thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MA NET, từ hiện đại đến hậu hiện đại

 

(Đọc MA NET, tác phẩm của Đặng Thân)

 

 

 

 

Từ “Vào rừng mơ” đến “ma net” là một quá trình, quá trình chuyển đổi cách viết, từ văn bản hiện đại đến văn bản hậu hiện đại. Từ rừng mơ đến rừng xà nu qua “Hiếp” cũng là một quá trình, quá trình từ khổ luyện cho đến đại ngộ. Không phải tiệm mà là đốn. Quá trình kia phải được coi như một sát-na, hay nó chuẩn bị cho sát-na hoát ngộ. Chúng ta có khuynh hướng quan trọng hoá thành quả hơn là tiến trình.

“Vào rừng mơ” được thể hiện qua lối độc thoại nội tâm, câu chuyện phát triển theo dòng ý thức với vài giọng kể khác nhau, đan xen, chồng lắp, tự phát và ngẫu hứng. Tiến trình phát triển câu chuyện [từ đó, phát triển sự thể] dù tiệm tiến, trật tự thứ lớp nhưng nó đẫm ý thức. Đậm ý thức nữa là khác. Ngay mối tình đầu [tưởng] đầy khờ khạo thơ mộng, nhân vật đã ý thức về nó, về từng chi tiết, từng biến chuyển sự thể vô tâm đến nhẫn tâm. Tác giả cũng thế. Ở đó ta thấy nỗ lực vượt ra khỏi lối kể truyền thống hiện thực / lãng mạn của tác giả.

Ý thức là đau khổ, một tội lỗi. Nhất là ý thức quá. “Cái sự ngộ của quân trí thức bao giờ cũng lòng vòng mất thì giờ”.[1] Nhưng không thể không ý thức.

Con người không đến thế gian này để được vui sướng. Không có sự bất công nào trong đó cả vì ý thức được thủ đắc bởi kinh nghiệm thuận và nghịch mà mỗi người phải đảm nhận. Nhưng cái ý thức đột khởi này được cảm nghiệm trong suốt cả cuộc đời, là một niềm hân hoan lớn lao đến nỗi người ta phải trả giá nó bằng bao năm đau khổ
(Dostoievski, Tội ác và hình phạt, NXB Nguồn sáng, Sài Gòn, 1973).

Nhất là thời hậu hiện đại. Ý thức càng bị đẩy đến tận cùng, rơi tõm về phía bên kia của đau khổ.

Cảm thức hậu hiện đại rời bỏ niềm tin vào tương lai tươi sáng với điểm mười tròn trĩnh của cô bé trong kì thi tuyển sinh đại học về một rừng xà nu bạt ngàn gian nan mà anh dũng thuở nào. Cảm thức hậu hiện đại ý thức trắng phớ về bao hố hang cuộc sống rình rập con người, bao bóng tối tâm hồn sẵn sàng làm sa đoạ, bao đột biến khó lường của lịch sử và kẻ viết sử. Nó vứt bỏ khỏi mọi giả vờ, mọi ngây ngô, mọi xó xỉnh thơ mộng lãng mạn sót lại trong tâm hồn con người thời đại. Trong cuộc người, cuộc tình. Từ cả hai phía. Cái lão này có thứ gì mình cho đào mỏ đây. Con bé sao khó cưa thế chứ. Đây không phải hiện tượng lợi dụng nhau mang tính đạo đức mà là hệ quả của ý thức.

 

Làm sao ý thức mà vẫn có thể yêu? Làm thế nào nhà văn có thể viết khi ý thức đầy mình rằng đó là chuyện nhảm, chuyện ai cũng biết, đã cũ mèm rồi?

Nhà văn hậu hiện đại có thể tiếp nhận bất kì câu chuyện nhảm nhí nghe được vỉa hè quán xá nào bất kì, như câu chuyện về bộ xương trắng hai đồng đội nam nữ nằm đè lên nhau, ôm chặt lấy nhau treo lơ lửng trên hai ngọn xà nu cổ thụ. Người đọc biết tác giả tin hay không vào nó là điều không cần biết. Cái thiết yếu là nhà văn phải kể tiếp câu chuyện dở dang hay kết thúc quá có hậu kia, kể theo cách khác bằng giọng điệu khác, rất hậu hiện đại.

Đặng Thân đã làm được như thế, trong “ma net”.

Dừng lại ở hài cốt liệt sĩ thì nó lãng mạn cách mạng quá, anh hùng quá. Còn ngồi lê đôi mách với hai bộ xương người nam và nữ quấn chặt lấy nhau còn nguyên những mảnh quần áo, thì nhảm nhí quá. Đặng Thân cho người nữ liệt sĩ kia hoá thân làm netizen hậu hiện đại ám đời. Nó ám từ con nhà hàng hiệu chuyên gia cứu net cho đến tay nhà thơ hậu hiện đại, từ quan chức văn phòng trịnh trọng đầy trọng trách cho chí nhà tu hành trong sạch đang bon bon trên con đường hoạn lộ. Netizen trang_xuong làm cho thất điên bát đảo.

