thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“Ê, tao đây”

 

Tác giả của bài viết sau đây là một học sinh lớp 10 (chuẩn bị lên lớp 11). Tôi tình cờ đọc được nó, thấy thật hay, thật ngộ nghĩnh. Bài viết khiến tôi thấy bớt bi quan cho một lớp trẻ mà vốn trên các báo hay ra rả kêu than về tình trạng vô cảm (xem các bài “Văn chương rợn tóc gáy”, “Tôi đi chấm thi” ... v.v trên các tờ Thanh niên, Tuổi trẻ). Tôi trao đổi với em, và được biết rằng, em viết nó với ý đồ post lên một diễn đàn về ... điện ảnh (thế mới biết, tình hình sinh hoạt văn học cho những người trẻ tuổi phong phú ra sao), nhưng thấy không hợp và cũng đã chán, nên lại thôi. Tôi bảo em, hay là gửi thử lên mấy website về văn học như tienve, hay talawas (đương nhiên là tôi không xúi em gửi cho mấy tờ Mực tím hay Hoa học trò, thậm chí, kể cả Văn Nghệ trẻ). Em bảo, không có hứng thú. Quan trọng hơn, mẹ em cực lực phản đối việc gửi đi bài này, bởi chị e ngại em sẽ bị làm khó dễ ở trường. Vậy, tôi mạn phép em gửi đi bài này, nhưng không công bố tên tác giả.
Vương Văn Quang

 

________________________

 

“Ê, tao đây”

 

Tranh thủ lúc các bạn gái chưa có thai và các bạn trai chưa kịp tàn sát hết lẫn nhau, chúng ta nên tìm hiểu xem thế nào là thơ. Tại sao lại tìm hiểu về thơ? Hừm, cái giống này thật sến, liệu nó có còn lí do để tồn tại trong cuộc sống ngày hôm nay? Hãy khoan, đừng quá khích như vậy. Ừ, mà tôi cũng thông cảm cho thái độ đó của các bạn, bởi nhắc tới thơ là các bạn vội nghĩ ngay tới văn vần, những nhịp điệu ê a nhàm chán của những câu lục bát, những “hình tượng” chú bộ đội hiên ngang, bác nông dân cô công nhân chị thanh niên xung phong cần cù thông minh sáng tạo, lao động hăng say và nồng nàn yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; hay những trò đố chữ rất nhà quê, rất tởm như “mỏng như rơi nghiêng”, “ngửi mâu thuẫn đắng”, “giấu tuổi thanh xuân dưới má lúm đồng tiền” ... v.v . Nếu đúng là thơ phải luôn gắn liền với những thứ như vậy thì ... hừm, nó không còn lí do gì để tồn tại thật. Nhưng văn thơ là đời sống, mà đời sống thì, như chúng ta đều biết, nó luôn vận động. Vậy thơ có vận động? Có chứ ! Để thấy nó vận động ra sao, xin các bạn hãy tìm đọc tập thơ Ê, tao đây của nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh. Này, đừng cho rằng tôi xúi bậy. Nói thật đấy, đây là một tập thơ rất dễ đọc, rất nhiều điều thú vị. Và quan trọng hơn, nó đã theo được nhịp của đời sống, hay nói cho có vẻ triết học là vận động í mà .

Tin tôi đi, tập thơ này sẽ khiến các bạn đọc một lèo (điều này hơi khó cho việc đọc một tập thơ à nha); trước hết bởi sự cô đúc của nó. Về mặt dung lượng, tập thơ chỉ có 17 bài; ngoại trừ bài đầu ("Những ý rời"), có vẻ hơi lan man và vẫn còn sa đà vào “nghệ thuật đố chữ” nhưng cũng không thiếu những câu/ý hay, đáng suy ngẫm như: “Bọn nhóc là những cây que, trường học là Trại súc vật ...”, “Phạm Duy chờ Tổ quốc ăn năn và Nhất Linh chết đẹp hơn một nhà văn” thì mười sáu bài còn lại là những bài thơ ... rất thơ . Này nhé:

 
TRỒNG NGƯỜI
 
Một học sinh bị phạt bằng cách chép đầy 2 trang giấy: em không nhúc nhích.
Một học sinh bị phạt bằng cách tự tát vào mặt: 56 lần.
Một học sinh bị phạt bằng cách cấm địt một tháng.
Một học sinh bị phạt bằng cách không được chảy máu: lúc có kinh.
Một học sinh bị phạt bằng cách uống một ly nước muối: vô lễ trong giờ đạo đức.
Một học sinh bị phạt bằng cách nuốt một tờ giấy A4: bài kiểm tra dưới trung bình.
Một học sinh bị phạt bằng cách ngồi trong cầu tiêu hát quốc ca: khuỵu chân trong lúc chào cờ
Một học sinh bị phạt bằng cách nhổ cho bà hiệu trưởng 1 ngàn tóc ngứa: gãi đầu, ngáp, và không phân biệt được khủng long với loài bò sát.
Một học sinh bị phạt bằng cách bôi nhọ lên trán đứa ngồi cạnh: không giúp bạn giữ im lặng.
Một học sinh bị phạt bằng cách ngậm cục tẩy trong giờ lịch sử: không nhắc đủ 800 tên anh hùng.
Một học sinh bị phạt bằng cách nhắm mắt 1 tuần vì không thuộc lòng bài thơ: Đêm Nay Bác Không Ngủ.
 
