thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyện bên lề #1 [Thuật ngữ mới: "nhà văn bù nhìn"]

 

Vào văn học sử, vào văn học sử
Bọn chúng nó trước sau đều vào như thế cả
Chúng đi vào và …chân lý đi ra.
Nhại thơ Chế Lan Viên

 

1. Nguyễn Huy Thiệp là nhà viết truyện ngắn hàng đầu, chuyện đó ai cũng biết và nói nhiều rồi; ông chiếm một chỗ ngồi vững như bàn thạch trong Văn học sử Việt Nam đương đại, đấy là điều chắc chắn; nhưng làng xóm người ta đang yên đang lành (dù giả tạo) như thế kia, không dưng ông nhảy xổ ra cắn anh này một cắn, cạp bà kia hai cạp, đớp vị nọ ba đớp, và… ngoạm luôn cả ban chủ nhiệm hợp tác xã văn chương người ta thì chả là điên thì còn gọi bằng từ nào nữa cho xứng?! “Điên, điên! phải có một chút máu điên, anh biết không?” Ainsi parlait Rimbaud-Nietzsche-Wũ!

Muốn làm bật nổi mình hơn nữa trong khí quyển văn chương bình lặng này chăng? Hoặc túng quá làm càn, cắn bậy? Để thừa nước đục chửi có thưởng? Về Sự kiện Hoa thủy tiên, tôi đã tạm sơ kết trong Một năm top ten văn chương rồi, xin miễn lặp lại. Tất cả nhanh chóng trở thành thứ xác thối, chỉ đọng lại một tinh thần: thái độ của kẻ sĩ đúng nghĩa, khác đi: cái dũng của trí thức – nhà văn-trí thức. Nói, sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro, chấp nhận khả năng bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn và, trục xuất khỏi Văn học sử (của ai?)!! Và rồi gì nữa…

 

2. Nhắc vụ Hoa thủy tiên, tôi muốn liên hệ sang vấn nạn khác, sâu và xa hơn: cái không thể lớn của nhà văn Việt Nam, điều mà W. Faulkner từng cảnh giác: sự sợ hãi.

– Run rẩy trước quyền lực.

– Quỳ mọp trước đồng tiền

– Và, vãi ra quần trước cái mới.

Sợ hãi, nhiều nhà văn không dám lên tiếng cho sự thật, dù có cơ hội, điều kiện trong hoàn cảnh tối thiểu Việt Nam. Đại đa số nhà văn Việt Nam hôm nay lấy cái phương châm im lặng là vàng làm kim chỉ nam sống (dựa) và viết (theo). Cả những con người được cho là xé rào nhất, thượng sách vẫn là im lặng. Tôi tạm trưng dẫn hai tên tuổi mà tôi yêu quý, hai nhà thơ đầu đàn nằm trong Danh sách của tôi nguy cơ hơn cả để trở thành nhà văn lớn (nhưng sẽ không bao giờ lớn nổi), hai nhà tạm hội đủ điều kiện để phát biểu: Nguyễn Quang Thiều và Inrasara. Lại hơn ai hết – họ nín, nín kĩ!

Ở đây tôi không chọn nhà văn, không phải cánh viết văn thiếu nhân tố điển hình, mà bởi tôi thấy như M.R. Ranicki đã: nhà thơ “chính là những kẻ không hề ngần ngại phân tích và đánh giá một cách công khai các sản phẩm thi ca của những người đồng thời và đồng nghiệp. Khác với các nhà tiểu thuyết và sáng tác kịch, thi sĩ hầu như cũng luôn luôn đồng thời là nhà phê bình thơ”.[1]

Tôi cũng không muốn chọn nhà thơ nào khác mà đích danh họ, như đại biểu cho thái độ im lặng ngột ngạt này.[2]

– Hai nhà thơ cư trú hai miền khác nhau (Thiều: Bắc, Inrasara: Nam) – Thế hệ đầu của nhóm nhà thơ U50 (cùng sinh 1957) – Có danh vị trong Hội Nhà văn (hội viên đồng thời là thành viên Hội đồng văn học [Thiều: văn học thiếu nhi, Sara: văn học dân tộc]) – Uy tín nghề nghiệp thì khỏi nói rồi: cả hai đều đã in khối tác phẩm và đoạt nhiều giải thưởng cả trong lẫn ngoài nước (khả năng dọa được thiên hạ yếu bóng vía) – Và nhất là họ không phải lo chạy ăn từng bữa (Thiều: biên tập [nghe đồn suýt lên chức phó tổng!] tờ Văn nghệ và viết báo, Inrasara: dịch và kinh doanh [?]).[3]

Vụ Hoa thủy tiên nổ ra, họ lẩn đâu rồi? Ờ, thì cứ cho là ông Thiệp đã trừ họ ra, hoặc thương ông Thiệp mất lòng ông Thỉnh thương ông Thỉnh mất lòng ông Thiệp. Rầy rà lắm! Thế nhưng, ở cuộc tranh luận về Thơ trẻ 2 năm trước, và đang sôi động hôm nay? Ngó qua ngó lại chả thấy bóng dáng hai quan thơ này đâu cả! Trong lúc họ không phải dạng người dị ứng trước cái mới (họ còn làm tốt nữa), không thuộc hạng nắm váy nhà nước ăn bám; thế tại sao cứ im re, như thể tự đặt mình ngoài cuộc ấy! Chỉ một khả năng còn lại: run rẩy trước quyền lực. Không phải sao?

