thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trần Vũ: Những suy nghĩ về ngày 30/4

 

Bài phỏng vấn dưới đây do nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện. Một bản câu hỏi đã được gửi đến nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước. Tiền Vệ sẽ lần lượt đăng tải loạt bài này.
 
Tiền Vệ

 

_______

 

TRẦN VŨ: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4

 

Sau ngày 30 tháng 4, trong Nam phát xuất một từ: “đổi đời”. Những giá trị hôm qua vụt biến mất, tất cả lật ngược. Thang điểm Trí, Lễ, Nghĩa bị dập xoá, bị xem là Khổng giáo, phong cách Tư sản, hoặc văn hoá Ngụy. Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay không sống những ngày này, nên đôi khi không thông hiểu cộng đồng thuyền nhân. Một vài cây viết trẻ trong nước kết án bên ngoài quá khích, nhưng nếu chính họ sống cảnh gia đình mình bị tịch biên tài sản, cha, anh, chú, bác vào trại tập trung, bản thân họ lầm lũi trên chiến trường Kampuchia cho các quan chức giàu sang... họ sẽ nghĩ gì? Đa phần, tuổi trẻ hôm nay cũng sẽ tìm đường ra đi như tuổi trẻ hôm qua. Rồi thoát ra ngoài, so sánh tình trạng độc tài và tụt hậu tại quê nhà với các xứ Tự do, có thể đọc những quyển sử không tuyên truyền mà ghi lại tội ác thật sự của các chế độ Sô-Viết bên Nga, bên Tàu, Cuba... tuổi trẻ Việt Nam cũng sẽ nhận chân Đại Thắng Mùa Xuân 1975 là một sự đánh tráo xương máu của dân chúng.

Các chính uỷ thường biện minh bằng câu nói của Kennedy: “Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho mình mà hãy tự hỏi mình đã làm gì cho đất nước?” Tất cả chúng ta cùng biết, dân chúng các xứ Tự Do không ai còn đặt câu hỏi cách này nữa, mà hỏi ngược: “Tiền thuế của dân, chính phủ dùng làm gì?” Thảm kịch 30 tháng 4 đã khiến toàn dân Việt mất quyền tra vấn chính quyền, và phải nhai mãi những khẩu hiệu “vĩ đại/ đời đời/ nhớ ơn/ sống mãi”.

Quay về câu hỏi của Thanh Bình: tìm tên gọi khác cho ngày 30 tháng 4-1975? Với tôi, chỉ có thể là Ngày Chiến thắng của cái Ác và Ngày của Tan vỡ. Vì tất cả vỡ tan từ ngày này, từ bên ngoài vào đến trong gia đình mình. Nếu ly tán, phân ly, kiểm kê, cải tạo là bi kịch trong từng mỗi gia đình miền Nam, sự sụp đổ của một xã hội xây dựng trên truyền thống đạo đức từ ngàn xưa kéo theo sự tan vỡ của nền tảng đạo đức ấy. Vì sau 30 tháng 4, phía Chiến thắng không có một hệ thống giá trị nào khác để thay thế những giá trị mà họ phá huỷ. Chủ Nghĩa Mác-Lê không là một hệ thống đạo đức.

Chính từ khoảng trống đạo đức này ở cả hai miền Nam-Bắc sau 1954 và sau 1975 đã làm phát sinh ra tình trạng bất lương, vô lương tâm trong cùng khắp các lĩnh vực bây giờ.

Với hai câu thơ “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”, Nguyễn Duy đánh đồng vàng thau lẫn lộn.

Mỗi cuộc chiến có một hệ quả riêng biệt. Trong chiến tranh lạnh đối đầu giữa Khối Xã hội Chủ nghĩa với Khối Minh ước Bắc Đại Tây dương, rõ ràng là chiến thắng của phía Tự Do tại Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Đông Đức đã đem đến một đời sống tốt đẹp hơn cho dân chúng các xứ này. Nhìn sang hai xứ Cao Ly, chúng ta càng thấy rõ, với một chiến thắng quân sự của Bắc Hàn, số phận dân Nam Hàn sẽ thê thảm. Ngược lại, nếu Bắc Hàn sập rồi sáp nhập vào Nam Hàn như Đông Đức với Tây Đức, một cưu mang không hận thù và tương trợ là khả dĩ. Trên nước Đức thống nhất, đã không xảy ra cảnh công an, sĩ quan quân đội Đông Đức bị tập trung cải tạo, rồi khi tha về bị ép hiến nhà đi Kinh Tế Mới.

