thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những khoảnh khắc với Mark

 

 

NHỮNG KHOẢNH KHẮC VỚI MARK

Hoàng Ngọc Biên

 

Nói về Mark Frankland quả là tôi rất khó nhớ ra lần gặp mặt đầu tiên. Vậy, tôi sẽ nói về những lần chia tay cuối cùng. Nhưng nếu nói đến chuyện chia tay lần cuối với Mark, tôi vẫn cứ thấy băn khoăn, vì tôi có hơn một lần, nói đúng đó là những lần không phải là lần cuối cùng nhưng rất dễ cho tôi cảm giác là lần cuối cùng.

Một lần, đáng kể hơn cả, và ít bình thường hơn cả, là một buổi sáng hai ngày trước 30 tháng Tư 1975, giữa cảnh nhộn nhịp khác thường ở tiền sảnh một trong những khách sạn lâu đời nhất nhìn ra Sông Saigon – mặc dù thường mỗi lần về Saigon (và lần này cũng thế, bởi lẽ mấy ngày trước đó thôi) tôi đã đến thăm Mark ở Continental. Hôm ấy rất có thể rơi vào Chủ nhật, nếu trí nhớ lúc này đây còn nương tay với tôi, có nghĩa là ngày 27 tháng Tư 1975, sau loạt tên lửa nửa đêm về sáng bắn đi từ miệt Thủ Thiêm để lại một quả trên nóc Hôtel Majestic – ngày các phóng viên ngoại quốc Mỹ có, Âu Á cũng có, lỉnh kỉnh máy móc bị cụ tập trung xôn xao để chuẩn bị lên chuyến bay cuối cùng ra khỏi Nam Việt Nam, trừ một số không nhiều được báo cắt cử nằm lại để đón ngày “cách mạng” tiến vào Saigon, từ lâu những người dễ tính hoặc vui tính vẫn quen gọi là “ngày vui đại thắng”.

_______

Những lần gặp chàng Mark đẹp trai lịch thiệp ở nhà Nguyễn Đăng Thường – có thể là từ thời hai người bạn ấy ở căn nhà nằm khuất trong con hẻm Võ Tánh, phía sau biệt thự của mấy người con trong gia đình Laboratoires PDĐ, hay trước nữa, thời Thường còn ở Cống Quỳnh, và Mark chỉ ghé qua thăm? – Mark xuất hiện, hỏi han, nói năm ba câu chuyện thời sự, mời uống một cái gì, có khi khoan thai nhưng thường là giấu kín một sự vội vã, biến mất sau rèm cửa một lát, rồi lại xuất hiện với túi xách, rồi lại tất bật biến mất sau cánh cửa ra vào, trên chiếc Suzuki của mình... Chàng thanh niên quí phái ấy không lúc nào thiếu niềm nở với bạn bè nhưng lúc nào cũng thực sự bận rộn, như cố đuổi cho kịp cái nhịp bận rộn của một nửa đất nước nghiêng ngả chiến tranh mà anh được phân công tường trình, với tư cách đặc phái viên thường trú của hai tờ báo The Observer The Economist ở Anh quốc...

_______

Lần chia tay ở Hôtel Majestic rõ ràng ai cũng vội vàng, nhưng là cái vội vàng... mệt mỏi: người ta chỉ còn nói với nhau bằng mắt, bằng những đường cơ trên mặt, bằng một thứ ngôn ngữ “bên trong”, của sự im lặng, bởi lẽ những người quen biết dường như đã có dịp nói nhiều, nói hết với nhau những dự đoán, những lo âu, cả những hi vọng ngổn ngang của mình nhiều ngày trước đó, trong những buổi điểm tâm ở các cafeteria, hay tại những quầy rượu khuya ở khách sạn. Mark và tôi đã nói gì với nhau buổi sáng “cuối cùng” ấy? Tôi nhớ, gần như không nói gì. Chúng tôi chỉ nhắc đến Thường, bấy giờ còn ở Paris, chẳng hạn, tôi nói với Mark những chuyện không đâu vào đâu, bởi lẽ hẳn Mark cũng đã biết cả rồi, đại loại như tôi vừa nhận được thư của Thường, được biết như thế nào người bạn Saigon đầu tiên của tôi đang tiếp tục trở lại cuộc sống một mình muôn thuở, và đang lo ngại cho những bạn bè “bên nhà”... (Mãi về sau này ở London, khi Thường giao cho tôi bản gốc cái collage mà thời Trình bầy tôi đã theo đó để viết “Quê hương, người về”,[*] tôi mới biết là sáng hôm đó, trước hoặc ngay sau khi gặp tôi, Mark đã tranh thủ tạt qua nhà ở Võ Tánh và đã đem đi một ít sách và tranh gọn nhẹ cho Thường – nhờ đó sau này chúng tôi mới có thêm một tựa sách cho thư mục của Nhà xuất bản Trình bầy...)

