thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Năm gà, lại nói chuyện con gà

 

Bạn đọc thân mến,

Thấm thoắt mà năm khỉ đã qua, năm gà đã đến. Năm khỉ thì lắm chuyện. Nhìn lại thế sự suốt năm qua, rõ là vậy. Năm gà thì sao? Tôi chẳng dám tiên tri. Vốn là người phàm, tôi chẳng dám lạm bàn chuyện tương lai. Nhân chút sảng khoái trong tiết trời xuân, tôi chỉ xin thuật lại cùng bạn đọc dăm ba chuyện về con gà mà mới hôm qua đây tôi vừa trao đổi với một anh bạn hiền bên đôi chai rượu. Cuộc đàm thoại ấy không có gì là nghiêm trọng, nhưng có dăm ba điều tôi lấy làm thích thú, bây giờ ngồi nhớ lại còn thấy vui.

*

Cuộc đàm thoại bắt đầu thú vị từ lúc tôi chợt yêu cầu anh bạn hiền kể cho nghe vài chuyện gà chơi vui. Anh kêu lên:

- Thôi đi! Kể chuyện gà khó lắm...

- Bạn hiền nói sao? Kể chuyện gà thì khó à? Sao lại khó?

- Chuyện khỉ thì lắm, chứ chuyện gà thì được bao nhiêu! Có mấy ai thèm đem con gà vào văn thơ...

- À... ra thế! Quả là trên thế gian này chẳng có mấy chuyện gà. Trong mùa tết nhất này, tôi chỉ nhớ ngay đến câu: "Con gà cục tác lá chanh..." Còn bạn thì nhớ được câu nào không?

- "Gà cãi nước sôi"... "Cổ gà cãi dao phay"...

- Ôi, cái gì mà nghe ghê thế! Đầu năm, ai lại nhắc đến những câu ấy làm gì?

- Ghê cái gì mà ghê, chứ không có nước sôi với dao phay, thì làm sao mà "cục tác lá chanh"?

- À, thì ra vậy! Nhưng bạn có nhớ chuyện gà nào hay ho không?

Sau mấy cốc rượu nếp và mấy cái củ kiệu, bạn tôi lên tinh thần:

- ... Ông Jean de La Fontaine có viết bài ngụ ngôn "La Poule aux oeufs d'or"...

- À, con gà mái đẻ trứng vàng đấy mà! Chuyện ấy cũ rồi, ai mà chẳng biết. - Còn nhớ à?

- Sao lại không! Anh chàng kia có con gà mái mỗi ngày đẻ một quả trứng vàng. Sướng quá, chàng ta tưởng tượng trong bụng con gà mái có cả kho vàng, rồi nôn nóng mổ bụng con gà mái ra để hốt vàng. Nào ngờ con gà mái chết tốt, mà chẳng có cái gì trong bụng cả. Thế mới biết, ở đời chớ có tham lam quá trớn. Thôi đi! Cũ rích. Có nhớ chuyện nào hay hơn không? Không hả? Thì cứ khui thêm chai rượu đỏ. Biết đâu chừng ta lại nhớ ra cả khối chuyện gà hay ho đấy...

Chai rượu nếp hết béng. Một chai rượu đỏ được khui ra. Anh bạn hiền của tôi thích chí ra mặt:

- À hèm... Tôi nhớ lại chuyện này:

Ngày xửa ngày xưa, có một con gà trống đứng trên đống rơm gáy vang vang. Một con cáo đi ngang qua, thấy thế mới bảo: "Thưa ngài, tướng mạo ngài rất phương phi. Tôi chưa bao giờ thấy ai uy nghi lẫm liệt đến thế. Giọng của ngài lại thật là hùng tráng, chẳng ai sánh bằng, ngoài trừ thân phụ của ngài. Tôi còn nhớ, thuở sinh tiền, cụ gáy hay hơn ngài bây giờ, chỉ vì cụ vừa gáy, vừa nhắm mắt lại để tập trung hết sức..." Con gà trống bèn đáp: "Tưởng gì chứ việc ấy thì chẳng có gì khó." Nói xong, con gà trống nhắm tít mắt lại, gân cổ lên gáy. Con cáo liền chồm lên chộp lấy con gà trống, chạy vào rừng...

