thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những nguyên cớ ban đêm | Nơi chạy chữa cuối cùng | Tiếng gọi ban đêm | Một cuộc đi dạo | Ngồi trên một tảng đá | Ragtime
(Diễm Châu dịch)
 
NHỮNG NGUYÊN CỚ BAN ĐÊM
 
Phải, nhiều lần tôi đã nói về em,
đã lại gần những hình thù nho nhỏ bằng cát theo hình ảnh em,
đã ký kết với sự vắng mặt của em những ước điều liên minh.
 
Nhiều lần, ở những nơi đã lãng quên, ở những nơi tạm bợ,
trong căn buồng bỏ rơi chúng ta khi chúng ta tin tưởng ở nó,
tôi đã nói về em hay tôi đã có thể nói về em,
tôi đã cho tim tôi cái chuyển động có thể tái tạo em,
tôi đã tưởng nhìn thấy mắt em như lý do của những hành động ban đêm,
như sức mạnh dùng để soi sáng bóng tối, để chỉ cho tôi những nơi chốn tôi phải chiếm đoạt em.
 
Trong tiếng lao xao nào của các khách sạn, trong tiếng lao xao nào của tiếng nói dọc theo những hành lang, trong tiếng huýt khẽ nào, tiếng huýt những bài ca đang được ưa chuộng,
đã mất hút những bước chân của tim em, cái khoảnh khắc có lẽ có thật,
cái khoảnh khắc mà thân xác ghi vào trí nhớ khi máu
toan tính cái nhịp điệu của vô tận?
 
Thế rồi tới những nghi thức của mùa Thu,
gió lạnh và mưa đã giữ tôi lại trong căn buồng đơn độc,
không thư từ cũng chẳng có tin tức, tiếng động của nước dần dần trở thành
tiếng động của hồn tôi và những ống xương tôi.
 
Và lúc đó, nhiều lần, tôi đã lại nghĩ tới em,
tôi đã nghe tiếng em cười ở cùng một nơi mà các từ của tôi vật lộn để nói
cái cách em cười ra sao,
trong cùng một không gian – lắng nghe thật tình cờ – mà tên em mở ra như một đóa hoa bao la
dưới ánh đèn ngời sáng, trên câu chuyện lép xép và khói
của thực khách – tiếng leng keng của ly cốc, tiếng ục ục,
những độc thoại nhạt nhẽo và khủng khiếp.
 
Nhiều lần tôi đã nghĩ tới em như thế và theo nhiều cách khác,
nhiều lần tôi đã phớt qua cái đầm lầy tang tóc này để tái tạo em ở nơi sâu thẳm nhất trong tôi,
ở nơi hư ảo nhất và đau đớn nhất,
cũng như trong những cuộc trò chuyện ngẫu nhiên, trong một ánh mắt bất ngờ,
trên những làn môi xa lạ, những vành môi đột nhiên siết chặt lấy chúng ta trong những tấm gương của những từ khác,
trong không gian của những cảm giác khác, của những thân xác khác,
nơi biển và mù sương hiến chúng ta những quy chiếu tối tăm của chúng, những con tầu ma của chúng.
 
Nhiều lần như thế, thật tình cờ, trong những cuộc gặp gỡ
với các thiếu nữ, những người cũng như em đang lắng
nghe tôi, những người cũng như em dường như sắp hiện hữu hay khiến mình bớt thực đi
trong chốc lát, từ một ánh mắt này tới một ánh mắt khác,
và tôi tôi đang phác cái cử động mà ngôn từ luôn luôn thiếu hụt này,
cái cử chỉ thật xưa này, cái cử chỉ tìm kiếm những tặng phẩm của đêm tối,
và tôi tôi nhớ tới em và tạo ra em vội vã hay chậm rãi hay trong lúc công hãm em nơi người thiếu nữ nọ
hay đè bẹp em dưới tiếng cười và những từ của nàng
trên những dòng nước mà em em không làm trôi chảy.
Nhưng tôi tôi đã nói về em, và tôi đã nhớ tới em khi biết sự vô dụng của việc đặt hết từ này đến từ khác trên những hình thù là hiện thân của em,
trên tất cả những nơi chốn từng là những nơi chốn của em.
 