Không dừng tại đó, con ma net này cũng bị Đặng Thân làm cho biến chất, tha hoá. Tha hoá không biết mình tha hoá. Cái tha hoá của ý thức. Như ba cô bé trong “Hiếp”. Loại ý thức ngu xuẩn này là con đẻ / con bệnh của xã hội hiện đại, không hơn. Chúng lổn nhổn khắp thế giới điều kiện hoá. Chúng không thể kiếm nổi tấm chồng, vì dẫu sao chúng vẫn rất ý thức. Chúng cần một cú “hiếp” đáo để mới ngộ được cuộc sống và nhận chân ý nghĩa cuộc đời. Chúng cần đến cơn xuất thần đầy bạo động không phải một mà là rất nhiều bậc chân nhân đại sư ở “Lời cuối truyện” của Đặng Thân.

Đây là điểm sáng đầy tính nhân văn của MA NET. Bởi văn chương làm gì, nếu nó thiếu mất khoảnh khắc đột biến khả năng làm trong suốt khoảng mờ đục của ý thức, đánh thức giác quan, và chuyển hoá tâm hồn. Như là cú nhún để nhảy sang bờ bên kia.

 

Henry Miller kể câu chuyện kẻ sát nhân. Đến nạn nhân thứ bốn mươi chín, ông ân hận và quyết chí tu hành. Trải qua bao tháng ngày đằng đẵng, ông được guru cho mang trên mình tấm áo đen biểu tượng cho tội lỗi. Guru bảo: con tu thế nào đến khi áo trở trắng, khi đó con mới đắc đạo. Tinh tấn, ông càng chánh tinh tấn hơn. Ông cắt đứt mọi ràng buộc với cuộc đời ô trọc, rời bỏ mọi tham sân si. Ông còn mỗi mục tiêu duy nhất: đạt đạo. Ngày cuối cùng lên đường nhận tâm ấn, ông bỗng gặp sự bất bằng không thể không hành động. Tình thế buộc ông phải ra tay giết người. Giết người để cứu người. Nhưng mình đang là kẻ tu hành sắp thành Phật. Đột ngột — như bậc đại chân nhân kia trong MA NET —, nhà sư chạy đuổi theo [không phải sơn nữ] kẻ toan hại người, và [không phải hiếp] giết chết hắn. Nhà sư tin chắc rằng, sau lần sát nhân này, mình sẽ bị vĩnh viễn đày địa ngục. Nhưng không, quay nhìn lại mình: tấm áo đen trên thân khi xưa, nay trắng toát.

Con nhà hàng hiệu chuyên gia cứu net hay tay nhà thơ hậu hiện đại, quan chức văn phòng trịnh trọng đầy trọng trách và cả nhà tu hành “trong sạch”... cần phải bị giết như thế.

Có không ít sinh linh cần phải bị hiếp như thế, để “thoát khỏi thảm kiếp trường cửu”. Và cần có những “đại sư” như thế.

Một cú hiếp ngoạn mục.

Như Đặng Thân đã bạo động hiếp tiếng Việt, cú hiếp đầy ý thức nghệ thuật. Không còn thứ tiếng Việt của ngôn ngữ đẫm chất “văn chương” trong MA NET. Rất có, nhưng nó được nhà văn kéo xuống ngồi ngang hàng với mấy loài ngôn ngữ khác. Thậm chí nó chỉ là đối tượng đùa cợt của nhà văn, một chất đệm cho câu chuyện thêm gia vị hay có cớ phát triển, mở rộng. Còn thì, MA NET đầy tràn ngôn ngữ net và ngôn ngữ của công dân net, ngôn từ ngày thường của kẻ đường phố, vỉa hè, ngoại ngữ Pháp, Anh nhập nhằng.

Không dừng lại ở đó, Đặng Thân hình như còn làm cú hiếp thứ ba: hiếp thể loại. Lưu ý, người đọc không thấy anh ghi tiểu đề bên dưới tên sách. MA NET là tập truyện ngắn, là tiểu thuyết hay là thơ? Người ta gọi nó là “tập truyện” nhưng ai mà biết được. Mà cũng chẳng cần biết. Tôi gọi nó là văn bản hậu hiện đại. Nói như Lê Anh Hoài: hậu hiện đại đã được Việt hoá. Một lối hiếp chữ nghĩa mới.

Chính ba [có thể nhiều hơn] cú hiếp này đã tạo nên cái độc đáo của MA NET. Và có thể nói, Đặng Thân là nhà văn đầu tiên dám động đến. Không phải không nặng trĩu ý nghĩa, thú vị.

 

Sài Gòn, 2-12-2008.

 

 
----------------
 

_________________________

[1]“Hiếp”, tr. 150.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021