thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Làm lính thì trẻ mãi sao?

 

Bạn hiền,

Đêm hôm trước bạn thắc mắc tại sao ông nhà binh ở gần nhà bạn đã hết đánh giặc gần ba mươi năm rồi mà vẫn còn mặc đồ trận? Bạn lại thắc mắc đã gần ba mươi năm trôi qua mà ông ấy vẫn trẻ như ngày xưa? Nghe những chuyện thần kỳ như vậy, tôi đã nhất quyết nhờ bạn đưa tôi đến ngắm ông ấy tận mắt, rồi chúng mình mới thử bàn bạc. Hôm qua tôi đến thăm bạn, bạn chỉ tôi xem ông lính ở gần nhà bạn. Nhìn qua hàng rào, tôi thấy ông ấy đang ngồi trước hiên nhà, đọc báo, với một bình trà và một cái cốc bên cạnh. Nếu không kể đến bộ đồ lính, thì đó là một người đàn ông bình thường, tuổi chưa đến sáu mươi, giản dị như một ông công chức nghèo. Thấy chúng mình đứng bên này hàng rào nhìn sang, ông vui vẻ đứng dậy, tay cầm tờ báo, bước đến gần và vui vẻ nói: "Có bạn mới đến nhà chơi đó hả? Chào anh, tôi là hàng xóm của anh bạn nhậu này..." Thế là, vài phút sau, tại hàng hiên nhà bạn, có ba người ngồi tâm tình quanh mấy chai rượu đỏ do bạn hào sảng thết đãi.

Trong lúc chuyện trò, tôi có hỏi ông nhà binh tại sao hết đánh giặc gần ba mươi năm mà còn mặc đồ trận. Ông nói: "Tôi không đào ngũ, mà cũng chưa giải ngũ, thì vẫn còn mặc chứ!" Nói thế nghe thật là hay. Cuộc chuyện trò thật hào hứng, kéo dài từ 5 giờ chiều cho đến quá 12 giờ đêm, với các món ăn tuyệt hảo do bà xã của bạn ra tay nấu nướng. Quả đúng như lời bạn đã nhận xét, ông nhà binh càng nói chuyện lại càng thấy trẻ ra. Ban đầu, lúc 5 giờ chiều, ông bàn chuyện đời sống ở Úc, chuyện lớn tuổi khó kiếm việc làm, chuyện con cái nhuộm tóc, xỏ lỗ mũi, v.v... Đến 6 giờ chiều, ông kể chuyện vượt biên. Đến 6 giờ rưỡi, ông kể chuyện ở trại cải tạo. Rồi từ 7 giờ rưỡi đến quá 12 giờ đêm, ông toàn kể chuyện thời ông mới ra trường, đeo lon chuẩn úy, với những đêm nằm phục kích trong rừng, những đêm nhậu say cùng bạn bè ở vũ trường, những trận đánh vừa kinh hồn vừa hấp dẫn như cinema, v.v... Càng kể ông càng vui, giọng nói sang sảng, cử chỉ linh hoạt như một anh thanh niên tuổi mới ngoài hai mươi, rượu vào liên miên nhưng không hề làm ông lạc đề một chút nào. Ông kể rành mạch về chỉ huy trưởng nọ, tham mưu trưởng kia, tiểu đoàn trưởng khác, với trọn vẹn vẻ sùng kính của một anh lính mới ra trường. Nếu tôi có giả vờ chê trách người này người nọ là tham nhũng, là bỏ chạy, thì ông lập tức to tiếng cãi phăng đi ngay. Tinh thần quân kỷ và óc tôn trọng thượng cấp sau gần ba mươi năm vẫn y nguyên như hồi mới đeo cái alpha. Thật đáng nể. Ông còn ngỏ lời mời hôm nào rảnh ghé nhà ông xem hình; ông còn rất nhiều hình ảnh về thời lính, chụp chung với nhiều người nay đã qua đời hoặc đang sống rải rác trên trái đất. "Con gái tôi về trong nước, đem qua đây được đầy đủ mấy cuốn an-bum ngày xưa. Tôi đem ra chưng để nhớ cái thời ấy...", ông nói đầy tự hào và sung sướng. Đêm ấy quả là vui. Tôi ít khi được nghe chuyện lính tráng liên tục nhiều tiếng đồng hồ như thế.

