thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thi ca Pentagon

 

Ở đời luôn có những chuyện mà chúng ta không thể nào ngờ trước được.

Áp dụng tam đoạn luận của Socrate thì chúng ta cũng có thể kết luận như thế này: Sống ở trên đời, ai cũng phải gặp những chuyện không thể nào ngờ trước; Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld là người sống ở trên đời, do đó ông ta cũng phải gặp những chuyện không thể nào ngờ trước.

Không lường được những diễn tiến trên chiến trường Iraq đã đành, ông bộ trưởng này còn không lường cả những diễn tiến bất lợi hay có lợi khác trên một lĩnh vực hoàn toàn... không ngờ, là thi ca và âm nhạc. Nói không ngoa, từ vị trí của một ông bộ trưởng chiến tranh đang trên đường thất bại, ông Rumsfeld đã đứng dậy chói loà trên lĩnh vực thi ca và âm nhạc.

Lời ông nói, ông không nghĩ là thơ, thiên hạ cứ bảo là thơ, thậm chí là nhạc.

Mấy lời thông báo, mấy lời huấn thị, mấy câu trả lời phỏng vấn với báo chí, với nhân viên v.v..., đã được kẻ sành thơ đem... phổ thành thơ và khi đã có thơ rồi thì lại có người tiếp tay trong cái sự phổ nhạc.

Mà, phải nói, hiếm có người gặp một con đường nghệ thuật phẳng phiu như Rumsfeld: khi đã có nhạc rồi thì lại có kẻ, như Công ty thu thanh Stuffed Penguin Music, sẵn lòng tiếp tay trong cái việc ghi âm và phát hành.

Từ thượng tuần tháng Ba vừa qua công chúng Mỹ đã có dịp thưởng thức những vần thơ Rumsfeld qua 4 ca khúc “The Unknown”, “A Confession”, “Happenings” và “The Digital Revolution”, tất cả tập trung trong đĩa The Poetry of Donald Rumsfeld and Other Fresh American Art Songs qua gịong ca của Elender Wall và nét nhạc của Bryant Kong, một nhà soạn nhạc và là một dương cầm thủ ở San Francisco.

Nói như cái tên của đĩa CD thì, đích thị, những bài ca phổ từ thơ Rumsfeld là “art songs”, tức những “ca khúc nghệ thuật” chứ không phải mấy bài hát ở thứ hạng tầm tầm.

Hiểu theo lối Việt Nam thì những ca khúc này phải xếp vào thứ hạng của những “art song” mà Phạm Duy sáng tác hay phổ nhạc như “Đường chiều lá rụng”, “Tình ca”, “Một cành mai” v.v... rồi “Ngợi ca tình yêu” và “Hội Trùng Dương” của Phạm Đình Chương. Nó không thể tầm tầm như mấy bài ca tán gái, mấy bài ca hờn anh giận em hay thất tình của mấy nhạc sĩ tầm tầm kiểu “Áo em chưa mặc một lần” hay “Tôi với nàng hai đứa nguyện yêu nhau”. Mà, thậm chí, nhiều ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ nổi tiếng Trịnh Công Sơn cũng chưa chắc đã vượt qua thứ hạng “pop song” để chen chân vào thứ hạng “art songs” đáng nể này.

Nhưng điều oái ăm là, thoạt đầu, ai cũng chê là Rumsfeld có lối ăn nói khó hiểu, ngớ ngẩn và tối tăm, đến độ năm trước mấy thành viên của Plain English Campaign thấy ngứa ngáy lỗ tai, nhất quyết tặng cho một giải “Dí giày vào mồm”. Giải ra đời từ năm 1993 với mục đích bài trừ.... Anh ngữ tối tăm, thứ tiếng Anh lẩn thẩn kiểu “I know who I am. No one else knows who I am. If I was a giraffe and somebody said I was a snake, I'd think 'No, actually I am a giraffe.'' (Tạm dịch: Tôi biết tôi là ai. Không ai biết tôi là ai. Nếu tôi là một con hươu cao cổ mà ai đó nói tôi là con rắn, tôi sẽ suy nghĩ: Không, thực ra tôi chỉ là con hươu.) của tài tử Richard Gere, kẻ bị ủy ban ... dí giày vào mồm cách đây hai năm (2002).

Nhưng tại sao lại bảo “dí giày vào mồm”? Cũng như Rumsfeld năm ngoái, năm đó ban tổ chức khăng khăng trao cho Gere cái phần thưởng mang hình khối một bàn chân đi Dịch là “Dí giày vào mồm” nghe chẳng đến nỗi nào, ít ra cũng hao hao như mấy lời văng tục của xứ Bắc khai nguyên, khi những anh trai sông núi cáu sườn: “Coi chừng ông dí buồi vào mồm”.

