thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hạnh ngộ Ngôn Sư
[tản văn]

 

Đã được mấy sát-na từ cái ngày thuở Người là Vượn?

Thuở Trời Đất mênh mông "u muội" ấy

Tam Tài ắt phải được gọi là "Trời - Đất - Vượn",

Mà giờ đây để bảo rằng Trời Đất cũng như ta, Người kiêu hãnh gọi "Thiên - Địa - Nhân".

Tôi - một con người (Homo sapiens sapiens) - rất đỗi phân vân

Rằng "các cụ" (Homo) đã ngôn ngữ thế nào??

Thuở ấy nào có tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Lào...

Bởi các cụ Vượn - dù gốc Mongoloid hay Néanderthal - đều dùng chung một thứ tiếng.

Ấy tiếng gì? Xin hãy cùng vượt thời gian về quá khứ.

 

Nhiều người nói rằng chỉ sau các cuộc Cách mạng Dân chủ phương Tây mới phát triển tình yêu tự do, tức là nam nữ mới biết thế nào là "tự do tìm hiểu", dần thoát khỏi hôn nhân sắp đặt. Chữ viết kể từ khi ra đời nay đã có vai trò to lớn trong các cuộc "cưa cẩm" của họ. Chuyện ấy rõ như ban ngày. Sau thời Phục hưng, đặc biệt là tới thời Khai sáng với sự bắt đầu của những trang thư ngắn viết trên những tờ giấy dày như bìa được cuộn lại đi theo các "Mr. Postman" on horseback thì cùng với sự bùng nổ của các cuộc cách mạng chính trị - xã hội - tư tưởng - văn hóa - khoa học - kỹ thuật - kinh tế và các phát kiến vĩ đại thư từ ngày càng dài hơn, vì: tư duy phân tích phát triển mạnh, xã hội nảy sinh ra nhiều hiện tượng mới làm tăng đột biến số lượng từ vựng, con người tự do xuất hiện ngày càng nhiều có cơ hội phát triển cá nhân nên tâm tưởng ngày càng đa đoan hơn và long-tongued hơn. Cụ thể thì thư tình thời đó thường dài nhiều trang với đủ thông tin về thời sự (trong nước [chuyện chiến tranh, hiệp ước, văn đàn, bệnh dịch...], trong thành phố [chuyện ở các nhà hát, sòng bài, salon, các cuộc tình thời thượng...] và quốc tế), thời tiết, vv. Ta có thể nói không ngoa là có một "dòng văn học thư tình" với nhiều bút pháp phong phú. Đã có những nhà văn nổi tiếng cả về cái khoản này như Lawrence Sterns, thư của ông đã được in thành tuyển tập với nhiều "văn vở" khác nhau, nhất là cái thủ pháp so sánh như kiểu "đôi môi em ngọt ngào như một lọ mứt hoa quả tẩm mật ong". Cái thủ pháp Tây phương này lên đến đỉnh điểm với Oscar Wilde vào thế kỷ XIX với "tóc óng ả như những lọn vàng ròng nhìn qua ly nước thuỷ tinh, môi đỏ rực như ruby, răng như bạch ngọc, da như ngà voi..." Để làm gì nhỉ? Để nói rằng "anh yêu em".

Viết thư thế mà đã thỏa hết nỗi lòng đâu. Người ta còn viết nhật ký hàng đêm để trút vào đó những thổn thức của trái tim, những băn khoăn, những ngượng ngùng, những day dứt, những nỗi sợ hãi vô hình nhưng vô cùng ám ảnh e rằng rồi sẽ chẳng lấy được nhau. Lịch sử đã ghi lại rằng có một cặp vợ chồng vĩ nhân nọ vào thời đấy trong 4 năm yêu nhau và xa cách vì chàng phải đi học xa hai người đã viết cho nhau gần ngàn lá thư. Chàng còn viết đến 4 cuốn nhật ký dày để giãi bày tâm can mình gửi cho nàng. Chưa hết, chàng còn chép nhiều tập thơ của những thi sỹ tình yêu nổi tiếng để gửi cho nàng. Chỉ để nói rằng "anh yêu em".

Vâng chỉ để nói rằng "yêu". Thế mà suốt mấy thế kỷ (đến tận giữa nửa cuối thế kỷ XX) người ta đã dùng không biết bao nhiêu giấy mực cho cái mục đích ấy, kể cả thế hệ cha mẹ anh chị chúng ta cũng từng như vậy. Thật tiếc là không ai nghĩ ra một cái viện bảo tàng để lưu giữ những lời vàng đá ấy... Hay là chẳng có cái bảo tàng nào có thể chứa hết được lời giai gái yêu nhau (cả khẩu ngữ và bút ngữ). Thật xót xa, bao nhiêu nước chảy qua cầu...

