thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mộng của mộng [kỳ VIII: "Giấc mộng của Bác sĩ Sigmund Freud, người giải mộng của kẻ khác"]
(Diễm Châu dịch)

 

Đêm hôm hăm hai tháng Chín năm 1939, hôm trước ngày ông mất, bác sĩ Sigmund Freud, người giải mộng của kẻ khác, nằm mộng.

Ông mộng thấy mình trở thành Dora và đang băng qua thành phố Vienne đã bị oanh tạc. Thành phố đã bị hủy hoại, bụi và khói bốc lên từ những tòa nhà đổ nát.

Làm sao thành phố này lại có thể bị hủy hoại được?, bác sĩ Freud tự hỏi, và ông cố gắn chặt lại đôi vú giả của mình, nhưng đúng lúc đó, ông gặp, trên đường Rathausstrasse, Frau Marta, đang bước tới với tờ Neue Frei Presse căng ra trước mặt bà.

Ồ, Dora thân mến, Frau Marta nói, tôi vừa mới đọc thấy bác sĩ Freud đã từ Paris trở lại Vienne và ông hiện đang ở đúng nơi này, ở số bảy đường Rathausstrasse, có lẽ chị đến cho ông bác sĩ coi bệnh cũng tốt. Và vừa nói thế, bà vừa lấy chân gạt qua một bên xác một người lính.

Bác sĩ Freud cảm thấy hết sức hổ thẹn, ông hạ tấm mạng che trên mặt. Tôi không hiểu tại sao, ông rụt rè nói.

Là vì chị có quá nhiều vấn đề, Dora thân mến của tôi ơi, Frau Marta nói, chị có quá nhiều vấn đề, như hết thảy chúng ta, chị cần phải giãi bày tâm sự và, tin tôi đi, chuyện tâm sự thì không có gì bằng bác sĩ Freud, ông ấy hiểu hết về phụ nữ, tới mức đôi khi ông ấy có vẻ như là một người đàn bà vậy, ông ấy hòa mình vào vai trò phụ nữ của họ.

Bác sĩ Freud cáo từ một cách nhã nhặn, nhưng mau lẹ, và ông tiếp tục con đướng. Xa hơn đôi chút, ông gặp anh chàng hàng thịt cứ đăm đắm nhìn ông và cất lời khen ngợi ông hơi thô bạo. Bác sĩ Freud dừng lại, có lẽ là vì ông đã muốn thử vài cú đấm với anh ta, nhưng anh chàng hàng thịt đã nhìn cặp giò của ông mà nói: Dora, em cần một đấng nam nhi thực sự, thay vì si mê những trò ảo mộng.

Bác sĩ Freud ngừng lại, giận dữ. Thế nhưng làm sao anh biết thế?, ông hỏi anh ta.

Tất cả thành Vienne này đều biết, anh chàng hàng thịt nói, em có quá nhiều ảo mộng dục tình, chính bác sĩ Freud đã khám phá ra điều ấy đấy.

Bác sĩ Freud đưa hai nắm đấm lên. Chuyện quả là quá đáng rồi. Ông, bác sĩ Freud, lại là kẻ có quá nhiều ảo mộng tính dục. Có chăng những ảo mộng ấy, chính là những kẻ khác, những kẻ đến tiết lộ tâm sự với ông kìa. Còn ông, ông vẫn là một con người hoàn toàn ngay thẳng, và thứ ảo mộng kia là vấn đề của trẻ nít hay của những người lộn xộn.

Thôi, đừng giả bộ ngây ngô nữa, cô nàng, anh chàng hàng thịt vừa cười vừa nói, và anh ta tặng ông một cái búng tay.

Bác sĩ Freud tươi tỉnh trở lại. Dầu sao, được một anh chàng hàng thịt cường tráng đối xử thân mật cũng hay, và dầu sao, ông cũng là Dora, kẻ có những vấn đề gớm ghiếc.

Ông bước thêm trên đường Rathausstrasse và tới trước nhà ông. Nhà ông, ngôi nhà xinh đẹp của ông, không còn nữa, nó đã bị một trái đạn phá hủy. Nhưng trong khu vườn nhỏ, vẫn còn nguyên vẹn, có chiếc đi-văng của ông. Và trên chiếc đi-văng ấy nằm dài một anh chàng cục mịch đi guốc gỗ và áo sơ-mi bỏ ngoài quần, đang ngáy.

Bác sĩ Freud lại gần anh ta và đánh thức anh ta dậy. Anh làm gì ở đây thế?, ông hỏi anh ta.

Con người cục mịch kia chăm chú nhìn ông với đôi mắt trố ra. Tôi tìm ông bác sĩ Freud, anh ta đáp.

Bác sĩ Freud là tôi, bác sĩ Freud bảo.

Thưa bà, xin bà đừng chọc cười tôi, con người cục mịch kia nói.

