác, giới tính, thế hệ, vùng địa lí. Tôi cũng không ý định làm công tác mặt trận.

 

3 & 24.

Lẽ ra con số là 24 như dự định ban đầu, nhưng bởi tôi thiếu thông tin về 3; 3 còn lại họ từ chối nhập cuộc. Tôi tôn trọng sự chọn lựa đó, mặc dù với tư cách là nhà phê bình tôi có thể viết về họ mà không phải hỏi ý kiến, miễn là không tuyển thơ (để tránh vi phạm bản quyền). Đương nhiên, không mợ thì chợ kém vui đi... một ít.

 

Giải minh.

Dù thư đi tin lại mang tính riêng tư, nhưng cũng cần đôi lời giải minh. Bạn không thích ngồi chung mâm với nhóm Mở Miệng thì xin miễn bàn. Bạn ban đầu khá nhiệt tình nhưng sau xin rút, bảo thơ mình không liên can gì đến tạp chí Thơ, tạp chí Việt, hay Bùi Giáng. Thật sự đến lúc này tôi cũng không hiểu ý của bạn. Có lẽ có vài ngộ nhận nhỏ nào đó ở góc khuất tâm linh nào đó. Riêng bạn không muốn dính dáng đến nhà nước, thì xin thông tin chung luôn thể. Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại sẽ được in trong nước nguyên văn. Nếu có đoạn nhận định bị cắt, nhà xuất bản sẽ ghi rõ chữ “kiểm duyệt” mấy chữ, mấy câu; còn bài thơ tuyển nào bị duyệt bỏ thì người tuyển không thay nó bằng bài khác mà đề tên chính bài đó, và cho đường link để độc giả tìm đến bài thơ.

 

Xa & lạ.

18 người. Mỗi Trần Wũ Khang là thân và đồng tộc, còn lại đa số tôi chưa một lần biết mặt: Nguyễn Đăng Thường, Ðỗ Kh., Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Tôn Hiệt, Chân Phương, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Khế Iêm, Vũ Thành Sơn; có bạn một lần tạt qua nhà tôi ở Sài Gòn: Nguyễn Hoàng Nam; có bạn tôi được dịp ghé Hải Phòng ngủ qua đêm tán gẫu: Mai Văn Phấn; bạn từng cà phê bia bọt vài bận: Nguyễn Hoàng Tranh, Như Huy, Ðặng Thân, Ðinh Linh, bên cạnh vài bạn quanh quẩn đụng nhau suốt quán cóc Sài Gòn, Ban Mê: Lý Ðợi, Bùi Chát, Lê Vĩnh Tài.

 

Nỗi người.

Hậu hiện đại nhập địa Việt Nam gặp nhiều dị ứng. Nhiều bài báo hoặc hồ nghi hoặc chống đối. Nhưng đa số chống đối sự du nhập hơn là phản đối chính lí thuyết hậu hiện đại. Hơn nữa, chống này dựa trên vài sáng tác không tiêu biểu trên nền tảng hiểu biết chưa đầy đủ hay thành kiến với cái mới, cái xa lạ. Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại hi vọng phần nào giải tỏa nỗi ấy.

 

Tại sao phải hiện đại, hậu hiện đại?

Trong khí hậu tinh thần văn chương Việt Nam đương thời, khi đại bộ phận nhà thơ quẩn quanh vùng bản năng với sáng tác phi lí thuyết, đề cập đến các chủ nghĩa là cần; khi phê bình mãi dừng lại ở phê bình ấn tượng đầy cảm tính, phần việc của phê bình lập biên bản là kéo nhận định đến sát thực với văn bản để đảm bảo tính khoa học hơn; khi số đông còn quan niệm tác giả - tác phẩm xuất hiện chính thống mới là văn chương, nhấn vào thơ và nhà thơ ngoại biên là nhằm đánh tan định kiến và mặc cảm tai hại; khi thơ ca còn vướng kẹt, tù túng trong hệ mĩ học cũ, sự phá cách [và phá phách] phải được xiển dương trước nhất; khi sự phá phách có nguy cơ dẫn đến hư vô chủ nghĩa, tinh thần chuyên luận kêu gọi trách nhiệm công dân, tại đó tính thời sự trong sáng tác hậu hiện đại là một; khi những đầu óc bảo thủ còn nghi ngại sự mất gốc lai căn của hậu hiện đại, Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại nêu bật những nét tương đồng với tính hậu hiện đại đã có mặt trong truyền thống phương Đông (Phật giáo, Krishnamurti,...) và Việt Nam từ lâu lắm.

