thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Meet and greet CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN của Lê Vĩnh Tài (phần III)

 

 

BC: Trên phương diện ngôn ngữ, có thể nói CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN là một trường độc thoại mà trong đó tác giả đã chọn nhiều điểm đứng khác nhau để nhìn về một sự việc. Và cũng chính từ những điểm nhìn khác nhau đó, đối tượng quan sát trở nên đa chiều, đa diện. Tôi xin nhấn mạnh, đối tượng ở đây chính là sự kiện Đoàn Văn Vươn, sự kiện này được nhìn qua nhiều lăng kính trên nhiều chiều kích, thang bậc cảm xúc khác nhau bởi sự đan xen giữa cảm thức xã hội với cảm thức văn nghệ, giữa suy tư văn học và ám ảnh thực tại, giữa nghi vấn tồn tại của giá trị nghệ thuật với khuynh hướng sáng tạo cá nhân, giữa dấu ấn độc sáng trước tương tác con người... Cứ như vậy, mọi lát cắt hiện dần ra trên giọng điệu giễu nhại, đôi khi bông lơn, phiếm luận. Nhưng, ẩn đằng sau cái bông lơn, phiếm luận ấy chính là cách thế của một người tự giễu nhại về sứ mệnh thi ca của chính mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với anh ta đang giễu nhại sứ mệnh chung, sinh quyển chung mà văn giới đang cố gắng “dấn thân” vì nó... Càng đọc CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN, càng thấy cái vô nghĩa và phù phiếm của thời đại văn nghệ trung tâm hay nói đúng hơn là càng thấy rõ gương mặt cũ kĩ và tâm hồn trống rỗng của văn nghệ có “chủ trương”.

 

ĐD: Nhưng, tôi vẫn thấy có điều gì đó không ổn trong trường ca này. Xét trên khía cạnh xã hội, nó cũng không tới, xét trên góc độ nào, vẫn thấy nó đi nửa vời.

 

MC: Nếu bạn nói thế thì e rằng chúng ta phải đặt lại câu hỏi về sứ mệnh của thi ca cũng như báo chí. Vì lẽ, thi ca không phải là báo chí, vả lại nó có cách đặt vấn đề theo kiểu của nó – thi ca. Và đừng bao giờ tìm một sự “tới” nào ở nó, tới là tới đâu? Bạn phải đặt tác giả vào bối cảnh xã hội anh ta đang sống, theo tôi nghĩ, viết đến độ như vậy là đã tới lắm rồi; thứ nhất, nếu như bạn yêu cầu nó đi sâu vào lát cắt xã hội, e rằng trở nên sống sượng, và việc này dành cho thông tin, báo chí sẽ hay hơn. Còn nếu bảo rằng nó không nên dính đến chính trị, đó là cách nói không được tử tế cho mấy với thi ca. Tôi nghĩ rằng, bất kì một hành vi nhỏ nào của một con người đơn lẻ nào đó trên mặt đất, đều có mối tương quan chính trị của nó, bạn không thấy hoặc cố tình không thấy đấy thôi. Vì đời sống con người bị xô lệch, bị va đập bởi những cái đầu chính trị, xã hội trở nên sinh động và phức tạp cũng do chính trị, thi ca đến và đi từ đời sống. Không thể nói theo kiểu làm nghệ sĩ không dính đến chính trị, tôn vinh cái đẹp. Đó là một cách lừa mị chính mình và đánh tráo sứ mệnh của nghệ thuật, đánh tráo cả khái niệm và tâm linh.

