thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
AI LÀ TÔI [15-17]
 
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
 
(1922-1975)
 
LỜI GIỚI THIỆU của Jean-Pierre Milelli:
 
Tập bản thảo AI LÀ TÔI của Pier Paolo Pasolini đã được Enzo Siciliano, người viết tiểu sử của ông, phát hiện trong số giấy tờ riêng của ông sau khi ông qua đời. Năm 1980, Enzo Siciliano cho tập bản thảo ra mắt độc giả trên tạp san Nuovi Argomenti dưới nhan đề Poete delle ceneri [Nhà thơ của tro tàn]. Bản dịch tiếng Pháp Qui je suis dựa theo một bản mới do Graziella Chiarcossi, một nhà ngôn ngữ học và người thi hành di chúc của Pier Paolo Pasolini, thiết lập và biên soạn. Với tính cách đó, và xin để qua một bên mọi định kiến về giá trị văn chương, văn bản chưa được in của Pier Paolo Pasolini là một tài liệu đặc biệt và giá trị giúp ta hiểu rõ thêm những mối liên quan giữa cuộc đời và tác phẩm của Pier Paolo Pasolini — nhà văn, nhà thơ, nhà tiểu luận và điện ảnh gia của nước Ý.
 
Bản thảo nguyên tác gồm ba mươi hai trang giấy đánh máy cách dòng đôi, có nhiều chỗ đã được sửa đổi hay gạch bỏ với bút bi. Theo lời nhà viết tiểu sử, Pasolini đã viết phần lớn trong dịp sang New York trong tháng Tám 1966, sau khi trình chiếu cuốn phim Uccellacci e Uccellini [Diều hâu và chim sẻ] tại đại hội điện ảnh Montréal vào tháng Bảy năm ấy.
 
Văn bản này hình như là để đối đáp bằng thơ văn xuôi một cuộc phỏng vấn thực sự hay tưởng tượng. Có thể ý định đã đến với Pasolini sau lúc ông gặp gỡ một phóng viên, hoặc là sau các cuộc đàm thoại có thu ảnh với Jean-André Fieschi (Pasolini, l'enragé / “Pasolini, người nổi giận”) vào tháng bảy 1966, hay cũng có thể là Pasolini đã đơn giản trở lại với phương pháp sử dụng thơ ca như ông đã thực hành trước đó. Chúng tôi đã chọn dịch nhan đề đánh máy và do Pasolini chỉ định trước: Who is me. Một nhan đề thứ hai, Poète des cendres (“Thi sĩ tro than”), viết bút nỉ, ám chỉ nhan đề của một trong các thi tập của ông: Les Cendres de Gramsci.
 
Năm 1966, Pasolini đã lên tới tột đỉnh văn chương của ông ở Ý, nhưng danh tiếng do điện ảnh mang lại cho ông trên thế giới chỉ mới khởi sự. Ông đang tìm cách vượt qua các ranh giới của nền văn hoá cội nguồn và muốn có một quần chúng rộng lớn hơn. Đó là một trong các nhiệm vụ của AI LÀ TÔI. Nhưng năm 1966 cũng là năm nhà thơ bị chứng loét dạ dày và là lần đầu tiên ông viết nhiều kịch bản sân khấu với ý định sẽ cho dàn dựng trình diễn tại New York thay vì tại Ý. Do vậy, hình như sự phát hiện Hoa Kỳ đã là dịp cho Pasolini kiểm điểm lại quá khứ để hướng tới tương lai. Đó là cái lợi ích của tập bản thảo: tuy còn dang dở, nó đã tập trung được nhiều mạch viết của văn nghiệp Pasolini: tiểu sử viết thành thơ, cảnh vật gần như bị kiểu cách hoá khi mô tả, suy gẫm về hình thức và hành ngôn chính trị.
 
