thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Phi thường và hữu hạn

 

 

PHI THƯỜNG VÀ HỮU HẠN

 

Steve Jobs đã qua đời tối thứ tư 6-10!

Người ta chỉ cần biết có thế trong bản tin! Bởi vì nói đến tên ông, người ta đã biết ngay ông là ai. Nói đến chuyện ông không còn trên cõi đời này nữa, người ta đã biết ngay vì sao. Và người đưa tin, hay người viết, có thể chẳng cần nói gì thêm, nhưng người nghe đã thấy con tim rạn vỡ trong thương cảm, tiếc nuối, ngậm ngùi cho ông, nói riêng, tê tái cho con người nói chung. Trong mấy tháng nay, người ta chờ đợi, có lúc quên lúc nhớ, sau khi thấy ông rời khỏi chức vụ lãnh đạo công ty Apple vì e rằng không còn đủ khả năng làm việc được nữa, nhưng ở mỗi chúng ta nỗi chạnh lòng thì vẫn luôn luôn canh cánh một bên — cho đến lúc bùng nổ khi ngồi trước máy và thấy đâu đâu cũng là tin dữ về ông. Trong thời nay, những năm gần đây và cả những năm sắp đến, khó thể tưởng tượng được ai đã qua đời hay có thể qua đời nay mai mà có thể qua mặt ông về những gì ông để lại trên thế gian này và trong lòng của mọi người khi ông tạm lìa đời để bước qua một kiếp khác (Steve là một Phật tử thuần thành).

Có người Mỹ nào, nói riêng, và người trên quả địa cầu này, nói chung, khi nhắm mắt đã làm cho cả thế giới phải thảng thốt, ngậm ngùi trước những mất mát to lớn, trước hết của chính ông, và từ đó của chính loài người vì người ta nay đã mất ông và sẽ không còn có thể biết thêm, hưởng thêm những gì phi thường ông có thể làm ra, đem lại. Nói đến ông, người ta hãnh diện nói đến sự “siêu phàm” không tưởng được của con người, không bao giờ ngưng nghỉ trong việc tìm kiếm những cách vươn tới trước để làm cho cuộc sống của loài người luôn luôn mới hơn, tốt hơn, kỳ diệu hơn — đúng như điều ông nói “chúng ta có mặt ở đây để điều khiển vũ trụ này” (We’re here to put a dent in the universe). Nhưng khi ông im lặng nằm xuống, nhắm mắt xuôi tay, người ta như muốn chùng lại trong nỗi tuyệt vọng trào dâng trước một sự thật muôn thuở của đời người, cho thấy giới hạn khắc nghiệt của kiếp sống trước qui luật sinh, bệnh, lão, tử.

Chúng ta chẳng cần nhắc đến những phát minh kỳ diệu mà Steve Jobs, được 56 tuổi khi từ giã chúng ta, đã không ngừng làm ra cho loài người trong 30 năm nay — ai cũng biết hay cũng nghe nói, nhưng chẳng phải ai cũng hiểu hết, thấy hết những sản phẩm tân kỳ của ông và tác dụng cách mạng của chúng trong đời sống hiện đại. Chỉ một con người mà tên tuổi đã gắn với bao nhiêu sản phẩm tạo ra những biến chuyển tích cực, đổi đời trong cuộc sống của con người thời nay, thường bắt đầu bằng chữ i (Apple II, Macintosh, iTunes, ipad, ipod, iPhone, iMac). Nói đến tính “cách mạng” đối với con người, loài người trong những phát minh, sáng chế của Steve Jobs, chúng ta không khỏi liên tưởng đến chuyện nhân danh “cách mạng”, tức là thay đổi con người, từ tư tưởng đến hành động, và thay đổi trật tự xã hội mà nhiều cuộc cách mạng đã làm cho hàng trăm ngàn, hàng triệu người thiệt mạng trong khi cuộc sống của con người chẳng có gì thay đổi thực sự, mặc dù đó là một cuộc vận động lịch sử của “tập thể”, của “giai cấp”, của “quần chúng”. Steve Jobs, như Triệu Tử Long chỉ một người một thương một ngựa ở Đương Dương Trường Bản, đã làm một cuộc cách mạng không đổ máu, và thực sự thay đổi cả cách người ta sống, làm việc, giải trí, liên lạc, quan hệ với nhau rất nhiều, đến mức nhiều tác giả đã không ngại viết rằng ông đã làm nên một nếp văn hoá mới có tính cách toàn cầu hoá, globalization, là điều mà những nhà kinh tế trong bao thời đại từ hai thế kỷ nay thường nói đến — mà chẳng ai làm được! Dĩ nhiên, trong cuộc sống, con người khi đã có qua nhiều tiện nghi, khi trong tay là những phương tiện tân kỳ nhưng cũng quái ác, thì Steve Jiobs, một Phật tử đã “đắc đạo” khi đi “thỉnh kinh” ở Ấn Độ khi chưa dến 20 tuổi, chắc cũng thấy, có những nguy cơ tội lỗi và cả tội ác không lường được cho chúng sinh. Đời sống ngày nay của thế giới, của quốc gia, của xã hội, của con người, thêm phức tạp vì những phương tiên kỹ thuật, công nghệ quá tân kỳ. Nhưng trong cuộc sống, người ta vẫn phải đi tới, và vấn đề không phải là trả giá hay không, mà phải trả giá nào, con người sống vừa phải ngăn chận suy thoái, vừa phải kiểm soát lạm phát.