Tất cả chúng đều là phương tiện thiện xảo, như thể một quá độ nhất thời.

 

Chuẩn bị

Tôi ủng hộ, cổ xúy mọi lí thuyết, các sáng tác theo trào lưu [mới]. Dù hiện đại, hậu hiện đại [không] chỉ là những chủ nghĩa, những từ; và cho dù trào lưu hậu hiện đại Việt chưa có thành tựu lớn khả năng thuyết phục/ đánh gục độc giả khó tính, nhưng trong khí hậu văn chương hôm nay, nó là vấn đề cấp thiết. Cũng như Chưa đủ cô đơn cho sáng tạoSong thoại với cái mới, Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại là bước chuẩn bị cho khai mở một cõi miền tiên quyết của sáng tạo.

 

Phê bình & sáng tạo.

Tôi là người sáng tác nhưng lại đi làm phê bình, là điều cực chẳng đã. Tôi tháo gỡ nỗi này bằng coi phê bình là một sáng tác, sáng tác kiểu khác. Làm vậy lắm khi còn là một lợi thế nữa, biết đâu chừng. Bởi sáng tạo, nên mỗi tác giả tôi tiếp cận mỗi cách khác nhau, bài viết được thể hiện khác nhau.

 

Chủ quan & thiếu sót.

Viết bằng tình yêu nên khó tránh thiên lệch; coi phê bình như là sáng tác thì không thể không chủ quan, thiếu khuyết. Vài người đã chỉ ra trước và sau khi bài được đăng trên Tienve.org. Tôi xin cảm ơn và sẽ xem xét lại các ý kiến phản hồi đó.

 

Thế hệ mới.

Dự định phần 3 là phần cuối của Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, tôi sẽ dành một chương cho thế hệ mới. Nhưng thế thì phí quá. Bởi tôi thấy thế hệ này nảy ra nhiều khuôn mặt sáng giá, cần được đối xử trân trọng hơn. Tôi không biện biệt thế hệ qua tuổi tác mà bằng thời điểm tác phẩm xuất hiện. Ví như thơ cụ thể của Lê Văn Tài, ngày càng cuốn hút tôi kì lạ gọi mời nhiều diễn giải lí thú, nếu chỉ dành một đoạn như ở bài tổng luận thì chả bõ. Hay Khánh Phương làm thơ muộn, muộn và chậm nữa, nhưng đây là một giọng thơ lạ, độc đáo. Nguyễn Vĩnh Nguyên, Lê Nghĩa Quang Tuấn, Trúc-Ty, Gyảng Anh Yên, Thục Linh, Bỉm, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Thạch Trung Tuệ Nguyên, Nhã Thuyên, Jalau Anưk, Phạm Thị Điệp Giang, Phan Thị Vàng Anh, Lê Hưng Tiến, Ðỗ Trí Vương, Tú Trinh,... nữa. Vân vân. Hi vọng sẽ gặp nhau ở dịp khác vậy.

 

Cảm tạ.

Viết Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, tôi nhận được nhiều động viên từ các bạn văn nghệ và bằng hữu; tôi cũng đã được cung cấp tài liệu và thông tin quý từ các nhà thơ, nhà văn – người có tên trong Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại và cả những người yêu văn học ở ngoài cuộc. Tôi xin nói lời cảm ơn đến tất cả. Cuối cùng, tôi cảm ơn Ban biên tập website Tienve.org đã giúp sửa chữa các lỗi bản thảo, tìm và bổ sung phần chú thích và kịp thời đưa bài viết đến với độc giả.

 

Sài Gòn, 3-2-2009.

 

 

--------------------
Các bài viết nằm trong Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại (nghiên cứu - phê bình - tuyển):
 
- “40 km/h với Vũ Thành Sơn”, Tienve.org, 23-8-2008.
- “Lý Đợi không làm thơ”, Tienve.org, 11-1-2009.
- “Như Huy khai vỡ hiện thực như thực từ giữa những câu phức”, Talawas.org, 23-8-2008, viết lại và đăng trên Tienve.org, 27-1-2009.
- “Nỗi niềm hậu hiện đại — Thay lời kết”, Tienve.org, 20-2-2009.

 

 

-------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021