 

- Rõ nhảm!

- Bẩm cụ Vượn, cụ bảo nhảm gì ạ?

- Chuyện yêu đương rắc rối của hậu thế chứ chuyện gì!

- Thưa cụ, yêu đương theo lịch sử ghi nhận thì thời nào mà chẳng rắc rối ạ?

- Hahahahah, vấn đề là chúng nó "đường quang không đi cứ đâm quàng bụi rậm".

- "Đường quang" ở đâu thưa cụ?

- Hohohohohohoh...

 

Tôi bỗng xây xẩm vì buồn tủi, uất ức. Cái gọi là "phát triển", "văn minh" của loài người lại bị cái ông cụ tổ lông lá xum xuê, tay to cằm bạnh, cười nói nhăn nhở và rất "mùi" này cười cho vào mũi sao? Con người cái ngày là vượn chỉ biết sống lầm lũi trong khung trời u ám không điện không điều hoà không DVD không chảo vệ tinh không mô-li-phôn không xe hơi không hư tire không kẹt xe không McDonald không Budweizer không whisky không bikini không ngoại tệ mạnh không stress không computer không internet không bao condom không pill không perfume không nightclub không đọc Nabokov không xem Van Gogh không hội chứng thần kinh không nghe Spicegirls không helicopter không Luis Vuiton không Triumph không jumbo không học thêm không má mì không viagra không TGV... thì nào ai biết vốn từ vựng được bao nhiêu, chắc đếm không quá 10 đầu ngón tay. Rồi tìm ra lửa, rồi sinh hoạt trong những cộng đồng ngày một lớn hơn, nhu cầu giao tiếp ngày càng cao thì ngôn ngữ mới dần được phát triển...

 

- Ngươi chẳng biết gì. Các cụ là sướng nhất. Lao động chỉ có 8 giờ một tuần, còn lại là ăn chơi nhẩy múa, đàn đúm cưa cẩm. Ngươi hãy đến các hang động ở Pháp mà xem tranh của họ, thứ tranh mà Picasso học mãi không được còn Gaugin thì vẽ đến đâu đốt đến đấy vì thấy mình không lại được. Thực phẩm thì đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhiều gấp 20 lần những gì mà các ngươi ăn bây giờ (bây giờ lấy đâu ra nữa), lại toàn tinh chất và không ô nhiễm. Con người bây giờ thua đứt mọi thứ, nhất là "tứ khoái". Cuộc sống gần với tự nhiên làm bản năng của các cụ vô cùng bén nhọn nên không cần máy móc gì hỗ trợ kể cả một chiếc đồng hồ và các giảng đường đại học với họ không khác bãi rác vì trong bụng đã đủ sách trời, thể chất vô song nên thời tiết khắc nghiệt đâu có nghĩa lý gì. Các cụ lại đếch ưa "ní nuận" nên khỏi cần ngôn. Rõ là "ní nuận ní nuận... nồn"!

- Cụ nói khiếp lên được. Thế không "ngôn" thì các cụ cưa cẩm làm sao được?

- Huhuhuhuhuh...

 

... Cho đến gần đây (khoảng chục ngàn năm) khi có nhà khoa học kiêm triết gia kiêm tiên tri Phục Hy thì cũng là người suốt ngày lầm lỳ chứ có thấy ăn nói, hùng biện như các ông bây giờ đâu, mà sao khắp Đông Tây cứ ca ngợi mãi thế. Ông làm Kinh Dịch toàn những vạch đứt, vạch liền bí hiểm (trông như những cơ quan sinh dục nam nữ) mà chẳng nói lên câu nào, chứng tỏ là ông "bí từ". Hay sự vĩ đại đồng nghĩa với cái tù mù? Rồi đến các cụ Ân Độ khi viết Kakma Sutra bàn chuyện tình yêu thì cũng tuyệt không thấy bóng người thơm tho, toàn thấy "long, phượng, hổ, chó" với bò, dê, rùa. Các cụ cứ yêu như súc vật phát khiếp lên được, sao gọi là văn minh? Làm sao các cụ có được những Khổng, Mạnh, Nguyễn Du, Descartes, Lorca, Apollinaire, Eluard, Prevert, Nietzsche, Jerzy Lec, Paz, Borges, Suzuki, Salinger, Heidegger... ngôn ngữ và tư tưởng đều phi phàm.

