thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thi ca dấn thân hay dấn thân vị thi ca? [kỳ II]

 

(Bản cập nhật và bổ sung của bài tham luận
đọc tại Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ,
Omni Dallas Hotel, tháng 9/2011)

 

 

“Không có chuyện thơ mới hay thơ cũ”, dù đặt trong ngữ cảnh muốn nhấn mạnh “thơ hay là được”, đối với tôi vẫn là một thái độ không dứt khoát, đánh mất cơ hội làm mới mình, và tính đột phá trong thơ theo tôi là yếu tố đầu tiên để dẫn dắt, tiên cảm được thơ hay. Dù sao chúng ta cũng sẽ dễ dàng đồng ý là thơ hay không dễ tìm và mỗi nhà thơ có mỗi lựa chọn riêng, cũng như có quyền chọn lựa cho mình một sân chơi thích hợp để thả thơ. Thái độ cách tân quyết liệt và muốn chôn thơ cũ của một số thi sĩ Việt vẫn còn là một thách thức. Dù sao, thơ Việt chắc chắn sẽ đi tới và bắt tay thế giới một ngày không xa.

Có một dạo nghe ông Platon sống dậy rồi chỉ chỏ, trong lúc tôi đang bị mộng du chòng chành trên mặt nước: “Hãy khoác cho thi sĩ một vòng hoa rồi đuổi hắn ra khỏi thành phố.” Như hầu hết mọi thi sĩ, chúng ta chẳng ham chi vòng nguyệt quế, hoặc vòng hoa và danh xưng, có điều sau đó tôi thấy mình hơi bị... “vô tích sự”, hầu như lúc nào cũng giống người đi trên sông, nên bị đuổi ra khỏi thành phố thì chắc cũng đáng mớ đời.

Ơ hay. Không lẽ ông Platon muốn nhắc nhở hay nói bóng gió về “dấn thân”? Ông Platon không muốn giữ thi sĩ lại, vì thi sĩ chỉ trải thơ tình cho những tình nhân yêu nhau hơn và thi sĩ vốn yếu đuối nhạy cảm chỉ cốt đeo đuổi cái đẹp và phục vụ thuần túy cho cái đẹp?

Còn chúng ta, liệu có phải hơn bao giờ hết chúng ta phải làm thơ khác đi? Thơ chắc hẳn không dùng để làm lá chắn cho những chính sách, nhưng không lẽ chỉ để dùng để trang trí, hoặc cho những giải trí tiêu khiển trong chốc lát như kiểu “mua vui cũng được một vài trống canh”? Có một điều lạ với tôi, thơ dở chưa hẳn thuộc loại thơ giải trí, nhưng đọc một bài thơ dở, một bài thơ ẹ có thể chọc cười được thiên hạ như chơi.

Hoặc ngược lại, liệu chúng ta phải viết, phải làm thơ với một ý thức mới và ý thức hệ chính trị?

Viết khác đi là con đường vượt ra khỏi chính thống hoặc phò chính thống, là khẳng định không tuân thủ những điều giả tạo thiếu trung thực có tính nô bộc, đặt hàng, cũ kỹ.

Thi ca dấn thân là nhập cuộc vào những trạng huống, những sự kiện rất thật và “đau đớn lòng”, những tăm tối của lịch sử có một không hai của nhân loại, những giai đoạn chính trị đối lập,... nhưng trên hết vẫn là vẽ ra những dòng kẻ bản tình ca đẹp nhất của quyền được làm người, được phản kháng.

Chất liệu và chất xúc tác của dạng thơ này có nhiều thô nhám cuộc đời, nên thật không dễ để gạn lọc tinh tế, mà không đánh mất yếu tính thơ và những hình tượng của thi sĩ muốn diễn tả.

Phải nói chưa bao giờ thi ca cần cọ xát với thời đại như lúc này, và dĩ nhiên thời đại luôn bao gồm cả thời cuộc, những biến động thời sự, lịch sử, kinh tế, chính trị, nhân văn,...

Thơ một khi đã được viết ra, dàn trải xuống và thả vào đời sống tức là chúng ta phải ký kết với những trách nhiệm ngấm ngầm, trong đó sức mạnh sáng tạo có thể sẽ vượt ra ngoài những “dự báo thời tiết” của thi sĩ.

Ngoài ra, loại thơ dấn thân còn có tên gọi thi ca thời sự, thi ca chính trị, thi ca đấu tranh, thi ca cách mạng, thi ca phản kháng... hoặc dạo sau này còn được gọi là thi ca yêu nước. Chữ Yêu Nước hàm ý về trách nhiệm của một công-dân-thi-sĩ trước biến cố chính trị lịch sử Biển Đông.