 

LĐ: MC nói như vậy nghe hơi có vẻ trầm trọng hoá vấn đề, nhưng trên thực tế thì vẫn có lý của nó. Mình thì nghĩ đơn giản hơn bạn, đơn cử ví dụ này:... (32.) Tôi chỉ có một lựa chọn/ Tôi không thể thở được, tôi không thể ngủ được/ Nhưng người ta vẫn bắt tôi phải thề/ Trước Vua của các ông vua, Chủ của các ông chủ/ Thiệt tình tôi cũng thấy là sao sao đó/ Chẳng thà đất nước thanh bình/ Chứ không lẽ người nông dân lại đồng tình/ Kêu xe ủi cày lên số phận chính mình/ Thành đám sình/ Lầy lội/ Nhưng tôi vẫn chấp nhận/ Để còn được leo lên sân khấu đọc thơ vào mỗi Nguyên Tiêu/ Tụ bạ đàn hát véo von/ Ăn uống khá ngon/ Ra vẻ mình cũng là nhà thơ quốc tế/ Vé máy bay mua rất dễ/ Nhân dịp mấy ông bà Tây đang đi chơi đông quá thể/ Cứ việc gieo vần ê ê/ Nhưng bài thơ muốn nhà thơ giữ một lời hứa/ Rằng tôi vẫn yêu em/ Ngày em bước xuống cánh đồng chổng mông đào và đắp đất/ Mệt đến chừng vỡ mật/ Bán mọi thứ cho trời/ Bán luôn cuộc đời/ Của các con mình/ Vào những đám sình/ Ngập mặn/ Bị mắc kẹt bởi sức mạnh đê tiện và sự lừa dối của ngôn ngữ/ Nhà thơ chôn đầu mình vào cát bỏng/ Nhà thơ không sợ nóng/ Không sợ ngạt thở/ Chỉ sợ thơ/ Thiếu tiền/ Đi chợ (33.) Pháp luật của họ sẽ đối đầu với bạn/ Bạn phải hoạn nạn/ Bạn đừng chửi rủa tôi/ Bạn đừng kỳ vọng vào tôi/ Tôi cũng chỉ là một nhà thơ/ Không phải nhà thờ/ Khi bạn chết nhà thờ sẽ đổ chuông/ Cho linh hồn bạn...

Trong giới hạn một số câu thơ của một chương (cũng có thể nói là giọng điệu chung của tập thơ cũng dựa trên căn bản này) tác giả đã phân mảnh mình ra thành từng mảnh li ti, mà trong mỗi mảnh li ti ấy lại hàm chứa một phân cảnh xã hội của tác giả, cũng thông qua những phân cảnh xã hội đó, tác giả tự độc thoại với mình, đặt ra những câu hỏi về thiên chức và sứ mệnh của thi ca cũng như thiên chức và sứ mệnh của người sáng tác. Điều đó dường như rất ảm đạm và xám xịt trong cách nhìn của tác giả.

 

KD: Bạn nói rằng nó ảm đạm và xám xịt? Bạn biện giải thêm về nó đi! Theo chỗ tôi thấy có một số người quan niệm rằng thi sĩ thời hiện đại mà đặc biệt là thời Hậu hiện đại phải là một người giàu trên mọi nghĩa. Chẳng hạn: Anh phải tiêu xài như một đại gia, yêu như một con thiêu thân, lãng mạn như một thằng điên và làm tình như một cái máy... Điều này cũng có lý vì trong thời đại này nếu chuyện ăn mặc ở còn là một vấn đề gây khốn đốn, trở ngại thì làm sao có những bài thơ hay. Mà “hay” là cái quái gì nhỉ?

 

