thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
"Tự do": một ẩn ngữ ly kỳ

 

Bạn hiền,

Đêm hôm trước, khi chia tay, tôi có hứa lần này tôi sẽ kể một trong những chuyện rất ly kỳ trên đời này, ly kỳ như chuyện "Ngàn Lẻ Một Đêm" của nàng Sheherazade. Hứa là hứa vậy, nhưng thú thật tôi chưa hình dung sẽ kể cái gì. May thay, cách đây mấy ngày, tôi tình cờ nghe được một mẩu đối thoại, và chính mẩu đối thoại ấy làm nẩy ra câu chuyện ly kỳ sau đây.

Này nhé, tôi đang đi loanh quanh trong thư viện để tìm một cái gì đọc chơi vui, thì thình lình tôi nghe một người đàn ông nói đối thoại với bạn của ông ấy.

"Anh thích đọc loại sách gì?"

"Tiểu thuyết."

"Tiểu thuyết cũng có nhiều loại. Tôi thích đọc kiếm hiệp. Còn anh?"

"Tôi thích đọc truyện trinh thám và khoa học giả tưởng."

"Vậy thì có lẽ mình nên bước qua dãy bên kia. Bên này toàn là sách triết lý. Mới thấy mấy cái nhan đề, đã muốn nhức đầu."

"Triết lý có lẽ cũng cần thiết chứ?"

"Có lẽ vậy. Nhưng tại sao họ lại viết lách phức tạp đến thế! Họ không viết đơn giản được à?"

"Tôi đoán là những vấn đề ấy không thể viết đơn giản được."

"Nhưng nếu thế thì có mấy ai đọc! Viết mà không có người đọc, không khéo lại thành vô dụng..."

"Nói thế thì tội cho mấy ông hiền triết..."

 

Bạn hiền,

Bạn nói thật với tôi đi. Bạn có thích đọc sách triết lý không? Không à? Nhức đầu à? Vâng, bạn không muốn phải nhức đầu. Bạn muốn mọi sự trong cuộc sống đều đơn giản, dễ hiểu. Bớt động não chừng nào thì khoẻ chừng ấy. Ai mà không muốn thế? Nhưng sao bạn chóng quên vậy? Sáng nay, bạn mới than phiền với tôi rằng sống trên đời không phải là dễ, rằng cuộc sống vô cùng phức tạp, rằng phải chi bạn có khả năng phân tích cái phức tạp đó để tìm ra một phương cách sống chính xác hơn, hạnh phúc hơn... Bạn hiền của tôi ơi, chứ không phải mấy ông hiền triết làm việc ấy giùm bạn, và giải thích những cái đáp số trong những cuốn sách của họ cho bạn tìm đọc ư? Chứ không phải bạn chẳng tránh được triết lý ư? Chứ không phải hàng ngày bạn vẫn lao tâm khổ trí để tìm cho ra cái gì là đúng hay sai trong hành vi và ý tưởng của mình ư? Tại sao bạn không giở những cuốn sách nhức đầu ấy ra mà đọc thử, biết đâu bạn sẽ nhặt được cái gì trong đó khiến bạn bớt nhức đầu trong cuộc sống của chính bạn?

Khổ quá, bạn lại than phiền rằng những cuốn sách ấy chứa đầy những ẩn ngữ làm bạn nhức đầu thêm! Vâng, thì tôi tôn trọng ý kiến của bạn. Tôi chỉ xin kể lại cho bạn nghe một câu chuyện rất ngắn của văn hào Franz Kafka về chính cái mà bạn gọi là "ẩn ngữ". Bạn nghe chơi vui nhé. Chuyện có nhan đề là "Về những ẩn ngữ":[1]

 

Nhiều người đã phàn nàn rằng ngôn từ của bậc hiền triết luôn luôn chỉ là những ẩn ngữ và vô dụng trong cuộc sống hàng ngày, mà cuộc sống hàng ngày lại chính là cuộc sống duy nhất chúng ta có. Khi nhà hiền triết nói: "Hãy vượt qua", ngài không muốn bảo rằng chúng ta nên băng qua một cái gì đó để đến một nơi nào đó -- một việc chúng ta chắc hẳn làm được nếu nó đáng với công sức bỏ ra -- nhưng ngài lại muốn nói về một điều xa xăm ảo diệu nào đó, một điều chúng ta chưa từng biết, một điều mà ngài cũng không thể diễn tả đơn giản hơn được, và do đó không thể giúp ích cho chúng ta một chút nào cả. Tất cả những ẩn ngữ này được tạo ra cốt để cho chúng ta biết rằng điều bất khả tri là bất khả tri, và chúng ta vốn đã biết như thế rồi. Tuy nhiên những điều chúng ta hàng ngày phải nhọc nhằn lưu tâm đến lại là một vấn đề khác.