Gọi “công-dân-thi-sĩ” không có nghĩa là chúng ta đặt nhẹ vai trò của thi sĩ, bởi khỏi nói chúng ta cũng thừa biết, trước khi hắn trở thành thi sĩ, hắn đã là một công dân. Hắn có thể là công dân hạng hai của một đất nước khác, nhưng với đất nước của chính hắn, thì tuồng như hắn suốt đời cũng vẫn muốn bày tỏ một thứ “tình nước” đặc biệt. Thơ của một công-dân-thi-sĩ cũng có thể là những áng văn bất hủ, như Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi.

Chúng ta còn có thể thấy hình ảnh điển hình ở nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, khi ông dùng bài “Ta Về” của Tô Thụy Yên để trình diễn thơ, và sự xuất hiện của những nhà văn, nhà thơ dấn thân như Nguyên Ngọc, G.S Nguyễn Huệ Chi, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Viện, Nguyễn Thị Từ Huy... trong những công cuộc mùa hè nóng bỏng ở quê nhà vừa qua. Những câu thơ tranh đấu khi đọc lên và trình diễn trước công chúng thì sẽ gây nhiều tác dụng hơn là trên giấy, trên mạng, vì có sự phụ họa, hưởng ứng tức thì của đám đông. Thử nghe nhà văn Nguyên Ngọc đọc Bình Ngô Đại Cáo như: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn / Lấy chí nhân để thay cường bạo” thì thật là hùng dũng. Hoặc qua chất giọng mạnh ấm truyền cảm và truyền lửa của nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt: “...Tôi nhìn bọn nó kéo tôi ra ba đình /bắt quì mọp trước lăng và hình / nghe chúng thét mãi inh tai không biết mệt / NÔ LỆ HAY LÀ CHẾT / NÔ LỆ HAY LÀ CHẾT / NÔ LỆ HAY LÀ CHẾT” thì những câu thơ của thi sĩ Nguyễn Đăng Thường sẽ trở nên hừng hực, truyền đạt vào nhiên điện của con người như thế nào. Gọi công-dân-thi-sĩ chỉ là cách gọi dài dòng trêu chọc cho vui thôi. Gọi thi sĩ là quá đủ, một khi những thứ nhãn hiệu khác chẳng tô điểm thêm cho thứ lương tâm vốn đẹp và không thể thiếu của người cầm bút đích thực.

Vậy liệu biến cố Biển Đông, trong đó có những sự kiện và ý tưởng về sự xâm lăng, nô lệ, nhân quyền... có gây tác động thúc đẩy, chuyển hướng cho đội ngũ sáng tác trẻ? Chất liệu, đề tài, chất xúc tác ấy có khả năng gây ảnh hưởng cho những cảm hứng mới chừng như đang có nguy cơ bị bế tắc của thơ Việt? Liệu chúng ta có quyền hy vọng cho những tài năng và lý tưởng xuất hiện, mở rộng một phong trào Nhân Văn “Nhân” Phẩm thời A Còng chăng? Trong bài nhận định mới đây "Hai cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa" trên Tiền Vệ, nhà phê bình văn học Inrasara đã đưa một kết luận khá sâu sắc, sau khi tổng kết khá nhiều khuôn mặt thơ nhập cuộc: “... thế nhưng dù gì thì bản thân họ là kẻ sáng tạo, họ không thể bỏ quên văn chương” và vì thế theo ông đã “tạo một hiện tượng văn chương lịch sử vô tiền khoáng hậu”. Hình như Inrasara né tránh cách dùng hai từ nhạy cảm “chính trị”, mà chỉ nói trại ra là văn chương lịch sử, thay vì tính chất phản kháng đậm đặc đã làm thành văn chương hay thi ca chính trị.

Với Trần Dần, nhà thơ chân chính này nói thẳng lòng đam mê chính trị, và không cần phải giấu che: “Tôi vẫn quyết Thơ phải khua bão gió / Nhưng hôm nay / ... tôi bỗng cúi đầu / Thơ nó đi đâu? ... Sao những vần thơ / Chúng không chuyển, không xoay trời đất? Sao chúng không chắp được cõi bờ? Non nước sụt sùi mưa / Tôi muốn bỏ thơ /... làm việc khác / Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa / Chút tài mọn... tôi làm thơ chính trị”. “Thủ lãnh bóng tối” là danh hiệu mà nhà văn Phạm Thị Hoài đặt cho ông, trong khi tôi lại muốn gọi ông “nhà sáng chế ánh sáng tự do”, bởi chính vì là người “thủ lãnh bóng tối” nên càng nhận ra được sự chiếu sáng của ánh sáng, như ông. Điều đáng chú ý là những câu thơ “dấn thân” như thế khi đọc lên vẫn là thơ, và là thơ hay.