Hơn thế nữa, nếu mọi văn bản về tiểu sử tự bản thân thiết yếu là phải dang dở, tuy nhiên trong AI LÀ TÔI như đã có sự báo trước về những cái sẽ xảy ra trong những năm cuối cùng của nhà văn: sự loại bỏ dần dần thơ ca như một thể loại của văn học và sự ưa chuộng điện ảnh; sự phát hiện phong cách viết kịch sân khấu và sự viết-lại các huyền thoại về cá nhân ông; mối liên hệ với báo chí và công lý của quê hương đối với ông ngày càng như là một sự ngược đãi trong đời sống; sự hồ hởi của ông đối với tố quyền dân sự. Trước khi cuộc ám sát đã khiến ông phải lìa đời trong Ngày lễ của những Người Chết vào năm 1975, chúng đã mang đến cho khoảng thời gian kể trên cái hương vị của tro tàn. AI LÀ TÔI cho chúng ta thấy nhà thơ bị chia sẻ giữa sự ham muốn “ném mình vào cuộc chiến” và sự rút lui vào ngọn tháp Chia — phần còn lại của một lâu đài thời Trung Đại — nơi ông ngụ và các nhiếp ảnh gia tới chụp hình ông khoả thân và cô độc, chẳng bao lâu trước lúc ông qua đời.
 
_____________
 
 
AI LÀ TÔI
 
Đã đăng: [1-3] | [4-7] | [8-10] | [11-14]
 
[15]
 
Tự vấn
dưới ánh sáng mặt trời tháng tám
trong Manhattan vắng hoe,
tôi nhận ra rằng mình
(chỉ đã là nhà thơ qua
văn chương)
không còn là một văn nhân.
Số phận tôi
là để gợi lại những ngọn đồi nhỏ ở trên
một dòng sông khác
với nước xanh rất trong
trên những hòn sỏi,
chảy giữa hai bờ sỏi đá
như những đống xương trước tiên là ở giữa những
bãi phù sa buồn bã
xanh, rồi ở giữa những vườn nho
(lặng lẽ điêu đứng trong mùa hè ẩm ướt, nhạt nhoà,
gần như đông phương), những sườn đồi,
và cuối cùng là ở giữa những mảnh đất mầu mỡ mà chỉ
riêng mùi hương thôi
cũng đủ để kích động, cho đôi mắt man dại
và cái bụng tinh khiết rất dã man, sự xây xẩm
chiếm đoạt
và khiến ta muốn chết.
Trên những ngọn đồi khốn khổ đó
- những nghĩa địa thực sự, không hoa -
người ta đã chống chọi quân phát-xít Đức,
và thằng em tôi,
như tôi đã nói với bạn,
đã bỏ lại tuổi mười chín của nó ở đấy,
như một cánh chim ưng vừa mới biết bay,
nhưng bay rất ngoạn mục.
Cái mà bạn gọi, bằng giọng châm biếm
nhăn nhó rất khó chịu
(nó làm méo mó khuôn mặt tự tin gượng gạo
của bạn như một kẻ bệnh hoạn)
nhấn mạnh một cách công khai, sự dấn thân,
trong hơn mười lăm năm, đã sống bám vào sự vinh quang
và sự đau khổ
của những nghĩa trang đó.
Nghĩa là nó chưa từng hiện hữu.
Nó chỉ khởi sự hiện hữu bây giờ.
Giờ đây khi những nghĩa trang không hề có hoa đó
cũng đang có những mùa hoa nở.
Chính anh bạn Moravia* của tôi cũng phải hãi sợ,
e ngại rằng mình không hợp lòng dân,
nếu anh ấy không muốn hiểu chuyện đó.
Cùng với anh ta,
và tệ hơn anh ta nữa (căng thẳng một cách hết sức
bí mật
trong tình trạng cố tìm hiểu không thể lay chuyển)
là tất cả những người khác,
tại Ý-đại-lợi,
mang danh hiệu và chức vụ nhà văn.
Tất cả đã chối bỏ sự dấn thân bằng ý chí
quyết liệt ngấm ngầm để mua chuộc bạn:
những kẻ nọ miễn cưỡng làm cái công việc đó,
những kẻ kia ưỡn ngực như gái điếm.
Tôi thì chỉ muốn trở về với những ngọn đồi xưa,
không như một du khách hay một kẻ đi thăm viếng
mồ mả, tất cả cần phải minh bạch và rõ ràng.
Tôi, chính tôi cũng đã quên chúng.
Và thích đáng! Trong những hành động của họ
do lý tưởng
chỉ bảo, như một giáo lý,
tôi đã sống sự nổi loạn của một người trẻ tuổi.
Chắc hẳn qua đó tôi cũng đã tậu được
những thói quen không thể xoá bỏ
về đạo đức và sự đứng đắn.
Tuy nhiên, tôi không trở về với những nơi đó
đang hiện hữu nhưng vô hình.
 
