thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tựa “TÀN TUYẾT TỰ TUYỂN TẬP”
Lưu Hồng Sơn dịch từ nguyên tác Trung văn

 

 

Tôi bắt đầu viết truyện từ năm 1983 và tác phẩm đầu tiên được công bố vào năm 1985, đến nay đã ngót 20 năm. Tôi may mắn được nhà xuất bản Hải Nam ưu ái, giúp tôi xuất bản tập tự tuyển có tính tổng kết này, thật tôi cảm tạ vô cùng. Trong tập tự tuyển này, bên cạnh phần chính là các truyện, tôi còn đưa vào một số bài viết bình luận về một số tác gia kinh điển mà tôi viết vào giai đoạn sáng tác sau này. Thứ tự trình bày của các tác phẩm trong tuyển tập này dựa vào thời gian công bố tác phẩm, cuối sách có kê thêm bảng mục lục tác phẩm.

Tôi nghĩ, nếu độc giả muốn hiểu toàn bộ sáng tác của tôi, thì đọc xong tuyển tập này cũng có thể tạm hài lòng. Toàn bộ những tác phẩm mà tôi tập hợp ở đây đều là truyện ngắn và truyện vừa, những tác phẩm tiêu biểu của từng thời kì sáng tác, đôi khi là những tác phẩm có tính chuyển hướng. Mục đích là muốn cho độc giả thấy được sự dần dần thay đổi nào đó từ bên trong của tôi.

Ở thời kì đầu, khi tôi công bố tác phẩm vào năm 1985, từng có người quả quyết rằng tiểu thuyết của tôi là sự lặp lại (trùng phục) tự ngã. Có những độc giả không thể ngờ rằng, loại sáng tác “trùng phục” ấy lại có thể kéo dài liền trong 20 năm, mà vẫn tiếp tục. Tập tự tuyển này không có truyện dài (trường thiên), tôi rất ít khi sáng tác truyện dài, và thực ra trong các sáng tác của tôi, chỉ có Ngũ hương nhai thực sự là “đại trường thiên”.[1] Mà trên thị trường, Ngũ hương nhai cũng bán được khá rồi, những độc giả yêu thích tác phẩm của Tàn Tuyết chắc đều đã có. Năm 1997, tôi bắt đầu viết bình luận về các tác gia kinh điển, cũng có thể gọi là “bút ký đọc sách” (độc thư bút ký), cho đến nay cũng đã xuất bản được bốn tác phẩm kiểu này. Tôi đã trích một số bài có tính tiêu biểu cho phong cách của tôi, đưa vào tuyển tập này.

Tôi gọi các tác phẩm của mình là “thuần văn học” (văn học thuần tuý), đây là lĩnh vực của tôi, là phương thức hình thành nên tinh thần của tôi. Theo như cách lí giải của tôi, trong văn học thì “thuần” tức nghĩa là “sâu”, tức là sự đột tiến vào bên trong. Trên thế giới cũng có rất nhiều nhà văn thuộc vào “phái thiểu số” như tôi. Độc giả của chúng tôi hẳn nhiên là không đông đảo, nhưng một độc giả “lão luyện” có thể nhận ra chúng tôi trong số vô vàn những tác giả tác phẩm mà anh ta đã đọc. Bởi, ngôn ngữ của chúng tôi khác hẳn với ngôn ngữ thường quy, ngữ cảm mà chúng tôi thể hiện cũng có vẻ lạ lùng xa xôi. Chúng tôi dùng giọng điệu khó nắm bắt để trình bày những vấn đề mà đối với chúng tôi có can hệ đến sự sống còn.

Trong 20 năm qua, trong cái đất nước bao la những người này, có một số thích tác phẩm của tôi. Và tôi phát hiện ra rằng, những người đó hầu hết đều còn rất trẻ (chí ít cũng là những người có tâm hồn rất trẻ). Tôi còn phát hiện, qua 20 năm sáng tác, tôi đã không còn là tôi nữa, sự thay đổi lớn lao đó khiến tôi kinh ngạc. Có lẽ, cái loại “thuần văn học” mà tôi theo đuổi chính là thứ làm cho con người không ngừng đổi thay, không ngừng phủ định những quy định của bản thân. Ví dụ, ngay cả trong nhận thức của bản thân tôi, dù đọc hay viết, đều là sự sáng tạo, loại văn học này không tuân theo những qui luật đã có, bạn chỉ có thể huy động năng lượng bên trong của bạn và quy luật được hình thành hoặc “phát hiện” từ trong quá trình ra sức “làm việc” (tố) thuộc về bạn.