Kết thúc chiến tranh Việt Nam, Đại Thắng Mùa Xuân 1975 ít nhiều đã “cải thiện” miền Bắc từ tivi, tủ lạnh, xe máy đến nhà ở, và gia đình của 3 triệu đảng viên phút chốc “lên đời”. Chỉ cần nhìn vào những ngôi nhà mặt tiền ở Sàigòn, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Lạt là thấy: Chủ mới mang giọng nói của phía chiến thắng. Chủ cũ vượt biên hay bị đẩy lùi vào trong những ngõ hẻm. Thật sự, nếu không có các quốc gia đệ tam nhân đạo cho phép thuyền nhân sinh sống, con cái được ăn học bình đẳng với dân bản xứ, rồi từ sự thành đạt nơi quê người họ lại gửi tiền về giúp thân nhân, số phận của dân miền Nam đã đen tối. Nhìn vào những suất du học cho sinh viên “tự túc” và “không tự túc” càng thấy rõ tỷ lệ chênh lệch giữa hai miền. Ai? Ai trong số những nhà văn, nhà thơ của Hội Nhà Văn Chiến Thắng đã viết về thân phận của phía bại trận? Không một dòng chữ. Trong lúc các nhà văn của Hội Nhà Văn nhận các suất chiêu đãi du lịch Âu-Mỹ, các nhà văn miền Nam đã tù đày, lầm than, hoặc phải lìa quê hương ngôn ngữ văn chương của họ. Rứt ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, không riêng những nhà văn, với từng người Việt là một đau đớn tinh thần. Gấp vạn lần nỗi đau vật chất.

Không. Không phải như Nguyễn Duy viết: “Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Chính phe Độc Tài chiến thắng thì dân chúng mới bại.

 

Trần Vũ

 

 

-------------

Đã đăng:

11.05.2012
Phan Xuân Sinh: ... Cho nên cái ngày 30 tháng 4 năm 1975, cái ngày hoà bình thực sự trên đất nước cũng mở đầu cho cái ngày lao khổ mà chúng tôi nhận lãnh. Lúc đầu chúng tôi nghĩ rằng dân tộc hoà bình, thống nhất. Xoá bỏ tất cả để xây dựng. Nhưng người thắng trận quyết trả thù, phủ lên đầu chúng tôi những tội danh mà chúng tôi chưa hề hay biết... (...)
 
10.05.2012
Lưu Nguyễn Đạt: ... Chúng ta có thể ngày nào đó tha thứ, bỏ qua, nhưng không bao giờ quên nổi tai ương quốc nạn của biến cố 30 tháng Tư 1975 và của những chính sách bạo tàn liên hệ... (...)
 
09.05.2012
Đinh Từ Bích Thúy: ... Khi mặc niệm về ngày 30 tháng 4, trong lúc này, gần bốn thập niên sau biến cố, Thúy thấy cái nhìn của mình không chỉ giới hạn trong khuôn khổ Việt Nam. Nó đã được hoàn cầu hoá, một phần vì những biến chuyển thế giới gần đây, như cuộc cách mạng ở Tunisia, Ai Cập, Lybia, Syria... [...] Mong rằng những người dân Việt ở Việt Nam đã và sẽ được hứng khởi, bừng mắt bởi những cuộc nổi dậy ở Trung Đông, cũng như những hành động dũng cảm của các nhà đối lập như Lưu Hiểu Ba, Lưu Hà, Ngải Vị Vị, Trần Quang Thành, v.v..., và tin vào khả năng tác động sự chuyển hoá của chính họ... (...)
 
08.05.2012
Nguyễn Hưng Quốc: ... Bi kịch của cá nhân thì nên quên. Nhớ, không ai chịu đựng nổi. Nhưng bi kịch của cả dân tộc thì phải nhớ. Quên, người ta đánh mất cơ hội để trở thành giàu có, sâu sắc. Và nhất là, trưởng thành. Với cá nhân, nước mắt là đá, nặng trĩu, kéo oằn người ta xuống; với dân tộc, nước mắt là ngọc trai, trong giếng Mỵ Châu, tỏa sáng, lấp lánh, làm người ta đẹp hơn. Và cũng cao hơn... (...)
 
