thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cái chết của [sống cùng] lịch sử và sự tưởng tượng muộn màng

 

Ngày xưa, thời vừa mới lớn, khoảng đầu thập niên 80, có đôi lần cần nơi để ngồi bên nhau, tôi và người tình mua hai cái vé vào rạp xem phim. Hai cái vé là số tiền khá lớn đối với tôi, một đứa thất nghiệp, không tương lai, không hộ khẩu, và một cô sinh viên.

Thời đó, Sài Gòn thường chiếu những cuốn phim của Liên Xô và của các nước cộng sản Đông Âu. Đến bây giờ thì tôi không còn nhớ một phim nào. Thật ra, không phải chúng tôi vào rạp để xem phim, mà chúng tôi cần một không gian để ôm nhau, để hôn nhau, vừa công khai vừa lén lút trong bóng tối, vì trong thành phố không có một nơi nào dành cho tình nhân.

Xem phim, nhưng chúng tôi không quan tâm lắm đến những gì đang diễn ra trên màn ảnh. Chúng tôi không quan tâm đến mùi nước tiểu thoang thoảng khai nồng. Chúng tôi không quan tâm đến cái nóng hừng hực trong rạp chứa cả trăm người mà không có máy lạnh, chỉ có vài cái quạt máy khi chạy khi không. Chúng tôi không quan tâm đến ánh đèn pin lia qua lia lại của người soát vé. Chúng tôi không quan tâm đến bất cứ thứ gì cả, ngoài tiếng cười khúc khích của những đôi tình nhân trẻ tuổi giống chúng tôi; họ ngồi bên phải, bên trái, trước mặt, sau lưng. Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp những ánh mắt nghiêm khắc, trĩu nặng sự đe dọa và phê phán của “đạo đức cách mạng”, phóng vào chúng tôi. Tôi thấy sự căm ghét trong đó.

Vậy mà có khi chúng tôi thấy mình giàu có nhất thế giới: chúng tôi có cả một lon guigoz cơm độn ngô và muối vừng mà nàng mang theo.

Mặc kệ, chúng tôi mải mê âu yếm nhau trong cái nền âm thanh của cuốn phim đang chiếu, có khi là tiếng vó ngựa dập dồn, có khi là tiếng sóng gió gầm gào của trời đất. Chúng tôi vui sướng bên nhau trong 90 phút, rồi bước ra khỏi rạp, đứa nào về nhà đứa nấy, trở về với hiện thực của đời sống mệt mỏi, chán chường, vô định và bất an.

Vậy đó, chúng tôi đã vét hết xu hào có được trong túi để mua hai cái vé vào xem phim.

 

*

 

Hôm nay, khi đọc báo thấy rằng cuốn phim “Sống cùng lịch sử”, một cuốn phim được nhà nước đầu tư đến 21 tỷ đồng ( khoảng1 triệu đô-la), mà không bán được một cái vé nào, dù chỉ là một vé, thì tôi vừa bực bội vừa buồn cười.

 

Phim “Sống cùng lịch sử” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.

 

Tôi bực vì người ta đã hoang phí số tiền khổng lồ có từ tiền thuế của dân mà không mang lại một hiệu quả nào.

Tôi buồn cười vì giá mà nó ra đời vào khoảng 30 năm trước thì có nhiều khả năng họ sẽ bán được hai vé. Ít nhất là hai vé. Cho chúng tôi.

Tôi tưởng tượng, hai đứa trẻ tuổi hôn nhau, yêu nhau, âu yếm nhau, giữa một không gian kỳ dị: những hàng ghế trống giữa một rạp hát mênh mông không có đến một bóng người.

Và nhất là, chúng tôi yêu nhau trước những hình ảnh trên màn bạc, những hình ảnh của chiến tranh được dựng lại, trong tiếng đạn bom ì ầm của lịch sử; ồ không phải, không phải trong tiếng bom đạn của lịch sử, không phải lịch sử, mà là một thứ giả mạo lịch sử.

Và chúng tôi không phải “sống cùng” với thứ hàng đểu đó, thì mới tuyệt làm sao.

 

NAM ĐAN

 

---------------------

Khi tôi post bài này lên Facebook thì có những lời comment và status thú vị như sau:

- Nó là một trong những cái chết của nền văn nghệ cúng cụ.
 
- Facebooker Pham Viem Phuong: “Thế còn thơ mộng chán, bạn ạ. Chả bù với tôi. Những tháng đầu sau 30 tháng 4, lúc đó tôi là sinh viên ĐHSP, thầy ngoài Bắc chưa vào kịp, sinh viên chỉ đi làm việc vớ vẩn (quét sân trường, dọn rác ngoài phố, thu gom văn hóa phẩm “đồi trụy”, vân vân). Một trong những trò lấp thời gian trống là xếp hàng đi xem phim XHCN (có giờ tập trung, điểm danh, ngồi theo lớp...). Vào rạp thì ngủ cũng được vì phim dở. Khổ nhất là cán bộ Đoàn chặn cửa không cho về sớm. Cũng may không xảy ra vụ cháy nào.”
 
- Facebooker Uyên Vũ: “Một bộ phim được thực hiện để ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhà nước Việt Nam đầu tư đến 21 tỷ đồng đã phải ngưng chiếu vì không bán được vé.”

Đám tang ông Võ Nguyên Giáp. Không ai trong đám đông này mua vé vào xem. Kỳ quá!
 
- Theo Facebooker Hoàng Ngọc-Tuấn: "SỐNG CÙNG LỊCH SỬ" HAY CHẾT CÙNG ĐỐNG RÁC? Tuy Nhà Nước bỏ ra 1 triệu dollars để thực hiện, phim "Sống cùng lịch sử" vừa mới làm xong, thì đã... chết cùng đống rác. "Sống cùng lịch sử" là một bộ phim tuyên truyền cho "kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ" và "ca ngợi hình ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp", nhưng các rạp chiếu đều vắng hoe, nhiều nơi phải huỷ bỏ chương trình chiếu vì không có ai mua vé vào xem. DƯỜNG NHƯ ĐÃ ĐẾN LÚC NHÂN DÂN VIỆT NAM QUÁ CHÁN NGÁN VỚI NHỮNG SẢN PHẨM TUYÊN TRUYỀN LÁO KHOÉT CỦA NHÀ NƯỚC.”

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021