Thế nhưng cái thứ ngôn ngữ rối rắm, rất đáng dí... cái gì đó vào mồm kia của Rumsfeld lại được nhà bình luận Hart Seely... phổ thành thơ, cho xuất bản thành tập hẳn hoi, gọi là The Existential Poetry of Donald Rumsfeld.

Một cách máy móc, ta có thể tạm dịch đó là tập Thơ hiện sinh của Donald Rumsfeld hay chăng? Và nếu được như thế mấy lời tóm lược cực kỳ khô khan của con người khét tiếng diều hâu này, phát biểu về những đề tài cực kỳ khô khan, tại một tòa lâu đài năm góc cực kỳ khô khan, chỉ chuyên tâm vào việc chế tạo những quả loại bom nổ một phát giết được mấy ngàn người, phát triển những chiến lược theo đó nếu dám tốn bao nhiêu tỷ đô la thì sẽ diệt được bao nhiêu chế độ không có lợi cho nước Mỹ v.v...

Lấy thí dụ, ngày 12.2.02, trong khi họp báo tại Pentagon về kho vũ khí của Saddam Hussein, Rumsfeld giãi bày:

As we know, there are known knowns. There are things we know we know. We also know there are known unknowns. That is to say we know there are some things we do not know. But there are also unknown unknowns, the ones we don't know, we don't know.

John Lister, Phát ngôn viên của Plain English Campaign, nhận xét: "Chúng tôi đoán là chúng tôi hiểu ông ấy muốn nói gì. Nhưng chúng tôi không biết là liệu mình có biết thực hay không nữa". Nhưng khi nói như thế thì tay phát ngôn viên của ủy ban vận động cho một thứ tiếng Anh trong sáng này đã chứng tỏ rằng anh ta hoàn toàn không có một chút hồn thơ chứ đừng nói lỗ tai của nhà phê bình thơ, những kẻ có thể nhận ra thứ ngôn ngữ mà ai cũng cho là lẩn thẩn là... thơ. Bằng chứng là Hart Seely đã chịu khó sắp đặt, “phổ” lời “briefing” khô khan và ngớ ngẩn kia thành bài thơ mang tựa đề “The Unknown”, gieo vần “ow”:

 

The Unknown

 

As we know,

There are known knowns.

There are things we know we know.

We also know

There are known unknowns.

That is to say

We know there are some things

We do not know.

But there are also unknown unknowns,

The ones we don't know

We don't know.

 

Ý của Rumsfeld là như thế này:

- Chuyện kho vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD) của Hussein chẳng qua là sự thật hiển nhiên, là “những điều chúng ta đã biết rồi” (known knowns).

- Bằng chứng manh mối thì chưa có, nó nằm ở đâu đó kín lắm, phi Hussein thì chả có ai biết, tức “unknowns”.

- Không ai biết nhưng chúng vẫn nằm đâu đó, rất nguy hiểm.

- Chúng ta chỉ mới nói tới mấy loại vũ khí hoá học, sinh học, và nguyên liệu chế bom nguyên tử của Hussein và chưa đưa ra bằng chứng. Thế nhưng biết đâu có những điều "không ai nói mà chúng ta hoàn toàn không biết" thì sao? Giả dụ bom khinh khí: chưa nói rằng Hussein có bom H, thế nhưng nếu chúng có đó thì sao? Tức là “unknown unknowns”.

- Do đó, dù chưa nắm bằng chứng nhưng chúng ta biết là Hussein xây một kho vũ khí WMD khổng lồ và đang đe doạ nhân loại!

Để dễ cảm “tài thơ” của nhà thơ dữ dằn này, tôi đã thử kết hợp với ông bạn Ngoạ Đàm (một nhà thơ/ẩn sĩ) để diễn nôm ra lục bát xem sao:

 

Cái chẳng biết

 

Chúng ta ai cũng biết là

Những điều ta biết, chẳng qua biết rồi

Điều ta biết rõ mười mươi

Là ta đã biết mươi mười thập phân

Ngoài ra ta cũng biết rằng

Có điều ta chẳng biết nhăng cuội gì

Điều này có nghĩa lắm khi

Ta biết là chẳng biết gì hết trơn

Vài điều trong cõi thế nhơn

Biết là chẳng biết còn hơn biết là

Chẳng qua ta biết cái mà

Ta chẳng hề biết nghĩa là biết không

 

Biết mà không biết, thật thiếu rõ ràng. Bởi thế, ngày 28.2.2003, Rumsfeld lại trổ tài xuất khẩu thành thi khi tóm tắt với thuộc cấp, cũng về chuyện kho vũ khí của Hussein:

 

Clarity

 

I think what you'll find,

I think what you'll find is,

Whatever it is we do substantively,

There will be near-perfect clarity

As to what it is.