Tôi không đòi hỏi họ phát biểu như một nhà văn-trí thức, mà chỉ như một nhà [văn] thơ ủng hộ cái mới. Thế thôi, cũng không! Tôi cho đó là thái độ thiếu trách nhiệm! Không thể đổ cho nhà thơ là kẻ làm chứ không bàn thơ mà trốn tránh được.

Trong lúc hai năm trước, một Nguyễn Trọng Tạo hay một Nguyễn Thụy Kha, dẫu người của truyền thống, vẫn nhiệt tình xăn tay áo vào cuộc; hoặc một Hoàng Hưng đại biểu của cái mới-cũ đã rất xăng xái cổ súy cho cái mới-mới xuất hiện! Tranh đấu cho cái mới có mặt đề huề trên các trang báo nhà nước, qua đó cái mới hân hạnh một lần gỡ khăn voan cho làng nước xem mặt.

Còn Cuộc tranh luận thơ trẻ tập 2, Nguyễn Quang Thiều và Inrasara đang ngồi góc khuất nào trong bàn tiệc, bàn tiệc của các anh?

Nguyễn Quang Thiều một lần khởi động xôm trò cho nhóm thơ trẻ Hà Nội, sau đó mất hút. Cả nhóm thơ này cũng tiêu tán đường không cờ không trống. Inrasara sau cơn đột hứng Sáo chộn với Bùi Trát (Tienve, 2003) bị Phan Nhiên Hạo cho một quả pháo kích, cũng tắt đài. Các bài giới thiệu tập Vách nước của Mai Văn Phấn (tienve, 2004), Vỉa từ của Nguyễn Hữu Hồng Minh (eVan, 2004), Thở của Nguyễn Hoàng Tranh (tienve, 2004) chỉ được in đâu tận báo điện tử. Mà báo điện tử độc giả bình dân ai mà lên đọc!? Cứ xem báo Phụ nữ Thành phố phán (và chơi) cũng đủ biết!

Trong lúc tôi thấy các anh mải lo trả lời phỏng vấn (ngon lành rồi ư? Mà làm gì kia chứ), Thiều trả lời phỏng vấn, Sara cũng trả lời phỏng vấn. Từ tập san lão nông tri điền cho đến báo tường dành cho học sinh cấp II thò lò mũi. Và luôn luôn là mấy chuyện ngoài lề. Vụ này các anh cạnh tranh nổi với thần đồng thơ hưu trí Trần Đăng Khoa phỏng? Tuyệt đối không ai nhảy lên nắm mi-cờ-rô tranh luận phải trái. Inrasara với hơn mươi bài trao đổi khoa học với các vị cây đa cây đề về văn hóa Chăm, anh đã làm đúng danh phận của trí thức, nhưng với thơ thì – chưa.

Danh vị thành viên Hội đồng làm gì, nếu các anh không chịu đấu tranh cho cái mới có mặt ngang bằng với loại thơ khác (thơ quốc doanh và, v. v…) trên các trang báo chính thống? Sẵn sàng bút chiến bảo vệ nó, hi sinh (danh hão) cho nó? Và cả các anh nữa, mấy năm qua không thấy thơ xuất hiện (trên báo thường thôi chứ đừng đòi báo tết). Riêng Inrasara lác đác vài bài được chiếu cố đâu tít mấy tờ báo tỉnh lẻ, lại là các sáng tác từ thuở còn xà lỏn xa lắc lơ.

Danh vị làm gì? Khi đồng chí anh ba Thiều phải lặn lội tìm tận Úc Đại Lợi để kí thác mấy đứa con (bị coi là) hoang của mình, còn tay lãng tử Sara thì gánh cả hai gánh thơ tân hình thức vượt nửa vòng trái đất qua kí sinh cõi chợ đang đìu hiu Tạp chí Thơ của tân Khế Iêm giáo chủ? Thơm lắm!

Danh vị như thế là thứ danh vị bù nhìn. Và ví các anh không một lần phủi tay chối bỏ nó, tôi không tìm từ nào nhẹ nhàng hơn để kêu cho xứng danh [anh hào] rằng các anh đích thị: NHÀ VĂN BÙ NHÌN.

 

Núi Xám, 28.05.2004.

_________________________

[1]Một lời biện hộ cho thơ, Talawas. 2002.

[2]Như thể trường hợp Nguyễn Vĩnh Nguyên hay Khúc Duy, tôi muốn chọn ngay những người trong Danh sách mà răn đe, cảnh giác, phê phán…và hy vọng.

[3]Tiểu sử hai nhà này tôi lấy từ mạng: Nguyễn quang Thiều: Tienve; Inrasara: eVan; vài chi tiết từ nghe nói. Phần có đánh dấu hỏi là chi tiết còn hồ nghi.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021