Những người muốn nhìn nhận vai trò của nghệ thuật theo kiểu “thi ca vị thi ca” thì hẳn nhiên chỉ muốn tiếp nhận sự kiện, biến cố bằng mặt chìm, hoặc không mặt nào hết, như một người đi qua đời và không cần biết “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” để chỉ “là thi sĩ nghĩa là ru với gió / mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Họ cũng có thể “ngụy biện” về tính chất gân guốc khô khốc của những sự kiện chính trị, cũng như muốn phân chia giới tuyến giữa vai trò của một công dân và vai trò của một thi sĩ, cho dù bằng một cách nào đó, chúng ta cũng đều viết với một ý thức chính trị của một con người thừa trách nhiệm công dân. Hơn thế nữa, thi sĩ đích thực là người luôn mang một trái tim nhạy cảm, nhạy cảm một cách sâu sắc nên, hơn ai hết, hắn thừa biết khả năng hạn hẹp của mình trong hiệu ứng cũng như cách ứng xử về chính trị. Tác động của hắn nếu có trước sau cũng chỉ muốn đánh động vào lòng người, chứ không mong đánh động vào lòng... địch. Người ôm trong mình thứ thi ca định mệnh chính trị hẳn nhiên đâu phải là người làm chính trị, mà có thể nói là hắn không ưa gì chính trị, và hắn “dấn thân” chỉ như một phản kháng chính trị, nhất là đối với thứ chính trị trong chế độ độc tài, rồi thì chính trị xôi thịt, chính trị hoạt đầu... Ờ thì đành rằng hắn có mặt trong công cuộc đấu tranh cho tự do, nhưng khi viết xuống hai chữ “tự do”, hắn cũng biết được sự phù hợp hài hòa của mỹ học là điều cần thiết. Những người chuyên “vị thi ca” chắc chắn chỉ muốn biết đâu là giá trị bút pháp nghệ thuật, đâu là hình ảnh, phép ẩn dụ, hoán dụ, cách tu từ,... và nội dung chỉ là những lãng đãng. Buồn cười thật, khi tôi vừa thoáng nghĩ thi ca dĩ nhiên là cần sáng tạo, nhưng chính trị có lẽ cũng rất cần sáng tạo. Tự nhiên tôi yêu và mơ tính đột phá của một Gorbachev sẽ có cho Việt Nam chúng ta. Và có thể lúc đó chúng ta sẽ đặt lại câu hỏi: nghệ thuật hay thi ca nói riêng sinh ra để phục vụ cho cái gì? Câu trả lời ở mỗi thời điểm, mỗi khung cảnh thời đại... tôi chắc là sẽ khác. Chính độc giả là người hiểu rõ hiệu ứng của một bài thơ “dấn thân”. Thơ chính trị của chính khách thường là từ dở đến quá dở, và đâu có gì đáng nói, nhưng rõ ràng là từng lời nói của một người có khí thế tiếng tăm, từng “khẩu hiệu vần vè” ấy vẫn gây tác động “sinh mệnh” lên quần chúng. Cũng may là đa số những chính trị gia cuối đời chỉ muốn viết hồi ký, và thi ca vẫn thường là nơi chốn dành riêng cho những trái tim... thơ.

Đội ngũ sáng tác trẻ ở trong nước theo tôi mặc dù có nhiều ưu việt là được va đẩy với những hạt bụi trần gian, được (hoặc bị) đau với niềm đau tươi rói có thật từng ngày, được sống và được chết với từng đong đếm tự do... Còn với chúng ta, những nhà thơ ngoài nước, “trẻ” theo thời gian tâm lý (không phải vật lý, dĩ nhiên), thì bao giờ cũng có lợi điểm là được tiếp nhận văn học trong thứ dưỡng khí tự do, tiếp cận văn chương quốc tế, và khi thế giới giàu siêu xa lộ thông tin, chúng ta còn không phải vượt tường lửa để có thể mang quê nhà hoặc bất cứ nơi nào trên trái đất lại gần bên mình... Thế lợi điểm này tiếc là không hỗ tương được với thế ưu việt kia, nhất là một khi còn bị gây ảnh hưởng tới tâm thức sáng tạo của mỗi thi sĩ, mỗi nhà văn, rồi thì chính thống, truyền thống, và phi chính thống hiện đại tạo nên một khoảng trống mà những thi sĩ, những nhà phê bình văn học “có lòng” vẫn loay hoay tìm cách lấp đầy, hướng tới.