 

- Thôi đủ rồi. Các người đâu biết cái hùng biện của vô ngôn. Nay ta hỏi ngươi "mở miệng đã là sai" là vì sao? Vì ngôn ngữ chỉ có tính "nhị nguyên" - nó chỉ có tính tương đối trong thời-không ba chiều, nên hễ mở miệng là con người đã phải nói đúng - sai, tốt - xấu, yêu - ghét, trên - dưới... mà tất cả những thứ đó chả có cái cục cứt nào là chân lý cả. Chân lý tuyệt đối bao trùm lên tất cả những thứ đó. Bởi vậy các cụ không ưa bọn hùng biện, vì càng nói thì càng xa.

- Vấn đề là các cụ cưa gái thế nào, thưa cụ?

- Cần đếch gì phải cưa. Bản năng và vô thức làm tuốt. Khi thích đứa nào ta chỉ cần nhìn nó, rồi ta hú lên "ú ú ú", thế là xong. Thấy nó cứ đưa mũi hít hít là chắc chắn thành công. Thế mà vào thế kỷ XIX các người phải viết ngàn lá thư, hàng chục tập nhật ký và tuyển tập thơ thì cũng chỉ đến kết quả như vậy chứ để làm gì. Cũng chỉ một câu "I love you" mà thôi, tức là "ú ú ú". Đến khi bức xúc quá thì cũng đâu phải trình bày "I wanna make love to you”, chỉ cần "ớ ớ ớ". Đời sống chỉ cần những nguyên âm như vậy. Thậm chí cha ta còn không thèm hú, lão chỉ cần ngửi ngửi rồi lườm một cái là đã OK. Cái vĩ đại của Phục Hy đạt được ngưỡng đó, chỉ cần vạch ra được gốc rễ và gợi mở để mọi đối tượng tự ngẫm ra chân lý bằng thứ "ngôn vô ngôn" trong Tâm mỗi người. Còn Ấn Độ ư, wonderful! Đọc đi để nhớ cái cội nguồn súc vật thượng đẳng vô song ấy trong human being. Cụ tổ của tất cả mấy cha kia vẫn thường cùng ta đi săn bắt và cưa gái mà. Nhưng cũng mỗi thằng mỗi tính.

- Bạch cụ Vượn, cụ đã thuyết phục được con rồi đó. Thế các cụ khác nhau thế nào?

- Cụ tổ của Khổng-Mạnh và cả Du nữa là dòng Mongoloid phương Bắc lười nhác nên hay ếch ngồi đáy giếng nhưng cậy lắm bài nên hay trịch thượng kẻ cả, khi cưa gái cứ "a u a u a a a u..." nghe như thổi kèn trận làm bọn phương Nam vốn ưa tiết nghĩa và khí khái xằng không ưa vì nghe tiếng tâm có cái vẻ đạo đức giả, bọn con cháu bây giờ lại còn tệ hơn. Cụ tổ của Descartes, Nietzsche, Heidegger... là dòng Néanderthal lý trí nên ưa tham bác, khi hú cứ lẫn thêm mấy cái phụ âm nghe cứ "bra cru dri ca ca..." mất thời giờ không chịu được, rõ là quân ưa rúc đầu vào bụi rậm vì thiếu một trực giác bén nhậy, thế mà bọn bây giờ lại còn hay bắt chước mới khỉ chứ. Cụ tổ cha Suzuki thì mặt mũi trông lúc nào cũng trầm mặc như thằng sư hổ mang, nhưng thấy gái là cứ “ư ử ư ử ư ư” nghe nghiệt súc không chịu nổi...

- Vậy thời nối mạng toàn cầu bây giờ thì sao thưa cụ? Giờ đây bọn chúng cưa cẩm cũng nhanh lắm, chẳng cần rõ mặt cứ lên mạng chít chát mấy câu vớ vẩn là cũng OK. Phải chăng văn minh thế kỷ XXI này đã quay về cái thời hú hét kiệm lời của các cụ Vượn sau một chặng đường "tiến lên" từ chỗ ú ớ đến có ngôn ngữ, đến chỗ nói nhiều viết nhiều rồi lại quay về thời ú ớ?? Cụ xem văn thơ bây giờ phải chăng cũng đều thế cả.

- Đó là vòng quay bí mật của Tạo Hóa.

- Vậy là cụ sinh ra loài người bây giờ. Nhưng, có phải cụ được chính Tạo Hóa sinh ra?

- Nói theo “tam giác ngôn ngữ” của tụi bay thì Tạo Hoá sinh ra cái “object” cùng một “function” là ta nhưng hình như chính chúng mày lại đưa ra “definition”?! Mind your monkey business, sons of the beasts!

 

Hà Nội 26/7/2004

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021