thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vĩnh biệt eVăn

 

Tôi vừa nhận được thư của Trần Tiễn Cao Đăng thông báo việc anh và Đinh Bá Anh không còn làm ở eVăn nữa.

Cảm giác đầu tiên của tôi giống như đi qua đường cao tốc Pháp Vân và bị thủng lốp xe. Trước khi tự trấn an rằng dừng lại một lúc cũng chẳng phí công, ví dụ như có thể xem cánh đồng ở đây đã bị xẻo thịt bán cho các ông nhà giàu thế nào, trước khi có thể suy nghĩ một cái gì đó, tôi quả thực thấy buồn. EVăn, như vậy, “tạch”, đã “trở thành đối tượng khảo cổ”.

Tôi là một trong những tay khảo cổ đầu tiên.

Tôi nhớ ngày tìm đến đầu con phố mang tên người anh hùng Hưng Đạo đại vương đi gặp hai anh em qua lời giới thiệu vu vơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh về tờ báo mới nơi có thể đăng thơ, truyện của đám vô danh.

Cảm giác đầu tiên của tôi là gặp “hai con mọt sách”, những kẻ lãng mạn hiếm hoi ở xứ Hà Thành nơi mà tiêu chuẩn con người được đánh giá bằng xe hơi.

Tôi thấy buồn cười khi cả hai đối xử với tôi như một con người, cái lối giao tiếp gần như đã tuyệt chủng tại mọi tòa soạn cả trong và ngoài giới văn chương.

Từ đó, chúng tôi la cà ở những quán cà phê đầu đường Hưng Đạo đại vương.

Ngay cả cái lối cà phê bốn nghìn của chúng tôi giờ đây cũng hết sức lập dị đối với các nhà văn đương đại, những kẻ đã quen với những quán cà phê sang trọng, hay những trí thức già nua khả kính thường bẻ đôi những viên thuốc kích dục chia nhau trong nhà nghỉ.

Hai người này đều là những con người hiếm gặp.

Trần Tiễn Cao Đăng là một ví dụ điển hình cho cái ý nghĩ con người chẳng là cái gì cả ngoài sản phẩm di động của một đời sống tinh thần nơi anh ta đã sinh ra.

Xuất thân từ một trường ngoại ngữ, hầu hết tác phẩm mà anh ta hứng thú đều không phải là tác phẩm của Việt Nam. Trần Tiễn Cao Đăng luôn luôn suy nghĩ và xúc cảm với cái thế giới anh ta thích thú. Vì thế cho nên, ngay cả cái tên nhân vật trong truyện ngắn của anh ta có khi cũng không phải là tên người Việt Nam nốt. Anh ta thấy dễ chịu, thoải mái, và là chính mình, khi sống như vậy, với một thế giới xa xăm, đầy trắc trở, đam mê, và cấp bách. Tôi với Đinh Bá Anh gọi anh ta là “một ông Tây Việt Nam”.

Đinh Bá Anh, ngược lại, được đào tạo ngôn ngữ tại Đức, nhưng, anh ta luôn luôn suy nghĩ những gì liên quan trực tiếp đến bản thân mình, với tư cách “An Nam”. Ví dụ như anh ta đã không dưới ba lần than phiền với tôi về khoảng cách kỳ lạ giữa anh ta với người hàng xóm. “Đó không phải khoảng cách vật lý, anh ta tin tưởng nhận định, vì chúng tôi chỉ cách nhau một bức tường”. Một sự xa xôi cách biệt đến nghìn trùng, giữa những người hàng xóm trong thời đại ngày nay. Đó là những vực thẳm của tinh thần. Rõ ràng tình bạn trong văn chương là không đủ với anh ta, mặc dù anh ta có một số “người bạn” lừng danh chẳng hạn như kẻ đã viết truyện “Vụ án”.

Chúng tôi như những con đường, rút cục, cắt chéo nhau ở một ngã tư, ngã năm gì đó, nơi có rất nhiều biển hiệu giao thông.

Họ, là những biên tập viên cuối cùng, theo quan niệm của tôi.

Người ta nói rằng hai anh em nhà này biên tập một bài đăng trên eVăn với thời gian và công sức bằng biên tập một số báo Văn Nghệ.