Nhưng tôi tôi đã nói, nhưng tôi tôi đã kiếm tìm những cử chỉ của em, nhưng tôi tôi đã sáng tạo em,
tôi đã trông đợi một nơi trong các từ của tôi hay trong một cái vuốt ve
nơi tôi có thể nắm bắt được một điều gì đó của em,
và tôi đã dừng lại, như thể tôi phải chờ đợi em, như thể tôi phải bước theo em;
nhưng mọi sự lúc này đã có một điều bí ẩn khác, đã nảy sinh từ một dáng vẻ ngoài khác,
và tôi ngờ rằng cái tiếng động của cánh cửa này,
cái tiếng chuông điện thoại đôi khi dường như hãy còn reo vang như hồi ấy,
chỉ là những kỷ niệm của những kỷ niệm,
những chuyển động của cuộc sống mập mờ cắt cụt của tôi thêm nữa về em
đêm hôm ấy.
 
 
NƠI CHẠY CHỮA CUỐI CÙNG
 
Giấc mơ, cái lịch sử không vũ khí này,
cái ý chí hòa nhập với những vành môi này,
cái ước điều với trái tim bị thúc bách hơn của sự khùng điên.
 
Giấc mơ, cái gì sẽ không bao giờ còn thánh thiêng,
là vì không có gì là thánh thiêng trong đêm tối,
là vì thây ma của Lãng tử*trôi giạt trên biển cả,
tóc tai quấn quít, ánh mắt bị những đợt sóng che khuất.
 
Là vì không có gì là thánh thiêng trong cuộc trở lại, và chỉ một lần mà thôi
chúng ta run rẩy thức dậy để nhìn thế giới;
và em em biết thế, nhưng ánh mắt em
chỉ chính xác trong đêm tối.
 
Và tôi tôi vuốt ve em, tôi gia tăng trên thân xác em bóng của cuộc viễn du,
mái tóc em lật ngửa lọt vào quỹ đạo lén lút của máu
trong tấm gương đỏ màu chính nó, trong sự đồng dạng bí ẩn của nó
với nhận thức về Thượng đế.
 
Đêm tối ở kế cận tất cả những gì bốc cháy,
tất cả những gì chúng ta ôm ấp trong một cuộc tàn phá mê say, trong một sự cao cả tăm tối.
 
Trong thân xác em có vôi sống, và lụa, lụa khước từ ngủ êm,
có những điều mà biển ước lượng,
và mùa thu còn mãnh liệt hơn nữa trong tim em.
 
Thế nhưng không có gì là thánh thiêng trong đêm tối này,
trong giấc mơ này, trong cái phương sách cuối cùng để ra khơi này.
 
Tôi sẽ ra phố phường, tôi sẽ thăm dò cái điên cuồng mê say chất đốt,
tôi sẽ viết tên em trên những nơi hoang vắng,
trên những khán đài của những người đàn bà lõa thể.
 
Em hãy làm sáng tỏ bức chân dung, hãy tự xóa mờ dưới những khải hoàn môn,
hãy dựng những chiếc thang theo sự khôn ngoan của em.
 
Ấy lịch sử cuộc trở lại của chúng ta.
 
----------------------------
* Odysseus. (người dịch)
 
 
TIẾNG GỌI BAN ĐÊM
 
Một mùi của những tạo vật ban đêm không tìm được giấc ngủ,
những kẻ nắm giữ tình yêu độc nhất của mình trong móng vuốt, đôi mắt mở ra dần theo nhịp của cơn đói
như theo nhịp của mộng mị.
Một làn hơi tỏa ra của những sinh vật, và trong cổ họng ẩm ướt của họ có lẽ đang rên rỉ Lý trí,
bà nữ hoàng già nua trên long sàng man rợ.
 