_______

Qua những lần nói chuyện ngắn ngủi với Mark, tôi nghĩ tôi thu thập được ít nhiều những sự thật về các mô hình xã hội khác nhau trên thế giới, về sự trí trá của các danh xưng, tôi nhận ra nơi bạn một kho tàng kinh nghiệm mà một kẻ ngồi đáy giếng như tôi cho dù có ôm trong bụng một núi sách cũng không làm sao có được cái nhìn xuyên suốt và công bằng khách quan. Thời ấy tôi chưa được đọc La civilisation soviétique của André Siniavski (Albin Michel, 1988), những buổi nói chuyện với Mark trở thành những bảng dẫn đường cho tôi đi vào một thế giới khác thường, nơi đó tôi buộc phải nheo mắt để nhìn rõ, và nhận diện, và chọn lựa, cho dù phải đem hi sinh cả trái tim non trẻ của mình. Tôi không nhận được tin gì từ Mark trong vòng hơn mười năm sau đó. Nhưng tôi biết Mark trước hết là một chuyên viên lỗi lạc về Đông Âu và khối Cộng sản. Văn hoá và văn minh xô-viết, tôi biết anh thuộc nằm lòng. Mười năm không liên lạc với nhau, tôi hiểu, và Mark cũng hiểu là tôi hiểu. Mãi đến nửa năm sau của 1985, khoảng thời gian Anh quốc trục xuất nhiều viên chức làm gián điệp cho Liên Xô, và Liên Xô trả đũa bằng cách trục xuất Mark Frankland, một ngày đẹp trời, một bác đưa thư ở hẻm Thánh Giá đường Lê Văn Sĩ đập cửa sắt gọi vọng vào ông gì ơi có thiệp Mat-xcơ-va gửi về nè, tôi mới nhận được tin Mark. Thiệp của Mark đóng dấu Москва, với hình ảnh những gác chuông và, đâu đó bên phải hay bên trái, là nóc giáo đường St. Basil cắt trên một nền trời xanh biếc... Phía sau thiệp là những lời thăm hỏi cuộc sống gia đình, giấu sau những lời chúc lành chung chung là một mối quan tâm & tình cảm đặc biệt, tất cả nằm bên trên một chữ ký tắt M và một cái chấm tô đậm. Medvedev, hay Mikhailov, muốn hiểu sao cũng được. Trước đó mấy năm, tôi tình cờ có trong tay một số báo Index On Censorship (1980) do một người bạn ở ngoại quốc cầm về, và có dịp đọc bài viết “Goulash Archipelago” của Mark, trong đó tôi nhớ đã rất thú vị khi đọc tới mấy câu thơ Mark trích Bertolt Brecht viết móc họng thái độ thù nghịch của nhà nước Đông Đức trước cuộc nổi dậy tháng Sáu 1953 của công nhân, mà trong nhãn quan kiểu Marxist-Leninist là những kẻ “vô ơn” với chế độ. “Trong những hoàn cảnh như vậy, giản dị hơn cả / Phải chăng nhà nước nên giải tán nhân dân / Và bầu lên một lớp nhân dân khác? Mấy câu thơ Brecht tôi chỉ nhớ mang máng, ghi lại đây là ghi theo trí nhớ, không có sách vở, chẳng biết xuất xứ, nhưng khi lần đầu đọc trong bài viết của Mark tôi hoàn toàn không lạ: Mark không chỉ là một nhà báo, anh còn là một con người của văn chương nghệ thuật.

Đọc Mark trong thời gian này, tôi chỉ có trong tay một trích đoạn của tiểu thuyết The Mother-of-Pearl Men[**] sắp ra mắt ở John Murray Publishers, in bên cạnh tuỳ bút Cuối năm tuyệt đẹp Nguyễn Đăng Thường viết về một đêm lang thang ở Paris – cả hai bài đăng trên tập san văn hoá Vietnam - Culture Journal số Mùa Đông 1985 của Nguyễn Quỳnh ở New York...