Tôi từng thử chia tiểu thuyết của mình theo giai đoạn, nhưng lần này, tôi muốn dành quyền này cho độc giả tự do. Trong những chuyện thuộc về tinh thần, rất khó đặt để ranh giới. Tuy xu thế nói chung là thâm nhập theo từng lớp, nhưng thời gian hoàn toàn không phải là giới hạn tuyệt đối của độ sâu. Có một điều mà bây giờ tôi thấy rõ là, trong sáng tác “thuần văn học”, cái gì (vật) càng sâu thì ý càng rộng. Không phải người làm nghệ thuật nào mỗi lần sáng tác đều đủ sức thâm nhập được vào nơi sâu kín nhất, đôi khi là do sức lực có vấn đề. Khi sức lực không được tốt, tác phẩm sẽ xuất hiện tạp chất và chúng lập tức bộc lộ ra bên ngoài rất rõ, đây là chuyện không thể tránh khỏi của mỗi người sáng tác. Cái gọi là “tự tuyển tập” chính là một tác phẩm, mà trong đó tác giả cũng là một độc giả, dùng tiêu chuẩn riêng (đặc thù) để đánh giá và tuyển chọn. Theo tiêu chuẩn của tôi, những tác phẩm được đưa vào tuyển tập này đều “hợp cách”, chúng đã được thời gian thử thách. Vì khuôn khổ tuyển tập có hạn nên tôi chưa thể tính đến những tác phẩm như kiểu “tiểu trường thiên”. Nhưng nếu có vị độc giả nào nhắc đến, thì tôi nghĩ rằng anh ta sẽ có cách tìm đến những tác phẩm khác của tôi.

Phong cách của một nhà văn là do toàn bộ khí chất, sức sáng tạo của nhà văn ấy qui định. Tôi thường nghe trên văn đàn Trung Quốc thảo luận về những cái “biến” và “bất biến”. Những cuộc thảo luận này tràn lan những lời tán tụng sáo rỗng về các tác phẩm. Người ta chăm chỉ chải chuốt câu cú bên ngoài, sắp xếp cho khéo những chuyện xưa tích cũ v.v. Chính những cách làm này đã hạn chế sự phát triển của nhà văn. Chỉ cần sắp xếp những chuyện cũ, sao cho không giống nhau, câu chữ cho được mới lạ, thì liền xem tác giả của nó là “có sự đột phá to lớn”. Hơn 20 năm qua, những dòng chính trên văn đàn vẫn chẳng có sự thay đổi gì về các phép tắc cơ bản của nghệ thuật khiến người ta phải ngạc nhiên. Họ chỉ biết cố sống cố chết mà ôm chặt lấy một số quan niệm cũ kĩ bề ngoài trong sáng tác văn học. Tôi cho rằng, sự đột phá thực sự của một nhà văn theo “thuần văn học” chỉ có một tiêu chuẩn, đó là tác phẩm của anh ta phải đạt đến độ sâu tinh thần. Trong lĩnh vực sáng tác văn học thuần tuý, càng sâu thì mới càng rộng, càng tự do. Nếu bạn vứt bỏ phương thức đã bức mình vào con đường khó khăn, lựa chọn phương thức đơn giản dễ dàng hời hợt, điều đó chỉ chứng tỏ bạn đã sức khô tài kiệt, vô trách nhiệm với độc giả và cũng chính là tự lừa dối mình. Cuối cùng, những thứ hời hợt bề ngoài ấy chỉ mang lại cho bạn những hư vinh, còn nội tâm của bạn thì đã chết. Tôi là một người sợ chết, sợ đến cực điểm, cho nên đến tận bây giờ, tôi vẫn phải buộc mình luôn luôn bùng nổ. Tôi đã quen, đã tìm được sự cân bằng trong sự “bùng nổ” ấy, thậm chí còn luyện được cả kỹ xảo nằm ngủ trên dây cáp. Chỉ cần độc giả đọc kỹ tác phẩm của tôi thì sẽ hiểu được điều ấy. Cái thứ tập luyện này, cuối cùng sẽ đưa tôi về đâu, tôi cũng không biết. Nhưng tôi nghĩ, chẳng phải mình đang từng bước tiến vào thế giới cực lạc hay sao?

