thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Meet and greet CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN của Lê Vĩnh Tài (phần II)

 

 

Bạn vẫn còn tang vật là một khẩu súng hoa cải?
Làm người ta phải
Cố quay về phía tối của trái tim
 
Những gì bạn sử dụng như một thỏi chocolate của kẻ đang yêu
Lại làm vẹo xương sống những người ghét bạn
 
Bạn đã làm gì với cánh đồng muối của bạn?
Mà những kẻ bất nhân chảy nước dãi
 
Và làm thế nào bạn biết khi đắp một đoạn đê bao
Làm mặt trăng khuyết một nửa gầy hao
Trên móng tay của thời tham lam vô độ
 
Với những gì bạn khắc lên con dao
Là bạn làm lưỡi của họ múa may
Đến khi miệng đầy máu
 
...
22.
 
Bạn không thể gọi người ta là đầu bếp
Dù người muốn chiên xào cả gia đình bạn
Muốn luộc vợ con bạn
 
Bạn cũng không thể gọi người ta là Vua
Vì Vua không bao giờ chơi trò ruồi súng đạn
 
Bạn cũng không thể gọi người ta là Thánh
Vì Thánh dù sai lầm nhưng lòng không chai sạn
 
Bạn cũng không thể gọi người ta là Người
Vì Người không thể hoá thành mưa rơi
Trên mắt
...
 
23.
 
Một người quản lý tốt có thể
Mang lại ánh hoàng hôn dịu dàng cho bữa tối
 
Một người quản lý tốt có thể
Mang lại màu xanh trên tóc trẻ thơ
 
Tôi buộc chặt tất cả những mạch máu hồng hào của mình quanh cơ thể
Không phải sợi dây cháy nổ của kíp mìn
Để cùng bạn tin rằng
Những người quản lý tốt nhất đã từng như thế
 
                  (Trích: CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN – Lê Vĩnh Tài)

 

ĐD: Theo tôi thấy, đây là một trường ca, nói vậy không có nghĩa là trước nó và sau nó, ngoài tác giả đã sáng tạo ra nó, chưa có tác phẩm nào đề cập đến thực trạng xã hội. Mà đã có nhiều nữa là đằng khác. Điều này không cần bàn cãi thêm, vì chỉ cần lên Tiền Vệ, Da Màu... thì có thể đọc nhiều tác phẩm như vậy. Nhưng chỗ tôi muốn nhấn mạnh là một tác phẩm dài hơi về mặt sự kiện, thông tin, thái độ nghệ sĩ sáng tác, tiêu điểm được đề cập, thì có lẽ CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN là tác phẩm đầu tiên đạt được những tiêu chuẩn này. Đương nhiên, những tiêu chuẩn này không phải là tiêu chí để xét một tác phẩm, nhưng chí ít nó cũng cho thấy nét dị biệt giữa tác phẩm, thái độ của tác giả này khác như thế nào so với những tác giả khác trong cùng một thời đoạn.

 

MC: Theo chỗ tôi thấy thì khác, bạn cứ bảo đây là một trường ca, rồi lại là trường ca hay nhất. Đồng ý, nhưng các tiêu chuẩn mà bạn đưa ra nó không đủ để thuyết phục rằng đây là một trường ca. Mà theo tôi, đơn giản, đây là một tổ hợp thơ gồm ba phần, như tác giả đã tự phân chia trong tựa của mỗi phần. Đương nhiên, đây là tổ hợp thơ mới lạ, chí ít cũng mới lạ trong mặt bằng thi ca đương đại, nó có tiêu điểm như bạn nói.

 

KD: Điều mà bạn nói không sai, nhưng chưa đầy đủ, vì nếu xét rằng CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN là một tổ hợp thơ, thì hầu như mọi tập thơ của các nhóm Mở Miệng, Năm Con Ngựa Trời, và ấn phẩm của các nhà xuất bản “ngoài luồng” như Giấy Vụn, Lá Chuối, Da Vàng, Minh Châu, Bạn Bè, Lề Bên Trái, Một Mình, Kông Kốc... Mỗi ấn phẩm của họ là một tổ hợp thơ hàm chứa một cái xương sống của chủ đề, có nghĩa là nó hàm chứa ý hướng xã hội, ý tưởng nghệ thuật và tư tưởng xuyên suốt của tác giả. Mỗi bài thơ là một mảnh rời tâm thức, và cộng tất cả những mảnh rời đó lại, sẽ cho ra một đáp án nghệ thuật mà tác giả gửi gắm. Nói như vậy để thấy rằng không riêng gì tác giả Lê Vĩnh Tài mới có tinh thần phản tư trong thi ca.