- Thế là tiêu đời con gà trống!

- Không, chưa hết. Nghe tiếp...

... Bọn tá điền thấy thế mới la toáng lên, vác gậy, xua chó rượt theo bén gót. Con gà trống nói với con cáo: "Bọn chúng thật là vớ vẩn. Tôi đã đồng ý nạp mình cho ngài rồi, mà cớ gì bọn chúng lại làm ầm lên thế! Ngài hãy la lên cho bọn chúng biết rằng tôi đã thuộc về ngài, và bảo bọn chúng xéo đi!" Con cáo nghe có lý, bèn hả mồm ra để nói, thì con gà trống liền phóng đi, bay lên cây, thoát nạn. Con cáo ngồi dưới gốc cây, tự nguyền rủa cái mồm của mình là đã nói lúc không đáng nói. Nghe thế, con gà trống thốt lên: "Cặp mắt của tôi cũng dại chẳng kém cái mồm của ngài. Lúc cần nhìn, mà chúng nhắm lại. Nếu có chết thì cũng đáng đời..."

- Chuyện này thú chứ nhỉ! Chuyện đã xưa lắc, mà còn khối người chưa chịu học đấy. Hàng ngày tôi vẫn thấy nhiều người mắt thì cứ nhắm lại, mà miệng thì cứ nói oang oang, vừa giống con gà trống, lại vừa giống con cáo mắc lỡm...

- Đấy! Thế đấy... Chuyện vừa kể là chuyện ngụ ngôn của Tây. Rượu này ngon quá, làm tôi chợt nhớ thêm một chuyện ngụ ngôn của Tàu, trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Chuyện "Nuôi gà đá":

Tuyên Vương sai Kỷ Sảnh nuôi gà đá.

Được mười hôm, vua hỏi. Kỷ Sảnh thưa: "Chưa được, gà hăng lắm! Chưa thấy gà khác, nó đã muốn đá rồi!"

Cách mười hôm nữa, vua hỏi. Kỷ Sảnh thưa: "Chưa được, gà còn hăng! Mới thoáng thấy bóng gà khác, nó đã muốn đá rồi!"

Cách mười hôm nữa, vua hỏi. Kỷ Sảnh thưa: "Chưa được, gà còn hơi hăng, trông thấy gà khác đến gần, nó đã muốn đá rồi!"

Cách mười hôm nữa vua lại hỏi. Kỷ Sảnh thưa: "Được rồi! Gà bây giờ thấy gà khác đến gần, nó cũng đứng im lìm, trông như gà gỗ, mà thực, có đủ các ngón. Gà khác trông thấy nó là đã sợ, phải lùi chạy ngay!"

- Bạn hiền ơi, chuyện hay quá! Mà cũng thế, có mấy ai học được cái ngụ ngôn của nó! Nhìn quanh, ta cứ thấy toàn những anh sửng cồ, mà chẳng làm ai sợ cả. Cái dũng khí cứ bừng bừng toả ra ngoài, mà bên trong thì cái lá gan cứ... nhỏ xíu... chẳng bằng cái gan gà.

- Ngày xưa, ở phương Tây, người ta cũng có chuyện ngụ ngôn về cái "dũng" của con gà...

- Chuyện của Aesop đấy phải không? Phải câu chuyện con sư tử sợ con gà không?

- Đúng vậy. Mà anh còn nhớ không?

- Để tôi ráng nhớ... Cụng ly một phát đã chứ! Nào... Như vầy nhé...

