thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Than ôi, nhạc thính phòng!

 

Bạn hiền,

Đêm hôm qua, có một cô bạn rủ tôi đi xem một buổi "nhạc thính phòng", tôi mừng quá. "Vé đã mua sẵn...", nàng nói qua phone. Tôi lái xe đến nhà nàng ngay để đưa nàng đi xem. Trên con đường đến địa điểm trình diễn, tôi lái xe dưới trời mưa. Đường dài mấy chục cây số. Tôi đưa thay bấm nút radio, từ cặp loa nhỏ trong xe, chương cuối một bản tứ tấu đàn dây của Mozart ngân lên, rồi đến tiếng hát của Farandouri hoà với tiếng tây ban cầm của John Williams qua một ca khúc trong tập Songs for Freedom do Mikis Theodorakis phổ thơ Federico García Lorca. Giữa tiếng xe hơi rù rì, chúng tôi ngồi yên lặng, lắng nghe từng chữ tròn trịa hay sắc sảo từ đôi môi người ca sĩ, từng tiếng đàn trong trẻo hay cuồn cuộn từ chiếc tây ban cầm dưới đôi bàn tay kỳ diệu của người nhạc sĩ.

Thề rồi chúng tôi đến địa điểm trình diễn. Đó là toà thị sảnh, nơi có nhiều phòng hoà nhạc khang trang. Đậu xe thật khó. Đêm nhạc thính phòng mà sao nhiều khán giả thế? Hay là người ta đậu xe quanh đây để đi đến một cuộc hội họp đình đám nào khác? Tôi đã tự hỏi như vậy, nhưng khi cùng cô bạn bước vào toà thị sảnh, tôi mới biết mình lầm. Rõ ràng là gần một ngàn người Việt đang chen chúc ngay lối ra vào chỉ vì một mục đích: đi dự đêm nhạc thính phòng. Lạ quá!

Chúng tôi chìa vé ra và bước vào thính đường. Nói thật với bạn, vừa bước vào tôi đã rởn tóc gáy lên vì lượng âm thanh trong "thính" đường. Người ta nói chuyện với nhau rất lớn tiếng, và trên sân khấu, một ban nhạc đang ra sức thí nghiệm độ bền chắc của những mặt trống, những dây đàn, những bàn phím synthesizer, và những bộ loa đồ sộ. Đứng gần sát bên nàng, tôi gọi nàng nhiều lần nhưng nàng không nghe, vì tiếng nói của tôi bị tiêu diệt ngay khi vừa ra đến cửa miệng. Tôi phải gõ nhè nhẹ lên vai nàng để nàng quay lại, kề tai vào miệng tôi, nghe tôi nói.

Gần lối ra vào là một quầy bán rượu. Chương trình chưa bắt đầu mà tôi đã thấy có một số người mặt mày đỏ gay, say khướt vì lỡ quá chén trong lúc chờ đợi giờ trình diễn. Những chàng say này tay thì cầm ly bia, miệng thì gào lớn tối đa, như để chiến đấu với khối âm thanh khủng khiếp của gần một ngàn cái miệng chung quanh và một ban nhạc đang quằn quại thử sức với hệ thống âm thanh điện tử tân kỳ.

Rồi giờ trình diễn cũng đến, tất nhiên trễ gần một giờ đồng hồ so với giờ ghi trên vé. Hai xướng ngôn viên – một nam, một nữ -- hiện ra với microphone cầm tay. Đèn phía khán giả phụt tắt, cùng lúc với đèn sân khấu rực lên, trong tràng pháo tay dòn tan của khán giả. Hai xướng ngôn viên thay phiên nhau say sưa nói "... chào mừng quý vị đến dự đêm nhạc thính phòng... các ca sĩ thượng hạng từ Hoa Kỳ... những tình khúc bất hủ của... để mở đầu chương trình là một nhạc phẩm... qua giọng ca vượt thời gian của... xin quý vị cho một tràng pháo tay..."