Một nơi chốn dành cho món nợ lớn của Thượng đế, dành cho âm thanh của linh hồn trong những ống xương,
một nơi chốn để sáng tạo Trái đất,
một góc kín nơi tiếng lao xao của chính các từ có lẽ là chiếc bóng
của gió trong cửa miệng chúng ta.
Những sự vật bị bỏ rơi ở đâu đó trong những gì chúng ta đã tìm cách nói,
khúc xương Trí tuệ đã gặm mòn cả ngàn lẻ một lần
giữa những tuyên ngôn toàn thắng và những thương tích hòa bình.
 
Một mùi hoang vu hơn cả làn hơi man dã của các đầm lầy, cất lên từ nơi chốn này và những từ này.
Những tạo vật nằm ngủ trong đêm tối hóa thân, ở ngưỡng cửa mơ hồ của mộng,
những nơi chốn bị bỏ rơi, những nơi chốn bị bỏ rơi nơi bụi bặm và cỏ mơn man lẫn nhau, thì thầm diễu cợt
những ngôi đền lớn đổ nát và những bữa tiệc lớn.
 
Ngoài kia, dưới những móng vuốt ác độc của một mặt trời đang ngốn ngấu những con mắt bất động, những cử chỉ bất động, những cuộc tình bất động;
trên những vách đá dựng nơi biển cả quất mạnh lên những dòng nước tiểu
trong khu rừng đã trở thành cọp bởi chơi mãi với da thịt của hừng đông,
trong thành phố đã hạ thủy ban đêm như một tầu hàng lớn mở hội đèn đóm sáng trưng;
ngoài kia, ngoài kia nơi lá khô được bàn tay của một mùa thu vô hình thâu thập lại.
 
Một mùi của những thành phố mà trí tưởng mỏi mệt, sự im lặng của những người chết phủ trùm,
những bờ biển tăm tối nơi mưa vang dội đổ ập toàn thân lên các bãi biển,
những công trường xây cất nơi Quyền bính muốn trở thành Vẻ đẹp,
nơi kẻ ngụy biện phô trương những món điểm trang cho chính sự lên án mình.
 
Một mùi vượt qua cửa miệng tăm tối của nước tù,
những nhà bếp xa hoa tràn ngập những cặn bã và đĩa dơ,
những mẩu xì-gà hút dở, phần rượu vang thừa dưới đáy ly, những chiếc khăn ăn lem luốc;
một mùi nơi xỉn lại ánh ngời của những bình nước,
một mùi nơi cống rãnh cô đọng lại sự buồn nôn với một vẻ êm dịu vô biên.
Những đưồng phố hoang vu dài dặc,
những cảnh trí đô thị được ánh mờ của những vì sao cuối cùng nâng đỡ,
những tiếng lao xao dị kỳ của những sinh vật đào bới và nuôi thân bằng những câu cú nhạt nhẽo, bằng máu nhạt nhẽo.
 
Chờ đợi chúng ta là nơi này, căn buồng này,
nỗi hổ nhục rầu buồn này mà một ngày kia, cùng với nó, chúng ta sẽ soi mình trong những tấm gương,
sự minh mẫn này, sư minh mẫn mà một ngày kia, cùng với nó, chúng ta sẽ kiểm nghiệm những hình ảnh của chúng ta.
Như đang chờ đợi chúng ta cái trí tuệ dài lâu này giữa các côn trùng và mùa hè,
ánh mắt bị phủ che này mà mùa thu và những người chết trao đổi.
 
Như đang chờ đợi chúng ta tiếng cười của các vì sao trong những bể nước đen.
 
Lúc ấy sự khôn ngoan lên tới tột đỉnh nơi con cóc,
lúc ấy là biển ôm hôn những quái vật lộng lẫy của biển,
những xác tầu của biển như những đứa trẻ sơ sinh ghê rợn.
 