_____________
*Alberto Moravia (1907-1990), nhà văn tên tuổi của Ý-đại-lợi.
 
 
[16]
 
Ở điểm đó, tôi không muốn bi luỵ thái quá
về các lý do,
nghĩa là về dữ kiện
rằng sự dấn thân
không chỉ đã chấm dứt mà nó chỉ mới bắt đầu.
Ý-đại-lợi chưa từng khả ố tới mức đó.
Nhất là cùng với sự phản bội của những nhà trí thức,
cùng với sự xét lại của đảng cộng sản,
con sói
trong lần đó, đã thực sự trở thành con cừu -
đồng chí
Longo* trên bìa báo Spiegel
có khuôn mặt đưa đám của một nhà văn
đang cố hết sức để tự
thời trang hoá, vứt bỏ như vậy mọi sự tàn bạo tái sinh
của chủ nghĩa cộng sản:
đúng, cộng sản cũng là một anh trưởng giả.
Từ nay sẽ là hình thức kỳ thị màu da của nhân loại.
Có thể sự dấn thân chống lại các thứ đó
không có nghĩa là viết, như một kẻ dấn thấn,
tôi thiết nghĩ,
mà chỉ để sống.
 
_____________
*Luigi Longo (1900-1980), tổng bí thư của đảng cộng sản Ý từ năm 1964 đến 1972.
 
 
[17]
 