“Dấn thân” có thể xem là có mặt đúng lúc, để chúng ta vừa sống lại tâm cảm chung, trong hoàn cảnh chung của Việt Nam, vừa đến được với thế giới toàn cầu, nhân loại.

Thi ca nổi bật của những tiếng kêu đối kháng đau thương như của Trần Dần, Phùng Cung... là những dấu cát, mà thời đại vẫn ôm giữ được những cơn sóng.

Những khuôn mặt “dấn thân” đáng kể và đáng nể như Nguyễn Viện, Nguyễn Quốc Chánh, Lý Đợi, Bùi Chát, Đỗ Trung Quân, Trần Hữu Dũng, Thận Nhiên, Trần Tiến Dũng, Liêu Thái, Nguyễn Tấn Cứ, Vũ Trọng Quang, Khuất Đẩu, Bùi Chí Vinh, Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Việt Chiến, Lynh Bacardi, Lưu MêLan, Khương Hà Bùi, Chiêu Anh Nguyễn, Phan Thị Lan Phương, Đoàn Minh Châu, nhạc sĩ Tuấn Khanh... Và dĩ nhiên ở hải ngoại chúng ta cũng không thiếu những khuôn mặt thi ca phản kháng như Nguyễn Đăng Thường, Lê An Thế, Phan Nhiên Hạo, Hoàng Xuân Sơn, Vương Ngọc Minh, Nguyễn Tôn Hiệt, N.Nguong, Bắc Phong, Nguyễn Hoàng Tranh, Nguyễn Thị Thanh Bình... Và dĩ nhiên bao giờ thì sự liệt kê cũng... còn dài!

Ở đây, để làm ví dụ, tôi chỉ thử trích một bài thơ khá dấn thân và vượt trội, đã xuất hiện cách đây những 160 năm ở Pháp. Bài thơ vượt thời gian, không gian đến độ bất ngờ, nên chúng ta vẫn có thể tìm được sự đồng cảm rất Việt Nam lúc này. Tôi chỉ xin trích một số câu kết trong bài “Lời Cuối Cùng” của văn hào Pháp Victor Hugo, bản dịch của Phạm Nguyên Phẩm, mặc dù sự toàn bích của cả bài thơ làm tôi phân vân muốn trích nhiều hơn; khi lòng vinh danh tổ quốc của thi sĩ khá độc đáo, như một trao gởi kiêu hãnh tới Thượng Đế:

 
Con chấp nhận sự lưu đày gian truân, dù mãi mãi,
Không quản ngại. Dù trong số lưu vong,
Có một hay nhiều người, đáng ra nên ở lại.
Lại ra đi, vì nản chí, xiêu lòng.
 
Nếu chỉ còn nghìn người, con không trống vắng,
Nếu còn lại một trăm, con chiến đấu đến cùng,
Con sẽ là người thứ mười, nếu còn một chục.
Nếu chỉ còn một người, người đó là con.
 

Không thể nghi ngờ gì nữa, bài thơ đã cho ta thấy trong vài trò của một nhà thơ, ông lại là một chiến sĩ cầm bút bảo vệ tự do, mà tự do dĩ nhiên bao gồm cả tự do phản kháng, tự do lên tiếng bằng chính tác phẩm đầy thi vị của mình.

Với thi ca dấn thân, tác phẩm luôn luôn biểu hiện được một thái độ, một tiếng nói mạnh mẽ đôi khi còn át luôn cả những tiếng động giấc ngủ mộng mị của đời sống. Và do đó có thể làm giật mình một số thi sĩ đang chỉ muốn nằm “run với gió”, hoặc mơ màng nhảy xuống ôm trăng như Lý Bạch. Một thứ thi ca vị thi ca không còn hợp thời, hợp tình và hợp lý trong muôn ngàn kinh thiên động địa của cuộc sống hôm nay.

 

[Còn tiếp]

 

 

------------

Đã đăng:

Thi ca dấn thân hay dấn thân vị thi ca? [kỳ I]  (tiểu luận / nhận định) 
... Lẽ nào chúng ta đang ở trong một thời đại mà thi ca bị đời sống có quá nhiều thứ náo động vây khổn đến mức chỉ còn như để trám vào khoảng trống lấp liếm? Lẽ nào những tiếng hú, tiếng tru, tiếng hét, tiếng thét, tiếng hát... của cả một hiện tượng thi ca phản kháng lại không đánh thức hoặc “đánh phá” nổi giấc ngủ an lành của quý vị đang nằm “run” với gió, “rụng” với lá cây...? ... (...)

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021