Đâu là những kẻ nằm ngủ?
Đâu là những người tình, những kẻ dựng xây thành phố này?
 
(Không có ai trả lời, và những kẻ lao động về đêm
thiết lập những liên hệ đen tối với sự tàn phá cổ xưa của các thần linh.)
 
 
MỘT CUỘC ĐI DẠO
 
Dưới rặng cầu nơi những dòng nước và thời gian tiếp tục chờ đợi,
dưới những giải đáp của tôi, dưới những cây thập tự lùi xa nhất của tôi,
trong những cuộc đi chơi xa mà mê cuồng khuyên bảo, lướt qua một đường phố, lướt qua một từ,
tôi nhìn tôi, tôi lắng nghe tôi, tôi nghe thấy mình ra đi.
Tôi thử những vũ khí xưa này, những bộ máy phủ đầy bụi bặm này,
tôi lảo đảo trong hình ảnh thánh thiêng của tôi,
khi đo lường bộ áo của một cuộc phục sinh không giúp tôi sống,
không thỏa mãn hồn tôi.
 
Khi kẻ chìm đắm của ngôi sao nhìn tấm gương vỡ của mình,
khi người đàn bà ngồi trong những giọt nước mắt như trong một phương tiện chuyển vận,
khi có ai đó dừng lại trước một nỗi đau xưa và siết chặt lấy nó vào ngực
như thể ấy là một bức chân dung thời nhỏ, một chiếc áo sơ-mi cũ không còn hợp với mình nữa,
khi chúng ta nói khi và chúng ta bắt đầu tìm kiếm trên mặt đất của những gì chúng ta cảm thấy, dưới gầm bàn của những gì chúng ta đoán biết,
và khi chúng ta vấp phải chính con thú của mình, chính chiếc bóng của mình kề bên một pho tượng,
tạo vật của nỗi buồn không biết mỏi mệt, của hiểm nguy mê đắm.
 
Thời chúng ta rút đôi tay khỏi những dòng nước chiêm niệm này,
chúng ta rút lại những lợi điểm và linh cảm còn lại của chúng ta,
chúng ta phục sinh vào ngày thứ ba của một vài sự vắng mặt nào đó,
những mí mắt mở ra dưới nỗ lực của một cái nhìn hay của một giọt lệ cất lên
từ đáy mắt như một kẻ được khai quật,
như một người thợ mỏ nắm những vật đỏ trong đôi tay...
 
Và ấy là đêm, ấy là người đàn bà có đôi vú mà vàng ngọc thuận với chúng ta ve vuốt,
và đôi cánh tay chúng ta siết quanh nơi nàng sự vắng mặt mà chúng ta không hiểu được,
đôi cánh tay chúng ta siết quanh nơi nàng tấm thân mà chúng ta rình rập ở đáy biển,
cái đầu xưa cũ ấy của người đàn bà mà mớ tóc dài lãnh nhận sự chuyển động và màu sắc của loài rong biển,
một hình thức nào đó của sự sống chưa được xác định, luôn luôn tản mác ở ngoài vùng sinh trưởng của nó.
 
Và ở trên cao ấy, gần chúng ta, nổi trôi trong vuốt ve mơn trớn như trong một chuyển động khác,
băng qua những cánh cửa của chúng ta và rình rập những cử chỉ của chúng ta,
những lời nói thắng lợi rõ ràng và hiếm hoi của chúng ta,
chiếc bóng của tấm thân không thăng thiên cũng chẳng viễn du nơi chúng ta.
 
Và trên thành phố mùa đông để mặc cho tóc mọc,
những buổi chiều đầy mây trở thành những nơi ký thác của một phiêu dạt ở bên dưới những cuộc đi dạo của tôi,
các từ của tôi bọc quanh chính sự trái gió trở trời của chúng,
im lặng trườn bàn tay trên tấm thân của thắng lợi khả hữu của tôi,
ở đó, nơi tôi sờ nắn mình, có một xảo thuật.
 