Riêng về các tác phẩm tương lai của tôi,
bạn sẽ thấy một người trẻ tuổi một hôm đi tới
một ngôi nhà xinh
nơi đó có một người cha, một người mẹ, một đứa con trai và
một đứa con gái, sống trong sự sang giàu, không phê phán
như thể chỉ có bấy nhiêu thôi, một cuộc đời giản dị
và tinh khiết;
họ có một một cô tớ gái
(quê quán là một ngôi làng vô sản); hắn tới nơi,
chàng trẻ tuổi đó,
điển trai như một anh thanh niên Mỹ,
và, lập tức, trước hết là cô giúp việc nhà
si tình anh ta,
và tự vén váy lên. Anh ta sẽ tặng nàng cơn thịnh nộ
êm dịu và nặng trĩu của dương vật. Rồi tới phiên đứa con trai
si tình anh ta; cả hai ngủ chung trong căn buồng
của người con trai, với những cái còn sót lại của tuổi thơ;
và anh ta cũng tặng cho đứa con trai
dương vật lụa là của anh ta,
đã trưởng thành và mạnh mẽ hơn;
và cũng với tặng phẩm ấy, chiếu cố và rộng lượng
- vì anh ta là kẻ ban bố -
anh ta sẽ tặng cho người mẹ,
say đắm y phục của anh ta, áo lót,
quần,
xì-líp vất tứ tung trong ngôi biệt thự
một ngày hè oi ả
trên vùng biển Tyrol;
và cũng là tặng vật ấy để biếu người cha,
đã trở thành
cha của người cha - bởi lẽ ông ta,
với sự dịu dàng của một mẹ hiền, mơ hồ,
chỉ còn là cha bằng danh hiệu mà thôi -
cho người cha tỉnh giấc trong buổi hừng đông
bởi cơn đau nơi bụng đã khiến ông ta
co quặp, và đã khám phá
khi đứng dậy để bước vô toa-lét
cái vẻ đẹp tĩnh lặng của buổi sớm mai
với mặt trời đã loé sáng... và ông ta phát hiện
tình yêu
đồng thời với sự ngạc nhiên
mà ông ta đã có được khi phát hiện mặt trời:
một tình yêu tương tợ với tình yêu của Ivan Ilitch
đã cảm thấy cho anh đày tớ trẻ
nông dân;
nhưng ý thức, và bi thương
bởi vì ông ta, một kỹ nghệ gia đã trọng tuổi có khuôn mặt
của Orson Welles,* là một người tiểu tư sản
đang bi kịch hoá mọi chuyện.
Cùng một tặng phẩm là dương vật của anh ta,
trong những giờ phút của
căn bệnh của người cha
- và trước khi làm cái chuyện đó với người cha -
anh ta đã làm nó với đứa con gái mười bốn tuổi, si tình
cha và phát hiện anh ta, chàng trẻ tuổi
trọn vẹn cho tình yêu,
qua ánh mắt si tình, đúng vậy,
của người cha. Rồi
chàng trẻ tuổi ra đi:
con đường hun hút anh đã khuất bóng nơi xa
sẽ vắng lặng mãi mãi.
Và tất thảy mọi người, trong tình trạng đợi chờ, trong
những kỷ niệm,
như môn đệ của một đấng Chúa không bị đóng đinh
mà bị treo cổ,
với định mệnh riêng.
Đó là một định lý;
và mỗi định mệnh là một hệ luận.
Các định mệnh như bạn đã biết,
thuộc về thế giới này mà bạn, với nụ cười rất khó thương
của một kẻ chống cộng, và tôi, với hận thù
ấu trĩ
chống tư sản, chúng ta là anh em:
chúng ta biết rõ nó quá mà!
Như thế nào một chứng loạn não vì quá lo âu đã hình thành,
và như thế nào một con bé nạn nhân
mười bốn tuổi
rốt cuộc đã nằm trên giường bệnh viện,
hai tay nắm chặt lại đến đỗi với một lưỡi dao
cũng không thể cạy ra được;
và như thế nào một đứa con trai xanh xao và cô độc
như một người điên
vẽ và chế tạo những kỹ thuật mới,
đến đỗi hắn sẽ trở thành
một Giacometti, một Bacon,
với cảnh tượng của những hình ảnh khủng khiếp,
biểu trưng của thảm kịch thế giới
trong một linh hồn bệnh hoạn,
thối tha mùi oán hận nhỏ nhen của cái ác;
như thế nào một phụ nữ trung niên, còn đẹp,
còn chải chuốt,
không thể quên đấng Chúa của Nhà Thờ
và đồng thời, một khi đã sa ngã,
không còn biết chống cự lại sự đam mê
được sa ngã thêm,
và do vậy đã sống giữa những chàng trai dễ dãi
và những lo âu về thiên chúa;
và như thế nào, cuối cùng, một người cha,
từng lẫn lộn cuộc đời với sự sở hữu,
một khi đã bị chiếm đoạt,
đánh mất cuộc đời và ném bỏ nó:
nghĩa là đem hết những của cải riêng
- một cái nhà máy ở ngoại ô một thành phố lớn -
cho thợ thuyền, rồi biến mất trong sa mạc,
như người Do Thái.
Thảy đều đã là những trường hợp lương tâm.
Nhưng cô tớ gái thì ngược lại,
đã trở thành một thánh nữ điên.
Cô bước trong chiếc sân nhà cũ của cô,
một mái nhà vô sản,
rồi đứng im, rồi đọc kinh, hoặc làm những phép lạ;
chữa lành bệnh cho những kẻ ốm đau,
chỉ ăn lá cây tầm ma,
cho tới khi mái tóc cô xanh lè,
và, cuối cùng, để chết,
đã khóc lóc và xin một bà đào mả lấy cốt
chôn cô,
và nước mắt cô rớt xuống bùn đã trở thành
một con suối nhiệm mầu.**
Trước Người Cha và Người Mẹ,
đã có, trong vườn địa đàng, một Người Cha Đầu Tiên.
Kỳ thuỷ, chúng ta đã sống trong sự thân mật với
người cha đó.
Kế đến, sự quan trọng đã là tình thương của Người Mẹ
mà chúng ta đã đồng nhất hoá
chỉ bởi vì chúng ta không thể sống mà không thể đồng hoá
với bất cứ một ai. Hệ quả là chúng ta
không thể nghĩ ra một tình yêu thiếu sự êm dịu
của tình mẫu tử.
Người Cha Đầu Tiên đó đã có sự dịu dàng của Người Mẹ.
Thế nhưng, trong một gia đình tư sản
không chỉ cứ là sự kích động
những thảm kịch lương tâm đạo đức.
Tôn giáo, tôn giáo của sự liên hệ trực tiếp
với Thượng Đế
vẫn còn thuộc về thế giới cũ,
cái thế giới của giai cấp tư sản.
Thợ thuyền quan sát.
 