And it will be known,

And it will be known to the Congress,

And it will be known to you,

Probably before we decide it,

But it will be known.

 

Ý của Rumsfeld là thế này:

- Cuối cùng thì anh chị em cũng tìm ra thôi.

- Nhưng để tìm ra thì anh chị em phải làm việc cho ra trò.

- Tìm ra rồi thì ta dí vào mặt cái bọn nghị sĩ bố láo bố toét ở quốc hội, chuyên nghề thọc gậy bánh xe và cãi chầy cãi cối, cho chúng biết thế nào là... Pentagon!

- Cứ làm hết sức mình thì kết quả sẽ vượt qua sức mong đợi, đến một cách bất ngờ!

Lại thử cùng Ngoạ Đàm ẩn sĩ diễn nôm ra lục bát:

 

Cái sự rành rành

 

Tôi tin quý vị sẽ tìm

Thấy điều muốn biết hiển nhiên rành rành

Cứ chơi táo tợn tanh bành

Sẽ lòi ra cái rành rành gần như

Rồi ai cũng biết đứ đừ

Quốc Hội sẽ biết ngất ngư một lèo

Quý vị sẽ biết vèo vèo

Rồi ta phán quyết ì xèo một hơi

Ai cũng biết tỏng như chơi

 

Thế đó. Cả khi chuẩn bị đánh nhau hay khi đang đánh nhau, lúc nào ông Rumsfeld cũng có thể xuất khẩu thành thơ: từ nhật lệnh, huấn thị, họp báo cho đến lúc nói chuyện với quân sĩ, bài nào cũng khét mùi thuốc súng, chất đầy súng đạn, bom khôn, phi đạn Tomahawk mà vẫn cứ “nghe ra thành thẩn thành thơ thế nào”. Thậm chí cả khi nói về pháo đài bay B-52 , rải bom như rây bột mà khẩu khí vẫn nhịp nhàng một điệu thơ, thì dụ bài thơ gieo vần “u” ngày 26.4.2002, khi Rumsfeld đến nói chuyện với binh sĩ Mỹ ở Kyrgyszstan, thuộc vùng Trung Á:

 

Flying, too

 

Now that is not always true

Think of the B-52

It’s still flying just fine, thank you

So am I -- thank you

 

Là bộ trưởng diều hâu, chỉ huy cuộc chiến mệnh danh là “ill-advised”, Rumsfeld còn là cái đích để báo chí thi nhau đả kích nên chẳng cho gì khó hiểu với châm ngôn "Đừng nghe bọn nhà báo luận mà hãy lắng nghe những gì tôi trình bày", như một bài thơ huấn thị khác, “sáng tác” tại Ngũ giác đài ngày 28.2.03:

 

Happenings

 

You're going to be told lots of things.

You get told things every day that don't happen.

It doesn't seem to bother people, they don't—

It's printed in the press.

The world thinks all these things happen.

They never happened.

Everyone's so eager to get the story

Before in fact the story's there

That the world is constantly being fed

Things that haven't happened.

All I can tell you is,

It hasn't happened.

It's going to happen.

 

Lại thử cùng Ngoạ Đàm ẩn sĩ diễn nôm thành song thất lục bát:

 

Các sự xảy ra

 

Ngài sẽ nghe kể hằng hà sự

Sự ngài nghe chẳng có xảy ra

Mặc cho báo chí ba hoa

Thiên hạ chẳng thấy phiền hà chút chi

Thế giới tưởng sự là sự thiệt

Nhưng thiệt là sự chẳng xảy ra

Mạnh ai nấy cứ la cà

Kể toàn những chuyện xảy ra chưa từng

Báo chí cứ nhét vô lỗ nhĩ

Của thế gian những chuyện hoang đường

Tôi xin nói thiệt tỏ tường

Rằng chuyện thứ thiệt chưa từng xảy ra

Rồi đây nó sẽ xảy ra.

 

Nếu ông xếp của Ngũ giác đài đã tài hoa đến vậy thì một người khác, lớn hơn, ở White House, có khả năng thi ca như thế hay không?

Cũng là điều không ai ngờ: tay tổng thống được xem là diều hâu, kém hẳn sự cao nhã văn hóa là George Bush mà cũng biết làm thơ. Nhưng đó là chuyện khác, kỳ sau sẽ bàn tiếp...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021