Trên đường về, tôi lái xem chầm chậm, và chợt nhớ đến một người bạn của tôi. Có thời anh ấy cũng giống như ông nhà binh này. Sang Úc đã tám năm anh vẫn còn mặc đồ lính. Trong nhà anh có trưng bày nhiều hình ảnh trên tường, trên tủ sách, trên đầu giường ngủ, dưới tấm kính bàn uống trà, v.v... Điều lạ lùng là tất cả những hình ấy đều là hình anh bạn tôi mặc quân phục, với đủ kiểu chụp: đứng một mình, đứng với chiến hữu, ngồi bên vợ trẻ, nằm võng hút thuốc, nhậu với bạn bè trong quán rượu, v.v... Nhưng tấm hình anh bạn tôi ăn ý nhất, phóng lớn, treo tại phòng khách, là bức hình chụp anh đang ngồi làm dáng trong tiệm nhiếp ảnh nào đó (sau lưng là tấm phông vẽ hình biển mênh mông), anh mặc quân phục ủi thẳng tắp, giày sáng choang, bảng tên, phù hiệu cấp bậc đầy đủ, mũ beret nhét dưới cầu vai, mắt nhìn vào cõi xa xăm nào đó, môi hơi nhếch lên, toát ra một chút "khinh thế ngạo vật" trên khuôn mặt còn non choẹt. Suốt tám năm đầu tiên trên đất Úc, chính anh cũng toát ra một chút "khinh thế ngạo vật" như vậy. Đó là thời gian anh kiếm sống rất khó khăn, lúc thì có việc ở xưởng máy, lúc thì mất việc, lại có hai đứa con còn đi học. Thời ấy, mỗi lúc đến thăm anh, tôi đều phải nghe anh thao thao kể chuyện đời lính của anh. Anh còn lộ cả vẻ chua chát khi nhắc đến những bạn đồng ngũ chỉ "lo ôm cái lò bánh mì, không còn màng gì đến quê hương đất nước". Nhưng đến năm thứ chín thì tấm hình ăn ý nhất trong phòng khách lại bị tháo ra, nhường chỗ cho tấm hình thằng con cả mặc bộ áo hàn lâm, đội mũ hàn lâm, tay cầm tấm bằng cử nhân y khoa. Một số tấm hình cũ khác cũng phải nhường chỗ cho những tấm mới có hai vợ chồng anh chụp chung với thằng con tốt nghiệp y khoa trên sân trường đại học. Đến năm thứ mười một thì nhiều hình cũ khác lại phải tiếp tục nhường chỗ cho những tấm hình chụp đứa con gái cưng tốt nghiệp dược khoa. Đến năm thứ mười lăm, thì anh chuyển sang ngôi nhà mới, đồ sộ, có sáu phòng ngủ và đầy đủ tiện nghi hiện đại. Lúc ấy, nhờ hai đứa con lớn giúp vốn, vợ chồng anh đã làm chủ một lò bánh mì khang trang tại một khu phố đông đúc náo nhiệt. Lúc đến ăn tân gia tại nhà anh, tôi để ý thì không thấy một hình lính tráng nào nữa cả. Thay vào đó là hình hai vợ chồng du lịch Hồng Kông, Hoa Kỳ, Thái Lan, Trung Quốc... Trong những câu chuyện quanh bàn tiệc, tôi không còn nghe anh nói chuyện lính nữa, mà phải nghe toàn chuyện đầu tư nhà đất, chuyện sang shop, chuyện con trai chuyển phòng mạch, chuyện con gái làm chủ bai cái "phạc-ma-xi". Đại loại là thế.