1987: trong một tấm thiệp mừng Giáng sinh & Năm mới gửi cho tôi từ London, Thường cho biết cuối tháng Giêng nhà xuất bản John Murray sẽ phát hành cuốn tiểu thuyết thứ hai của Mark: Richard Robertovich. Cuốn này, mãi tới khi qua London (1998) tôi mới được đọc trong bản đề tặng, nhiều đêm khuya, trong căn phòng hai bạn Thường và Mark dành cho tôi ở phố Delvino, sau tiểu thuyết The Mother-of-Pearl Men (John Murray, 1985) Mark gửi qua Salt Lake City cho tôi năm 1993...

 

 
[*] Trên trang đề từ Quê hương, người về, tôi đã viết: “Tấm tranh dán của Nguyễn Đăng Thường nếu thất lạc, Quê hương, người về đã không còn có lý do tồn tại. Cuốn sách này in để tặng anh em trong nhóm Trình bầy và thân ái gửi đến Mark Frankland (London), người bạn thân thiết của Việt Nam, với lời cám ơn đã gìn giữ tranh – từ 1975...”
 
[**] Mark đề tặng trong THE MOTHER-OF-PEARL MEN: “for Biên & Hồng, with very best wishes for your new life in America. I hope you may enjoy this story about a vanished Saigon. Mark Frankland, 3.1.93”, và trong RICHARD ROBERTOVICH: “for Hoàng Ngọc Biên, an old friend, a story of old Russia. Mark, London 16.4. 98 (to mark our meeting again after 25 years)”
 

_______

Quả thực tôi không nghĩ tôi còn có dịp gặp để chia tay Mark sáng 27 tháng Tư 1975, bởi vì chỉ hơn hai tháng trước đó, tôi bất ngờ nhận một cú điện thoại của Mark và đã đến thăm anh ở Hôtel Continental, tận phòng riêng của anh. Tháng Giêng, tháng Hai 75... Mọi thứ gần như đã trở nên “tất yếu”. Có nghĩa là giữa những câu hỏi buộc phải bỏ lửng, về một vài phương diện nào đó, tình hình vẫn nghiêng về phía an bài. Ở Continental, chúng tôi chỉ nói với nhau năm ba chuyện chiến sự, bảo rằng đang mở rộng cũng đúng, mà bảo đang thu hẹp cũng không hẳn là sai, và ai cũng không còn hào hứng nhắc đến những sắp xếp chính trị. Ngồi bên cạnh Mark, có lúc tôi giật mình nhận ra chính mình phần nào đã bắt đầu dửng dưng trước những biến chuyển của đất nước... Thời gian này, những bạn bè ngoại quốc của tôi, nhất là những bạn người Nhật, như M. Shiraishi & Aiko (trong một ngôi nhà ở Tân Định chúng tôi gấp rút dịch và chú giải Người Việt Nam ở Nhật bản của Nagaoka Shinjiro, bản dịch hoàn tất 1975, mãi sau gần một phần