LĐ: Vì chí ít, trong đoạn thơ này cũng khái quát được nỗi bất an và sự mâu thuẫn giữa thi ca và chén cơm manh áo, giữa cái hư danh và văn nghệ đích thực, giữa cái lừa mị, mõ làng và sự thật tối hậu của chữ nghĩa. Một thi sĩ? Anh đang làm thơ? Anh đang cầm bút và là nhà văn của Hội Nhà Văn? Tất cả, dường như cho thấy bộ lông, chiếc vỏ bọc nhiều hơn là bản chất. Vì tự thân anh chưa bao giờ dám nói, được nói hoặc có thể nói về những gì mà tâm linh, tinh thần anh đang rỉ máu, cái điều anh nói sao thấy cứ nhàn nhạt, lờn lợt, mờ mờ ảo ảo... Vừa đủ để có một cái gì đó anh hiểu, có một cái gì đó độc giả hiểu và có một cái gì đó cả hai cùng không hiểu, cuối cùng, anh rơi vào trạng thái nước đôi. Mà trò chơi nước đôi chỉ phù hợp với những cuộc trốn chạy lương tri, để tìm kiếm một sự an toàn trước công an văn hoá, trước tương lai sự nghiệp. Đương nhiên đây là sự nghiệp không dính dự gì đến thi ca. Và cứ thế, khởi sự là thi ca, đến với thi ca, tuyên xưng cuộc chơi dấn thân với thi ca, nhưng điểm đích là một ẩn số tư lợi, hoàn toàn xa lạ với thi ca. Có thể nói đây cũng là căn bệnh chung của giới được phép xưng danh là nghệ sĩ ở Việt Nam. Cả một nan đề! Đương nhiên mình nói vậy không đồng nghĩa với chuyện mình cổ xúy cho những bài thơ viết cứ tựa vè tuyên truyền trên cảm thức Hậu hiện đại...

Vì thật ra, nếu làm vậy, Tố Hữu cũng có quyền xưng danh ông ta là nhà Hậu hiện đại số một, và không chừng, những ông bụng chứa đầy bia và râu bốc toàn mùi lông gái tơ, tâm hồn chứa toàn điều ám tối và cơ hội, man trá đều tuyên xưng đời sống của ông ta là một cách thế khác của Hậu hiện đại. Xin thưa, cái này cao siêu quá, sẽ bàn kĩ hơn ở một dịp khác!

 

ĐD: Tôi thì rất khoái giọng văn giễu nhại dựa trên cấu trúc không cấu trúc của Lê Vĩnh Tài. Thật ra, đọc từ đầu chí cuối, bạn nên nghĩ rằng đây là một dạng thức khác của lối chơi ngông Thủ Thiệm Quảng Nam trong thơ của một tay thi sĩ phố núi. Khó mà tìm cho ra cấu trúc của một trường ca, nhưng gọi nó là trường ca thì không sai chút nào. Nó đảm bảo chiều sâu và chiều dài của một truyện kể ngầm bên trong chữ nghĩa đầy giễu nhại. Nó mô phỏng và khái quát được hiện tình đất nước, và hơn hết là nó khái quát được sự xuống cấp của đạo đức văn nghệ trong giai đoạn hiện thời.

 

KD: Cũng có lý, nhưng nghe sao rối mù và khó hiểu quá. Thì vấn đề khái quát, trường ca mà bạn ĐD nói í. Tôi nghĩ không cần CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN mới khái quát được như bạn nghĩ, mà rất nhiều, BÀI THƠ MỘT VẦN của Bùi Chát, KHI KẺ THÙ TA BUỒN NGỦ của Lý Đợi, Ê, TAO ĐÂY của Nguyễn Quốc Chánh, BẦU TRỜI LÔNG GÀ LÔNG VỊT, và HIỆN của Trần Tiến Dũng... Đều là những thi phẩm đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn bạn vừa nêu ra.

 

ĐD: Tôi đồng ý với bạn về nhận định này. Nhưng, bạn phải nhớ điểm nhấn, xoáy vào một điểm nhấn lịch sử để từ đó mở ra một chuỗi ý niệm có tính liên đới, mắc xích với nhau về xã hội, bộ máy chính quyền, bộ máy văn nghệ bồi bút, và cả những sinh mệnh văn nghệ còn đứng bên lề, còn mang thân phận ngoại biên, và cả khái niệm ngoại biên, theo tôi nghĩ, không có thứ biên kiến nào tự dưng mọc ra làm rào chắn để khuôn giới văn nghệ vào vùng nội biên hay ngoại biên, mà do mưu đồ chính trị cùng những cái chân rết văn nghệ của nó đã thao túng và tạo ra ranh giới, biên kiến. Đây là vấn đề nhức đầu và cũng là nỗi nhục quốc thể khi phải đặt gã văn nghệ nhà nước trong trung tâm và đặt văn nghệ đường phố ở ngoại vi. Hoàn toàn vô lý! Một đất nước tiến bộ sẽ không có những kiểu suy nghĩ và những trò ù lì này! Trở lại CÁNH ĐỒNG BẤT NHÂN, có thể khẳng định rằng trường ca này không mang ý nghĩa và sức mạnh của một cú đấm thép văn chương, càng không mang ngụ ý một hiệu triệu giả cầy thi ca, mà đơn giản đó là tiếng thở dài đã được tinh chế thành tiếng cười, đau một cách cười cợt, dại dại khôn khôn một cách cười cợt và rõ ràng là phẫn uất một cách cười cợt. Chỉ ngần ấy cũng đủ thấy giá trị và tầm của nó.