Sự cẩn trọng của họ làm cho nhiều anh em bực mình. Nói chung dân sáng tác trẻ nóng nảy và hay sốt ruột.

Nhưng nghiệm lại, những gì họ làm đều “chỉ có đúng trở lên”.

 

EVăn đã ra đời như vậy, lớn lên như vậy, cho đến ngày quốc tế lao động năm nay.

Hôm tròn một năm eVăn tôi bảo hai anh em nhà eVăn nên tổ chức cuộc gặp mặt nhỏ, bù khú với nhau. Hai người bảo chưa làm được gì, từ từ đã. Nhưng mấy tháng sau thì đã tan đàn sẻ nghé thế này !

Vì sao hai anh em nhà eVăn lại bỏ đi?

Xem ra câu hỏi này chẳng cần phải có câu trả lời. Câu hỏi loại này chỉ nên dành cho các nhà văn hội viên hội (Cựu) Nhà Văn Việt Nam vừa đại hội xong ấy : “Vì sao các cụ vẫn cứ ngồi trương mắt ếch ra đấy làm gì để rồi lại thành chuyên gia nói xấu đồng đội sau lưng?”.

Thế là hai anh em nhà eVăn đã bắt đầu cuộc đời thực sự của người nghệ sĩ : lưu lạc trên quê hương mình, lưu lạc trong cái gọi là “văn hóa” của quê hương mình. Lưu lạc, hay là lưu đày?

Tôi không biết hai người sẽ làm gì tới đây. Nhưng những trang eVăn sôi động và gần gũi với đám chúng tôi thì số phận đã mười mươi phơi bày ra một cái xác chết không hơn không kém. Thật ra, nó cũng ốm o từ mấy tháng nay rồi, mà không có thuốc đặc trị. Hai người bác sĩ bất đắc dĩ, như kẻ có dao mà không có thuốc gây mê. Họ không muốn làm những tên sát nhân lương thiện.

Có thể anh Cao Đăng sẽ trở lại Sài Gòn. Và khi gặp lại anh đã khác bây giờ. Nhưng dù sao, tôi cũng đã có được cuốn Từ điển Khazar kỳ quái do anh dịch. Nó được viết cho anh dịch, hay là anh đã học dịch để mà dịch nó, một công việc mà anh đã rất khoái.

Còn ông bạn Đinh Bá Anh nhà gần chùa Dâu, trong nhà có cây trứng gà. Thỉnh thoảng tôi vẫn có thể ghé qua được.

Duy chỉ có eVăn là của hai anh em là đã lĩnh tử hình không tuyên án. Chẳng biết ai đã quyết định số phận của nó, có thể người ta đã quá mệt mỏi, có thể người ta chẳng thấy lợi lộc gì, có thể, có thể.

Điều chắc chắn là : vĩnh biệt eVăn.

 

 

-------------------------------
(*) Chú thích của Tiền Vệ:
Ngày 30.4.2005, mục "đối thoại / độc thoại" của Tiền Vệ đã đăng bài "Vĩnh biệt eVăn" của tác giả Tam Lệ. Sáng ngày 1.5.2005, Tiền Vệ nhận được email của Đinh Tuấn Anh (Đinh Bá Anh) yêu cầu chúng tôi tạm lấy bài này ra, vì anh và Trần Tiễn Cao Đăng — hai người biên tập chính eVăn — chưa thông báo chính thức về việc họ rời khỏi eVăn (tuy họ đã chính thức thôi việc vào ngày 30.4.2005), và vì bài này, tuy được viết bằng cảm xúc thuần tuý, có thể gây nên những hệ quả không thuận lợi cho những người có liên hệ với vấn đề này. Nhận thức được những góc độ "tế nhị" của sự kiện ấy, Tiền Vệ đã tạm thời lấy bài này ra. Tác giả Tam Lệ cũng đã phát biểu đồng tình với việc này. Hôm nay Tiền Vệ đăng lại bài "Vĩnh biệt eVăn" của Tam Lệ vì Đinh Tuấn Anh và Trần Tiễn Cao Đăng đã thông báo chính thức về việc rời khỏi eVăn.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021