thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Úm ba la mở trường ca ra mở miệng

 

Bây giờ (theo giờ địa phương, Melbourne) là 3 giờ 13 sáng ngày 13 tháng 6 (tháng 6 à? Hên quá!), năm 2005 (cũng hên luôn!). Tôi vừa đọc nóng, xong bài Đỗ Lê Anh Đào phỏng vấn Bùi Chát, Lý Đợi và Khúc Duy, “Sẽ là Mở Miệng, nếu thấy nhu cầu” , trên Web Tiền Vệ.

Quanh việc Mở Miệng thì phải nói là trong dư luận thơ giới (có lẽ chỉ trừ chính thống giới, ý là hệ thống điều hành thơ ở Việt Nam chớ không mắc mớ gì các nhà tu hành râu dài đến rún dính đầy tuyết tuốt tận bên nước Nga!) người Việt khắp nơi nói đã nhiều, khơ khớ tương xứng với độ mở thi ca của nó đấy. [Chả bỡn đâu, ai nói thơ giới (nhấn mạnh: thơ giới, không phải chính giới, quân giới, dân giới, giáo giới, v.v…) Việt không (thoáng) mở thì vị ấy nên khép miệng lại dùm. Xin lỗi cùng cám ơn!] Tôi, có làm thơ và làm báo, tự thấy có “vinh dự” và “trách nhiệm” – đó là nói trong nháy nháy, còn nói chân phương thì là có nhiều niềm vui và chút ý thức - bàn (ở nơi nghiêm túc) và tán (ở nơi ít nghiêm túc) về nó (mà một số bạn thơ đã, đang cùng tôi làm rồi!)

Nhưng, khả năng viết chắc chắn là không nhanh (lại còn có thể không cao, không xa) và đòi hỏi hứng cao độ, nên tôi chỉ hay đọc, tích trữ hồ sơ. Đúng lúc này, tôi đang rất có hứng (để mà có bài “Úm ba la mở trường ca ra mở miệng” này thôi, chưa là cái tất cả của tôi) về Mở Miệng. Có 3 lý do: 3 cái phục sau khi đọc nhanh bài phỏng vấn dẫn thượng.

 

1- Phục bài phỏng vấn của Đỗ Lê Anh Đào:

Lại phải nhai lại chuyện độc giả Tiền Vệ đã một lần “Biết rồi! Khổ lắm…” về tôi. Tôi, kẻ mê nhiều phỏng vấn và có sống (dở) chết (dở) ít nhiều với nó. Bài phỏng vấn trên không nêu ra nhiều nội dung mới (theo tôi hiểu biết) về Mở Miệng, nhưng đang dựng ra lặng lẽ lừng lững (những là 4 cái chữ lờ đấy nhá!) một thái độ tiếp cận Mở Miệng rất nhà nghề (báo chí) và chức nghiệp (văn chương, nói rõ: văn chương nói chung thôi, chưa được thi ca cho lắm!). Có dễ đây là bài “rá chị” nhứt nhì ba bốn về nan đề này chăng? [Với Web NHAMagazine đâu như 2 tuần trước, qua Web Talawas, cũng có một bài giá trị khiến tôi gia cố thêm ý định bàn, tán về Mở Miệng những khi có thể.

Cám ơn Đỗ Lê Anh Đào (là chính), ở cách nêu các câu hỏi - lặng lẽ về phong cách lừng lững về văn cách.

 

2- Phục Viện Goethe tại Hà Nội:

Nơi đã sắp cho giao lưu và trình diễn thơ Mở Miệng (với Lý Đợi và Bùi Chát, là hai đại diện –đại… miệng thì đúng hơn!) vào đêm thứ sáu ngày 17/6/2005. Nếu vậy, đấy sẽ là nơi chính thống (theo nghĩa đúng của nó), chuyên nghiệp và quốc tế động đến một… văn kiện (là sự kiện văn chương í mà) chưa từng có trong sinh hoạt chữ nghĩa, thi ca và không dễ động đến này (ở Việt Nam). Đâu như (các thông tin ở các vụ “đâu như” ở đây tôi đều có thể chính xác nó, nhưng lúc này đang vội, nên thưa bạn đọc, cho tôi được vầy vậy!) 3-4 tháng trước, cũng theo Talawas, hình như nơi đây đã định làm việc này mà lại ngưng? Khiến tôi từng phục một lần.