Và đêm đêm tôi lại đi dạo,
tôi rút lấy những món đồ trôi nổi trên mặt, tôi nhúng ướt đôi tay để vói tới chúng,
và tôi quan sát chúng và tôi quan sát những dòng nước này,
tựa mình vào lan can của những cây cầu mà sau này có lẽ
tôi sẽ phải vượt qua.
 
 
NGỒI TRÊN MỘT TẢNG ĐÁ
 
Tôi không được chuẩn bị để khóc, tôi không được chuẩn bị để tin ở tôi,
để ghi dấu tự do lên người bằng sắt nung đỏ,
để đánh lạc tim tôi trong Khoa học,
để xáp lại gần tất cả, để bỏ rơi tất cả trong cùng một cơn mưa bụi khẩn khoản,
cả tôi nữa cũng đã ướt sũng vì cơn mưa bụi này, cơn mưa bụi đang rơi trên thành phố.
 
Và bởi thế
tôi không sẵn sàng đối với mọi người, không sẵn sàng để động chạm tới họ bằng lời nói của tôi,
để tim tôi đánh hơi thấy họ mà không ghê tởm, khi đoán biết những sự hắt hơi, nhảy mũi
của chính bóng ma nó.
 
Tôi đã phải ngờ là thế, tôi đã phải bắt chợt mình,
và thấy mình vô sự khi bước ra khỏi hình ảnh mình, tôi đã không cảm thấy kính vỡ ở đâu hết;
ấy là điều lúc đó tôi tưởng
và tôi đã lầm, tôi thú nhận, quả là đã có kính vỡ,
một vài mảnh vỡ đã cắm hờ vào người tôi,
nhưng tôi đã không cảm thấy gì hết là vì vào lúc đó tôi là những mảnh vỡ ấy,
cái bằng chứng quá mong manh này về tôi, cái nỗi dằn vặt khổ sở nhè nhẹ này khi băng qua tấm gương mà không nhìn ra mình,
không một ánh mắt trao đổi, không một lời thánh thiêng.
 
Nhưng giờ đây, không ân hận, không những chuyện tha thứ, không cau có ngầy ngà cũng chẳng có ám ảnh của máu,
tôi chỉ ra khoảng bao la này, cái vết rách rộng lớn này qua đó mặt trời xuống thấp
rải những con sâu nhỏ ánh sáng
những tập đoàn bé nhỏ của một buổi chiều tà đang tan rã, của một linh hồn xóa trắng bằng nước vôi
tùy theo sự không chắc chắn.
 
Và tôi chấp nhận sự hiển nhiên của thành phố này, tiếng gọi yêu thương này, một tình yêu
chưa được ban cho mọi người,
và tôi thấy trên da tôi những dòng giống của đêm tối, những nỗ lực đầu tiên của chúng lập lờ trong ánh mắt tôi,
tìm kiếm tôi trong cái rùng mình mà tôi đã cảm thấy,
cái rùng mình của những điều phỏng chừng...
 
Không, tôi không được chuẩn bị để phát động cuộc xung kích,
thế giới đột nhiên đã già nua,
đêm tối lại thụ tinh mặt trời,
những con thú nhỏ của những ngày tươi đẹp của tôi đã sổ lồng và thoát ra,
có lẽ để đi chết nơi sa mạc;
nơi đã ghi tên tôi những dòng nước chầm chậm tách ra, uốn lượn như thể một đoàn tầu
đã ầm ầm vượt qua những cây cầu.
 
Tôi đã biến khỏi chính sáng tạo của tôi,
và sẽ ló ra lại vào ngày kính cửa của cái chết của tôi tan vỡ,
nhưng lúc ấy sẽ không còn vấn đề tai nạn rủi ro, sự vô tội của cử chỉ;
không, không còn vấn đề không chủ ý đập vỡ những tấm kính này, như một đứa trẻ chơi với một trái banh,
nhưng bằng trán và bằng nắm đấm.
 