tư thế kỷ mới xuất hiện trên tạp chí “Nghiên cứu Huế” 1999 ), M. Fujieda, cả bạn bè người Anh như A. Fulton & cô bạn gái Ái Nhĩ Lan đang phục vụ cho Hồng Thập Tự Quốc tế ở Saigon, hay người Úc như G. Alliband, ai nhìn tôi tôi cũng đọc được trong cái nhìn sự ái ngại, và cảm thấy khó giấu một cảm giác hổ thẹn không cưỡng lại được. Mấy ngày sau, những ngày cuối cùng Mioko Fujieda được phép ở lại Saigon, từ miệt gần Bến Lức là nơi tôi lái chiếc Austin Mini Cooper màu vàng chanh phá rào đưa cô đi tham quan (hồi ấy tôi chưa biết chữ “tham quan”) tôi đưa cô ra thẳng Hotel Continental thăm Mark. Ms. Mioko Fujieda bấy giờ làm biên tập cho Nhà xuất bản Fukuinkan ở Nhật – chỉ cách nhà Sosei của anh em bạn bè Kondo Noboru có mấy phút đi bộ – là một chuyên gia về xuất bản, đến Saigon theo lời mời của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) để tham gia Ban giảng huấn Khoá Huấn luyện về Sản xuất sách (từ 9 đến 29.1.1975) do tôi làm Giám đốc Khoá và Giảng viên, nhưng trước hết cô là tác giả nhiều sách & bài báo nghiên cứu, một nhà hoạt động xã hội và đấu tranh cho nữ quyền tiếng tăm không những chỉ ở châu Á và Mỹ mà cả trên thế giới. Do những hoạt động chống chiến tranh Việt Nam ở Nhật, cô có tên trong sổ bìa đen ở Tân Sơn Nhất, và bản thân tôi đã phải khó khăn lắm mới tìm ra cách (kể cả xí gạt Toà Đại sứ Nhật và Trung tâm Văn hoá Nhật ở Saigon) xin cho cô lưu lại Saigon không quá mười hôm. Tôi muốn hai người bạn của tôi gặp nhau là có lý do: ngoài kinh nghiệm mười mấy năm sống ở Trung Quốc của Ms. Fujieda mà tôi rất muốn cô đem chia sẻ với người bạn phương Tây là Mark, trong buổi chuyện trò ở cafeteria Continental, Mark đã “hiến kế” cho Ms. Fujieda: “... không phải là kinh nghiệm của tôi, nhưng tôi biết thường thường đám nhà báo chúng tôi khi biết chắc sẽ gặp trở ngại tương tự ở phi trường Tân Sơn Nhất, chúng tôi tìm cách đi tàu và vào ngõ bờ biển Cà Mau.” Mioko rất thú vị cách xâm nhập này và sau đó nghe nói đã truyền lại cho mấy bạn trẻ người Nhật của cô. Mioko qua đời giữa tháng Chạp năm ngoái, trong một viện dưỡng lão ở Kobe, trong vòng tay của một đồng nghiệp cũ của cô ở Đại học Kyoto Seika University là nƊi cô khởi sự công việc dạy học từ 1976...

