thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Meet and greet CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN của Lê Vĩnh Tài (phần I)

 

Bạn thật vui khi được giải thích
Mùa xuân ấm áp như thế nào
Khi tôi ra về
Bóng tôi đổ dài trên đường phố
Tôi không bao giờ mặc quần áo màu đen
 
Đồng hồ trên tháp nhà thờ
Đã dừng lại lúc 7 giờ sáng ngày 5 tháng 1 năm 2012
Các tờ báo buổi sáng không đưa tin
Một toà nhà màu xám ở góc đầm
Đã được phá bởi 100 anh công an mang súng
 
Và sau đó bạn chỉ cho tôi xem đồng hồ của mình
Có các chữ số La Mã
Tôi không nhìn thấy cánh tay
Vì cánh tay mắc bận mang bàn tay
Và bàn tay mắc bận bóp cò súng
Bạn muốn tôi tự hiểu
Thời gian ngay sau đó
 
                  (Trích: CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN – Lê Vĩnh Tài)

 

Trên đây là khúc dạo đầu của trường ca CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN [gồm 3 phần: 1: CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN (hay 20 bài thơ cho cánh đồng Tiên Lãng); 2: CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN (hay 11 bài thơ tiếp theo cho cánh đồng Tiên Lãng); và 3: CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN (hay khúc vỹ thanh cho cánh đồng Tiên Lãng)] của Lê Vĩnh Tài, đã đăng trên Tiền Vệ. Và, sau đó không lâu, những người bạn trẻ đã có cuộc gặp mặt ngẫu nhiên bàn luận về trường ca này, tại quán thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, ngay thành phố tác giả đang sống. Nhưng vì một số lý do khách quan, không có mặt tác giả, và tác giả cũng không hề hay biết gì về buổi Meet and Greet này.

Những người dưới đây được viết tắt tên, bạn đọc có thể thông cảm cho cách “giữ tên” như thế này vì vấn đề khá nhạy cảm. Cũng như một người khéo léo là người biết đứng xa con vật hung dữ sắp chết, người cất kỹ cái tên, trong thời điểm này, cũng có chút khéo léo của họ... Nhóm gồm 5 người, bốn nam và một nữ.

 

BC: Có thể nói đây là trường ca mạnh nhất, về mặt cấu trúc, nó hiện đại hơn mọi trường ca đã có ở Việt Nam, và trên góc độ nội dung, nó mở ra một cái nhìn mới.

 

ĐD: Tôi thì nghĩ khác, vấn đề đầu tiên phải xem nó có phải là trường ca? Căn cứ trên những tiêu chí, tiêu chuẩn nào để xem nó là một trường ca?

 

KD: BC nói kỹ hơn về cái nhìn mới mà bạn vừa nêu đi!

 

BC: Cái nhìn hoàn toàn mới nữa là khác, nó phản ánh tinh thần phản tư, thông qua giọng điệu giễu nhại và đầy phản biện, nó thể hiện nỗi bất bình của người nghệ sĩ trước thực trạng xã hội, mà cái thực trạng này rõ là có nguyên nhân, phát xuất từ sự trí trá, gian manh của giai cấp lãnh đạo, của tư bản đỏ, nó cũng cho thấy độ mục ruỗng của cái xã hội anh ta đang sống... Độc đáo là nó dám nhìn thẳng, không mơ hồ, không than gió khóc mây. Nó vỗ penalty thẳng vào mặt kẻ xấu, nêu đích danh vụ cánh đồng Tiên Lãng. Thông qua đó, nó cũng cho thấy sự gian dối của luật nhà đất Việt Nam.

 

LĐ: Bạn nói luật nhà đất? Nó phản ánh gì về luật nhà đất? Nó là thơ mà, cụ thể tôi chưa thấy câu thơ nào nói về luật?

 

BC: Ồ Không, nó không phản ánh trực tiếp, nhưng nó phản ánh cái nhìn khinh thị của một nghệ sĩ vào bộ mặt chính phủ của cái đất nước mà anh ta đang sống, thông qua thi ca của anh ta. Thì ông thấy đó, Việt Nam chưa hề có luật nhà đất, bộ luật nhà đất thật ra là thứ qui định một chiều, áp đặt và xảo trá.

 

ĐD: Bạn vui lòng nói rõ hơn?

 

BC: Một khi đã nói về luật nhà đất, đương nhiên anh phải xác lập nhà đất là một tài sản, phải có quan hệ sở hữu khi nói đến tài sản. Nhưng, ở Việt Nam thì không có chuyện này kể từ năm 1975 đến nay. Có nhiều lý do để nó như vậy, nhưng có hai lý do chính: Sự kiện những tài sản nhà đất trước 30 tháng 4 năm 1975 bị chiếm đoạt sau 30 tháng 4 năm 1975, và sự kiện quản lý nhà đất phiến diện, có lợi cho đảng phái, mà cụ thể ở đây là đảng cộng sản. Tôi xin nói hơi dài, thứ nhất, nếu như xác lập quyền sở hữu nhà đất, thì những người có quyền sở hữu nhà đất trước 30 tháng 4 năm 1975 sẽ quay lại đòi nhà, đòi đất họ từng sở hữu, mà diện nhà này bây giờ đã mang ra chia toàn bộ cho cán bộ cộng sản tập kết Bắc Kỳ, vậy lấy gì mà trả? Và trả rồi thì cán bộ ra đường mà ở à? Nên không có quyền sở hữu nhà đất trong chế độ cộng sản. Lý do thứ hai, viện cớ đất của toàn dân, nhà nước quản lý, mà nhà nước là ai, là cộng sản chứ còn ai nữa!

