thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Qua lại với Trần Wũ Khang

 

Tiền Vệ là báo mạng tôn trọng quyền dân chủ, tự do ngôn luận. Mọi người biết điều ấy và, cần phải có điều ấy. Bạn Trần Wũ Khang cần điều ấy, tôi cũng vậy. “Bực mình” trước không khí ngột ngạt của văn chương Việt Nam, trước cỗ xe thi ca đương đại “bị dính lầy”, từ Núi Xám, bạn nhảy phốc cái lên diễn đàn, diễn. Và bạn đã diễn rất ra trò: vài tháng qua Trần Wũ Khang đã khuấy động được bầu khí, lôi kéo nhiều người vào cuộc tranh luận thơ trẻ (hay cách tân thơ kì 2).

Tôi ghi nhận ở bạn mấy điểm:

– Bạn là kẻ thẳng thắn, không vị nể, không a dua. Bạn chủ quan nhận định, lên danh sách, và phê phán và “răn đe” và hy vọng,…”Chủ quan và ngẫu hứng” nhưng không phải là không có nghề, vì thế cách làm của bạn đã thuyết phục khá nhiều người. Ở đây tôi không đồng ý với Phan Bá Thọ khi cho bạn “ba phải và thù tạc”.[1] Tôi nghĩ một độc giả nhậy bén với cái mới, yêu nhiều loại thơ khác nhau như TWK là đáng quý chứ không ba phải. Tôi biết bạn ít giao du trong giới văn nghệ sĩ, vậy thì bạn cần thù tạc làm gì kia chứ.

– Thấy cái sai của mình (?) và dám thừa nhận nó với lời lẽ trân trọng như TWK, là điều ít nhà nào của chúng ta chịu. Bạn đã làm được chuyện đó.[2]

– Trang viết của bạn vừa dứt khoát vừa nhẹ nhàng, dí dỏm mà nghiêm túc dù đôi lúc bạn đã hơi ngoa ngôn (thứ ngoa ngôn khoái hoạt) là điều cần trong không khí tranh luận hôm nay.

Thù tạc như vậy là khá đủ, tôi xin qua lại với bạn.

 

1. Khi bạn nêu trách nhiệm, tôi nghĩ bạn vẫn còn vướng víu tư tưởng bầy đàn trong sáng tạo. Có nhà báo định danh tôi là nhà thơ đại biểu dân tộc Chăm, tôi nói tôi không đại biểu cho ai cả, tôi chỉ đại biểu cho tôi thôi. Và tôi chỉ chỉu trách nhiệm với ngôn ngữ tôi sử dụng (tiếng Việt và tiếng Chăm). Ngoài ra, không chịu trách nhiệm với ai cả, trước cái gì cả.

Việc bạn nghĩ tôi có sức, nhờ tôi “đẩy cỗ xe thơ ca” đang dính lầy, tôi sẵn sàng giúp. Nhưng nếu tôi không đủ sức đẩy, hoặc đẩy mỏi tay tôi nghỉ thì bạn không thể trách Sara tôi “thiếu trách nhiệm” được.

Khi bạn từ Núi Xám nhảy vào tranh luận, tôi đã rất hào hứng theo dõi, tôi thấy nó hay và có ích. Riêng tôi không năng khiếu lắm. Chưa nói thi ca là chuyện khá thơ lơ mơ, ai biết đâu là cùng tận trời mây. Bạn thấy đó, trong trao đổi khoa học (dù là khoa học xã hội) tôi vẫn diễn nên cơm nên cháo đấy chứ! Còn sự vụ tôi viết về anh em văn nghệ như: Nguyễn Hoàng Tranh, Bùi Chát, Mai Văn Phấn,... là bởi tôi thích thơ họ, chứ chả có gì là dìu dắt đàn em hay lăng xê bằng hữu.

Như thế đủ biết trong tranh luận về cách tân thơ hôm nay, Sara tôi cũng đã có giơ tay biểu quyết ủng hộ cái mới rồi, còn đòi “nhảy lên nắm cái mi-cờ-rô tranh luận phải trái”, thì ôi thôi cho em xin, các bác có phát âm “hèn” hay gì gì nữa tôi cũng chịu.

 

2. Về vụ thơ Nguyễn Quang Thiều hay Inrasara mấy năm qua không được đăng báo, theo thiển ý nó lợi hơn là hại. Mình vẫn có thể tự huyễn được là mình “đi trước thời đại”, vậy là cứ ma-ra-tông mà bước! Đùa thôi, tôi cũng chịu khó gởi cho báo đài lắm (nhất là báo tết, nhuận bút rủng rỉnh), lịch sự thì các nhà bảo thơ bác hay lắm nhưng nó không thích hợp với báo em. Quý nhà có cho nó dở đâu mô mà cãi! Ví Sara tôi dại dột gân cổ cãi lại thơ tui hay thế sao không chịu đi, thì thôi nhé: bác hay ở đâu chớ, hội đồng biên tập nhà này cho nó không phải thơ.[3] Đành gánh qua kí sinh, kí thác, kí gởi,… cho Tiền Vệ với tapchithơ sống qua ngày đoạn tháng vậy! Lẽ nào chuyện cỏn con thế mà đưa lên tận anh Hữu Thỉnh? Mà anh lại thường xuyên bận họp Quốc hội nữa chứ, thời giờ đâu mà can thiệp.