Một hôm, vào năm thứ mười chín của đời tỵ nạn của anh, bên bàn nhậu chỉ có anh và tôi, tôi bất ngờ phát biểu: "Lâu lắm rồi, tôi không nghe anh nói chuyện đời lính, cũng không thấy anh treo hình lính tráng trong nhà nữa..." Anh bạn tôi lộ vẻ sững sờ trong vài giây đồng hồ, rồi nói: "Ừ, thì cuộc sống phải đổi thay chứ... Nhưng thật ra thì cái thằng lính ngày xưa vẫn còn trong tôi... Ừ, thì vẫn còn là lính... Nhưng đâu cần phải nói ra làm gì... Thôi, uống đi." Rồi chúng tôi cụng ly.

 

Bạn hiền,

Đêm hôm qua, trên đường từ nhà bạn lái xe chầm chậm về, chợt nhớ đến chuyện anh bạn lính một thời "khinh thế ngạo vật" nay đã thành ông chủ giàu có, mà, theo như anh ấy, vẫn còn là lính, mặc dù không còn nói chuyện lính nữa. Rồi tôi chợt nghĩ vẩn vơ, nếu ông hàng xóm của anh đột nhiên phát giàu lên, thì ông ấy có giống anh bạn lính của tôi chăng. Nghĩ vẩn vơ thôi, chứ không thể có lời giải đáp.

Sáng nay, tôi lại tình cờ đọc được hai cái truyện cực ngắn của nhà văn Nguyễn Như Núi trong loạt "10 truyện cực ngắn về chiến tranh", giật mình trước sự trùng hợp thú vị. Tôi muốn kể lại đây cho bạn nghe. Một truyện như thế này:

Vượt biên, hắn không quên mang theo cái lon ngày xưa đính trên ve áo của hắn. Hai mươi năm sau, hắn bị buộc phải lựa chọn: hoặc hắn phải tìm một cái lon khác với cấp bậc cao hơn cho xứng với tuổi tác của hắn; hoặc hắn phải trẻ lại, cứ mãi mãi ở lứa tuổi hai mươi, khi hắn mới ra trường. Lương thiện, hắn chọn giải pháp thứ hai. Từ đó, hắn không lớn nữa.

Truyện kia như thế này:

Từ khi hắn mặc bộ quân phục vào người, hắn không cởi ra được nữa. Cuối cùng, hắn chọn giải pháp: hắn khoác các bộ đồ mới bên ngoài.

Đọc xong, tôi lại nghĩ lan man: Phải chăng ông lính ở cạnh nhà bạn hiền sẽ trẻ mãi không già? Phải chăng anh bạn lính của tôi vẫn còn mặc quân phục bên trong, chỉ khoác thêm bộ vest thương gia bên ngoài để hoà mình với cuộc sống? Nghĩ lan man thế thôi, chứ làm sao tự giải đáp. Cuộc sống quả là có nhiều điều kỳ lạ, phải không?

Thôi, khuya rồi, bạn cho tôi đi ngủ nhé. Sao? Lại muốn tiếp tục nói chuyện à? Chuyện gì? Lại chuyện chính trị nữa rồi! Lần trước, bạn bảo bạn chán nghe chuyện chính trị, mà lần này bạn lại... Không phải chuyện chính trị sao? Chuyện tham nhũng hả? Ôi, chuyện tham nhũng thì nói đến sáng cũng chưa xong. Mắt tôi muốn sụp xuống đây này. Thôi, tôi đi ngủ nhé. À mà này, tôi có một chuyện này thú vị hơn cả tham nhũng. Chuyện ở một nước nọ, mọi người đều là kẻ trộm. Không, tôi không đùa đâu. Thật đấy. Nhưng hẹn đêm khác tôi sẽ kể cho bạn chuyện đó. Ngủ ngon nhé.

 

[còn nhiều kỳ]

Đã đăng:

Chưa "cởi mở", mà đã sướng!

Đã được tự do, sao còn thích đánh trổng?

Làm nhà thơ, ôi sao buồn thế!


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021