Có người gọi những sáng tác của tôi là “sáng tác cô độc”, sáng tác chối bỏ độc giả. Cách nói này trên một ý nghĩa nào đó là không sai. Mỗi nhà văn sáng tác theo văn học thuần tuý, thì mọi tác phẩm của anh ta là sự khám phá linh hồn, tác phẩm của anh ta là bức tranh tái hiện lại kết cấu tinh thần, cho nên anh ta không thể sáng tác vì đại chúng. Nhưng có thật là không sáng tác vì đại chúng hay không? Nếu tác phẩm của nhà văn đề cao nhân tính, cải tạo hiệu quả văn hoá, thì đại chúng lẽ nào không biết được lợi ích ấy? Ví dụ ngay bản thân tác phẩm, văn học thuần tuý cự tuyệt với độc giả, nhưng lại cũng mở rộng vòng tay với độc giả, nó vượt qua ranh giới của thân phận và đẳng cấp… trực tiếp chào mời những tâm hồn hướng về tinh thần. Bởi đặc điểm này của văn học thuần tuý nên sự truyền bá nó luôn luôn bắt đầu từ một thiểu số độc giả nhạy cảm nhất, sau đó dần dần mở rộng phạm vi đọc. Quá trình này có khi là hàng chục năm, có khi là cả trăm năm. Tất cả nghệ thuật thuần túy, văn học thuần tuý, có khi vì “vận may” không tốt mà mãi mãi bị mai một (trong xã hội thông tin, tình trạng này ngày càng ít đi). Tôi rất may mắn, trong 20 năm sáng tác, độc giả của tôi không những không mất đi mà dần dần càng tăng lên. Sự trao đổi giữa tôi và họ ngày càng sâu hơn. Vì những độc giả thân yêu này, tôi phải theo đuổi đến giây phút cuối cùng, mãi đến khi tài năng cạn kiệt mới thôi. Tôi tuy phải sáng tác “cô độc” nhưng lại là người rất thích giao lưu chiều sâu với những người như tôi. Loại tính cách của tôi rất xa lạ với văn hoá Trung Quốc vốn dằng dặc (lão mưu thâm toán), vì vậy nên trong đời sống hiện thực xã hội tôi là kẻ thất bại thảm hại. May mà tôi tìm được con đường phù hợp nhất với mình, đó là văn học thuần túy. Tôi luôn luôn bày tỏ cách nhìn của mình đối với nhân tính, không ngừng hỏi độc giả, và những thông tin người đọc phản hồi lại kích thích tôi sáng tác nhiều hơn nữa (loại thông tin này đang ngày một nhiều lên). Tôi thật sự vui sướng và cảm kích vô hạn khi nghĩ đến sự may mắn mà tôi có được. Tôi say sưa với kiểu trao đổi gián tiếp này. Nếu nói rằng hạnh phúc vẫn còn tồn tại với người như tôi, thì còn có điều gì là hạnh phúc to lớn hơn thế này?

Bút kí đọc sách trong tự tuyển này là những bình giải của tôi về một số tác gia kinh điển tiền bối. Có lẽ, ở Trung Quốc trước đây chưa có ai dùng phương pháp như tôi để bình luận về văn học thuần tuý. Tôi cho rằng, thành quả mà tôi có được là do sự nỗ lực học hỏi văn hoá phương Tây. Tìm ra quy luật phát triển của tự thân nghệ thuật, dùng văn học thuần túy mà khám phá, làm rõ hơn cái nhân tính của con người là ước mong lâu nay của tôi, và cũng chính là tôn chỉ trong sáng tác và bình giải văn học của tôi. Cho nên có người nói rằng, khi tôi bình giải về người khác thì cũng đồng thời là đang bình giải về chính tôi. Tôi rất thích những phản hồi như vậy, điều này chứng tỏ độc giả cũng cùng tư duy với tôi. Tất cả các nghệ thuật thuần tuý, văn học thuần tuý đều có một cái gốc chung giống nhau, đó chính là cái gốc nhân tính. Tuy nó được biểu hiện bằng hàng ngàn hàng vạn cách thức khác nhau, song chung qui chỉ là một mà thôi. Là một độc giả hiện đại, khi bạn cùng tác giả trải qua quá trình sáng tạo thì kết cấu tâm linh của bạn càng được thể hiện rõ, bạn đã đặt mình vào giữa sự thanh lọc vĩnh hằng, dùng phương thức riêng của bạn để tái hiện những cảnh giới của tác giả.

Cuối cùng, tôi muốn nói với những độc giả cũ cũng như mới của tôi rằng, hãy chọn tập sách này đi, nhất định Tàn Tuyết sẽ không làm bạn thất vọng đâu.

 

Vườn Mẫu Đơn Bắc Kinh, ngày 26 tháng 10 năm 2003.

 

Lưu Hồng Sơn dịch 8/2005.

 

_________________________

[1]Bài này Tàn Tuyết viết cuối tháng 10 năm 2003, lúc ấy cô chỉ mới có một trường thiên tiểu thuyết này. Nhưng vào đầu tháng 9 năm nay, cô mới cho ra mắt một trường thiên thiên tiểu thuyết nữa, nhan đề là: Tối hậu đích tình nhân (“Người tình cuối cùng”) — LHS.

-----------

Các tác phẩm khác của Tàn Tuyết đã được giới thiệu trên Tiền Vệ:

Sương mù  (truyện ngắn)

Đào nguyên ngoài cõi thế  (truyện ngắn)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021