Con sư tử không hài lòng với cách Prometheus đã sáng tạo ra nó. Ngài đã làm cho nó rất to lớn, đẹp đẽ, với răng nanh bén và những chiếc móng sắc, và mạnh mẽ hơn tất cả cầm thú. Nhưng nó lại sợ con gà trống. Một hôm, nó phàn nàn cùng Prometheus về điều ấy. Prometheus bèn khiển trách nó rằng: "Cớ sao ngươi lại phàn nàn. Muôn loài chẳng có con vật nào là hoàn hảo. Trong số đó, ngươi lại được đứng vào hàng... lãnh đạo. Ngươi chỉ sợ có mỗi con gà trống mà thôi, thì còn muốn gì nữa?" Thế nhưng, con sư tử vẫn không ngớt ấm ức. Thế rồi nó tình cờ gặp một con voi đang vẫy tai không ngừng. Nó chế giễu: "Anh voi này, anh nóng nực hay sao mà quạt mãi thế?" Con voi đáp: "Đâu phải tôi nóng nực, mà tôi sợ mấy con muỗi..." Con sư tử đáp: "Anh to lớn đến thế mà lại sợ mấy con muỗi sao?" Con voi càu nhàu: "Sợ chứ sao không? Vì chúng có thể chui tọt vào hai lỗ tai của tôi và đốt trong ấy thì làm sao tôi chịu nổi?" Con sư tử nghe thế thì thích lắm, tự nhủ rằng mình cũng không có gì phải cảm thấy nhục khi sợ con gà trống, vì con gà trống tất nhiên phải mạnh hơn con muỗi, nên đáng sợ hơn con muỗi.

- A ha... Thú quá! Nhưng theo ông Aesop thì thực sự tại sao con sư tử sợ con gà trống?

- Ông ấy không giải thích gì cả. Tôi cũng thắc mắc ở chỗ ấy. Con voi sợ con muỗi chui vào lỗ tai. Chứ con sư tử thì cớ gì mà sợ con gà trống? Cái dáng vẻ uy dũng của con gà trống cùng lắm là làm say mê mấy con gà mái và làm khiếp hãi mấy con chim sẻ là cùng...

- Tôi đoán rằng con sư tử sợ mấy con gà trống vì chúng gáy vang vang vào lúc con sư tử cần nghỉ ngơi, và kêu quang quác lúc con sư tử đang rình mồi. Cũng giống như các ông lãnh đạo sợ những anh nhà văn nhà thơ dissident vậy.

- Có lý đấy chứ! Thế thì... cụng thêm một quả nữa nhé. Nào...

- À hèm... Vậy thì con gà cũng là đề tài của lắm chuyện hay, chứ đâu phải chỉ có "cục tác lá chanh"...

- Đấy... Cứ rượu vào, thì... gà lại ra!

- Mà này, anh nghĩ thế nào về chuyện "con gà có trước quả trứng, hay quả trứng có trước con gà"?

- A... Chuyện ấy nghe qua thì tưởng là "triết lý", mà xét lại thì... nhảm quá.

- Sao lại nhảm? Anh giải đáp được sao?

- Chẳng cần phải giải đáp, vì nó nhảm ngay từ cách đặt vấn đề.

- Nhảm thế nào?

- Này nhé... Lại phải dài dòng rồi đây... Trước hết, xét trên chữ nghĩa, thì chữ "gà" không nói rõ là gà trống hay gà mái, còn chữ "trứng" lại không nói rõ là trứng con gì. Vậy, nếu đó là gà trống, thì nó không đẻ được trứng, nên nó phải chui ra từ quả trứng do con gà mái đẻ ra. Còn nếu quả trứng không phải là trứng gà, thì câu chuyện lại càng rắc rối rất nhảm nhí...

- Không phải trứng gà, thì sao lại nở ra con gà?