 

MC (nữ): Nhưng vấn đề quyền sở hữu, bạn vẫn còn lan man, chưa cụ thể?

 

BC: Quyền sở hữu, có ba thuộc tính căn bản: Chiếm dụng; Sử dụng; Định đoạt. Nhưng bạn hãy xem lại, ở Việt Nam chỉ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu là thổ cư thì sử dụng lâu dài, đất vườn, đất ruộng thì sử dụng ngắn hạn. Vậy thì con người chỉ được hưởng một phần ba quyền sở hữu. Nghĩa là anh bỏ ra nhiều đời, bỏ tiền, bỏ công sức ra để cải tạo đất, anh vẫn không được phép chiếm dụng nó, cho dù anh bỏ ra vài chục tỉ đồng để mua miếng đất, nói là mua nhưng anh không có quyền chiếm dụng, chỉ được sử dụng để xây nhà, làm vườn, mở quán... Và phải đóng thuế, nguy hiểm nhất là có sự cố. Ví dụ như có một công trình thuộc dự án nhà nước đi qua mảnh đất anh đang ở, nhà nước sẽ đến chiếm dụng và định đoạt giá cả của nó, cho dù cái nhà anh vài chục tỉ mà nhà nước định giá nó vài tỉ thì anh cũng cắn răng mà chịu, giỏi lắm thì tìm mấy ông nhà đất, bà dự án, quan chức để đút lót, xin xỏ người ta định lại giá cao hơn một chút. Như vậy, cho dù anh bỏ tiền ra bằng ở các nước tư bản để mua đất, nhưng anh không có quyền chiếm dụng và anh cũng không có quyền định đoạt trên mảnh đất của anh. Vậy cũng đồng nghĩa với anh hoàn toàn không có quyền sở hữu tài sản của anh. Vậy thì gọi là gì? Làm sao gọi là luật nhà đất được, mà là qui định một chiều, áp đặt. Mọi quyền lợi vẫn thuộc về đảng cộng sản. Vậy người dân còn gì? Một khi người ta không có quyền sở hữu, không được an cư lạc nghiệp thì khác nào sống trên đống lửa, nó cháy giờ nào mình chạy giờ đó. Và hơn nữa, một khi người dân không có quyền sở hữu thì nhà nước cậy quyền thế, muốn làm gì thì làm, nhân phẩm và nhân quyền sẽ bị chà đạp... Đủ thứ hết!

 

MC: Nhưng vấn đề quyền sở hữu thì liên quan gì đến thơ Lê Vĩnh Tài? Liên quan gì đến trường ca CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN?

 

ĐD: Tôi thấy có đó, nó có liên quan đến trường ca này, và chính vì thế mà bạn BC cho rằng đây là trường ca hiện đại nhất. Theo chỗ tôi thấy, nó được chia làm ba phần, phần đầu phản ánh thức tại, phần hai diễn giải thực tại và phần ba giễu nhại thực tại. Mà giễu nhại thực tại cũng là một cách dội gáo nước lạnh vào Hội Nhà văn Việt Nam – một cái hội nhân danh hiện thực, nói toàn những chuyện nhân bản lớn lao, trong khi chuyện con người bị chà đạp hiển hiện trước mắt thì im hơi lặng tiếng, chẳng có lấy một lời. Nếu nói không ngoa thì cái Hội này là một bầy cừu, được sinh ra, nuôi nấng để lấy lông, những bộ lông của nó chỉ làm đẹp cho kẻ đã cho nó ăn, chẳng làm ấm được thế giới này, kể cả đồng loại của nó và bản thân nó. Thế mới chán chứ!

 

MC: Liệu bạn có nói quá đáng?

 

ĐD: Ồ, không hề quá đáng, nếu không nói là đã nói giảm rất nhiều! Ông thử nghĩ, văn nghệ Việt Nam sống dựa vào đâu? Ồ, tôi xin giới hạn chữ “văn nghệ” trong những hội nhà văn cấp trung ương và cấp tỉnh thôi nhé, họ sống dựa vào nhà nước, mọi thứ kinh phí đều do nhà nước cấp, đến chỗ ăn ở, đi trại sáng tác, nghiên cứu gì gì đó... Nhưng hằng năm họ làm nên trò trống gì đâu, nếu không nói vô hình trung họ là một đám cực kỳ xội thịt. Nhưng để có xôi thịt cho họ, bắt buộc phải dựa vào kinh phí nhà nước, mà kinh phí nhà nước thì lấy ra từ thuế của nhân dân. Nhân dân đổ mồ hôi, xương máu nuôi họ, để rồi họ xu phụ kẻ cầm tiền của nhân dân, họ có nghĩ gì cho nhân dân đâu, trong một nghĩa nào đó, họ chẳng khác nào một lũ ăn hại sống bám nhân dân!

 

MC: Vậy yếu tố nào cho thấy đây là một trường ca?

 

(Còn nữa)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021