Bàn về điều này, có lần một người đã nói: Sao lại còn do dự? Nếu quý vị chỉ đi theo những ẩn ngữ, thì chính quý vị sẽ trở thành những ẩn ngữ và quý vị sẽ gạt bỏ hết những mối lưu tâm hàng ngày.

Một người khác nói: Tôi dám đánh cuộc rằng điều anh nói cũng là một ẩn ngữ.

Người thứ nhất nói: Anh thắng cuộc rồi đấy.

Người thứ hai nói: Nhưng, rủi thay, tôi chỉ thắng trong ẩn ngữ.

Người thứ nhất nói: Không, anh thắng trong hiện thực; chứ trong ẩn ngữ thì anh đã thua cuộc rồi.

 

Sao bạn ngẩn người ra vậy? Phải chăng bạn đang thắc mắc không hiểu mình đang sống bên trong hay bên ngoài ẩn ngữ? Cuộc sống con người quả là hết sức ly kỳ, chứ không phải hay sao?

Thử nói về một chuyện rất gần, chuyện của bạn và tôi. Một ngày nọ mình cảm thấy rất rõ rằng đã mất tự do. Không chịu được trạng huống ấy, mình liều chết, xuống tàu, ra khơi, tìm đến một miền đất xa xăm nào đó, để giành lại tự do cho mình. Bây giờ mình tự hỏi: tự do là một hiện thực, hay chỉ là một ẩn ngữ? Mình đã đi tìm tự do. Mình đã đến một miền đất mới. Mình thực sự có tự do chưa? Mình đã làm gì với cái tự do ấy?

Tôi không phải là một triết gia, nên tôi không có những câu trả lời, mà chỉ có những câu hỏi để tự hỏi. Tôi vẫn thường nói tôi đã có tự do rồi, và, vâng, quả là tôi có thể bay đến mọi phương trời, như một con chim trong không gian vô hạn. Nhưng cái thân xác của tôi bay, hay cái tinh thần của tôi bay? Thân xác của tôi đã vượt qua đại dương, hay tinh thần của tôi? Hay cả hai?

Thú thật với bạn, lúc trước tôi cứ tưởng ý nghĩa chữ "tự do" rất là đơn giản, mà không ngờ nó phức tạp, ly kỳ đến thế. Con chó sổng xích là được tự do. Con chim sổ lồng là được tự do. Con người thì nhiều khi đã vượt qua ngàn dặm biển cả, mà chưa chắc đã tháo được cái sợi xích, đã đập vỡ được cái lồng trong đầu. Tại sao thế?

Bắt chước lối lập ngôn của Kafka, tôi muốn tự hỏi thêm một câu nữa: Mình có dám chắc rằng trên hành trình đi tìm tự do, mình đã hoàn toàn thắng cuộc -- nghĩa là mình đã nắm bắt được tự do trọn vẹn như một hiện thực và như một ẩn ngữ -- hay mình chỉ thắng trong hiện thực, chứ trong ẩn ngữ thì mình đã thua cuộc rồi – nghĩa là thân xác đã bay vút lên trời cao, mà tinh thần vẫn còn mắc kẹt sau hàng song sắt?

Ôi, chúng mình lại vô tình la đà vào triết lý mất rồi! Thôi, có lẽ mình nên đi ngủ sớm, kẻo lại nhức đầu. Hẹn gặp lại nhé. Cõi người ta cứ mãi mãi ly kỳ...

 

[còn nhiều kỳ]

Đã đăng:

Chưa "cởi mở", mà đã sướng!

Đã được tự do, sao còn thích đánh trổng?

Làm nhà thơ, ôi sao buồn thế!

Làm lính thì trẻ mãi sao?

Nếu mọi người đều là kẻ trộm, bạn sẽ làm gì?

Khi chết, tôi muốn bị đày xuống địa ngục của ruồi

Khi loài khỉ sợ thoái hoá thành người

Một kiểu bắt chước rất "người"

 

_________________________

[1]Bản dịch Việt ngữ của Hoàng Ngọc-Tuấn.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021