thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngày xuân chúc tết ngậm ngùi

 

 

NGÀY XUÂN CHÚC TẾT NGẬM NGÙI

 

Chúc mừng năm mới bằng hữu, người thân quen, trong dịp tết nguyên đán vừa qua tại Đà Lạt, đã để lại trong tâm tưởng chúng tôi nhiều ý vị cảm động, ngậm ngùi.

Mùng hai tết, theo bạn tới chúc mừng năm mới người học trò cũ của bạn; cô Quý Phương tiếp chúng tôi tại gian có bàn thờ của gia đình, trong ngôi nhà xưa cũ, giữa khoảng vườn rộng rinh và hoang sơ ở Đa Thiện, khá xa trung tâm thành phố Đà Lạt. Hóa ra, Quý Phương là cháu, gọi ni sư Trí Hải -tức Phùng Khánh- và Phùng Thăng, là cô ruột. Gia đình Quý Phương thuộc dòng tộc chính thức của Miên Thẩm Tuy Lý Vương triều Nguyễn; ni sư Trí Hải qua đời đã gần chục năm rồi, trong một tai nạn giao thông; Phùng Thăng mất không lâu sau 30 tháng tư, 1975, trong nạn diệt chủng của Khờ-me đỏ. Nhìn di ảnh của Phùng Thăng và người con trên bàn thờ của gia đình Quý Phương, chúng tôi liền nhớ người bạn lâu ngày không gặp: nhà thơ Trần Xuân Kiêm, chồng của Phùng Thăng. Quý Phương cho biết, dượng Trần Xuân Kiêm vẫn có mặt trong những ngày giỗ chạp của gia đình. Quý Phương hiện là cô giáo môn Văn tại Trường dân tộc nội trú tại Đà Lạt, và Quý Phương đặc biệt ưa thích thi ca. Nên chúng tôi ngạc nhiên khi Quý Phương không hề biết dượng mình là một nhà thơ nổi tiếng, “Chỉ biết dượng là thầy giáo, đang dạy tại Trường đại học Đà Lạt...,” Quý Phương nói vậy. Cũng vì vậy, sau khi Quý Phương đọc bài thơ được xem như “khai bút xuân Giáp Ngọ - 2014” của cô, chúng tôi liền đọc bài thơ, một tuyệt tác của Trần Xuân Kiêm: bài thơ sau cuộc chia tay ngậm ngùi giữa người dượng và người cô của Quý Phương. Tất nhiên chúng tôi không nói gì với Quý Phương về nguồn cơn bài thơ ra đời, cũng như không nói gì về cuộc chia tay giữa hai người, trong ngày tết này, trước bàn thờ của gia đình Quý Phương. Đơn giản chúng tôi đọc bài thơ, một tuyệt tác của Trần Xuân Kiêm, chỉ để giới thiệu với cô giáo môn Văn đặc biệt yêu thích thi ca:

Đêm qua mưa lũ ta về

Đứng im như tượng trên hè nhà xưa

Một hồn rũ rượi trong mưa

Nhớ ơi ngọc trắng ngày chưa cát lầm

Cỏ cây vườn cũ lặng câm

Quỳ hôn còn thấy xa xăm dáng người

Nghe chúng tôi đọc xong bài thơ, Quý Phương không nói gì, nhưng không giấu được xúc động trên gương mặt hiền dịu; cô học trò cũ mà bạn tôi từng nói, bằng lời thơ của Thanh Tâm Tuyền: Đoan trang nét hạnh, thâm trầm dáng thơ...

Cũng trong ngày mùng hai tết, trong căn nhà thấp lè tè và chật hẹp, dưới dốc trũng một đầu hẻm đường Bùi Thị Xuân, chúng tôi nhâm nhi ly rượu mạnh ngày xuân với Hà Sĩ Phu, tức giáo sư Nguyễn Xuân Tụ, nguyên Phó viện trưởng Phân viện sinh học Đà Lạt. Chúng tôi đã nghe tiếng tăm Hà Sĩ Phu từ lâu, nhưng buổi tới thăm chúc tết này cũng là lần đầu chúng tôi gặp ông.