Hai ngày qua, nhiều người đã viết nhiều về cuộc đời của Steve Jobs, đến cha mẹ đẻ của ông đã từng bỏ ông, đến cha mẹ nuôi của ông cho ông ăn học, đến quá trình học vấn dang dở của ông, đến những nghiệp chướng trong đời riêng, đến con đường ngộ đạo của ông, đến tính cách khai phá trong công nghệ, trong kinh doanh của ông, đến phương cách quản lý và chinh phục thị trường của ông, đến cuộc chiến đấu gấn cả thập niên chống căn bệnh ung thư quái ác. Ông là người luôn luôn tự tin, miệt mài vươn tới trước, làm cái mới, không phụ thuộc vào thị hiếu hiện có nơi con người, và tin rằng người sản xuất thì phải sáng chế, phát minh ra thị hiếu mới để nắm được thị trường và vươn lên “trên đỉnh thế giới” (top of the world). “Trong nhiều trường hợp, người ta thường không biết họ muốn gì cho đến khi ta chỉ ra cho họ thấy,” ông nói. Đúng là chỉ sau khi ông đưa ra mấy cái sản phẩm chữ i đó, iPod, ipad, iMac... người ta mới gật gù thấy mấy thứ này hay thật, mình cần chúng mà không biết!

Nhưng trong sự hối hả trong những phát minh của ông, có điều này chúng ta nên thấy. Từ năm 2003, ông đã hiểu rắng có lẽ mình chẳng còn bao lâu nữa, và phải chọn cách sống thế nào đây trong những ngày cuối — khi mình còn trẻ chưa đến tuổi chết vì già nhưng vẫn phải chết. Ông từng tâm sự cách đây tám năm, nghe bác sĩ nói, ông tưởng mình chỉ còn sống được từ ba đến sáu tháng nữa. Và khi đã quyết định từ đây đến ngày đó ông phải sống thế nào, ông dường như càng ngày càng sáng ra. Lao đầu vào công việc một cách được mô tả là “kiên quyết, ngoan cố, quên mình, độc đoán”, ông vẫn tự trang bị cho mình những triết lý sống trong hoàn cảnh chầu chực trước cửa tử. Trong những năm cuối, bao giờ ông cũng có những câu nói “gở”.

Nói chuyện trước sinh viên của Đại Học Stanford trong ngày lễ ra trường năm 2005, ông không chỉ tâm sự mà còn nhắn nhủ những thế hệ sau phải mạnh dạn hành động trước những sự lựa chọn trong cuộc sống. Ông nói: “Nhớ rằng mình sắp chết là cách hay nhất mà tôi biết đế tránh được bẫy rập bế tắc khi nghĩ rằng mình đang mất một cái gì đó” (Remembering that you are going to die is the best way I know to avoid the trap of thinking you have something to lose). Một cách nào đó, ông trở nên gần gũi với Jean-Paul Sartre, người từng nói “Địa ngục, chính là những người khác” (L’enfer, c’est les autres). Steve Jobs nói “Thời gian của ta hữu hạn, cho nên ta đừng hoang phí nó khi sống cuộc đời của người khác” (Your time is limited, so don't waste it living someone else's life.” Và ông thúc giục “Ta phải tìm cho ra mình yêu thích cái gì” (You’ve got to find what you love), và “Hãy có can đảm để đi theo con tim và trực giác. Chúng phần nào đã biết những gì ta thực mong muốn trở thành” (Have the courage to follow your heart and intuition. They somehow already know what you truly want to become). Người ta nói ông chống giáo điều, dễ hiểu là vì nó tiêu diệt sự tưởng tượng và sáng tạo của con người mà chỉ là sự chạy theo cái đã có. Ông chủ trương thể hiện trong cuộc sống “focus and simplicity” — sự tập trung và đơn giản: đơn giản là cứu cánh, là mục đích, và chỉ có tập trung, con người mới có thể khiến cho sự phức tạp trở thành đơn giản. Người ta nói trong cách ăn mặc của ông cũng thể hiện triết lý đó: một cai quần jean, một cái áo cổ rùa, và có khi đi chân đất trong sở làm. Ông chỉ biết sống trong khi chờ đợi cái chết, và ông nhìn cái chết một cách nhân quả: “Cái Chết rất có thể là phát minh độc đáo nhất của Cuộc Sống. Nó là tác nhân tạo sự thay đổi cho Cuộc Sống. Nó dọn dẹp cái cũ để mở đường cho cái mới” (Death is very likely the single best invention of Life. It is Life's change agent. It clears out the old to make way for the new).

Ông đã nhắm mắt. Nhưng cám ơn ông, nhờ thế chúng ta đã mở mắt rõ hơn trước thân phận con người — sự phi thường và hữu hạn của mình.

 

 

 

-----------------------

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021