- Ấy, rắc rối thế đấy. Này nhé... Lại phải giở "khoa học" ra rồi đây... Trước hết, con gà mà anh đem ra nhậu là con gallus domesticus và quả trứng của nó là gallus prezygoticos. Con mái gallus domesticus phải kết hợp với con trống gallus domesticus thì mới đẻ ra quả gallus prezygoticos có khả năng nở ra con gà. Cho nên con gà mái "cô đơn" thì có trước quả trứng do nó đẻ ra, nhưng quả trứng ấy chỉ để làm ốp-la, chứ không thể có trước bất cứ con gà nào khác. Kế đến, theo nghiên cứu khoa học, thì con gallus domesticus là hậu duệ của con archaeoteryx, một giống khủng long bay, có răng nhọn và có móc ở đầu cánh, hiện diện vào thời Jurassic, cách đây hơn 150 triệu năm. Trước con archaeoteryx chừng 75 triệu năm, vào thời Triassic, lại có con protoavis texenis, và con chim tương cận nhưng không có răng là con confuciusornis, ở phía Bắc Trung Hoa. Các nhà khoa học hôm nay đồng ý với nhau rằng tổ tiên xa xưa của con gà nhà là một giống khủng long. Điểm tương cận quan trọng là cả hai đều... đẻ trứng. Chao ôi... còn nhiều chuyện rắc rối nữa. Nhưng nói gọn, con gà hôm nay là kết quả của một lịch sử tiến hoá dài nhiều triệu năm, phát sinh từ những tổ tiên có hình hài hoàn toàn khác. Những dị biến về nhiễm thể, những tác động của môi sinh, vân vân, dẫn đến những sự thay đổi khủng khiếp dọc theo quá trình tiến hoá...

- Nói tóm lại, con gà không phải chỉ đơn giản là nở ra từ quả trứng gà...

- Đúng vậy. Thử tưởng tượng từ một sinh vật đơn bào biến thành đa bào, từ một sinh vật sống dưới nước bò lên sống trên cạn, sinh con, rồi lại đẻ trứng, rồi trải qua bao nhiêu lần "hoá thân", thì mới có con gà nằm trên bàn nhậu. Thì sao lại đặt vấn đề đơn giản là "con gà có trước quả trứng, hay quả trứng có trước con gà"? Ta chỉ có thể nói rằng nếu có một quả trứng nở ra con gàđầu tiên, thì quả trứng ấy không phải của con gà, mà của một sinh vật gì đó chưa phải là gà, một giống "tiền-kê" nào đó. Và do đó, quả trứng ấy cũng chưa phải là quả trứng gà, mà là quả trứng của con "tiền-kê" nào đó. Và cũng do đó, con gà đầu tiên cũng không chắc đã là gà, mà là một biến dạng của con "tiền-kê" ấy.

- Thế nhưng, từ trước đến giờ tôi lại tin rằng Thượng Đế lấy đất thó nặn ra con gà trống, rồi rút một cái xương sườn của con gà trống, nặn thành con gà mái, cho chúng có bạn. Rồi con gà mái dụ dỗ con gà trống đạp mái. Rồi con gà mái đẻ ra quả trứng đầu tiên trong vũ trụ... Vậy, con gà trống có trước, rồi đến con gà mái, rồi đến quả trứng, và câu chuyện tiếp diễn...

- Anh làm tôi cười muốn chết... Lối suy diễn của anh còn tệ hơn cả lối "bói gà" nữa...

- "Bói gà" là thế nào?

- Cũng giống như "bói Kiều" vậy. Nghĩa là giở sách ra và... bói. Như thế này: có một nhóm người đã chứng minh hùng hồn rằng con gà có trước quả trứng bằng cách giở từ điển Merriam-Webster Collegiate Dictionary ấn bản 2001 ra để... bói. Kết quả là chữ "chicken" xuất hiện ở trang 232, rồi chữ "egg" xuất hiện ở trang 398. Vậy, con gà có trước quả trứng!