12 năm sau có một học sinh bị liệt chi dưới.
12 năm sau có một học sinh má trái phính hơn má phải.
12 năm sau có một học sinh nghiện mùi thúi.
12 năm sau có một học sinh bị cắt buồng trứng.
12 năm sau có một học sinh bị đứt thanh quản.
12 năm sau có một học sinh thấy giấy thì xé.
12 năm sau có một học sinh không dám ỉa trong cầu tiêu.
12 năm sau có một học sinh ngồi gần ai có tóc thì bứt.
12 năm sau có một học sinh thường bốc cơm trong chén người khác.
12 năm sau có một học sinh nhìn thấy tượng đài là đái.
12 năm sau có một học sinh theo đạo hồi tìm hài cốt Saddam.
 
Hơn 20 năm trước tao là một học sinh luôn đứng không vững.
Bây giờ tao là chủ một cây cột điện 25 thước nhưng không lèo lái được bọng đái của mình.
 

Thấy chưa, một bài thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa quá xuất sắc. Tôi đánh giá nó xuất sắc bởi nó đạt tiêu chí: rất chân thật. Sự chân thật này được bảo hiểm bằng những bài báo trên các tờ Thanh niên, Tuổi trẻ ... Đồng thời, bài thơ còn mang một dáng vẻ “tiên tri thấu thị”, dù chỉ là thấu thị “12 năm sau”. Bên cạnh đó, bài thơ cũng phơi bầy những phi lí đầy tính logic của đời sống xã hội Việt Nam hiện đại: “Một học sinh bị phạt bằng cách không được chảy máu: lúc có kinh”, “Một học sinh bị phạt bằng cách ngậm cục tẩy trong giờ lịch sử: không nhắc đủ 800 tên anh hùng”. Tôi đặc biệt thích thú câu: “Một học sinh bị phạt bằng cách nhắm mắt 1 tuần vì không thuộc lòng bài thơ: Đêm Nay Bác Không Ngủ”, hay “12 năm sau có một học sinh không dám ỉa trong cầu tiêu”. Ôi, sự phi lí đến tuyệt vời. Nếu F. Kafka được đọc những vần thơ này, hẳn ông sẽ yêu cái xã hội mà ông đã sống lắm. Ông sẽ không còn thấy đời phi lí

Nhìn chung, 16 bài thơ trong tập Ê, tao đây đều thuộc dạng này. Cảm xúc chân thật. Ít ẩn dụ hoặc ẩn dụ làm ngườI đọc dễ liên tưởng. Không làm dáng. Ngôn ngữ rất đời, rất sống động. Về mặt ngôn ngữ, theo tôi, đây là điểm khá quan trọng. Nếu ngôn ngữ không có chất đời, đó là thứ ngôn ngữ chết (có thể một số nhà phê bình coi đây là thứ ngôn ngữ không “sang trọng” [?]. Nhưng thây kệ họ!).

 

Bên trên, tôi có nhắc tới tính “tiên tri thấu thị”, và đây, một ví dụ cho sự” tiên tri” đó. Sự “tiên tri” có tính đặc sản Nguyễn Quốc Chánh. Tôi gọi nó là sự “tiên tri”, nếu không chính xác, các bạn bỏ quá nha

 

PHỈNH
(ưa phỉnh, phỉnh dỗ, phỉnh mũi, phỉnh nịnh, phỉnh phờ, lừa phỉnh, phỉnh gạt)
 
Để giết chuột, không gì bằng keo diệt chuột của công nghệ sinh học Việt Nam.
Để giết bọn văn nghệ, không gì bằng lùa chúng vào Hội Nhà Văn Việt Nam.
Để giết lũ sinh viên, không gì bằng cấp cho chúng bằng tiến sĩ Việt Nam.
 
Để chơi trò ngu dân, không gì bằng làm lãnh tụ tinh thần Việt Nam.
Để chơi trò bù nhìn, không gì bằng làm đại biểu quốc hội Việt Nam.
Để chơi trò văn hiến, không gì bằng làm công dân thủ đô Việt Nam.
 
Để biết ngày mai ra sao, không gì bằng nghe thầy bói Việt Nam.
Để biết quá khứ thế nào, không gì bằng đọc lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Để biết hiện tại tới đâu, không gì bằng lái xe qua các nẻo đường Việt Nam.
 
Để lấy cảm hứng đồi trụy, không gì bằng nhậu thịt chó vỉa hè Việt Nam
Để lấy cảm hứng phản động, không gì bằng ra vào hải quan Việt Nam
Để lấy cảm hứng anh hùng, không gì bằng chui xuống địa đạo Việt Nam
 
&
 
Để hiểu nghĩa của từ phỉnh, không gì bằng làm công dân nước CHXHCN Việt Nam.
 

Bây giờ các bạn đã tin tôi chưa? Thơ không phảI là thứ “sến rện” ỉ ôi như các bạn nghĩ đâu nhé. Và thơ như của Nguyễn Quốc Chánh thì hoàn toàn có lí do để tồn tại rồi. Tóm lại, khi con người còn phải dùng ngôn ngữ để truyền tải những tâm tư tình cảm của mình, thì thơ còn tồn tại. Nhưng với điều kiện, thơ cũng phải vận động theo cuộc sống (và một chút lương tâm thi sĩ). Tất nhiên.

 

Bìa tập thơ Ê, tao đây của Nguyễn Quốc Chánh (Sài Gòn, 2005).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021