 

 
Trái: Ms. Mioko Fujieda: Buổi giảng cuối cùng trước khi “tham quan” Quốc lộ một và gặp Mark Frankland ở Hôtel Continental, Saigon. Phải: Mark Frankland và Hoàng Ngọc Biên trong vườn nhà ở phố Delvino.
 

Lần chia tay ở Continental, có cả Ms. Fujieda, một cách nào đó, cũng là một lần chia tay không hẹn ngày gặp lại. Bấy giờ đã là cuối tháng Giêng 1975, mấy ngày nữa Mioko sẽ lên đường về Nhật, còn Mark thì ai mà biết được, chàng thoắt đến thoắt đi, mọi di chuyển tất còn tuỳ những sắp xếp bên ngoài “phạm vi Việt Nam”.

Một lần khác, cũng có thể là lần cuối cùng, và cũng ghi lại không theo thứ tự thời gian, là lần chúng tôi chia tay ở thang máy nơi căn hộ rộng mênh mông báo The Observer dành cho Mark ở Jingu-mae, Shibuya-ku, Tokyo, sau khuya, khoảng cuối tháng 11, 1974... Một buổi tối Mioko Fujieda dẫn tôi vòng vo thay đổi nhiều tuyến đường xe điện hầm đến chóng cả mặt, rồi đưa tôi đi ăn với Chung Kyungmo là người phụ trách biên tập tờ The National Times và cô phụ tá Etsuko Kaji tuốt trên tầng tư hay tầng năm, tầng “bồ câu”, một tiệm ăn nhỏ hình như ở gần văn phòng AMPO, nơi làm việc của Etsuko. Chung trước đây phụ tá cho Kim Daejung, đến khi ông này bị Mật vụ Đại Hàn bắt cóc đưa về Seoul, thì ông kia tiếp tục điều hành tờ báo ở Tokyo. (Ông Kim đi tù ở Đại Hàn, về sau được bầu làm Tổng Thống, nhưng cũng không đủ sức can thiệp cho vợ chồng Chung trở về nước, do những hoạt động và nỗ lực thống nhất đất nước của ông.) Hôm hẹn Mark đi ăn tối, tôi đem chuyện gặp gỡ với Chung Kyungmo ra kể, Mark cười và cho biết là ở Tokyo gần như không ai trong giới báo chí không biết tên ông Chung. Khi tôi kể chi tiết giữa bữa ăn, ông Chung đã quệt nước mắt xin lỗi tôi về sự có mặt và những hành động thô bạo của lính Đại Hàn ở Việt Nam, Mark bảo “đúng là như thế: ông này (cha mẹ đều là người Triều Tiên, nhưng sinh ở Tokyo) nổi tiếng hiền lành, được coi là lương tâm của người Triều Tiên không phân biệt nam bắc, lại hoạt động trên một lãnh thổ mà mật vụ cả hai bên Nam Bắc Triều Tiên đều mạnh và tàn bạo như nhau...” Tôi cũng kể cho Mark nghe là sinh viên Việt Nam ở Nhật (đến từ miền Nam Việt Nam) ngay những ngày đầu tôi có mặt ở Tokyo đã thu xếp cho tôi gặp GS. Nguyễn Cao Đàm của Hà Nội vừa đến Nhật thay thế GS. Nguyễn Khắc Kham của Saigon, như thế nào vị giáo sư khả kính này của miền Bắc đã thân mật gọi là “anh” khi ân cần thăm hỏi các nhà văn Võ Phiến, Mai Thảo của Saigon, và tôi cũng kể cho Mark nghe là số anh em sinh viên này đã đem đến cho tôi nhiều posters của John Spragens, Jr., một núi báo “Văn Nghệ” miền Bắc, tôi đã đọc hết, và tôi nói thêm: đã đọc hết và rất ấn tượng. Nhưng Mark không tin tôi thành thật. “Thế thì Proust, Butor, Simon, Beckett, Ginsberg...” Ngồi trong rạp chiếu bóng với Mark đêm hôm ấy (tôi nhớ là chúng tôi xem The Exorcist), hoặc là tại một tiệm café trước khi về nhà, tôi phải kịch liệt giải thích: không, ấn tượng đây, là vì tôi nghĩ ai nấy viết lách sáng tác dưới bom đạn, trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, chứ không có nghĩa thứ văn nghệ ấy là mẫu mực hay một cái gì giống như thế... Chính trong lần gặp nhau ở Tokyo, Mark cho tôi biết Thường hiện đang có mặt ở Paris, ra khỏi nước qua ngõ Phnom Penh. Đã gần khuya, nhưng tôi còn nhiều câu hỏi với Mark, rất nhiều, nên sau đó chúng tôi lại trở về căn hộ 803 Co-op Olympia, trong vùng Shibuya-ku, Tokyo, thức đêm uống trà và nói chuyện gần đến một hai giờ sáng. Mark đổi ý không bắt tay từ biệt ở thang máy, mà đưa tôi ra ga xe điện hầm – và cuộc chia tay dù chưa phải là lần cuối, đã trở nên “bịn rịn” hơn, nhất là đối với tôi: về Saigon lần này, mỗi khi đi qua đường Võ Tánh, tôi sẽ thấy thiếu không phải chỉ một, mà tới hai gười bạn thân thiết: Nguyễn Đăng Thường và Mark Frankland.