Theo tôi nhòm thì, cái khó (và cái tiếc là) của sự kiện Mở Miệng là ở tính văn hóa trong (sinh hoạt và tác phẩm) văn chương, ở thái độ viết văn hơn là tác phẩm văn chương. Mà tính này đã, đang và sẽ bị nhập nhằng (ở Mở Miệng, cùng ở khá nhiều “văn kiện” khác nơi sinh hoạt và sáng tác chữ nghĩa Việt Nam nói chung; mà cuộc tranh luận giữa Trần Mạnh Hảo và Đỗ Minh Tuấn âm ỉ nhiều năm nay và mới bùng trên Talawas mấy tuần qua là một ví dụ chả đẹp mặt gì chỉ được cái rõ ràng mắt ra mắt mũi ra mũi; chú ý: nói vậy không mang ý xếp chung pho-đờ 2 “văn kiện” ấy với nhau đâu) với tính (cách tân) thơ ca (Mở Miệng đúng ra là cần có tính này, song hiện chưa đậm và tôi tin là trong thời gian không xa nó sẽ đậm như một gam màu chủ đạo, như mong ước của những người chủ xướng ra nó và như sự… hiểu lầm của nhiều người), với tính thời cuộc của văn nghệ (như ở tư trào Nhân Văn – Giai Phẩm, mà qua đến tăng hai thì tư trào đó mới mang tính cách tân trong văn chương, trong thi ca; chuyện xa xôi gần nửa thế kỷ rồi mà đến nay ối vị còn bị nhập nhằng, nói gì đến Mở Miệng đang còn sờ mó được.)

Vì chất văn hóa của nó, thì “các anh các chị bên Viện Gớt-tơ xử lý là đúng chuyên môn rồi”, thưa bạn đọc. Khi nào Mở Miệng có tính thi ca cao thì “các anh các chị bên Hội Nhà Văn, bên cánh phê bình văn học chính thống và không chính thống (nhưng nhà nghề) mới có giốp”, có phải thế không ạ?

Cám ơn Goethe (là phụ), cám ơn vị chủ trì Viện Goethe tại Hà Nội đang chủ xướng cuộc chơi văn nghệ này (là chính). Vội quá, tôi chưa dò lại tên của ông từ một bản tin cũ được, mà biết đâu nay vị khác sắm vai này thì sao?

 

3- Phục tính hào sảng, độ tức thời, niềm tạo hứng và nhất là chất đối thoại của hệ thống Web khi nó có tính văn chương (mà sự cảm ơn nó trong vụ này dành cho Web Tiền Vệ là chính): Lý do hiển hiện (và đang bàn tới trong  ‘Vạch Áo Nàng Thơ’)

Và còn lý do ẩn, riêng tư, làm nên chất liệu của toàn bài: Số là chừng 2 tuần nay, tôi đang viết một trường ca mới của mình, tên Thơ Thời gian, dự tính 5-6-7 chương gì đó, trong đó có chương phần II. 6. d- "Về Mở Miệng". Phần này cùng các phần khác của chương II đeo loằng ngoằng bên dưới cái chú thích (mà cô còn thích hơn!) rằng “Tôi đã sử dụng một số nội dung có trong bản thảo cuốn sách bình luận văn chương ‘Vạch Áo Nàng Thơ’ của tôi đang được viết. Chúng có mặt ở đây như là nội dung độc lập.” Hai tuần nay, tôi thường ngưng làm trường ca lúc 2-3-4 giờ sáng gì đấy để còn dậy sớm mà đi cày (ở nơi không có chữ nghĩa chữ ngót, càng không có chuờng ka chường kót). Giữa đỉnh cao và vực sâu đó, trước khi đi nằm, thế nào tôi đảo mình vô Web Tiền Vệ lấy các bài mới xuống để chiều tối về đọc. Sáng sớm nay, cũng vậy. Và thêm - đến đây, bạn đọc thấy ổ con chuồn chuồn rồi – viết bài này có trích chương phần II. 6. d- "Về Mở Miệng" từ bản thảo trường ca đang viết. [Như thế, trong vụ này, hình thức nó quyết định béng mất cái nội dung rồi, chứ còn gì nữa: Với ý nghĩa của toàn bài là một bài báo về vấn đề Mở Miệng, tôi nghĩ là bạn đọc nên đọc phần thơ như: 3.1) một minh họa – tất nhiên rồi; 3.2) độc lập với bài trường ca nêu trên;  3.3) một đứa con ra đời hơi bị thiếu tháng (tính về thời gian và về những cái không thuộc về thời gian) – nếu nói ở mặt thi ca. Tôi xin cám ơn!]