Báo giấy với báo hình

Biết đâu khôn dại dại khôn mà lần

Đành vậy đành thôi.

 

3. Còn cái thuật ngữ mới: “nhà văn bù nhìn” bạn đẻ ra rồi đem gắn lên ngực áo Thiều và tôi, không hiểu anh Nguyễn Quang Thiều nghĩ thế nào chứ Sara tôi thấy bạn rất vui tính. Thiên hạ nói chính phủ bù nhìn, quốc hội bù nhìn, thủ tướng bù nhìn hay thậm chí ông chồng bù nhìn, ai lại: nhà văn bù nhìn. Lạ đấy!

Riêng chức danh thành viên Hội đồng gì gì thì chỉ có 2 nhiệm vụ bé con: xét sơ tuyển Hội viên với (cũng lại) sơ tuyển vòng ngoài của Giải thưởng hàng năm mà thôi, chứ không to tát hay oai vệ gì. Ghế: không, lương bổng: không. Thì làm gì từ với chả chức!!!

“Tranh đấu” “lên tiếng”[4] đòi cái mới có mặt trên trang báo nhà nước thì đấy không là nhiệm vụ thành viên hội đồng. Còn nói tôi cũng là hội đồng, tại sao thơ Mai Quốc Liên (thầy Sara), thơ Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc (bạn Sara), thơ Lê Thiếu Nhơn (em Sara) được, Thiều và Sara thì không, tôi đã nói ở trên rồi: nó không “hay”, tệ hơn nữa: nó “không phải là thơ”.

 

Vậy nhé, trước khi sử dụng thuật ngữ mới, bạn TWK cần giải minh cho chúng tôi nghĩa rộng hẹp, ẩn hay nổi của nó để ta còn chung kênh mà thảo luận. Chứ không dưng bạn mang nó ra ngồi chềnh ềnh thế, đồng bào nào biết đường mà chiêm bái. Ông bạn Núi Xám làm rõ một lần (cho tất cả) đi, chẳng những tôi sẵn sàng từ chức nhà văn (“văn hóa từ chức”, cái từ đang ăn khách tại Việt Nam vài tháng qua) biết đâu cái thuật ngữ nóng hôi hổi đó còn bước thẳng vào ngồi trong từ điển tiếng Việt sang năm nữa!

Từ chức dứt khoát – không như anh Nguyễn Duy bỏ làm thơ để đi bán (à xin lỗi: làm lịch) thơ, mà là gạc-đờ-co bà xã đi buôn thổ cẩm, vừa đậm đà bản sắc vừa chả phiền ai than thiếu hay chả thiếu trách nhiệm.

Thôi thì tạm lấy câu lục bát Bùi Giáng làm lời kết cho suôn sẻ cuộc từ chức sắp tới vậy.

 

Giã từ cõi mộng điêu linh

Anh về buôn bán với mình phôi pha…

 

-------------------------------------------------------------

* Lưu ý: Trong Một năm top ten văn chương, khi đưa hiệu lệnh: “Hoặc chúng ta hành động ngay bây giờ, hoặc chết” mà bạn không chú thích gì cả, tôi e thiên hạ hiểu nhầm tưởng nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh đang hô hào làm chuyện gì to tát lắm, dù thực ra không phải vậy. Theo tôi hiểu, đấy là câu được trích từ chuyên luận của Henri Miller về A. Rimbaud, ý nhà thơ nổi loạn này kêu gọi thi sĩ phải thay đổi cách nghĩ, cách nói, thay đổi cả ngôn ngữ lẫn tâm hồn. Đọc văn bản văn chương bằng con mắt chính trị, bạn hiểu dân Việt ta quá mà! Cứ nhìn vào việc tiếp nhận Lỗ thủng lịch sử thời gian qua cũng đủ biết. Nên lưu ý giùm cho kẻ ở “phố đỏ” chúng toi. Tôi “răn đe” Wũ điều đó!

Cũng vậy, khi bạn kêu gọi Nguyễn Quang Thiều và Inrasara hãy “phủi tay chối bỏ danh vị bù nhìn” đi, chắc chắn sẽ không ít vị cho bạn đang xách động chúng tôi làm loạn đấy nhé. Dù tinh thần bạn tôi quá hiểu: nó nằm ngay trong phần bạn tán về bài giới thiệu Thở của tôi: phi-chính trị và “giải-chính-trị” . (Đây là chú thích rất quan trọng, quan trọng còn hơn chính bài Qua lại)

_________________________

[1]Hai lên một xuống, thơ Phan Bá Thọ (Talawas. 2004)

[2]Góp ý về văn hóa góp ý, Talawas, 2004.

[3]Không đăng thơ lấy nhuận bút nhưng phải cắn răng trả lời phỏng vấn, đấy là chúng tôi làm tròn trách nhiệm. Các cháu thưa chú hai lần được giải Hội Nhà văn chú có thấy ấm lòng không? Tôi tránh đâu được, phải trả lời rằng vừa ấm lòng vừa ấm túi, cái sau quan trọng hơn. Còn nếu không ấm gì cả tôi cũng phải thỏa mãn tò mò của các cháu chứ. Trách nhiệm quá xá rồi còn gì?

[4]Các chữ trong ngoặc là của Trần Wũ Khang.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021