- Nhưng lối "bói gà" ấy còn thiếu "khoa học" hơn thí nghiệm sau đây: vào thứ Hai, ngày 3 tháng Tư, năm 2003, một phụ nữ Hoa-kỳ tên là Alice Shirrell Kaswell đã đến Bưu Điện Harvard Square tại Cambridge, Massachusettes, để gửi hai bưu phẩm gồm một con gà và một quả trứng, từ Bưu Điện ấy đến Bưu Điện James A. Farley ở New York City, cạnh nhà ga Penn thuộc khu Manhattan. Cả hai bưu phẩm đều được gửi Express Mail theo đúng thủ tục International Safe Transit Association Test Procedure 1A. Cả hai bưu phẩm được gửi cùng lúc, đúng 9 giờ 40 sáng ngày hôm ấy. Ngay sau đó, bà Kaswell đáp chuyến xe lửa từ ga Harvard Square đi đến ga Penn, khoảng cách chừng 200 dặm. Bà chỉ mất vài tiếng đồng hồ là đến ga Penn, và đi ngay đến Bưu Điện James A. Farley để chờ kết quả. Bưu Điện này làm việc 24 giờ mỗi ngày. Suốt ngày hôm ấy, cả hai bưu phẩm đều không đến. Suốt ngày hôm sau, cả hai cũng không đến. Sang thứ Tư, ngày 5 tháng Tư, năm 2003, thì con gà đến lúc 10 giờ 31 sáng. Và quả trứng đến lúc 9 giờ 37 tối, sau con gà hơn 11 tiếng đồng hồ. Kết luận: con gà có trước quả trứng!

- Thật là một chuyện đùa...

- Không phải chuyện đùa đâu. Chuyện có thật 100%, và đã được thuật lại chính xác từng chi tiết, kèm những photo làm bằng chứng, đăng trên website

- Thật sao? Không thể tưởng tượng nổi... Chơi như vậy là quá điên, mà thật là thú vị. Thế rồi dư luận ra sao?

- Dư luận thật sôi nổi. Đa số cười muốn vỡ bụng. Nhưng có một bà tên là Willa Bandler đã viết thư đăng báo, khiển trách bà Kaswell là đối xử tàn ác với con gà, hành hạ nó trong cái lồng gà không ăn uống suốt hai ngày trời!

- Vậy thì lạc đề mất rồi!

- Lạc đề chứ sao. Làm mất vui cả. Nhưng dẫu sao hành động của bà Bandler chứng tỏ bà ấy cũng muốn con gà đến trước quả trứng chừng nào tốt chừng ấy, để nó bớt chịu đựng đau khổ...

- Bạn làm tôi cười muốn sặc cả rượu...

- Vậy thì mình lại cạn ly thêm một lần nữa cho hết chai này... Tết đến rồi. Hết năm con khỉ rồi. Ta hãy uống để chào đón năm con gà...

*

Bạn đọc thân mến,

Câu chuyện trao đổi về gà giữa anh bạn của tôi và tôi là thế, đủ giúp chúng tôi làm cạn đôi chai rượu nhân lúc xuân đến. Sau cuộc rượu, tôi rảo bước về nhà với cảm giác lâng lâng, và thấy con gà trở nên một sinh vật thú vị hơn, chứ không chỉ là "cục tác lá chanh". Chứ không phải nó đã đẻ trứng vàng ư? Chứ không phải nó khôn hơn con cáo ư? Chứ không phải nó có cái dũng của thánh nhân ư? Chứ không phải nó làm cho con sư tử phải sợ nó ư? Chứ không phải nó chỉ đẻ ra một cái trứng mà cũng đủ làm con người nghĩ ngợi mông lung mãi ư?

Vậy thì, chắc năm mới sẽ là một năm thú vị.

 

[còn nhiều kỳ]

------------

Đã đăng:

Chưa "cởi mở", mà đã sướng!

Đã được tự do, sao còn thích đánh trổng?

Làm nhà thơ, ôi sao buồn thế!

Làm lính thì trẻ mãi sao?

Nếu mọi người đều là kẻ trộm, bạn sẽ làm gì?

Khi chết, tôi muốn bị đày xuống địa ngục của ruồi

Khi loài khỉ sợ thoái hoá thành người

Một kiểu bắt chước rất "người"

"Tự do": một ẩn ngữ ly kỳ

Than ôi, nhạc thính phòng!

Con khỉ có thể dạy ta được điều gì chăng?

Bạn muốn viết cho "đúng đường lối" không?

Một năm lại qua! Mặc kệ...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021