 
RAGTIME
 
Tặng Héctor Raúl Valero
 
Nói, nói có lẽ trong những ngốn ngấu của hừng đông, trong đám tro lạnh, trong những niềm xác tín mà không ai còn phải đọc;
nói trong cùng một không gian của một tiếng nói đã không tới được những lời này, đã lạc mất trong tiếng ồn của một câu như câu này;
nói nơi hít thở những gì chúng ta giấu,
những tội ác đã phạm cho chúng ta những người thuộc về một lịch sử khác, lịch sử khác của chính chúng ta.
 
Kẻ gặm nhấm tình yêu không tiếm đoạt bình minh,
kẻ biết thật sát tiếng cười của con linh cẩu, cái giường không viền mép của người hấp hối,
cái bẫy chuột nơi những kẻ tranh ngôi đặt nỗi âu lo của họ như một mẩu pho-mai.
Này đây là phần của tôi trong bữa  tiệc bụi này,
trong ngọn lửa bùng này nơi tôi bỏng cháy những ngón tay vào lúc viết mà nghi ngờ điều tôi nói
khi run rẩy chìm sâu vào sự dã dượi bần thần của những lời nào đó đang lọt tới cổ mình.
 
Này đây là phần của tôi, này đây là phần của tôi trong cố gắng tách rời chúng ta khỏi cái chết,
để uống nước của những hoàn cảnh khác, của một lịch sử khác nơi nhàn cư là hoàn toàn hữu ý.
Này đây là phần của tôi, lúc này khi thành phố bắt đầu khiến những bãi rác nói lên,
trong hồn tôi đã nằm dài một con thú yên tĩnh và sầu muộn.
 
Hãy kể cho tôi đôi chút về tôi: tôi muốn học nói về các người.
Mỗi một từ đến môi tôi mở cửa cho một câu phủ đầy bụi,
một sứ giả không chùi bùn bám dọc đường nơi giầy ống bước vào và ngồi nhìn tôi;
mỗi một từ đến môi tôi mang lại cho tôi một tín điệp tối tăm
về nó, Lời xa lạ và linh cảm, mà tôi vẫn chờ đợi.
 
Và giờ đây những gì tôi nói đưa tôi đi trên những dòng nước của chúng, khiến tôi xoay nhè nhẹ trong một xoáy nước nhỏ,
nhịp của tình cờ thấm hút môi tôi, những âm thanh co rút lại ở nơi chúng sẽ phải đứng thẳng dậy,
những bóng ma lặng lẽ băng qua khoảnh sân trong.
Thế nhưng, thứ bọt nước nào canh chừng trên khuôn mặt tôi?
Thế nhưng, thứ bọt nước nào nhè nhẹ che mờ những lý lẽ của tôi?
Thứ đất sét nào đè nặng trên lưỡi tôi như một lịch sử
đã chết trên ngưỡng cửa của chính lời tuyên án của nó?
 
Con đường của những dòng sông là cái cách thế nhìn chúng ta này,
cái cách buộc chúng ta lệ thuộc trong một khoảnh khắc vào những khuôn mặt, vào ái tình, vào những cái tên,
với những bàn tay không sâu bằng đại dương.
Thế tuy nhiên, bằng cách nào, chúng ta hết thảy đều biết điều đó;
biển cả mở những khung cửa sổ để cho những kẻ chìm đắm nghiêng mình nhìn chúng ta,
và có biết bao là khuôn mặt dường như quen biết đối với chúng ta đang xô đẩy nhau trong những chiếc khung,
đang vật lộn để nhìn ngắm chúng ta, để hít thở đôi chút hướng về phía chúng ta,
khiến cho việc tạo dựng đêm tối không còn nằm trong tay các thần linh,
mà là ở trong những bàn tay chắp lại của những người còn sống và những kẻ đã chết.
 