_____________
*Orson Welles: diễn viên kiêm đạo diễn Mỹ tài hoa (1915-1985), tác giả phim Citizen Kane (thường được bầu là phim hay nhất thế giới).
**Ở đây, Pasolini kể lại cốt truyện của phim Teorama (1968) do ông viết kịch bản và đạo diễn.
 
 
Massimo Girotti đóng vai Người Cha:
 
 
Ông đã từng xuất hiện như một nam diễn viên có vẻ đẹp rất đàn ông trong phim Ossessione (1943) của đạo diễn Luchino Visconti phóng tác theo cuốn tuyện "trinh thám đen" The Postman Always Rings Twice lừng danh của nhà văn Mỹ James M Cain, được đánh giá là cuốn phim tân hiện thực đầu tiên của Ý.
 
 
Silvana Mangano trong vai Người Mẹ. [Bà đã từng xuất hiện như một nữ diễn viên "sexy" của phim Riso amaro ("Gạo đắng", 1949) — một phim tân hiện thực cũng vang danh thế giới].
 
 
Terence Stamp vào vai Người Khách (The Visitor). [Là một diễn viên của Anh Quốc có mái tóc vàng và đôi mắt trong suốt của một thiên thần, lúc ấy anh đã 31 tuổi nhưng nom rất trẻ].
 
 
[còn tiếp một kỳ]
 
 
-----------
Nguồn: Pier Paolo Pasolini, Qui je suis - Poeta delle ceneri, bản tiếng Pháp do Jean-Pierre Milelli dịch, giới thiệu và chú giải (Paris: Arléa, 2004).
Người dịch ghi thêm một con số trên mỗi bài thơ, và bổ sung vào phần chú thích của nhà xuất bản dưới các bài thơ.
 
 
 
Đã đăng:
 
AI LÀ TÔI [11-14]  (thơ) 
... Giới trẻ chúng đang làm gì nhỉ, / trong những buổi tối ở tỉnh lẻ, / và thậm chí ở những đô thị lớn, / khác hơn là vẫn nói chuyện văn chương? / Bước những bước phiến loạn, dọc theo những con đường / vừa phát hiện, / trĩu nặng bao ý nghĩa thầm kín và lịch sử?... Tập bản thảo AI LÀ TÔI của Pier Paolo Pasolini đã được Enzo Siciliano, người viết tiểu sử của ông, phát hiện trong số giấy tờ riêng của ông sau khi ông qua đời. [Bản dịch tiếng Việt của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường]
 