07.05.2012
Chân Phương: ... Tôi hình dung đó là một bầy khủng long bằng sắt thép đêm ngày dò dẫm khắp rừng núi Trường Sơn tiến về phương Nam; nhưng khi chiếm được Sài Gòn thì nhanh chóng diễn ra tuồng kịch bi-hài của bọn khủng long chỉ có bộ óc không to hơn bát gạo bao nhiêu!... (...)
 
06.05.2012
Trần Trung Đạo: ... Tôi có một niềm tin sâu xa vào tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam. Giá trị của một con người không phải được thẩm định khi người đó bị xô ngã nhưng ở chỗ biết đứng lên và đi tới. Dân tộc Việt Nam cũng thế, đã bị xô ngã trong ngày 30-4-1975 nhưng đang đứng lên và đi tới... (...)
 
05.05.2012
Nhã Thuyên: ... Những bài học lịch sử ở trường phổ thông về “ngày giải phóng”, “chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”,... cũng như rất rất nhiều những kiến thức, nhiều quan niệm, nhiều “giá trị” tôi chỉ còn nhìn như những cụm từ rỗng nghĩa (nhưng không vô nghĩa). Tôi quan tâm đọc những gì mọi người viết về ngày này như một quan tâm về lịch sử-sống, những người có kí ức về nó đang kể lại, những tâm sự của những người chứng, là bên này hay bên kia, của bè bạn phương xa, của kẻ lạ, hay tôi quan sát, hỏi han, lắng nghe từ những người bình thường như chú xe ôm, bà hàng nước... (...)
 
04.05.2012
Phùng Nguyễn: ... Có những cái loa sẽ không bao giờ ngưng nghỉ việc phát ra tiếng ồn, đặc biệt những vu khống nhằm bôi đen đối phương của mình. Những tuyên truyền láo khoét mà tôi gọi là “nọc độc văn hoá” này lâu ngày sẽ trở thành những thực tế lịch sử không thể đảo ngược. Tôi cho rằng những vết nhơ văn hoá/lịch sử này cần phải được lật tẩy và xoá bỏ... (...)
 
03.05.2012
Hoàng Chính: ... Hiểm họa Hán hoá của những năm Bắc thuộc đã tỏ tường. Và người ta cũng chẳng bận tâm che giấu. Tôi đang nhìn thấy những ngày xuống biển mò ngọc trai, lên rừng săn voi lấy ngà, gom góp vàng bạc đúc tượng những ông Khổng, ông Trang, ông Mao, ông vân vân và vân vân... gửi về phương Bắc... (...)
 
Hồ Đình Nghiêm: ... Tháng 4, để mình lục soạn trí nhớ thử, từ cái cớ đau thương nọ hình như chưa có bài thơ nào gây ra xúc động? Mình luôn mang nỗi hoài nghi: Khi bạn chạm mặt buồn đau, tang thương nghiệt ngã, chắc bạn sẽ thấy bất lực khi muốn dùng chữ viết để bạch hoá nó ra. 37 năm qua, mình chưa đọc phải một cái gì nhức nhối về “cải tạo” về “vượt biển” về “lưu vong”... (...)
 
02.05.2012
Nguyễn Ngọc Bích: ... Đất nước chỉ còn có một hy-vọng độc-nhất, đó là đặt lên vai những tuổi trẻ hôm nay, những tuổi trẻ như Việt Khang, Huỳnh Thục Vy, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Quốc Quân... và nhiều người còn trẻ hơn thế nữa! Họ là những con người trong sáng, không bị gánh nặng của quá-khứ đè trĩu trên vai, và đã từ lâu họ nhìn ra không còn Quốc-Cộng ở trong hàng ngũ họ nữa, chỉ còn “nghĩa đồng-bào” con Hồng cháu Lạc, con Rồng cháu Tiên!... (...)
 
Trần Mộng Tú: Ba mươi bảy năm rồi, người ta nói là Việt Nam đã hết chiến tranh, người dân đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhưng trên mạng, người Việt trong và ngoài nước vẫn có những dòng chữ gửi đến cho nhau mang theo những thông điệp thật buồn: Việt Nam tôi đâu? Người dân mất nhà, mất đất. Gái Việt bán sang Đài Loan. Gái Việt xếp hàng lấy chồng Đại Hàn. Không có Tự Do cho Việt Nam. Ngư dân Việt bị tầu Trung Quốc bắt ngay trên biển của mình. Nước Việt âm thầm mất dần từng mảnh cho Trung Quốc... (...)
 