Và giờ đây những bóng ma của chúng ta ngồi trong những khách thính rộng lớn của mùa thu để chờ đợi chúng ta,
đêm tối kéo buồm lên, và trên đài điều khiển tầu một kẻ lạ mặt
làm sai lạc ý nghĩa và khiến cười vang các bà mẹ, các bà vợ và những đứa con gái còn tân của chúng ta.
 
Máu đánh hơi thấy máu và gió không lướt qua hai lần nơi cùng một tàng cây,
thành phố nở hoa dưới những ánh đèn như vết thương của một đứa trẻ,
tro của đầm lầy làm bằng vàng tuyền.
 
Và cái bước trật của một người say rượu trên đường phố lặng lẽ và tăm tối phân làm hai ký ức của viên ký lục:
bàn tay chập chờn trước ánh sáng của đám máu khô này, lời cảm thán tiêu tan trong những dấu chấm bỏ lửng,
những sự vật được gọi tên tối lại và chính đó là nơi câu nói dứt bỏ các liên hệ với những gì chỉ đủ cho ngôn ngữ;
cái bước trật này phân làm hai tiếng hát của người đàn bà chải chuốt hồn mình trước khi bước vào chiếc giường đơn độc,
và cũng phân chia thời gian của đêm tối như chiếc ly rơi xuống từ đôi tay của một đứa trẻ hãi sợ.
 
Nó phân làm hai thành phố, phân làm hai câu nói nơi kỷ niệm và hành động luân phiên nhau vắn vỏi,
nó phân làm hai lời nói, lời nói bị phân chia như thế phản ảnh nơi chính mình,
nó phân làm hai cố gắng của những người tình để động chạm vào nhau, để tới với nhau và trong sự gián đoạn này có lẽ họ sẽ gặp nhau.
Nó phân làm hai cái gì đã bị phân chia, cái gì người ta không thể động tới là vì chúng ta đã quên mất tên nó, sự tận tụy của nó đối với chính nó;
nó phân làm hai thành phố, phân làm hai cái bước trật của một người say rượu khác trên một đường phố lặng lẽ và tăm tối khác
và một chuyến tầu điện, đèn đóm sáng trưng, dừng lại trống trơn bên chúng ta ở góc đường,
và với những cử chỉ mà chúng ta hiểu rõ, người lái tầu buộc chúng ta phải trao lại cho y những người đã chết của chúng ta, bởi lẽ chỉ có mình y mới được lái cho họ.
 
Thế tuy nhiên có điều gì đó trong bùn và trong ánh mắt của kẻ hành hạ chiếc lưỡi của mình khi miêu tả sự chết,
thế tuy nhiên có điều gì đó trong bùn và trong lời nói của kẻ đã nghe thấy tiếng cánh cửa dập mạnh của trống không,
có điều gì đó dịu êm và bướng bỉnh trong những vết muối tăm tối mà ngày mới sinh để lại trên khuôn mặt của những kẻ vừa chạm tới cảng,
có điều gì đó trong long não nơi áo quần vải vóc cũ mục nát mà không ai thấy,
không những phô trương cơ yếu, không những giao tranh đẫm máu;
có điều gì đó vượt qua kỷ niệm, có điều gì đó đã tới trước mặt chúng ta.
Không quan trọng gì lắm nếu những giọt nước mắt phô những chiếc răng nhỏ, cái vết cắn nhẹ này trên đôi má cũng tựa như một cái tát trong hồn;
và như thế chúng ta cúi đầu, chúng ta muốn dừng lại, chúng ta hạ giọng ở bên trên một lòng giếng trống rỗng,
và có những ánh đèn thành phố nhấp nháy, một chuyển động của tạng phủ trong nghị lực của những kẻ thức dậy mà không sao hiểu được những giấc mơ của họ.
 