AI LÀ TÔI [8-10]  (thơ) 
... Trong các tác phẩm ấy tôi đã giả vờ chối bỏ sự dấn thân, / bởi vì tôi biết dấn thân là một điều không thể né tránh, / nhất là hôm nay hơn lúc nào hết. / Và hôm nay, tôi sẽ nói với các bạn rằng / không những ta cần phải dấn thân / trong cách viết, / mà cả trong cuộc đời nữa... Tập bản thảo AI LÀ TÔI của Pier Paolo Pasolini đã được Enzo Siciliano, người viết tiểu sử của ông, phát hiện trong số giấy tờ riêng của ông sau khi ông qua đời. [Bản dịch tiếng Việt của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường]
 
AI LÀ TÔI [4-7]  (thơ) 
... Tôi đã cảm nhận tình cảm của một người Da Đen / ở Chicago: / sự kinh sợ. / Thế nhưng tôi đã chóng quên, / và tất cả những kinh sợ / đã trở thành một vật duy nhất / ở trong tôi và ở trên tôi: một vật rất đặc biệt, / cái vật đó . / Do vậy tôi đã để nó bên cạnh và hứng chịu nó / trong lòng: / và nó sẽ trở thành một cái ung nhọt, / mà sớm hay muộn gì tôi cũng phải chết vì nó... Tập bản thảo AI LÀ TÔI của Pier Paolo Pasolini đã được Enzo Siciliano, người viết tiểu sử của ông, phát hiện trong số giấy tờ riêng của ông sau khi ông qua đời. [Bản dịch tiếng Việt của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường]
 
AI LÀ TÔI [1-3]  (thơ) 
... Tôi vẫn khóc, mỗi khi nghĩ lại chuyện cũ, / mỗi khi nghĩ tới Guido em tôi, một gã du kích / bị các gã du kích cộng sản khác thủ tiêu / (nó thuộc nhóm Hành Động / do chính tôi đã khuyên nó gia nhập; / nó đã khởi sự cuộc Kháng Chiến / với tư cách một người cộng sản)... Tập bản thảo AI LÀ TÔI của Pier Paolo Pasolini đã được Enzo Siciliano, người viết tiểu sử của ông, phát hiện trong số giấy tờ riêng của ông sau khi ông qua đời. [Bản dịch tiếng Việt của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường]
 
Bạn đi đâu qua những đường phố La-mã / trên xe buýt hay xe điện / chật ních những người trên đường về nhà?... | Tôi lao động suốt ngày như một nhà tu / Và ban đêm tôi lang thang như một con mèo rượn / chạy tìm tình yêu... Tôi sẽ thỉnh cầu / Giáo hội, xin cho tôi được phong thánh... | Người ta sẽ ca hát trong lòng đất nó, / hàng triệu người chết trong lòng đất nó, / ta sẽ ca hát trong lòng đất nó?... | Hãy đến lắng nghe những dòng sông của lòng con, / Hãy đến lắng nghe những bông cúc của lòng con, / Hãy đến lắng nghe, mẹ ơi, tiếng nói ấp úng / của lòng con đang bay bổng, thưa mẹ!... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
... Ta không một đồng xu, ta chỉ làm chủ / Những sợi tóc vàng của ta trên sông Lemene / Đầy những con cá mượt mà... | ... tôi sẽ ngã xuống chết / dưới mặt trời gắt, / vàng hoe và cao, / và tôi sẽ nhắm mắt, / để bầu trời lại với vẻ rực rỡ của nó... | ... Em là một cánh hồng sống mà không nói. // Khi sâu thẳm trong ngực em / Một giọng nói ra đời, / Thì em câm lặng... | ... Chúng ta sống sót: và ấy là sự lẫn lộn / của một cuộc đời hồi sinh bên ngoài lý luận... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021