 

BC: Ồ, bạn đã đi quá xa ý của tôi và ĐD, ý tôi muốn nhấn mạnh đến độ dài, độ bền phản tư thâu gọp trong một tác phẩm, và hơn hết, tác phẩm này nêu đích danh sự kiện Tiên Lãng, nó nói thay nỗi bức xúc của đương sự, và hơn hết nó được nói bằng ngôn ngữ thơ, nó phát biểu một cách tự nhiên về một dấu mốc lịch sử.

 

MC: Dấu mốc lịch sử? Bạn vui lòng đi sâu vào luận điểm này?

 

BC: Thật ra, lịch sử không chỉ nằm gói gọn trong những trang sách được mệnh danh là chính thống, là chính danh, là thuận nhĩ một giai cấp, một chế độ nào. Mà lịch sử là những diễn biến có tính cách mạng trong từng giây phút, nó có thể nằm trong sách vở, và nó cũng có thể nằm trong dân gian, trong những gì thuộc về ngoại vi, “phi chính thống”. Bởi lẽ, xét về lịch sử và người viết sử chính thống trong thời đoạn hiện tại, câu chuyện gia đình anh Đoàn Văn Vươn sẽ được xem là một sự quấy nhiễu nào đó, nó chỉ dừng ở mức thông tin, một câu chuyện của một người chống đối chính quyền để đòi đất, để giữ quyền lợi của mình, thậm chí, đây còn được xem là một câu chuyện quá khích trên phương tiện thông tin nhà nước. Nhưng xét về mặt lịch sử, tiến trình dân chủ của một dân tộc, thì sự kiện Tiên Lãng – Đoàn Văn Vươn lại là dấu mốc lịch sử đáng nhớ về thái độ đấu tranh dân chủ cho bản thân, và thông qua đó, gióng lên tiếng nói đòi công bằng, đòi dân chủ, đòi quyền lợi chính đáng của một con người trong tiến trình nhân loại, đặc biệt là hồi chuông báo động này được gióng lên từ một góc khuất, từ ngoại ô, từ nơi hẻo lánh của một đất nước chưa kịp mở cửa... Chính vì vậy, CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN là một cách đánh dấu lịch sử bằng thi ca và thông qua thi ca, tác giả phát biểu cảm xúc của mình về vấn đề đã đề cập.

 

ĐD: Liệu chúng ta có đi quá đà khi bàn về thi ca mà đặt nặng vấn đề chính trị và nhấn mạnh giá trị lịch sử của nó?

 

MC: Vậy theo bạn ĐD, khi nói về thi ca thì nên nói những gì?

 

ĐD: Theo thiển ý của tôi, thi ca, dù gì nó vẫn phải đảm bảo yếu tính thi ca, nó đừng nên dấn sâu hoặc lấn sân vào chính trị, lịch sử, bởi những khía cạnh này đã có sứ mệnh riêng của nó. Chính vì thế, khi chúng ta bàn về CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN mà lại quá nhấn mạnh đến chính trị cũng như lịch sử, thì e rằng chúng ta đã lạm bàn về hai thứ này bằng cách mượn thơ, mà cụ thể là mượn CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN. Theo chỗ tôi thấy, văn học, đơn giản nó chỉ phát biểu cảm xúc thuần tuý của người nghệ sĩ. Nếu đi quá đà một chút, e rằng bị hố...

 

MC: Theo tôi thấy thì lại khác, nếu thi ca không hàm chứa tư tưởng thì nó không còn là thi ca. Bằng chứng: những tác phẩm từ xa xưa Hy Lạp cổ đại cho đến những tác phẩm Việt Nam như truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương... đều chứa đựng giá trị tư tưởng, và cũng chính nhờ vào giá trị tư tưởng mà chúng tồn tại cho đến bây giờ. Bạn thấy đấy, thơ Hồ Xuân Hương không nhấn mạnh đến nữ quyền thì nó có còn là thơ Hồ Xuân Hương? Cũng như truyện Kiều, câu chuyện xoay quanh trục kể về một cô gái bị lênh đênh mười lăm năm trong trường gà trận điếm, bị ô danh thất tiết, nhưng tác giả vẫn chứng minh rằng sâu thẳm bên trong cô gái điếm Thuý Kiều là một giá trị làm người đích thực, là một bậc tài hoa... Thời của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, mấy ai chấp nhận quan điểm sáng tác của họ, mấy ai thấy được giá trị của họ? Tất nhiên trong tác phẩm của họ còn chứa đựng cả cái nhìn về chính trị, lịch sử, và chính cái nhìn này xuyên suốt tác phẩm, nó làm nên diện mạo nhân vật trữ tình. Đây là điểm khác biệt giữa họ và người cùng thời. Trở lại CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN, tôi chưa và không có ý định đặt tác giả của CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN ngang với những tác gia kia, dù trên góc độ nào. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu không mổ xẻ vấn đề chính trị và lịch sử trong tác phẩm này, thì câu chuyện sẽ rất giới hạn, không có gì để bàn.