Một lần chia tay khác, cũng kể không theo thứ tự thời gian, là tháng Tư 1998, sau bốn ngày tôi ở thăm hai bạn Thường & Mark, tại ngôi nhà xinh xắn ở phố Delvino Road. Khuya đêm ấy ở London trời mưa hơi nặng hạt. Mark là người lái xe và xách dù ra đón tôi ở sân ga Eurostar. Chúng tôi dễ dàng nhận ra nhau: sau gần một phần tư thế kỷ, tôi bấy giờ vẫn râu tóc, beret basque, jacket Mỹ, còn Mark thì đẹp lão, nét quí phái từ thời Saigon còn nguyên, nhưng tóc bạc phơ, con người cao lênh khênh ấy không còn nhẹ nhàng như thời bước đi trên đường phố Catinat, hay trên những bực thềm Shibuya-ku nữa, tất nhiên, nhưng dáng đi còn vững vàng so với một người đàn ông bình thường ở tuổi 64. Cả hai chúng tôi đều không cố tình mà an ủi nhau, hay tự an ủi mình, bằng cùng một câu nói trừu tượng lơ lửng: anh không thay đổi... Cuộc hội ngộ ấm cúng tay ba ở London trước những chung trà bốc khói làm tôi nhớ lại lần Thường bố trí chụp ảnh tôi, chụp khá nhiều, trước sự chứng kiến của Mark, trong căn phố ở hẻm Võ Tánh, Saigon. Trong hành trang tôi đem theo từ Paris, chỉ có mỗi một ấn bản đầu tiên, bìa cứng, cuốn Khrushchev của Mark tôi mua được bên Mỹ và vài cuốn Tưởng tượng đã chết hãy tưởng tượng (Nguyễn Đăng Thường dịch, Hoàng Ngọc Biên trình bầy & giới thiệu) của Samuel Beckett. Nếu có thể kể thêm, thì giờ này chỉ nên kể một chuyện vui (không đúng chỗ) tôi đem theo định làm quà cho Mark, chuyện người bạn đồng hành thân thiết trong vài ba cuộc phiêu lưu săn tin của Mark ở Việt Nam: anh Trần Bá Lộc. Con người quen thuộc với Mark đến nỗi trong cuốn Child of My Time – An Englishman’s Journey in A Divided World (Chatto & Windus, Random House, London, 1999) khi mô tả vẻ ngoài cũng như cung cách giản dị của bạn mình, Mark không để lại một dấu phẩy thiếu hay một dấu chấm thừa. Sau 75, anh Lộc có lần ghé toà soạn báo Đứng dậy và vui vẻ ngồi kể cho các anh Nguyễn Ngọc Lan, Diễm Châu và tôi câu chuyện trồng sắn của mình ở Long Khánh. Anh bảo thời bấy giờ trộm cướp vùng này dữ dội, lúc nào anh cũng phải rất cảnh giác (anh dùng kiểu chữ trịnh trọng của “cách mạng”), ngày cũng như đêm phải liên tục rình trộm. Một đêm nọ, nghe có tiếng rục rịch sau vườn, anh rón rén cầm đèn pin bò ra, định bụng sẽ bắt tại trận những tàn dư của xã hội cũ (lại trịnh trọng!). Nhưng khi giáp mặt với kẻ thù, anh mới vỡ lẽ ra, rằng việc rình rập của mình quả là không có cơ sở (trịnh trọng nữa!), bởi lẽ, nếu thay vì anh bắt chúng, chúng lại bắt anh, thì sao? Thế là anh xông ra trước mặt đồng chí trộm, sụp lạy “xin ông chủ tha tội cho em, em đói quá phải làm càn”, nhảy vô vườn chỉ là để đào trộm một hai củ sắn nhai sống cứu đói. Tên trộm tuy vững vàng trong lập trường giai cấp, nhưng hẳn còn mủi lòng kiểu tiểu tư sản, móc trong túi ra cho anh hai củ, thế là anh vừa lạy tạ cám ơn vừa rút êm... Tôi vì sau đó không liên lạc với anh Lộc, nên làm sao biết được là anh đã sống sót sau chuyến vượt biên năm 1979, và Mark từng qua tìm anh ở Paris hai lần, từng xót xa cho con người trong sáng ấy và trong nhiều năm từng bảo bọc một người con trai của bạn từ Thái Lan qua đến tận Texas, Hoa Kỳ? Với câu chuyện “xã hội” tôi đem kể cho Mark và Thường, về đoạn đời “kinh tế mới” của một trong những giáo dân di cư nặng lòng với đất nước – theo cái nhìn của một bộ phận trí thức miền Nam, gần có nghĩa là nặng lòng với “cách mạng” – tôi hẳn đã khơi dậy một vết thương khó liền da trong trái tim đôn hậu của Mark. Cho đến nay, tôi vẫn nghĩ rằng một trong những chỗ yếu của tôi, là tuy nói năng cố gắng rất cẩn trọng, cái cẩn trọng ấy vẫn chưa đủ để có thể đương đầu với một thế giới đầy những biến thái bất trắc, bất ngờ...