Lúc này là 4 giờ 23 phút. Còn bây giờ là:

 

Về Mở Miệng

(trích trường ca Thơ Thời gian)

 

“Khởi thủy là Lời” Chúa duy ngôn đáo để

Duy thực không đâu như dân mình

Đầu lưỡi nào có phải “Hao a iu?”

“Bác ăn cơm chưa?” mới là câu chào chính hiệu Việt

 

Nhà văn An Nam nay sương sướng rồi (chó không thể sánh so)

Câu sửa mình “Học ăn, học nói, học gói, học mở” đã chuyển sang giai đoạn nhị

Khỏi lo “Học ăn”  - văn là chuyện to ăn là chuyện nhỏ

Thế hệ a còng thèm nói rồi quá khứ lặng câm ơi!

 

Bè lũ bốn tên này dấu ấn thiên tài hiện trong từng mẫu tự con con

Một là Lý Bạch (Đợi chờ gì đâu bọ biết mộng văn hùng của chú bọ không làm thinh mãi được)

Hai Nguyễn Duy từng rằng “Tớ không Yêu nữa thì thành Nguyễn Du” vậy ta có quyền suy ra Khúc Duy cũng thừa tài hành ngôn kiểu ấy

Ba dòng nhà Bùi bắn ca nông từ Giáng sẽ tới liền ngay Chát

Bốn Nguyễn Quán họ thần Siêu tên thánh Quát đọc trại đi chứ gì

 

Mà thôi luật thi nhân Đông phương

Luận thi tài bất cần soi tên tuổi

Hay như thần đồng (điếu cày) Khoa đã nói

“Anh cứ chiềng thơ ra đi!”

 

Phản thi ca anti-poetry

Thể nghiệm hết cỡ

Tự xuất bản samizdat nơi cửa tiệm photocopy chốn web

Cần chính danh ư tên Giấy Vụn đây nè

Chủ nghĩa đạo văn plagiarism

Làm mới phá thể cách tân cách mạng

Ngôn từ đời thường trần trụi thùi lụi

Tu từ thực chăm phần chăm

Thi pháp parody giễu nhại nhại văn nhại thơ nhại một tác giả nhại một bài thơ

Yếu tố cửng nứng tàn bạo là tục khắp bốn vùng chiến thuật pha độ tiếu lâm báng nhạo

Logo: chưa thấy xì ra

Motto: "Chúng tôi không làm thơ”

(Ngôn nội ý ngoại: “Chúng tôi chỉ mở miệng thôi mà thơ nó văng miểng theo đấy chớ!”)

 

Việc làm thơ như thế nào mới là chuyện lớn

bài thơ hay dở như thế nào là chuyện không lớn

Người ta biết mình làm thơ như thế nào càng là chuyện lớn

người ta khen chê thơ mình như thế nào càng là chuyện không lớn

 

Đọc Mở Miệng hồi hộp làm sao

Lòng thơ bạn đọc cổ hủ hệt như Kiều mới mất trinh sắp phó mình cho Sở Khanh bốn chú

 