Đêm liệng những vòng hoa của mình cho biển,
và thành phố, tựa vào những vách tường của mình, ngồi trong bụi,
sẽ đọc cho viên ký lục chép, và cái bước trật của một người say rượu trên một đường phố lặng lẽ và tăm tối
sẽ phân làm hai câu nói của nó.
 
Giờ đây hãy lắng nghe tiếng chân chuột chạy trên các sắc luật,
hãy lắng nghe tiếng chân chuột chạy trên những kệ sách, trên những chữ ký của những kẻ cai trị,
cũng hãy lắng nghe cuộc viễn du của những người nằm ngủ trên những dòng nước đã mất hút.
 
Ngày mai tôi sẽ nói lời nói trỗi dậy vào hôm sau
nổi trôi trên những bể nước.
Ngày mai tôi sẽ nói lời nói tranh đấu
trong bữa tiệc của những loài thú mùa đông.
 
 
-------------------------------------
Ghi chú về tác giả & bản dịch
 
-- In memoriam Ngô Kha (1935-1973)
 
JOSÉ CARLOS BECERRA là một nhà thơ Mễ-tây-cơ. Ông sinh tại Villahermosa ngày 21.5.1936, học kiến trúc tại thành phố Mexico, và mất vì tai nạn trên đường gần Brindisi, ở đông-nam nước Ý, ngày 27.5.1970. Tác phẩm toàn tập của ông, do Gabriel Zaid và José Emilio Pacheco thâu thập, Octavio Paz đề tựa, được "tái bản đều đặn" ở Mễ-tây-cơ.
 
Ông xuất hiện lần đầu tiên trong văn giới vào năm 1965 với một tập thơ mỏng, in lần đầu một trăm bản, tựa là Lời tăm tối, viết khi mẹ ông mất. Hai năm sau là Relación de los hechos (nxb. Era, Mexico, 1967), được trích dịch ở đây, theo bản Pháp văn của Bruno Grégoire và Jean-François Hatchondo (Récit des événements, nxb. Belin, 2002). Thoạt đầu, José Carlos Becerra chịu ảnh hưởng Paul Claudel và Saint John Perse; kế đó, ông đã xích lại gần José Lezama Lima... Gần đây, Alvaro Ruiz Abreu đã dành cho ông một cuốn tiểu sử phê phán quan trọng tựa là La ceiba en llamas.
 
Relación de los hechos của José Carlos Becerra có bốn phần gồm 29 bài, tôi chỉ mới dịch 20. Tuy nhiên, qua bản dịch vội vàng và không đầy đủ này, tôi hy vọng bạn đọc cũng nhận ra một vài nét chính trong ý hướng và lối viết của tác giả.
 
Tôi đã trình bày với bạn đọc một số bài dịch của J. C. Becerra trên Tiền Vệ, nhưng mỗi lần quả là quá ít ỏi, không thỏa mãn nhu cầu của bạn đọc! Bởi thế lần trước và lần này (là lần chót), tôi xin được giới thiệu toàn thể những bài đã dich của tác giả nhưng chưa đăng, hy vọng không quá lạm dụng lòng tốt của các nhà biên tập Tiền Vệ. J.C. Becerra khiến tôi nhớ đến một người bạn cũ ở Huế, người đã sử dụng những hình ảnh siêu thực trong thơ, theo thiển ý tôi, hay hơn tất cả các nhà thơ Việt-nam từ trước tới 1975 ở cả hai miền. Bởi thế mà có lời tưởng niệm trên đây. Tôi cũng xin thêm bản “mục lục” sau đây để bạn đọc tiện theo dõi thứ tự các bài của J. C. Becerra đã đăng trên Tiền Vệ.
(Diễm Châu)
 
 
MỤC LỤC
TUYÊN NGÔN MÙA THU
 
Phần I:
 
Phần II (trích):
 
Phần III (trích):
 
Phần IV:
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021