Dù đã biết qua lời kể của Tiêu Dao Bảo Cự, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi tới căn nhà, nhìn tận mắt điều kiện sinh hoạt eo hẹp khắc khổ của vị giáo sư, nguyên Phó viện trưởng Phân viện sinh học tại Đà Lạt; một phân viện sinh học có những công trình nghiên cứu đáng kể, từng đóng góp, hỗ trợ tích cực, đặc biệt đối với ngành y của nước nhà. Nhỏ bé mảnh mai, chòm râu bạc, đôi mắt tinh anh, nụ cười hiền hậu, vị giáo sư sinh học khả kính vừa mau mắn giở câu đối tết chào xuân Giáp Ngọ, vừa ôn tồn nói với chúng tôi: “Mình chả thiết đả kích đảng làm gì nữa, vì thực chất là họ đã ‘bán cái’ đảng của họ cho Tàu lo liệu rồi. Bây giờ mình chỉ xoáy vào trọng tâm thân thế sự nghiệp ‘bác của đảng ta’ mà thôi, gióng tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai còn mơ màng về ‘vị lãnh tụ anh minh của dân tộc’...”

Chúng tôi ngồi chung quanh cái bàn bày mứt kẹo ngày tết; chai rượu lần hồi vơi cạn, câu chuyện đầu xuân lần hồi kết thành bức tranh ảm đạm của một tương lai không xa, về vận mệnh của đất nước hình chữ S ốm o gầy guộc. Chúng tôi cảm nhận rõ rệt: căn nhà chật hẹp không mảy may làm vị giáo sư bận tâm, bức bối; mà ông chỉ ngột ngạt trong cái bầu khí chính trị đang trùm phủ đất nước này. Vị giáo sư khả kính ấy, Hà Sĩ Phu, nhìn khắp chúng tôi, nói nhỏ nhẹ: “Mình tin rằng không lâu đâu, với diễn biến tưởng như lặng lẽ âm thầm hiện nay, mình nghe ra được, thì rất có thể tới năm 2020 là cùng, đất nước chúng ta sẽ biến thành một tỉnh của Tàu!”

Một bạn trong chúng tôi cho rằng Hà Sĩ Phu đã rơi vào tuyệt vọng; ông nói, giọng vẫn nhỏ nhẹ: “Nếu chưa tuyệt vọng, nghĩa là nếu còn chút hy vọng nào đấy ở tình hình này, sẽ chỉ khiến mình yên tâm mơ ngủ mà thôi. Tuyệt vọng bắt buộc mình tỉnh thức trước diễn biến tình hình, trước những gì ắt sẽ diễn ra.” Chúng tôi nhìn con người nhỏ bé mà kiên cường, với cây bút trực tiếp tố cáo chế độ độc tài đảng trị, đòi hỏi dân chủ tự do, Hà Sĩ Phu từng bị chế độ cộng sản bỏ tù, giam giữ một năm trời; còn thời gian Hà Sĩ Phu bị quản thúc thì vô số kể. Ông cho biết, một thời gian dài, họ đóng tấm bảng ở ngay đầu ngõ vào nhà ông, tấm bảng sơn hàng chữ: nhân dân khu phố cảnh giác trước tên phản động Nguyễn Xuân Tụ...

Một lúc nào đấy, trong buổi thăm và chúc tết vị Sĩ-Phu-Hà-thành, chúng tôi nhìn quanh quất căn nhà, hỏi ông: “Bây giờ bác còn tiếp tục thí nghiệm nghiên cứu sinh học nữa không?” Hà Sĩ Phu cười nhẹ, giọng vẫn ôn tồn: “Tìm tòi nghiên cứu sinh học là cái nghiệp của mình, sao mình lại không tiếp tục cho được? Các anh chưa thấy phòng thí nghiệm của mình nhỉ, ở phía sau cái gian này, phía trên cái nhà vệ sinh ấy mà. Chứ biết đặt phòng thí nghiệm ở đâu bây giờ, trên diện tích mình được nhà nước cấp phát là 40 mét vuông?” Chúng tôi biết rằng, trong khoảng diện tích 40 mét vuông ấy, có vị giáo sư miệt mài với nghiên cứu sinh học; và người vợ, với hàng tạp hóa lèo tèo bày trước cửa nhà, sinh kế của gia đình...

Nhà tù dành cho người bất đồng chính kiến, tố cáo tội ác của chế độ ở đất nước ta thì vô số kể; còn nhà ở thì 40 mét vuông cũng là đã được hưởng phúc đức tổ tiên nhiều lắm rồi. Lời chúc nào của chúng tôi trong ngày tết nguyên đán vừa qua, dành cho vị giáo sư khả kính Nguyễn Xuân Tụ, là sẽ không chất chứa ý vị ngậm ngùi?...

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021