Mở Miệng ngon quá rùi Mở Miệng ơi Mở Miệng

Từ Thơ Mới tới giờ chửa có nhóm thơ nào như thế mầm thành quả một phát ăn ngay

Các cụ Nhân Văn – Giai Phẩm mở miệng ở 2 số báo thì mùa thu lá bay họ ngậm miệng (nghèo có xu sứt nào để mà được xem ăn tiền đâu mà được ăn cái hoạn nạn thì có) Trần quân vay tiền còi bạn văn, Phùng quân câu cá ươn trộm, Nguyễn quân nhai thịt cóc vận nội lực cách tân để Mở Mắt Mở Tim

Có kẻ nói rằng cánh Nhân Văn – Giai Phẩm như rồng đến khi về trần thì chả thấy chất rồng của họ đâu

Đúng là lưỡi không thơ nhiều đường thô thiển nghe thì đau nhưng cũng ra vấn đề ảo ảo thực thực của văn nhân

Văn học trên căn bản là ẩn hiện là bồng bềnh song le tác giả không nên hèn đớn nương trong đám mây giời che (đây không tính đám bỉ văn náu trong mây nhân tạo càng không chấp tụi nhục văn lẩn trong mây tự tạo)

Chả thế thềm kỷ nguyên mới Lý-Bùi-Khúc-Nguyễn mở toang miệng ra cho thiên hạ thấy trong trỏng có những gì

 

Đỗ (Quyên thôi hổng phải Phủ đâu mà sợ!) đang phỏng vấn tưởng tượng Mở Miệng:

Đề nghị bác Lý trưởng cứ cho làng mình mở tiếp ráng mở cho đúng chỗ đúng lỗ là miệng nha?

Tụi này biết mà nhưng cứ mở lộn cúc quần cúc áo phẹc mơ tua chơi cho các ông già các bà goá các cô trẻ tá hỏa tam tinh

Trước khi mở đã uốn lưỡi thơ đủ 7 lần?

Chả sao nhầm là chuyện nhỏ thơ là toán đâu mà chính xác từng dòng

Đã đánh răng thơ nạo lưỡi thơ?

Chậc hơi thơ nào phải nước hoa mà thơm mà tho lại nữa đây là hơi từ miệng ắt có mùi riêng tư chứ bộ

Cứ mở hoài vậy có mỏi thơ hông?

Hỏi chi mà hèn rứa mần cách mạng thơ như mần tình non-stop nỏ biết mỏi là mô nỏ biết mệt là chi

Khi nào khép miệng hay cứ vậy mà mở đến khi thơ chết?

Cái anh lày ninh tinh hỏi vớ va vớ vẩn Mở Miệng Mở Miệng nữa Mở Miệng mãi

 

Trong chiếu tự gio ngôn nuận, tự ro suất bản, tự ro hội hè thì vụ làng ta Mở Miệng cho thấy cái mật Khương Duy to bằng quả trứng gà công nghiệp của bốn trự

Nơi chiếu kách mệnh trong Nghệ Thuật (viết hoa viết đúng chánh tã đàng hoàng nha không là Nghệ Thọt đâu) Mở Miệng đang ở giai đoạn quá độ thiên hạ mới chỉ thấy răng cùng lưỡi và ngửi được hơi lòng phèo

Trong khi Nghệ Thuật của Mở-Miệng-chân-chính là Lời

Nghệ Thuật chân chính - hổng phải chân phụ chân ăn theo, chân hai bên chớ hổng phải chân giữa – xét đến cuối cùng là Mở Tim (Tâm) Mở Mắt (Tài)

Miệng là chuyện nhỏ là chuyện ăn chuyện nói

Chỉ ở các xứ đói ăn thèm nói mới trọng chuyện nói chuyện ăn

Mắt

Tim

Chuyện lớn chuyện vẻ chuyện văn

 

Sắp sang giai đoạn tam tứ Học gói Học mở chưa nào?

 

Chúc may cho tứ nhân bang Lý-Bùi-Khúc-Nguyễn

Có làm được một bộ tứ Đinh-Lý-Trần-Lê trong thiên thi sử Việt không thì bảo!

 

Melbourne, 28-5---13-6-2005
Đỗ Quyên

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021