Người ca sĩ thượng hạng bước ra sân khấu, với y trang sặc sỡ như đào hát tuồng, ngực hở hang, thỗn thện, son phấn dày vênh lên như mặt nạ, và đôi mắt buồn muôn thuở dưới hàng lông mi giả dài và nặng trĩu. Tiếng piano điện cất lên khúc dạo cho bản "Hương xưa" của Cung Tiến. Cả ban nhạc im lặng nhường lại chút yên lặng cho khúc dạo vờn vẽ theo kiểu nhạc pop thời thượng. Rồi người danh ca bắt đầu ngước mặt lên, rên rỉ, với giọng hát và cử chỉ giống hệt những nàng ca sĩ ngày xưa bọn mình đi xem ở các phòng trà quanh Sài Gòn. Với ngần ấy tính cách, người danh ca quằn quại diễn tả những lời hát nhẹ nhàng như thơ của Cung Tiến: "Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hoà hồn có mơ xa..." Và như để làm tăng thêm vẻ hiền hoà của màu nắng tơ vàng, người đánh bass nện một nốt rõ lớn ngay chữ "xa", cùng lúc với tiếng cymbal đánh choang lên một phát. Rồi tiếng synthesizer và tiếng đàn guitar điện ào ào rộ lên. Khán giả thích chí vỗ tay đôm đốp. Ngay trước chỗ tôi ngồi, có một anh chàng ra vẻ trí thức, quay sang cô gái bên cạnh để chia sẻ sự thích thú, nhưng vì thính đường ồn ào đến cực độ, anh ta phải gào lên cho bạn gái nghe: "Con này hát được quá xá!... Hơi nó dài ghê. Nó hát luôn một câu dài mà không cần thở..."

Vân vân, và cứ thế. "Hương xưa", rồi "Em đến thăm anh một chiều mưa", rồi "Còn chút gì để nhớ"... Những bài hát nối đuôi nhau ào ào lênh láng phóng qua dãy loa đồ sộ, đè bẹp mọi giác quan của người nghe với âm lượng vĩ đại của chúng. Khán giả thì vừa nghe, vừa gào để nói chuyện với nhau. Trước mặt họ là một ngày hội của màu sắc. Những ca sĩ mỗi lần ra sân khấu lại diện một bộ y trang khác, với hai xướng ngôn viên xuất hiện giữa mỗi tiết mục để nói rất nhiều, rất tự nhiên, trôi chảy, nhưng tuyệt nhiên không có một điều gì về âm nhạc. Bài hát nào cũng "bất hủ", tiếng hát nào cũng "vượt thời gian"... Chỉ có thế, như một màn quảng cáo bán thuốc cao đơn hoàn tán...

Sau khi chịu đựng chừng mười tiết mục, cô bạn ra hiệu bảo tôi ra ngoài và đòi đi về nhà "mở radio nghe, còn sướng hơn..."

Cô bạn quả là cứu tinh của tôi. Nàng mời tôi đi nghe nhạc thính phòng, mà nửa chừng tôi lại đòi về thì thật là mất lịch sự. Nghe nàng đòi về, tôi mừng quá.

Trên đường về, nàng nói: "Than ôi, nhạc thính phòng! Tôi tưởng thính phòng là chỗ mình phải nín thở để lắng nghe, chứ đâu phải chỗ để thính giác của mình bị làm điếc đi vì âm thanh..." Rồi nàng nói: "Hồi còn ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ được đi xem nhạc thính phòng. Qua đây đã lâu lắm rồi tôi mới để ý thấy người ta quảng cáo có đêm nhạc thính phòng. Tôi liền mua vé mời anh cùng đi để thưởng lãm. Nhưng... than ôi!"

Tôi chỉ nói theo: "Than ôi!" Và tôi nhìn những giọt mưa lất phất rơi lên kính chắn gió, tưởng tượng đến một đêm nhạc thính phòng khác. Một đêm nhạc thính phòng đúng cách... Nhưng thình lình cô bạn lại bắt chuyện:

"Trước đây anh đã đi xem nhạc thính phòng chưa?"

"Rồi."

"Ở đâu?"

"Ở nhạc viện Sydney và nhiều nơi khác..."

"Người ta trình diễn ra làm sao?"

"Hay lắm".

"Hay là làm sao?"

...

Bạn hiền ơi, lúc tôi sắp trả lời câu hỏi của nàng thì xe đã đến trước cổng nhà nàng. Thế là đề tài "nhạc thính phòng" đành bị bỏ dở.

Khổ quá, tôi chỉ kể chơi vui mà bạn hiền đã hỏi giống như cô ấy: "Thế... nhạc thính phòng là thế nào?" Đành hẹn sẽ tiếp tục bàn bạc vào lần tới nhé. Bây giờ đã quá khuya rồi...

 

[còn nhiều kỳ]

Đã đăng:

Chưa "cởi mở", mà đã sướng!

Đã được tự do, sao còn thích đánh trổng?

Làm nhà thơ, ôi sao buồn thế!

Làm lính thì trẻ mãi sao?

Nếu mọi người đều là kẻ trộm, bạn sẽ làm gì?

Khi chết, tôi muốn bị đày xuống địa ngục của ruồi

Khi loài khỉ sợ thoái hoá thành người

Một kiểu bắt chước rất "người"

"Tự do": một ẩn ngữ ly kỳ

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021