01.05.2012
Nguyễn Tôn Hiệt: ... Tôi nghĩ, để “băng bó vết thương chung của dân tộc” thì, trước hết, ta không nên nhầm lẫn nó với những chiêu bài “hoà giải hoà hợp” giả hiệu. Không thể “băng bó vết thương chung của dân tộc” bằng cách tự đánh thuốc mê, tự chích thuốc tê, tự tẩy trắng mọi ký ức đau thương, khi vết thương thật sự vẫn còn nguyên trong tâm hồn và trên thể xác của biết bao người. Không thể “băng bó vết thương chung của dân tộc” khi những kẻ gây ra vết thương ấy không hề biết nhận lỗi, không hề biết sửa đổi, mà cứ tiếp tục dối trá, cứ tiếp tục tạo ra những tội ác mới, những sai lầm mới, cứ tiếp tục ca múa, giăng cờ, cụng ly trên chính vết thương ấy... (...)
 
30.04.2012
Bắc Phong: Tôi vẫn muốn gọi ngày 30 tháng 4 là ngày Quốc Hận vì tôi là công dân của nước Việt Nam Cộng Hoà bị mất vào tay Cộng Sản ngày đó năm 1975. Tôi buồn nhiều vì, giống số phận đau thương của nhân dân miền Bắc, nhân dân miền Nam cũng phải sống khổ dưới sự thống trị của Đảng Cộng Sản từ đó đến nay và chưa biết còn đến bao giờ nữa... (...)
 
Uyên Thao: ... Thời điểm đó, tôi đã nói với bạn bè là tôi thấy cuộc chiến không hề chấm dứt mà chỉ chuyển sang một đoạn đường mới kể từ ngày nào Sài Gòn rơi vào tay Cộng Sản. Trong nhận thức của tôi, cuộc chiến đang diễn ra dù gọi tên là gì, dù được giải thích ra sao thì thực chất chỉ là cuộc chiến do yêu cầu bảo tồn sự sống của người Việt trước nguy cơ huỷ hoại sự sống của một tập đoàn mê muội cuồng dại mà thôi... (...)
 
29.04.2012
Liêu Thái: ... Cứ mỗi dịp tháng Tư về, vườn nhà tôi thi thoảng nghe chó sủa đêm rồi lại tru, mẹ tôi bảo đó là chó sủa ma. Và mẹ tôi cũng nói rằng còn quá nhiều oan hồn uẩn tử, âm khí quá nặng, nên tháng Tư về, song hành với tiếng reo hò chiến thắng là tiếng chó tru đêm đầy rẫy trên quê hương. Và, đâu đó trong góc khuất cuộc đời, những oan hồn đang thở dài nhìn hiện tình đất nước, nhìn những người bạn năm nào giờ đang lưu lạc... Cứ như thế, đất nước vật vờ trong nhịp buồn tháng Tư – tháng Oan Hồn... (...)
 
28.04.2012
Nguyễn Viện: ... Tôi vừa đọc lại cuốn Chuông gọi hồn ai của Hemingway, cũng là cuốn sách viết về cuộc nội chiến Tây Ban Nha, và tôi nhớ có đoạn Hemingway để cho nhân vật của mình nói, đại ý: Cần phải có một cuộc giải tội tập thể cho cả dân tộc, bất kể anh ở phe nào. Vâng, tôi ước ao có một ngày mọi người dân Việt dù đang sống ở bất cứ đâu, cùng dành ra một giờ để xưng tội với nhau và xin tha thứ cho nhau. Cho cả những người đã chết, đang sống và sẽ sinh ra làm người Việt... (...)
 
Cảm tưởng về ngày 30/4  (tiểu luận / nhận định) - Nguyễn Thị Thanh Bình
... 37 năm nhìn lại với tôi là một chặng đường tuột dốc thê thảm: tước đoạt của mọi tước đoạt, tham tàn trên cả tham tàn, lừa mỵ phản trắc không diễn tả nổi. Những chiếc bánh vẽ to tướng mà đến cuối đời nhà thơ Chế Lan Viên mới tuồng như thấu hiểu, thì người ta vẫn thay phiên nhau tọng vô họng nhân dân... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021