Lần chia tay ấy, tuy không cố ý kể theo thứ tự thời gian, giờ đây đã thực sự là lần cuối cùng. Cho dù tôi có thương tiếc, có thẫn thờ ngồi trước những cuốn sách Mark ký tặng, nửa đêm có lom khom đi tìm cho ra tấm thiệp gửi từ Moscou trên một phần tư thế kỷ nay, hay cái danh thiếp của bạn mang dòng chữ và logo The Observer thời ở Tokyo, và băn khoăn nghĩ về cái cung cách ưu ái dễ thương Mark vẫn xử sự với mình và với bạn bè đồng nghiệp của anh, cho dù có ngưỡng mộ cách ăn nói tế nhị mà chân thành trước sau của anh, cho dù có hối tiếc một câu nói chưa thật chính xác, chưa thật hoàn hảo của mình khi kể cho Mark và Thường nghe về những ngày Saigon “giải phóng”, về chuyện “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”, về lời thề “sông có thể cạn, núi có thể mòn” vân vân, tôi cũng không còn dịp “sửa sai” nữa. Mãi mãi, tôi sẽ không còn dịp gặp Mark... Mãi mãi tôi, cũng như nhiều người quen biết thân hay sơ của anh, sẽ không còn dịp đem cái nick name “ký giả Mạc Phong Lan” (chữ của cellist Cao Thanh Tùng, nghe rất Saigon Nam Bộ) ra nói vui khi ngồi với nhau và nhớ đến con người lúc nào cũng ưu ái với mọi người và bù lại lúc nào cũng được mọi người ưu ái không ai bằng... Chẳng thế mà người cháu ruột của Mark là Adam Frankland từ Pháp bay qua London, trong điếu văn ngày hoả táng, đã ghi nhận ý sau đây của Nguyễn Đăng Thường: “... despite books and articles etc, Mark’s biggest achievement was the people in his life – his family, colleagues and friends – whom he loved so dearly and who loved him in return.”

_______

Đúng như lời Thường nhận định: với Mark chúng ta luôn có một người bạn tỉ mỉ trong những biểu lộ tình cảm, tỉ mỉ trong cái nghĩa đẹp nhất của từ này. Những điện thư của Mark tôi còn giữ lại chứng tỏ không một biến cố đau thương nào của chúng ta mà không được Mark ân cần chìa vai ra cho chúng ta vịn vào để đứng dậy.

_______

Thường, xin bạn thay mặt anh em chúng tôi đặt lên chỗ tro than của Mark một cái hôn vĩnh biệt...

 

 
Trái, phải: Bìa đặc san Ngày mới ở Salt Lake City. Bài báo Mark Frankland viết về Ivan Klíma. Nguyễn Đăng Thường và Hoàng Ngọc Biên ở phố Delvino Road, London, 1998.

 

 

---------------------------------------------------------------------------------

Những bài tưởng niệm Mark Frankland đã đăng trên Tiền Vệ:

[TƯỞNG NIỆM MARK FRANKLAND (1934-2012)] ... Klíma vẫn chưa bị thất vọng. “Phần đông chúng tôi đều nghĩ loại bỏ được cộng sản là một cái may cho tổ quốc. Dĩ nhiên ai nấy đều trông chờ phép lạ. Người ta vẫn nghĩ cách mạng sẽ giải quyết được hết mọi vấn đề của nhân loại. Thật ra cách mạng chẳng giải quyết được gì cả, chúng ta phải tự giải quyết lấy mọi chuyện. Cuộc cách mạng hầu hết chỉ tăng thêm rối rắm, tệ hại. Cuốc cách mạng của chúng tôi đích thực không phải là cách mạng, nó chỉ là sự tự diệt của một guồng máy cai trị đã hết hiệu quả, chẳng cần tới một phát súng, hay một giọt máu. Một phong cách rất Tiệp. Nhưng dù gì thì cũng đã có thay đổi lớn.”... [Nguyễn Đăng Thường chuyển ngữ / Hoàng Ngọc Biên giới thiệu] (...)
 
[TƯỞNG NIỆM MARK FRANKLAND (1934-2012)] ... Trong và cả sau chiến tranh, tiếng nói của người dân miền Nam thường bị lãng quên. Là một phóng viên ngoại quốc trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam, tôi có may mắn được nghe phần nào tiếng nói ấy qua phụ tá người Việt của tôi. Nhưng lúc đó thì anh ta đã ở tuổi trung niên với cả gánh nặng gia đình nên đã không thể theo sát tôi đi vào vùng có giao tranh để giúp tôi hiểu biết hơn về những người lính Việt Nam Cộng Hòa, thay vì hiểu sai lạc... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM MARK FRANKLAND (1934-2012)] ... “Bất cứ một đất nước nào ông đặt chân đến, ông cũng ngụp lặn vào trong sử ký và văn hoá của nó, và điều đó đã mang đến cho ngòi bút ký giả của ông một phẩm chất học thuật nhưng không bao giờ đánh mất đi niềm hứng thú nơi người đọc. Ông là một con người thanh lịch với khẩu vị tinh tế về âm nhạc và mỹ thuật, và một niềm khao khát cuồng nhiệt muốn tìm hiểu về mọi sự trên đời.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021