 

ĐD: Nhưng khía cạnh nghệ thuật trong CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN vẫn chưa được đề cập?

 

LĐ: Theo tôi, nếu bàn về thi ca mà cứ khăng khăng hỏi đâu là nghệ thuật của nó, rồi lại thi ca là tiếng lòng hay gì gì đó, thì e rằng thi ca sẽ chẳng đi đến đâu và không nên bàn thêm làm gì cho mệt hơi! Tôi đã nghe rất nhiều người nói rằng trong thơ không nên dính đến chính trị, triết học hay lịch sử, mà đơn giản thơ là thơ, nói vậy thì ai nói chẳng được. Nhưng khi hỏi lại vậy cái “thơ là thơ” ấy là gì, thì im re. Vì sao? Vì hoặc là người ta sợ hãi, không dám nhìn thẳng sự thật, hoặc là người ta nói suông vì không hiểu biết bao nhiêu mà ưa nói nhiều, nói to tiếng, mượn cái mơ hồ mà tung hoả mù... Theo chỗ tôi thấy, một người nghệ sĩ, đứng trên phương diện nào anh cũng là người phát biểu cho cái xã hội anh đang sống. Và đó là tư tưởng của anh. Và tư tưởng của anh đạt ở trình nào thì lại hoàn toàn biểu hiện qua thái độ làm việc, thái độ sống, tồn tại và đánh giá thế giới chung quanh anh. Một người nghệ sĩ phải biết sống thật và nói thật nỗi thao thức của mình.

 

MC: Vậy thế nào là nói thật, sống thật, ý vậy không lẽ chỉ có những nghệ sĩ vỉa hè, ngoài luồng mới sống thật, nói thật?

 

LĐ: Ồ, tuyệt nhiên không phải thế, tôi nghĩ tất cả đều sống thật, từ sống thật với sự thật cho đến sống thật với cái giả dối của mình đều là sống thật cả. Ý tôi muốn nói ở đây là sống thật với cái không phải của đám đông, không phải của phe nhóm và thế lực mà sống thật với cái anh đã và đang suy tư về thế giới chung quanh anh. Vấn đề này dài dòng và hóc búa!

 

ĐD: Với công việc hằng ngày của bạn là nhân viên bưu chính đi đưa thư, bạn thấy mình sống thật chưa? Nếu có thì đã sống thật với cái gì?

 

LĐ: Xin lỗi, lẽ ra bạn không nên nói ra nghề nghiệp tôi ở đây, và càng không nên đem công việc của tôi vào buổi này, vì lẽ, chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, tôi tôn trọng con người hậu hiện đại, tôi tự thấy mình như thế. Nghĩa là sao? Nghĩa là trong thế giới phẳng này, mọi người bình đẳng với nhau. Và trong thế giới hậu hiện đại, giữa tác giả và độc giả luôn có mối tương tác, đôi khi, độc giả là một tác giả n nào đó, là người tái tạo tác phẩm thông qua cách nhìn nhận của họ. Nói như vậy chỉ vì tôi muốn chúng ta cần rõ ràng một thái độ giải trừ trung tâm. Đừng đặt nặng chỉ có nhà văn mới bàn chuyện văn chương, nhà thơ mới bình thơ. Sai lầm! Và vô hình trung bạn đặt bạn vào trung tâm khi bạn nêu nghề nghiệp của tôi ở đây. Để làm gì? Chỉ có bạn làm thơ mới được nhận định, còn tôi làm anh đưa thư thì không được sao?

 

ĐD: Không, bạn hiểu sai ý tôi rồi! Ý tôi muốn chúng ta đi vào trọng tâm tác phẩm CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN, đừng lan man, vậy thôi!

 

KD: Vậy trọng tâm mà bạn muốn nói là gì?

 

(Còn nữa)

 

----------------------
Tác giả xin lưu ý:
Vì một số trùng lặp ngẫu nhiên, những chữ viết tắt tên của các nhân vật trong bài viết như LĐ, BC, MC, KD, mới đọc vào dễ hiểu nhầm theo thói quen và ngộ nhận (nếu có) là: Lý Đợi (LĐ), Bùi Chát (BC), Khúc Duy (KD), Minh Châu (MC). Tác giả lưu ý, những nhân vật trong ghi chép không phải là Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy và Đoàn Minh Châu. 

 

 

------------

Đã đăng:

... Cái nhìn hoàn toàn mới nữa là khác, nó phản ánh tinh thần phản tư, thông qua giọng điệu giễu nhại và đầy phản biện, nó thể hiện nỗi bất bình của người nghệ sĩ trước thực trạng xã hội, mà cái thực trạng này rõ là có nguyên nhân, phát xuất từ sự trí trá, gian manh của giai cấp lãnh đạo, của tư bản đỏ, nó cũng cho thấy độ mục ruỗng của cái xã hội anh ta đang sống... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021