Thôi được, bác sĩ Freud bảo, tôi sẽ tâm sự với anh một điều, hôm nay tôi đã quyết định khoác bộ dạng của một trong các nữ bệnh nhân của tôi, và chính bởi đó mà tôi ăn mặc như thế đó, tôi là Dora.

Dora, con người cục mịch kia nói, nhưng anh yêu em. Anh ta vừa nói thế vừa ôm lấy ông. Bác sĩ Freud cảm thấy hết sức bối rối và buông mình xuống tấm đi-văng. Đúng lúc ấy ông tỉnh dậy. Đó là đêm cuối cùng của ông, nhưng ông không hay biết.

 

(trích Mộng của mộng)

 

----------------------

* Sigmund Freud (Freiberg, 1856 – Luân-đôn, 1939). Ông là một nhà thần kinh học. Trước tiên ông nghiên cứu chứng loạn thần kinh và khoa thôi miên của Charcot, rồi ông giải mộng cho mọi người (Giài thích những giấc mộng, 1900), tìm cách đi từ những mộng mị đó tới nỗi bất hạnh theo đuổi chúng ta. Ông chủ trì rằng, con người, ở phía bên trong, có một chỗ đông tụ mờ tối, và ông gọi đó là Vô thức. Tác phẩm Năm cuộc phân tâm-giải thích của ông có thể đọc như những cuốn tiểu thuyết thật tài tình. Cái Ấy, cái Ngã và cái Siêu-Ngã là «Tam vị nhất thể» của ông. Và, có lẽ, cũng còn là của chúng ta. (Chú thích của Antonio Tabucchi trong «Những người nằm mộng trong sách này»)

-------------------------

Đã đăng:

Mộng của mộng [kỳ I: "Giấc mộng của Dédale, kiến trúc sư và phi hành gia"]

Mộng của mộng [kỳ II: "Giấc mộng của Publius Ovidius Naso, thi sĩ và nịnh thần"]

Mộng của mộng [kỳ III: "Giấc mộng của François Villon, thi sĩ và kẻ gian phi"]

Mộng của mộng [kỳ IV: "Giấc mộng của Arthur Rimbaud, thi sĩ và kẻ phiêu lãng"]

Mộng của mộng [kỳ V: "Giấc mộng của Fernando Pessoa, thi sĩ và người giả bộ"]

Mộng của mộng [kỳ VI: "Giấc mộng của Vladimir Maïakovski, thi sĩ và nhà cách mạng"]

Mộng của mộng [kỳ VII: "Giấc mộng của Federico García Lorca, thi sĩ và người chống phát-xít"]

 

 

ANTONIO TABUCCHI, nhà văn Ý, sinh tại Pise năm 1943, đã có trên 15 tác phẩm (có một cuốn viết bằng tiếng Bồ-đào-nha), gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu văn học..., còn là người phiên dịch Fernando Pessoa sang tiếng Ý. Hai (hay ba) cuốn phim đã được thực hiện dựa theo các tác phẩm của ông.

Mộng của mộng (1992) được đề tặng con gái ông là Teresa, gồm hai mươi «chuyện kể» mà đa số liên hệ tới các thi sĩ (9), một số tới các nhà văn (5), các họa sĩ (3) và cả một nhạc sĩ, một nhà phân tâm học và một.. «phi hành gia»! Lối văn hài hước nhẹ nhàng thân ái của một người yêu mến các văn nhân, nghệ sĩ mình nói tới, đặc biệt khác với lối viết trong các «truyện ngắn» của chính tác giả. Trong một «Ghi chú» ở đầu sách, Tabucchi viết: «Tôi thường ao ước được biết những giấc mộng của các nghệ sĩ mà tôi yêu. Thật không may, những người mà tôi nói tới trong tập sách này đã không để lại cho chúng ta những đoạn đường đêm hôm của đầu óc họ. Sự cám dỗ bù đắp lại điều ấy thật lớn, bằng cách kêu gọi tới văn chương để thay thế những gì đã mất. Tuy nhiên, tôi biết rằng những mẩu chuyện thay thế này, do một kẻ luyến tiếc những giấc mộng không được biết tới tưởng tượng ra, chỉ là những giả thiết nghèo nàn, những ảo tưởng mờ nhạt, những vật giả không có gì là chắc chắn. Ước chi chúng được đọc như thế và ước chi hồn thiêng của các nhân vật của tôi, lúc này đang mộng từ Phía Bên kia, hãy khoan dung độ lượng với kẻ đại diện tồi tàn cho đám hậu thế của họ. A.T.» Có dịp trao đổi thư từ với Antonio Tabucchi và gặp mặt tác giả trước khi dịch, tôi đã bày tỏ với ông ý định của mình và đã được ông vui vẻ chấp thuận.

Bạn đọc Pháp văn có thể coi thêm Antonio Tabucchi, Rêves de rêves, bản dịch Bernard COMMENT, nhà xuất bản. Christian Bourgois, Paris, 1994.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021