 

KD: Ngôn ngữ không bao giờ cho ai vay/ Dù nặng lãi/ Những nhà thơ đã liều lĩnh tiêu xài/ Coi chừng chịu trận/ Nay mai/ Không phải chỉ vài/ chục trang/ Đi tìm lại cái tôi

đã mất. Như Nguyễn Khải// Không thể có những ngôn từ giống nhau/ Bài thơ gây ra nỗi đau và bài thơ chịu đau/ Không thể đổ thừa số phận/ Đừng chơi trò chơi trốn tìm/ Bóp nghẹt trái tim/ Rồi vu vạ cho ngôn ngữ// Thật nhục nhã khi các nhà thơ sống dai hơn những bài thơ của mình/ Những câu thơ dối trá trong lò sát sinh/ Chết cháy// Rồi hy vọng vào những tấm vải liệm/ Làm thành mây bay/ Dù thế nào nhà thơ thích làm cho mình lãng mạn/ Ra vẻ mình ngây thơ// Ngây thơ núp ở cửa sau Thiên Đình/ U u minh minh/ Ma quỷ và quà tặng/ Phục tùng/ Bánh mì và khẩu súng/ Chém gió lung tung// Ngôn ngữ liên minh/ Rất giỏi làm tình/ Với ma quỷ// Rồi hy vọng vào những tấm vải liệm/ Rồi hy vọng vào những tấm vải liệm/ Rồi hy vọng vào những tấm vải liệm// Biết rồi, khổ lắm, nói mãi/ Thành những thằng điếm/ Lải nhải/ Lải nhải/ Lải nhải/ Lải nhải/ Lải nhải...

Tôi nghĩ, đây là tuyên ngôn thi ca của Lê Vĩnh Tài. Và, rất có thể đó cũng là cách thể hiện thái độ của anh trước xã hội. Còn nó thể hiện như thế nào, có lẽ đọc hết toàn bộ trường ca này sẽ rõ hơn.

(...)

 

 

-----------------------
* Kính mời quí vị đón đọc bài tới: “Trần Trung Đạo – Khi bài hát trở về và Khúc kinh khổ cho quê hương Việt Nam”.

 

 

------------

Đã đăng:

... Cái nhìn hoàn toàn mới nữa là khác, nó phản ánh tinh thần phản tư, thông qua giọng điệu giễu nhại và đầy phản biện, nó thể hiện nỗi bất bình của người nghệ sĩ trước thực trạng xã hội, mà cái thực trạng này rõ là có nguyên nhân, phát xuất từ sự trí trá, gian manh của giai cấp lãnh đạo, của tư bản đỏ, nó cũng cho thấy độ mục ruỗng của cái xã hội anh ta đang sống... (...)
 
... Xét về mặt lịch sử, tiến trình dân chủ của một dân tộc, thì sự kiện Tiên Lãng – Đoàn Văn Vươn lại là dấu mốc lịch sử đáng nhớ về thái độ đấu tranh dân chủ cho bản thân, và thông qua đó, gióng lên tiếng nói đòi công bằng, đòi dân chủ, đòi quyền lợi chính đáng của một con người trong tiến trình nhân loại, đặc biệt là hồi chuông báo động này được gióng lên từ một góc khuất, từ ngoại ô, từ nơi hẻo lánh của một đất nước chưa kịp mở cửa... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021